Đây là động thái nằm trong gói viện trợ tổng cộng 174 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ đã phê duyệt kể từ năm 2022 để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết quyết định xóa nợ cho Ukraine được đưa ra nhằm bảo vệ các lợi ích chiến lược của Mỹ và các đồng minh quan trọng, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), nhóm G7+ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thông tin nêu trên được Bloomberg công bố, dựa trên nội dung một lá thư chính thức mà Bộ Ngoại giao gửi tới Quốc hội Mỹ vào ngày 18/11, trong đó nhấn mạnh rằng hành động này không chỉ hỗ trợ Ukraine mà còn củng cố sự đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia đồng minh trước tình hình xung đột kéo dài với Nga.
Tuy nhiên, kế hoạch xoá nợ cho Ukraine của chính quyền Biden đã vấp phải sự phản đối từ một số chính trị gia, đặc biệt là Thượng nghị sĩ Rand Paul, người cho rằng việc xóa nợ sẽ tăng gánh nặng và không công bằng với người nộp thuế Mỹ. Ông tuyên bố sẽ bỏ phiếu ngăn chặn kế hoạch này, đồng thời chỉ trích việc chuyển giao viện trợ cho Ukraine là “tài trợ cho tham nhũng.”
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố rằng ông sẽ không phản đối viện trợ cho Ukraine, nhưng nhấn mạnh các khoản hỗ trợ nên được thực hiện dưới dạng cho vay thay vì tài trợ không hoàn lại.
Ukraine hiện phụ thuộc phần lớn vào viện trợ quốc tế để duy trì nền kinh tế. Với thâm hụt ngân sách lên tới 75%, nước này dự kiến cần từ 12 đến 15 tỷ USD để trang trải trong năm tới. Nợ công của Ukraine đã vượt quá 152 tỷ USD, trong khi chi phí trả nợ tăng cao trong năm qua.