Báo Pretoria News của Nam Phi ngày 29/1 đăng bài viết với tiêu đề “Historic milestone for Vietnam” (Dấu mốc lịch sử của Việt Nam) của Tổng Biên tập Valerie Boje, trong đó đánh giá cao nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam với 3 trụ cột là ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, tác giả bài viết nhấn mạnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là thời điểm quan trọng để Việt Nam đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian gần đây, thông qua Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045, cũng như bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ mới.
Với phương châm “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển,” Đại hội XIII đặt ra một số mục tiêu như tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước; thúc đẩy đại đoàn kết dân tộc; đẩy mạnh đổi mới; bảo vệ môi trường hòa bình và ổn định; và phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh chương trình nghị sự về đối nội, quốc tế cũng sẽ quan tâm đến Đại hội XIII bởi Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của cả Trung Quốc và Mỹ.
Việt Nam đã và đang đóng vai trò tích cực trong các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực, thực hiện đường lối đối ngoại đa phương và hữu nghị, công nhận độc lập, tự chủ của các nước có chủ quyền và tìm kiếm hòa bình, hợp tác và phát triển trong các mối quan hệ quốc tế.
Tác giả bài viết dẫn nguồn các nhà ngoại giao trong nước cho rằng nền tảng quan trọng để thực hiện nhiệm vụ trên là tiếp tục “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại”, tập trung vào 3 trụ cột là ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 189 thành viên Liên hợp quốc, trong đó có Nam Phi và các khuôn khổ hợp tác lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện, bao gồm tất cả các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đa số các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Bài viết nhấn mạnh với tư cách là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam đã đàm phán, phê chuẩn và ký kết các hiệp định thương mại tự do quan trọng, cụ thể là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do Vương quốc Anh-Việt Nam (UKVFTA), góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế Việt Nam.
Năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam tích cực tham gia phối hợp với các quốc gia khác trong khu vực ứng phó với đại dịch, cũng như đưa ra kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế hậu COVID-19.
Tháng 11/2020, Nam Phi cùng với Cuba và Colombia đã ký các văn kiện gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), mở đường thúc đẩy hợp tác thương mại giữa các bên liên quan.
Là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã tổ chức cuộc họp về tăng cường thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc, nhấn mạnh vấn đề hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã thông qua nghị quyết do Việt Nam soạn thảo tuyên bố ngày 27/12 là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh.
Bài viết kết luận rằng Đại hội XIII, bế mạc vào ngày 2/2 tới sẽ đặt ra tầm nhìn của Việt Nam, cũng như thông qua phương hướng phát triển trong tương lai cả về chính sách đối nội và đối ngoại./.