Áo trắng trên chiến hào: Chuyện chưa kể của người bác sĩ quân y

Áo trắng trên chiến hào: Chuyện chưa kể của người bác sĩ quân y

Dưới tiếng bom rền vang ở chiến trường Trường Sơn, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, những người mặc áo blouse trắng kiên cường giành lại sự sống cho đồng đội. Trung tá Nguyễn Thạc Sách, cựu bác sĩ quân y tại chiến trường B, đã vượt qua khốc liệt chiến tranh bằng trái tim người lính và thầy thuốc. Hơn chục năm sau hưu, ông vẫn còn nhớ những khoảnh khắc chiến trường, nơi hy sinh, dũng cảm và y đức hòa làm một.

***

PV: Cơ duyên nào đã đưa ông đến với con đường trở thành bác sĩ quân y?

Trung tá Nguyễn Thạc Sách: Tháng 4/1970, bấy giờ đã là Đảng viên, tôi xung phong nhập ngũ. Ngày 25/11, tôi lên đường vào chiến trường B, gia nhập đoàn 559, bộ đội Trường Sơn. Ban đầu tôi làm trợ lý quân y trong đội ba người, đến cuối năm, trước chiến tranh khốc liệt và nhiều hy sinh, tôi được bổ nhiệm làm đội trưởng Đội Phẫu thuật.

Quân y di chuyển theo đội hình chiến đấu trên đường mòn Hồ Chí Minh, nơi bom rơi liên tục 24/24 – từ napalm đến B52. Máy bay thám thính lượn lờ trên trời, chỉ điểm thả bom, ác liệt cắt đứt chi viện miền Bắc. Quân y gần như là vất vả nhất: cấp cứu, mổ xẻ, chôn người, lại phải làm nhà nữa, cứ đánh hỏng vứt đi lại phải làm lại. Mỗi lần đi chỗ khác phải làm phòng phẫu thuật, phòng phải đào sâu xuống tầng hầm, hai bên là hầm trú ẩn, ở giữa là hầm mổ. Mà tất cả chỉ có 12 người: một quản lý, một phụ trách nấu ăn, một lo chính sách, còn đâu toàn bộ là quân y.

Áo trắng trên chiến hào: Chuyện chưa kể của người bác sĩ quân y ảnh 1

Nếu bệnh nhẹ mổ mà khỏi thì mừng, còn nếu chết thì phải đi chôn, chôn thì lại không hề đơn giản. Chúng tôi phải đẫn những cây tre trong rừng, cỡ một gang đùi, ghép thành cái ván ở dưới, đào huyệt rồi ghép ván vào cây, cho một cái lót và cho người xuống. Cái vất vả nhất và chặt cây và đào hố. Đào phải cẩn thận vì không được đánh vào bộc phá. Khó khăn như vậy nên anh em chúng tôi hay nói với nhau là “không nghỉ ngơi, mổ 24/24 đều không sao, nhưng chôn một người thì rất mệt”. Nhiều khi vừa chôn xong bom đánh vào thì lại xới lên. Rất thương…

Thời điểm chôn chính người đồng đội của mình mang đến rất nhiều cảm xúc, không ai cầm được nước mắt. Có thể hôm nay vừa ăn với nhau xong bữa cơm thì chết. Nó ghê gớm đến mức tôi không thể tả được…

PV: Trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt, đặc biệt là thuốc men, đội ngũ quân y đã xoay xở ra sao để có thể cứu chữa kịp thời cho các thương binh?

Trung tá Nguyễn Thạc Sách: Chữa trị trên chiến trường vô cùng gian nan, chủ yếu dựa vào tự lực. Năm 1971, đường mòn Hồ Chí Minh bị đánh phá dữ dội; đến chiến dịch 1979, thương vong nặng nề. Chúng tôi phải tự nấu thuốc, pha chế huyết thanh. Dược tá làm việc trong phòng pha chế, nấu xong cất giữ, tiếp tục pha chế.

Gần như mọi loại thuốc, từ kháng sinh đến Cloroquin trị sốt rét, vitamin B1, B2, đều phải tự pha chế vì vật tư từ Bộ Y tế khan hiếm.

Áo trắng trên chiến hào: Chuyện chưa kể của người bác sĩ quân y ảnh 2

Mỗi một tiểu đoàn sẽ có một bộ phẫu thuật, trong đó có công cụ khám tai mũi họng, một kẹp mỏ vịt khám sản, khám ngoại thử phản xạ đầu gối, kim khâu da, dao mổ, dao cắt chỉ, kìm phẫu thuật, kìm mang kim, dụng cụ kẹp vật tròn, nỉa kẹp để gắp bông, cầm máu, kéo cắt nội tạng,... Hầu như các tiểu đoàn và quân y đi trên đường hành quân là phải có những dụng cụ như vậy.

Áo trắng trên chiến hào: Chuyện chưa kể của người bác sĩ quân y ảnh 3

Hồi đó, chúng tôi dùng nồi hấp phẫu thuật to khoảng 100l, mỗi lần chuẩn bị ca mổ phải nấu nước cất, dược sĩ phải chuyên môn nấu nước cất cả ngày cả đêm. Chuẩn bị cho ca mổ phải hấp dụng cụ và bông băng.

Ngoài ra mỗi người lính còn có bộ kit, đợt đó Trung Quốc viện trợ cho mình, dù bên trong không còn nguyên vẹn nữa nhưng đây là cái vỏ của hộp, đi lính thì ai cũng có một hộp này, gọi là bông băng cá nhân. Gồm có một cuộc garo, một cuộn băng, 1-2 lọ thuốc cấp cứu và thuốc chống rét.

Áo trắng trên chiến hào: Chuyện chưa kể của người bác sĩ quân y ảnh 4

PV: Hẳn là trong suốt thời gian ấy, ông đã gặp không ít ca bệnh khó, ông có thể chia sẻ thêm về những kỷ niệm ấy không?

Trung tá Nguyễn Thạc Sách: Có những ca tôi từng nghĩ chết 100%, nhưng lại vẫn sống được. Có một người bạn Lào tôi chữa trị cùng đánh với bên mình, một mình người đó trúng cả quả bom, bị toác hết toàn bộ cơ thể, mặt mũi rồi, hầu như mắt mũi răng đã mất hết, ngực toác ra thấy hết cả tim còn đang đập, hai tay thì cụt, vậy mà tôi đã cứu sống được, đến nay người này vẫn còn sống, chắc cũng khoảng 70-80 tuổi rồi.

Lúc đó bên Lào huyết thanh rất là ít, tôi truyền cho người đó một chai đạm, năm chai huyết thanh, tưởng chừng là không cứu được. Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên.

Còn một kỷ niệm nữa, đó là một người lái xe, khi mệt quá nằm nghỉ trên rừng đường mòn HCM, bị chiếc xe Zil ba cầu chở đạn pháo thuốc cực kỳ nặng đi cán qua người.

Lúc đó trên ngực người đó vẫn còn hằn nguyên lốp xe, tôi đã nghĩ là chắc sẽ chết, không thể cứu được, sau cuối cùng tôi đã cứu được. Thậm chí sau này, người đó còn phụ trách Pháo số 1, đi học ở Liên Xô về tham gia giải phóng miền Nam.

Áo trắng trên chiến hào: Chuyện chưa kể của người bác sĩ quân y ảnh 5
Áo trắng trên chiến hào: Chuyện chưa kể của người bác sĩ quân y ảnh 6
Áo trắng trên chiến hào: Chuyện chưa kể của người bác sĩ quân y ảnh 7

PV: Vậy theo ông, khó khăn nhất của một người quân y trên chiến trường là gì?

Trung tá Nguyễn Thạc Sách: Khó khăn nhất chỉ có khâu lương thực, nhưng anh em chủ yếu tinh thần tự làm tự ăn, măng rừng tự nấu với nhau. Bánh lương thực thì thường được ưu tiên cho thương binh, như đội quân y được cấp một thùng lương thực nhưng không ai dám ăn, đói cũng phải nhịn để dành cho bệnh nhân. Nhiều khi có những y tá của đội tôi đói quá, vào rừng kiếm rau rừng còn bị lạc, phải tìm mấy ngày mới ra.

Ở chiến trường Trường Sơn thì bom nổ suốt ngày, không ngày nào là không có việc. Tôi còn nhớ trận ác liệt nhất vào mùng 1 Tết âm lịch năm 1971 sang năm 1972, khi vận chuyển từ Bắc vào Nam, một tiểu đoàn xe, hơn 100 chiếc, qua đèo sông, địch dội bom xuống liên tục không kể ngày đêm, 100 chiếc cháy xe hết, có người chết và người bị thương, ai may mắn nhảy kịp ra khỏi xe chui xuống hầm trú ẩn thì sống, nhưng đa số là chết hết. Đó là trận ác liệt và kinh khủng nhất nhất mà tôi nhớ.

Chiến dịch Hồ Chí Minh đi dưới toàn mưa bom đạn như thế, nhưng tinh thần người lính lại rất vui vẻ, hát suốt ngày (cười).

Áo trắng trên chiến hào: Chuyện chưa kể của người bác sĩ quân y ảnh 8

PV: Liên lạc, phối hợp trong môi trường bom đạn liên miên là điều vô cùng khó khăn. Đội quân y của ông đã duy trì liên lạc với các đơn vị khác như thế nào để kịp thời ứng cứu?

Trung tá Nguyễn Thạc Sách: Có hai cách, cách thứ nhất là nghe tiếng súng. Ở chiến trường có quy định là bắn hai phát súng thì tắc đường, ba phát là có thương vong. Nếu ba phát bắn nghe được thì lập tức cử người đi cấp cứu, không cần ai gọi. Qua đèo, qua rừng, qua suối, chỗ nào quân đến là quân y phải đến cấp cứu. Lúc này anh em ở nhà còn lại phải chuẩn bị dụng cụ, hấp và luộc dụng cụ, chuẩn bị phòng mổ, để khi thương binh về một cái là mổ luôn.

Cách thứ hai là trực tổng đài thông tin, mà thông tin thì rất cực. Một tổng đài thì có rất nhiều điện tới, quân y lúc nào cũng phải trực 24/24 bên máy liên lạc, thay ca nhau để trực, dây đứt thì phải nối, để hoặc là gọi cấp cứu, hai là báo chết. Vì thế nên người trực quân y rất cực, phải trực liên tục, nhiều lúc có chỗ nhiều người bị thương, phải 5-6 đội phẫu thuật trực cùng lúc. Tổng đài bao giờ cũng phải ưu tiên thương binh số một để liên lạc với quân y để đưa đi cấp cứu. Một khi đã vào chiến trường thì phải nghiêm túc, không được xảy ra sai phạm.

PV: Nhìn lại cả chặng đường dài ấy, có điều gì khiến ông còn trăn trở hay hối tiếc không, thưa ông?

Trung tá Nguyễn Thạc Sách: Điều khiến tôi day dứt là có những khoảnh khắc, khi đối diện vết thương quá nặng, tôi bất lực, không đủ khả năng cứu chữa.

Còn điều tiếc nuối nhất là có những khi mà dù được đồng đội tin cậy, tín nhiệm rất nhiều, tôi vẫn chưa làm được hết những điều mình mong muốn và kỳ vọng. Nỗi tiếc nuối ấy mãi ám ảnh tôi.

Áo trắng trên chiến hào: Chuyện chưa kể của người bác sĩ quân y ảnh 9

PV: Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng năm 1975, ông có tiếp tục gắn bó với công việc trong quân đội với vai trò bác sĩ quân y không ạ?

Trung tá Nguyễn Thạc Sách: Có chứ. Sau năm 1975, tôi được cử đi học chuyên khoa chống bệnh sốt rét ở Đặng Văn Ngữ, mà tôi rất thích sốt rét. Lúc ấy, tôi tìm hiểu rất kỹ về loài muỗi truyền bệnh – từ tập tính sinh sống, cách ăn, thời gian hoạt động cho đến từng đặc điểm sinh học. Có đến hơn 5.000 loại muỗi sốt rét, và chẳng hạn như ở vùng Ba Bể quê mình thì loài gây bệnh chính là Anopheles minimus. Phải phân tích từng đặc tính con muỗi - có bao nhiêu cánh, bao nhiêu đốm thì mới xác định được đúng loại nào để chữa bệnh cho các chiến sĩ được.

Áo trắng trên chiến hào: Chuyện chưa kể của người bác sĩ quân y ảnh 10

PV: Nghe ông kể, có thể cảm nhận được niềm đam mê rất lớn với nghề, ngay cả sau chiến tranh?

Trung tá Nguyễn Thạc Sách: Tôi gần như gắn bó quân đội suốt đời, sau năm 8 năm đi học bác sĩ chuyên khoa đông y, lúc đó tôi được Cục tình báo tín nhiệm rất nhiều, năm 1975 tôi đi Đà Nẵng, 1976 đi Sài Gòn, sau 2 năm lại đi tiếp mặt trận Campuchia, vì tôi là sở trường ở đội phẫu thuật, ở chỗ nào căng thẳng tôi đều có mặt. Sau khi hoàn thành xong ở chiến trường Trung Quốc thì tôi về Hà Nội. Lúc đó tôi về làm chủ nhiệm quân y của Tổng cục II, viện trưởng Bệnh viện Đông Y của Cục II Cục tình báo, tiếp tục hoạt động và cống hiến sau hòa bình cho đến 1992.

PV: Những câu chuyện của ông không chỉ là ký ức chiến tranh mà còn là bài học về lòng tận tụy và y đức. Xin chân thành cảm ơn ông vì những chia sẻ quý giá!

(Thực hiện: Minh Phương, Trang Oanh, Ánh Dương)

TIN LIÊN QUAN
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
Việt Nam trở thành nước đối tác của nhóm BRICS
(Ngày Nay) - Việt Nam trở thành nước Đối tác Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) với mong muốn nỗ lực đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ảnh minh hoạ.
"Kiềng ba chân" trong phát triển nhân lực chất lượng cao
(Ngày Nay) - "Giáo dục-khoa học công nghệ-đổi mới sáng tạo là ba trụ cột cần đột phá để phát triển nhanh và bền vững đất nước", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai các đề án lớn trong lĩnh vực giáo dục đại học ngày 14/6 tại Hà Nội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phe bảo thủ đòi ông Trump "bỏ mặc" Israel
(Ngày Nay) - Những nhân vật cánh hữu chủ chốt, bao gồm một số đồng minh của Tổng thống Trump, đặt câu hỏi về các cuộc không kích của Israel và cảnh báo về một cuộc chiến tranh của Mỹ với Iran.
Xung đột Iran - Israel đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Xung đột Iran - Israel đe dọa nền kinh tế toàn cầu
(Ngày Nay) - Căng thẳng leo thang tại Trung Đông đe dọa cắt đứt nguồn cung dầu và khí đốt, đẩy giá vận chuyển, hàng hóa, năng lượng lên cao, khiến thế giới đối mặt rủi ro suy thoái diện rộng.
Những mốc thời gian quan trọng tại Kết luận 167-KL/TW
Những mốc thời gian quan trọng tại Kết luận 167-KL/TW
(Ngày Nay) - Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Kết luận số 167-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính.