“Hư thì cho đi bộ đội”
Hồi xưa, các bà, các mẹ hay có câu kiều như cửa miệng: “Hư thì cho đi bộ đội, người ta rèn cho”. Vui vui thế thôi, nhưng câu đó cũng là trải qua đúc kết thực tế cả. Anh nào bướng bướng, nghịch nghịch, hay thậm chí phá phách, đi bộ đội về thấy “người nhớn” hẳn lên, chững chạc, biết lo toan, tự nhiên làm được bao nhiêu là việc.
Nói thì nói thế thôi, không phải cứ tự nhiên ai đi bộ đội về cũng trở thành một “phiên bản” cứng cáp hơn của chính mình như thế. Có một điều mà doanh trại quân đội nào cũng có, nhưng bà con mình ít ai để ý. Đấy là câu khẩu hiệu to đùng: “KỶ LUẬT LÀ SỨC MẠNH CỦA QUÂN ĐỘI” được in ngay phía trên cánh cổng của đơn vị.
Quả thật là như thế, bước qua cánh cổng ấy, là rất nhiều thứ khác so với cuộc sống bên ngoài.
Kỷ luật, nghiêm khắc, mọi sinh hoạt khép trong khuôn khổ… Thức dậy từ sáng sớm tinh mơ, quá nửa thời gian của một ngày là dành cho học tập, rèn luyện bất kể nắng, mưa. Việc phải hành quân hàng chục kilomet với ba lô nặng trĩu trên vai hay phải thức dậy vào lúc nửa đêm để đi gác, hoặc báo động chiến đấu… là “như cơm bữa”. Nhưng chính những vất vả, khó khăn ấy đã mài giũa nên những con người rắn rỏi, khỏe mạnh hơn cả về sức khỏe thể chất lẫn sức mạnh tinh thần, để vượt qua bao thử thách trong cuộc sống.
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Lấy tập thể rèn cá nhân, lấy cá nhân rèn tập thể
Một chiến sĩ mắc lỗi để chiếc giày không đúng quy định, cả tiểu đội sẽ bị trừ điểm thi đua. Đó sẽ là cái lỗi “nhớ đời” của cá nhân đó, vì nó ảnh hưởng đến tất cả những người khác, và vì cái lỗi ấy mà những anh em, đồng đội cùng kề vai sát cánh phải chịu phạt oan. Bởi thế cho nên, những cá nhân còn lại sẽ nhìn thấy vậy mà không bao giờ muốn mình trở thành người làm ảnh hưởng tới tập thể. Cứ như thế, cá nhân và tập thể, đó là sự gắn bó không thể tách rời trong quân đội. Một người vì mọi người, mọi người vì một người, tập thể cứ thế vững mạnh lên. Từ
“tập thể” ở quy mô nhỏ nhất trong quân đội là “tổ 3 người”, rồi đến Tiểu đội, Trung đội, Đại đội… tạo nên sợi dây gắn kết bền chặt trong toàn quân. Đoàn kết để tạo nên sức mạnh tập thể, đoàn kết để mỗi cá nhân trong tập thể đều trở nên tốt hơn.
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Quân đội nhân dân – Giản dị mà thiêng liêng
Quân đội Nhân dân Việt Nam - danh xưng ấy đã trở nên quá đỗi quen thuộc, tới mức nhiều khi người ta cứ mặc nhiên nói ra, chứ chưa hẳn ai đã thấm thía hết ý nghĩa của 4 chữ đó.
Quân đội Nhân dân - ấy là một đội quân khác với “Quân đội nhà nghề” - tức là tham gia quân đội thuần túy là một nghề. Và cũng bởi thế, có ai nói bộ đội ta làm nghề bảo vệ Tổ quốc?
Quân đội Nhân dân - ấy là một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh.
Quân đội Nhân dân - ấy là đội quân đã làm nên những chiến thắng vẻ vang, trước nhiều kẻ địch có sức mạnh về kinh tế, quân sự, lớn hơn quân đội ta nhiều lần.
Điều gì đã giúp phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong những trận chiến đấu tưởng như rất chênh lệch về lực lượng, vũ khí, khí tài?
Sẽ là một câu trả lời rất dài để lý giải cho câu hỏi đó. Nhưng dù có dài đến đâu, thì trong câu trả lời ấy, sẽ không thể thiếu điều giản dị mà thiêng liêng: bởi vì đó là 1 đội quân sinh ra giữa lòng nhân dân, được nhân dân đùm bọc, che chở, thương yêu, tiếp thêm nguồn sức mạnh vô tận…
Đội quân ấy có những cá nhân kiệt xuất, là những tướng lĩnh lỗi lạc trong lịch sử, đã được cả thế giới tôn vinh, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng đội quân ấy chưa bao giờ là đội quân của những cá nhân. Đội quân ấy, đã, đang, và sẽ luôn, là đội quân muôn người như một.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Trung
(Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội)