Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Uraina và Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, ngay trong đầu năm 2019 đã ghi nhận các ổ dịch sởi tại nhiều TP.
Tại Việt Nam, tính đến nay 44 tỉnh, TP trên cả nước đã ghi nhận ca mắc sởi. Ở một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số trẻ di biến động lớn có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vaccine sởi đầy đủ như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... có nguy cơ cao ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.
Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương những ngày đầu năm 2019 số bệnh nhân nhập viện do sởi đã tăng đáng kể. Nếu như năm 2018 chỉ ghi nhận 86 trường hợp mắc sởi thì trong những ngày đầu năm 2019 đã có gần 200 ca mắc sởi cả người lớn và trẻ em. Trung bình mỗi ngày có 3-5 trường hợp nhập viện. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sỹ khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận, điều trị cho một số trường hợp là người lớn, phụ nữ mang thai mắc sởi, biến chứng do sởi. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Dịch sởi là bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên sẽ lan truyền rất nhanh. Tỷ lệ tấn công của bệnh dịch này là 100%, nghĩa là những ai chưa có miễn dịch sởi mà phơi nhiễm với bệnh nhân mắc sởi thì kiểu gì cũng mắc bệnh. Càng những nơi tụ tập đông người thì càng có nguy cơ bùng phát dịch sởi mạnh.
Vì vậy, để phòng bệnh sởi nhất là với những trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng bệnh thì trẻ cần được tạo miễn dịch từ người mẹ. Những phụ nữ muốn có thai nên tiêm vaccine sởi-rubella-quai bị để sau khi có thai trẻ có được miễn dịch trong bụng mẹ, hạn chế tình trạng có thể mắc sởi sau khi chào đời. Người dân nên tiêm nhắc lại sau 5 năm để phòng bệnh.
Đối với trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi cần đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi; đưa trẻ đi tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương.
Bệnh sởi gây nên những biến chứng đáng tiếc nếu được điều trị muộn như tiêu chảy, nếu không cấp cứu kịp thời thì bị trụy mạch, khó thở; hoặc một số trường hợp tự chữa trị, kiêng nước, cho con kiêng gió, thậm chí là kiêng kỹ quá dẫn đến hậu quả con bị thối xương hàm (cách gọi khác là cam tẩu mã), mắt bị viêm giác mạc, viêm kết mạc dẫn tới mù loà…; với trẻ nhỏ nguy cơ biến chứng nhiều nhất là viêm phổi, viêm thanh quản, phù nề, khó thở, tắc thở. Hoặc biến chứng cực kỳ nguy hiểm khác của sởi đó là dẫn đến não viêm sau sởi. Cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ viêm não sau sởi.