Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng

Những nhà máy, công xưởng có tuổi đời ngót nghét trăm năm từng là “vàng son một thuở” của thời kỳ công nghiệp hóa đất nước giờ đứng trước cơ hội chuyển mình để tiếp tục tạo ra các giá trị bền vững cho cộng đồng.

________________

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 1

Thành lập cách đây hơn 120 năm, Nhà máy Dệt Nam Định nhanh chóng trở thành một trong những công xưởng lớn nhất Đông Dương. Những năm sau Kháng chiến chống Mỹ là thời kỳ đỉnh cao của Dệt Nam Định, khi nhà máy có tới 18.000 công nhân, tương đương 10% dân số thành phố. Có những gia đình 3-4 thế hệ làm việc trong nhà máy.

Đáng chú ý, Nhà máy Dệt Nam Định là một trong những nhà máy đầu tiên xây dựng mô hình khép kín giữa nhà xưởng sản xuất và hệ thống nhà ở xã hội, gồm nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, lớp học, bệnh viện...

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 2
Khu đô thị Dệt may Nam Định được xây dựng trên nền Nhà máy Dệt Nam Định

Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, có rất nhiều thế hệ đã được sinh ra tại Bệnh viện Nhà máy Dệt, hay đi nhà trẻ trong Nhà máy Dệt. Đều đặn 3 lần mỗi ngày, tiếng còi tầm đã hằn sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ người dân Thành Nam.

Năm 2003, nhà máy được xác định là cơ sở gây ô nhiễm nên buộc phải di dời ra khỏi nội đô. Nhà máy Nhuộm, được xách định là bộ phận gây ô nhiễm, đã được di dời vào năm 2014, hệ thống nhà xưởng cũ sau đó bị đập bỏ, nhường chỗ cho dự án Khu đô thị Dệt may.

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 3

Một phần Nhà máy Dệt Nam Định trước ngày bị phá dỡ

Hiện tại, những mảng tường kéo dài bong tróc, ố vàng đã biến thành dãy nhà liền kề khang trang, thổi một làn gió mới cho bộ mặt thành phố. Khi nhà máy bắt đầu bị phá dỡ, nhiều công nhân cũ bày tỏ mong muốn giữ lại một phần các công trình không thuộc diện gây ô nhiễm.

Gắn bó với Dệt Nam Định từ thời đôi mươi, ông Trần Việt Dũng, 61 tuổi, không khỏi bồi hồi mỗi lần đi qua dãy nhà liền kề mới xây trên nền nhà máy cũ. "Phá bỏ nhà xưởng cũ giúp khu vực này trở nên sạch đẹp và nhộn nhịp hơn. Nhiều người trẻ tới đây kinh doanh, đông vui nhộn nhịp đến đêm", ông Dũng nói. "Giờ vẫn còn tiếng còi tầm, một phần nhà máy vẫn hoạt động, nhưng không giống như xưa".

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 4

Bảo tàng Dệt may Việt Nam - trước đây là dinh thự của ông Leon Anthyme Dupré, người sáng lập Nhà máy Dệt Nam Định

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kiến trúc và di sản cho rằng thay vì chuyển đổi mục đích nhà máy Dệt thành khu đô thị phục vụ hoạt động kinh doanh bất động sản, chính quyền thành phố và Nhà máy Dệt Nam Định đã bỏ lỡ cơ hội biến nơi đây thành một không gian công cộng, phục vụ cho nhiều mục đích sử dụng bền vững.

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 5

Câu chuyện phá dỡ Nhà máy Dệt Nam Định đã được kiến trúc sư Phạm Thúy Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, đưa ra làm dẫn chứng cho tình trạng “tẩy trắng” các cơ sở công nghiệp có giá trị di sản tại buổi tọa đàm “Tái thiết di sản công nghiệp 2022 - Đổi mới & Bền vững” được tổ chức mới đây.

Theo bà Phạm Thúy Loan, di sản công nghiệp là những giá trị còn lại của "văn hóa công nghiệp", bên cạnh những giá trị lịch sử, khoa học - công nghệ, xã hội, kiến trúc, thẩm mỹ, bao gồm các tòa nhà, máy móc, công xưởng, nhà máy, hầm mỏ, địa điểm chế biến, khoa bãi và cửa hàng,..

Đó từng là những cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và cả những địa điểm dùng cho các hoạt động xã hội liên quan đến ngành công nghiệp như nhà ở, trường học,...cho công nhân và gia đình.

"Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung, phản ánh một sự tiến bộ vượt bậc trong lịch sử văn minh nhân loại, một mốc phát triển quan trọng trong tiến trình phát triển của xã hội hiện đại", bà Phạm Thúy Loan nói.

Tháng 7 năm 2022, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn gồm 9 cơ sở công nghiệp phải di dời trong 5 năm tới.

Năm 2020, bà Phạm Thúy Loan cùng nhóm cộng sự thuộc mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã tiến hành khảo sát 92 nhà máy cần được chuyển ra khỏi nội thành để tìm hiểu giá trị kiến trúc của các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội dưới góc nhìn di sản.

Đây đều là những cơ sở đa dạng về vị trí, quy mô đất đai, loại hình doanh nghiệp, tình trạng sản xuất kinh doanh, tình trạng cơ sở vật chất, nhà xưởng, cũng như các giá trị về kiến trúc và lịch sử.

Một số nhà máy có thể được xem là những “di sản công nghiệp” hay các "kiến trúc có giá trị", đánh dấu những mốc quan trọng trong lịch sử hiện đại hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Việt Nam và Hà Nội. Một số nhà máy đóng vai trò khai sinh cho một ngành công nghiệp ở nước ta.

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 6

Nội thất không gian sản xuất của Nhà máy Bia Hà Nội. Nguồn: KTS Phạm Thúy Loan

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 7

: Bản đồ phân bố 92 nhà máy tại Hà Nội trong danh sách di dời năm 2019. Nguồn: KTS Phạm Thúy Loan

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 8

Biệt thự bên trong khuôn viên Nhà máy Bia Hà Nội. Nguồn: KTS Phạm Thúy Loan

Một cơ sở tiêu biểu của Hà Nội trong giai đoạn trước năm 1945 là Nhà máy Bia Hà Nội. Cơ sở này hiện còn lưu giữ một quần thể bao gồm 3 căn biệt thự được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 mang phong cách kiến trúc miền Bắc nước Pháp, cũng như hai nhà xưởng được xây dựng khoảng thập niên 1930-1940 mang phong cách Art-Deco với kiến trúc và kết cấu hầu như giữ được nguyên hiện trạng.

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 9
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Sang đến thời kỳ miền Bắc xây dựng XHCN, thành phố Hà Nội có tổ hợp công nghiệp Cao-Xà-Lá mà nổi bật là Nhà máy Thuốc lá Thăng Long.

Các công trình kiến trúc có giá trị tại nhà máy này được chia thành hai nhóm: Một nhóm gồm các công trình do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng thời kỳ 1958-1960; Một số công trình do Việt Nam tự xây dựng trong thập niên 1980-1990.

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 10

Nhà máy Thuốc lá Thăng Long

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 11

Bức phù điêu trong Nhà máy Thuốc lá Thăng Long

Trong đó, nhóm công trình nhà xưởng do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng kết hợp gạch và bê tông cốt thép. Kiến trúc đặc trưng bởi hệ thống cửa kính lớn theo băng ngang kết hợp lam che nắng ngang nhiều tầng.

Trong khi đó, nhóm công trình do Việt Nam xây dựng gồm nhà bê tông cốt thép, hình thức trang trí khá phong phú kết hợp giữa các chi tiết che nắng bằng gạch thông gió, lam chắn năng và trang trí bằng các vật liệu đặc trưng của giai đoạn cuối thế kỷ 20 ở miền Bắc.

"Đây đều là những công trình kiến trúc hiện đại nhất và đẹp nhất ở Hà Nội và miền Bắc, dựa trên quan điểm mỹ học của Chủ nghĩa Hiện đại trong thời điểm được xây dựng. Trở thành những dấu ấn về ký ức và hình ảnh đô thị ở Hà Nội", bà Phạm Thúy Loan khẳng định.

Dù mang nhiều giá trị kiến trúc và di sản, thế nhưng theo kiến trúc sư Phạm Thúy Loan, đây chỉ là những công trình công nghiệp có giá trị di sản chứ chưa có các di sản công nghiệp.

“Tại Việt Nam, khái niệm di sản công nghiệp chưa được pháp lý hóa, vậy nên chúng ta không thể dán nhãn và bảo vệ các di sản này. Những nội dung này mới chỉ đưa ra và bàn luận bởi các nhóm chuyên gia và chưa hề được đưa vào các hệ thống giảng dạy. Đó chính là những rào cản lớn nhất cho nỗ lực bảo vệ di sản công nghiệp”, bà Loan chỉ ra.

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 12

Thành phố Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Tuy nhiên, thành phố lại thiếu những không gian, địa điểm dành cho hoạt động sáng tạo.

Theo ông Lê Quang Bình, điều phối viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân, giải tỏa sự ngột ngạt của đô thị, tạo ra cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Theo ông Bình, tâm lý chung ở Việt Nam vẫn coi tấc đất là tấc vàng, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, do đó ý tưởng chuyển đổi các nhà máy cũ thành những không gian công cộng miễn phí sẽ rất khó được thực hiện.

Khảo sát của PPWG (Nhóm hành động vì sự tham gia của người dân) năm 2020 cho thấy: 19/21 nhà máy tại quận Hai Bà Trưng sau di dời đã chuyển thành tổ hợp chung cư thương mại – chiếm tới 84% quỹ đất.

“Trước giờ chúng ta chỉ có ý tưởng đập bỏ các nhà máy cũ để xây chung cư, thay vì nghĩ đến mô hình kinh doanh công nghiệp sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, khởi nghiệp”, ông Bình chỉ ra. “Các nhà máy là chất keo tạo ra sự kết nối của đô thị, nếu như chúng ta duy trì được những không gian này, thay vì đập bỏ, thì ký ức giữa các thế hệ sẽ không bị đứt gãy”.

Theo vị chuyên gia, để làm hài hòa lợi ích cho các bên, có thể cân nhắc ý tưởng tạo ra một mô hình đa chức năng, bao gồm hoạt động thương mại, dịch vụ lẫn không gian công cộng tích hợp trong các di sản công nghiệp, ông Bình đề xuất. Mô hình này không chỉ bao gồm các địa điểm thương mại, mà còn bao gồm công viên, trường học, thư viện, những tiện ích để cho chính những người dân sống xung quanh đó được hưởng lợi.

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 13

282 Workshop được chuyển đổi trên nền một nhà máy sản xuất mũ cối

Năm 2018, Thành Ủy Hà Nội đã Ban hành Đề án “Đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Theo ông Bình, đây có thể coi là nền tảng để thúc đẩy ý tưởng tái sử dụng di sản công nghiệp, chỉ cần có các chính sách chuyển đổi và đầu tư hợp lý.

Tại Hà Nội, đã có nhiều mô hình chuyển đổi nhà máy cũ thành các tổ hợp không gian công cộng lai, tiêu biểu như Complex 01, 282 Workshop. Dù còn nhiều thách thức, nhưng các tổ hợp này không chỉ cung cấp thêm không gian mở cho cộng đồng, mà còn giải được bài toán lợi nhuận và bảo tồn giá trị di sản.

Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 14
Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 15
Biến di sản công nghiệp thành không gian công cộng ảnh 16

Tổ hợp Complex 01 được xây dựng trên nền một nhà máy in đã bỏ hoang

“Cải tạo không có nghĩa là giữ nguyên toàn bộ hay đập bỏ toàn bộ mà tùy vào từng nhà máy cụ thể để giữ lại những điểm nhấn. Các nhà đầu tư, các kiến trúc sư phải giữ lại được tinh thần và hồn cốt của các cơ sở công nghiệp cũ”, ông Bình khẳng định. “Các mô hình không gian công cộng đa chức năng sẽ giúp thay đổi bộ mặt đô thị và tạo ra nguồn lợi bền vững cho cộng đồng”.

Bài: Bắc Hiệp

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?