70 công ty Việt Nam lọt Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -Vị trí số 1 trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á (Southeast Asia 500) lần đầu tiên được Fortune công bố thuộc về công ty Trafigura có trụ sở tại Singapore.
Có 70 công ty Việt Nam nằm trong Danh sách Fortune Southeast Asia 500.
Có 70 công ty Việt Nam nằm trong Danh sách Fortune Southeast Asia 500.

Tạp chí Fortune vừa công bố bảng xếp hạng 500 công ty Đông Nam Á năm 2024 – the Southeast Asia 500. Đây là lần đầu tiên Fortune công bố bảng xếp hạng 500 công ty lớn nhất trong khu vực dựa theo doanh thu của năm tài chính 2023. Fortune dành sự chú ý cho Đông Nam Á khi khu vực này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với nền kinh tế toàn cầu nhờ sự thay đổi chuỗi cung ứng và sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế trong khu vực.

Bảng xếp hạng đầu tiên này bao gồm các công ty từ bảy quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Philippines và Campuchia. Indonesia chiếm ưu thế với 110 công ty. Theo sau là Thái Lan với 107. Malaysia, với 89 công ty trong danh sách, vượt qua Singapore với 84 công ty. Việt Nam có 70 công ty nằm trong danh sách, trong khi đó, Philippines có 38 công ty và Campuchia có 2 công ty.

Về mặt doanh thu, công ty kinh doanh hàng hóa Trafigura có trụ sở tại Singapore đứng số 1 trong danh sách và nổi trội với doanh thu 244 tỷ USD. Đây là công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, kim loại và năng lượng, có số lương nhân viên ít nhất trong số 10 công ty hàng đầu về doanh thu và là công ty có lợi nhuận cao thứ hai trong nhóm này.

Top 10 công ty trong Bảng xếp hạng Southeast Asia 500 hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Có 3 công ty trong lĩnh vực năng lượng, gồm PTT của Thái Lan xếp thứ 2, Pertamina của Indonesia xếp thứ 3 và công ty điện lực nhà nước Indonesia Perusahaan Listrik Negara xếp thứ 6. Đáng chú ý, Singapore có số công ty nằm trong top 10 nhiều nhất, ngoài Trafigura còn có Wilmar xếp thứ 4, Olam xếp thứ 5, Flex xếp thứ 8 và DBS xếp thứ 10. Cũng nằm trong top 10 còn có CP All của Thái Lan xếp thứ 7 và San Miguel của Philippines ở vị trí thứ 9.

Mười công ty lớn nhất trong bảng xếp hạng có doanh thu báo cáo là 650 tỷ USD. Con số này chiếm hơn 1/3 doanh thu cho năm tài chính 2023 của tất cả 500 công ty Đông Nam Á, với tổng doanh thu báo cáo là 1,8 nghìn tỷ USD. Các công ty được đưa vào danh sách phải đạt ngưỡng doanh thu tối thiểu là 460,8 triệu USD.

Lĩnh vực lớn nhất Đông Nam Á: Năng lượng với tổng doanh thu 590,7 tỷ USD. Lĩnh vực lớn thứ hai: Ngân hàng với doanh thu 242 tỷ USD. Lĩnh vực lớn thứ ba: Thực phẩm, Đồ uống và Thuốc lá với doanh thu 201,1 tỷ USD.

Xếp hạng về khả năng sinh lời, các ngân hàng thương mại thống trị top 10, chiếm 6 trong 10 công ty có lợi nhuận tốt nhất bảng xếp hạng Southeast Asia 500. Chỉ có 3 công ty lọt vào top 10 cả về doanh thu và lợi nhuận: DBS, Trafigura, Pertami. Doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất: 9 ngân hàng lọt top 20 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất. DBS của Singapore dẫn đầu ngành ngân hàng cả về doanh thu và thu nhập

Nhìn chung, doanh thu và lợi nhuận của 500 công ty trong bảng xếp hạng Southeast Asia 500 bị giảm trong năm qua. Sự thay đổi này bắt nguồn từ thị trường năng lượng yếu kém, đã che khuất sự tăng trưởng ấn tượng ở nhiều ngành khác. Những công ty tăng trưởng nhanh bao gồm các công ty khai thác của Indonesia gồm có Harita Nickel và Merdeka Battery Materials, các công ty du lịch như Thai Airways, cùng một loạt công ty bảo hiểm và ngân hàng.

Bảng xếp hạng Fortune Southeast Asia 500 phản ánh một khu vực năng động và thay đổi nhanh chóng — một khu vực có nền kinh tế cốt lõi đang tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với châu Âu hoặc Mỹ. Điều này một phần là do Đông Nam Á hiện có tầm quan trọng lớn hơn nhiều trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là do nhiều công ty đa quốc gia trong bảng xếp hạng Global 500 đã chuyển nhiều chuỗi cung ứng của họ sang các quốc gia Đông Nam Á”, Ông Clay Chandler, Tổng Biên tập khu vực châu Á của Fortune, cho biết.

Trong phần giới thiệu về danh sách mới được công bố trên Fortune.com và trong tạp chí Fortune Asia số tháng 6/tháng 7, Chandler lưu ý, “Bảng xếp hạng Southeast Asia 500 sẽ theo dõi sự lên xuống của các ngành công nghiệp trong khu vực – như kinh doanh hàng hóa, vận tải, tài chính, bán lẻ, công nghệ hay dịch vụ - bởi bảng xếp hạng này ghi chép những sự kiện tại một khu vực đang thay đổi nhanh chóng trong những năm tới”.

Một dấu hiệu khác cho thấy sự năng động của khu vực - các nhà phân tích của Fortune nhận thấy có khoảng 30 nữ CEO và chủ tịch trong số 500 công ty Đông Nam Á. CEO trẻ nhất là ông Sinon Vongkusolkit, Giám đốc điều hành Banpu của Thái Lan, 34 tuổi, lên nắm quyền vào tháng 3/2024. Tổng cộng có 16 lãnh đạo ở độ tuổi 30 giữ các chức vụ CEO, Giám đốc điều hành, Chủ tịch điều hành hoặc Chủ tịch. Tổng cộng, 500 công ty này tuyển dụng gần 6 triệu người.

Ông Khoon-Fong Ang, Giám đốc Điều hành của Fortune tại châu Á chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng giới thiệu Bảng xếp hạng Southeast Asia 500 tới độc giả quốc tế, dựa trên kinh nghiệm 70 năm xuất bản Bảng xếp hạng Fortune 500. Với bảng xếp hạng mới này, chúng tôi tập trung vào câu chuyện tăng trưởng ấn tượng của Đông Nam Á và các công ty lớn nhất đang thúc đẩy khu vực đa dạng này cũng như các nền kinh tế của khu vực,”

Các công ty lọt vào Bảng xếp hạng Southeast Asia 500 sẽ gia nhập một nhóm các công ty hàng đầu được công nhận thuộc danh sách Fortune 500, bao gồm Fortune 500 ban đầu, Fortune Global 500, Fortune Europe 500 và Fortune China 500. Bảng xếp hạng Fortune Southeast Asia 500 và câu chuyện về các công ty này sẽ có mặt trên các sạp báo khắp châu Á bắt đầu từ ngày 18 tháng 6.

Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?