Không phải mấy ông bảo vệ đâu, là bà mẹ. Cô con gái lí nhí (tôi không nghe rõ, nhưng điệu bộ có vẻ là xin lỗi).
Nhưng cô đâu có sai? Thòng dây điện ngang vỉa hè như một cái bẫy, cái sai thuộc về người của siêu thị chứ? Điều gì khiến bà mẹ bật ra phản xạ mắng con, và điều gì khiến cô con gái phải xin lỗi (mà xin lỗi ai, xin lỗi cái gì mới được)?.
Những thỏa hiệp của chúng ta với những điều vô lý ngược ngạo ngày càng nhiều.
Chẳng hạn, cứ dừng xe một lúc là có ông/bà ra thu tiền. Tôi ngồi cà phê với bạn, ô tô đỗ cửa quán. Một bà mặc áo đồng phục ra thu Hai Chục. Bên kia đường mới kẻ vạch đỗ xe, bên này thì không.
- Thế nên mới hai chục, đỗ bên kia thì Năm - bạn tôi cười.
Đấy là một thỏa hiệp rất phổ biến.
Cho nên khi một anh cáu lên, cầm điện thoại đi khắp Hà Nội quay các điểm thu tiền đỗ xe sai quy định, thì rất nhiều người ủng hộ. Sự ủng hộ mang tính ủy nhiệm.
Chính tôi cũng giật mình khi anh ấy chất vấn bảo vệ một trường đại học sao lại thu tiền gửi xe của khách? Ừ nhỉ? Sao các trường công lập lại thu tiền gửi xe của học sinh, sinh viên vậy? Quỹ đất được cấp cho trường, dĩ nhiên gồm cả bãi đỗ xe cơ mà? Tiền của hàng nghìn lượt gửi xe mỗi ngày, tính vào khoản gì? Trong khi tiền học phí vẫn thu, "tiền trường" đủ thứ khoản vẫn thu, kinh phí xây dựng và duy trì hạ tầng vẫn được cấp?
Chúng ta thỏa hiệp từ ông rửa xe máy xịt tung tóe ướt nửa lòng đường, từ đơn vị mập mờ căng tin bia rượu, từ bãi rác đầu ngõ. Thỏa hiệp mãi, lùi mãi ngoài đời, để lên mạng xưng hùng xưng bá.
Chỉ đôi khi, rất thi thoảng thôi, mới giật mình vì hóa ra sự thỏa hiệp nó đảo lộn cả công chính. Như là khi một người bị vấp dây điện vắt ngang vỉa hè, rồi lại quay ra xin lỗi.