Theo thông tin đại diện Bộ GD&ĐT trao đổi với Thanh niên, Thông tư số 08/TT của bộ ban hành từ năm 1988 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông đã nêu rõ các hình thức xử lý kỷ luật, trong đó có nêu rõ trường hợp buộc thôi học 1 tuần lễ. Trong đó, Thông tư nêu rõ học sinh bị kỷ luật phải kiểm điểm và suy nghĩ sâu sắc về khuyết điểm sai phạm của mình. Nhà trường sẽ xem xét và cho học sinh đó tiếp tục học lại và sẽ được coi là nghỉ có phép. Ngược lại, Hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ đề nghị hiệu trưởng quyết định buộc thôi học 1 năm.
Sở GD&ĐT Hà Nội và Bộ GD&ĐT đều khẳng định: Với những gì mà quy định nêu, thì việc đình chỉ học một học sinh sẽ phải trải qua một quy trình rất chặt chẽ, không thể theo cảm tính hoặc “ngẫu hứng” của một cá nhân nào đó được. Hơn nữa, quy định này đã có từ 30 năm chứ không phải được đưa ra theo cảm hứng. Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh: "Tạm đình chỉ không có nghĩa là đuổi học khỏi trường".
Quy định đuổi học HS vi phạm giao thông đã có từ 30 năm. Ảnh: Tổ quốc
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với Zing.vn, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản về việc xử lý học sinh vi phạm giao thông là không đúng thẩm quyền và không có tính pháp lý. Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật đang kiểm tra xem xét, báo cáo, đề xuất để "tuýt còi" văn bản trên. Đầu tuần sau, Cục này mới có kết luận cuối cùng.
Cũng liên quan vấn đề đang gây tranh cãi, luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, quyết định này khó đi vào thực tiễn. Ai là người đưa biên bản xử phạt học sinh, sinh viên khi vi phạm giao thông? Cảnh sát giao thông, người vi phạm hay phải thêm một cơ quan chức năng như “đội cờ đỏ” giám sát, theo dõi?
Các ý kiến trái chiều về quy định xử phạt học sinh vi phạm giao thông ngày càng nhiều. Không chỉ Bộ GD&ĐT, phụ huynh, học sinh mà cả các chuyên gia tâm lý cũng bày tỏ ý kiến của mình.
Tình trạng HS vi phạm giao thông ngày càng tăng nên phải có biện pháp xử phạt hợp lý. Ảnh: Công lý.
Trả lời phỏng vấn của báo Tổ quốc, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình lại tán thành quy định này của Sở GD&ĐT và yêu cầu cần phải có chế tài mạnh hơn để học sinh chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Ông Lâm chia sẻ, hành vi vi phạm an toàn giao thông không thể không xử phạt. Nếu chỉ áp dụng ý kiến thứ nhất: không phạt mà cho tham gia các hoạt động công ích thì chưa hẳn đã có hiệu quả, mặt khác điều kiện và hoàn cảnh ở Việt Nam lúc này là không thể áp dụng… Do vậy, một luồng ý kiến khác cho rằng, có thể kết hợp hai hình thức trên: vừa giáo dục ý thức cho học sinh từ trong nhà trường, gia đình nhưng cũng phải có biện pháp răn đe dủ mạnh để nâng cao ý thức cho các em. Chỉ có như vậy mới góp phần vào việc giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành luật pháp một cách tốt nhất cho các em - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang rà soát toàn bộ nội dung của quy định hiện hành, lắng nghe các ý kiến góp ý, để tiến hành xây dựng hướng dẫn mới về khen thưởng và kỷ luật học sinh, đáp ứng những yêu cầu mới hiện nay.
A.M