Tối 11/11, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao giải "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018 cho các công trình, sáng kiến hay phục vụ giảng dạy, học tập. Vượt qua vòng sơ khảo và chung khảo, 4 công trình, sáng kiến của các tác giả, nhóm tác giả nhận được giải thưởng 100 triệu đồng, 10 công trình tiêu biểu khác nhận giải 10 triệu đồng.
Bốn công trình, sáng kiến đạt giải cao nhất gồm: Đèn học thông minh The Smart Light công nghệ 4.0 (IoT) của tác giả Nguyễn Huy Du (Hà Nội); VEC - Hệ thống xác thực trình độ học vấn bằng công nghệ Blockchain của nhóm tác giả Lê Yên Thanh, Lâm Trung Hiếu, Nguyễn Lâm Ngọc Bích (TP HCM); Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống của nhóm tác giả Dương Thị Thu Hà, Bùi Minh Ngọc, Bùi Khánh Vy (Hà Nội); Phần mềm học tiếng Anh trực tuyến IOSTUDY của nhóm tác giả Lục Quang Tấn, Trần Đức Thắng, Nguyễn Thành Luân, Phạm Trung Hiếu, Nguyễn Anh Tuấn (Lào Cai).
Anh Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, trưởng ban tổ chức chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018, cho biết các công trình năm nay có sự vượt bậc cả về số lượng và chất lượng so với những năm trước.
"Ngoài sự trở lại của những tác giả từng đạt giải, ban tổ chức đón nhận nhiều hơn những startup về công nghệ. Điều này phản ánh tiềm năng về sự sáng tạo của trí thức trẻ Việt Nam", ông Triết nhận định.
Là trưởng ban giám khảo, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đánh giá cao chất lượng các công trình, sáng kiến năm nay. "Sau ba năm, các công trình có nhiều biến đổi để phù hợp xu hướng phát triển công nghệ. Nhiều công trình tích hợp công nghệ thông tin, AI, big data, blockchain", ông Quân nói và cho rằng các công trình đạt giải đều có sự kết hợp giữa công nghệ và thực tế, có tính ứng dụng cao.
Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" được Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo Tuổi trẻ và một doanh nghiệp triển khai trong giai đoạn 2016-2020 nhằm cổ vũ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua các công trình, sáng kiến thuộc ba nội dung: Đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Năm 2016, chương trình nhận được 267 hồ sơ, năm 2017 là 329 và đến năm 2018, số lượng hồ sơ đã lên tới 401, trong đó có một nhóm tác giả là du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc.