Các anh không vô danh

Các anh không vô danh

Lê Công Thành đến giờ vẫn rơi nước mắt khi kể lại hình ảnh hàng hàng lớp lớp ngút ngàn những ngôi mộ ở Nghĩa trang Vị Xuyên. Rất nhiều những liệt sĩ mới chỉ 18 tuổi. Rất nhiều đã ra đi trong cùng một ngày.

__________________

Các anh không vô danh ảnh 1

Dịp 30/4/2012, Lê Công Thành dành nguyên 1 tuần cùng với những người bạn - đi dọc 6 tỉnh biên giới phía Bắc để chụp ảnh bia mộ liệt sĩ cho dự án số hoá thông tin liệt sĩ.

Hôm đó là ngày thứ ba của cuộc hành trình, nhóm của Thành tới Nghĩa trang Vị Xuyên thì đã tối mịt. Trăng sáng lắm. Cứ vằng vặc. Dưới ánh trăng đêm ấy, cả nhóm lặng người trước hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ liệt sĩ trải dài như vô tận. Rất nhiều người trong số họ hy sinh khi mới chỉ 18 tuổi. Rất nhiều hy sinh trong cùng một ngày.

Suốt dọc dài biên cương, nghĩa trang nối tiếp nghĩa trang như một “đường biên màu đỏ” cho dù là nhiều bia mộ sờ tận tay vẫn không đọc được khi rêu mốc thời gian đã gần như xoá nhoà những hàng chữ.

Dự án số hoá của Thành có nguyên do từ chuyện riêng của gia đình. Một người họ hàng của anh là hy sinh ở Tây Nguyên năm 1967 đến giờ vẫn chưa tìm được mộ.

Các anh không vô danh ảnh 2

Nhiều ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính (Ảnh minh họa)

Khoảng 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy và khoảng 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Thành chứng kiến nỗi đau từ chính gia đình mình. Nỗi đau của những gia đình chưa tìm thấy hài cốt người thân là thứ đau đớn rất khó gọi tên. Nó triền miên năm này qua năm khác. Nó dày vò, day dứt, cắn xé tâm can.

Mỗi gia đình có liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt giống như “một đơn vị quy tập thu nhỏ” vậy. Họ đã, đang và sẽ dùng mọi quan hệ, mọi nguồn thông tin, mọi khoảng thời gian có thể thu xếp để tìm kiếm, để đi khắp các nghĩa trang, để duyệt từng ngôi mộ. Một hành trình tâm linh quá tốn công sức và rất nhiều vô vọng.

Như gia đình Thành, anh không nhớ đã tổ chức bao nhiêu cuộc tìm kiếm, và bằng mọi cách, kể cả bằng ngoại cảm… với phương pháp áp vong, gọi hồn, một phương pháp không ít phổ biến hồi ấy.

Các anh không vô danh ảnh 3

“Khi đào lên là lúc nhá nhem tối, có bi đông và xương cốt. Ai cũng trầm trồ khen Thủy. Mọi người nói vậy là chính xác rồi không cần phải giám định ADN nữa. Tối hôm đó, cả nhà tôi không ai ăn uống gì. Sau này nghe tin đây là hài cốt giả...” - Lời bà Nguyễn Thị Tính, con gái liệt sĩ Nguyễn Văn An, trong phiên toà ngày 16/10/2015.

Nhân vật Thuỷ mà bà Tính nhắc tới là Nguyễn Văn Thuỷ, còn gọi là cậu Thuỷ, kẻ đã nhận án tù chung thân vì đã tạo dựng 105 ngôi mộ giả để lừa tiền những thân nhân liệt sĩ.

Bà Tính không bao giờ quên nỗi đau đáu của mẹ ngồi như một cái bóng trong những đêm trắng với đôi mắt dõi ra ngoài sân. Không bao giờ quên nỗi day dứt của mẹ, một người vợ liệt sĩ miệt mài mong ngóng có ngày tìm được hài cốt của chồng mình.

Tìm kiếm khắp nơi, dò hỏi khắp nơi không thấy, bà Tính nghĩ đến nước cuối cùng là nhờ người đặt lễ với “cậu Thuỷ” - một nhà ngoại cảm tự xưng khi đó.

Chỉ 2 ngày sau khoản lễ ban đầu 15 triệu đồng đó, cậu Thuỷ báo đã tìm thấy.

Hơn nửa tháng sau, gia đình bà vào Bù Đăng, Bình Phước để tìm mộ. Bằng một cách nào đó, cậu Thuỷ đã “áp vong” vào em gái bà Tính rồi “khiến” đi cắm hương đánh dấu vị trí đào. Đến tối, khi trời nhá nhem thì đào xuống được tới lớp đất đen. Rồi thấy xương cốt, thấy bi đông nước mang tên liệt sĩ Nguyễn Văn An.

“Vong” nhập vào chính em gái để chỉ dấu. Bi đông có khắc tên cha, bà Tính, khi ấy không chút nghi ngờ.

Sau này, khi công an xác định cậu Thuỷ lừa đảo, vì không muốn khơi lại nỗi đau, gia đình đã từ chối giám định ADN, cho dù đó giờ có thể “không phải thân nhân của gia đình” nữa.

Người con gái của liệt sĩ hôm ấy nói rất đau đớn, rằng đến giờ vẫn giấu, không để mẹ biết việc này.

Tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm những hồi những năm 2000 đã rộ lên như một phong trào với ước tính có hơn 10.000 vụ tìm mộ bằng phương pháp này.

Cho đến ngày 12/2/2012, Ban chỉ đạo Đề án xác định danh tính liệt sĩ thậm chí đã phải ra văn bản nêu rõ: Thống nhất coi phương pháp xác định ADN là phương pháp chủ đạo xác định danh tính liệt sĩ. Và quan trọng hơn: “không công nhận danh tính liệt sĩ tìm kiếm bằng phương pháp ngoại cảm”.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp thời điểm đó nói “hoan nghênh các nhà ngoại cảm tham gia vào quá trình tìm kiếm”, nhưng Bộ không thể có ý kiến về việc công nhận đó là một phương pháp đảm bảo 100% chính xác.

Cơ quan chức năng muốn dẹp chuyện tìm kiếm theo hình thức không thể xác định được tính chính xác khi thực tế đã có những nhà ngoại cảm thậm chí lấy xương động vật làm giả hài cốt.

Vụ án cậu Thuỷ, hay nói chung là việc các gia đình phải trông vào phương pháp ngoại cảm cho thấy họ gần như đã không còn phương pháp nào khác.

Nói như Thành, ngay cả khi đó là phương pháp hiệu quả thì cũng không thể “đủ” cho hàng trăm ngàn gia đình luôn có nhu cầu tìm kiếm.

Các anh không vô danh ảnh 4

Dự án số hoá thông tin liệt sĩ được Lê Công Thành thực hiện những năm ấy giống như khơi lên một hy vọng cho chính gia đình, cho thân nhân những người cùng cảnh ngộ.

Năm đó, các tình nguyện viên tới khắp các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc để chụp ảnh những bia mộ và gửi về xử lý bằng số hoá trong một “ngân hàng dữ liệu” xác định chính xác vị trí hiện tại của các liệt sĩ. Thân nhân của họ, có thể tra cứu online trên website lietsi.com để tìm kiếm thông tin.

Tâm đắc nhất của Thành là địa chỉ lietsi.com hoàn toàn dựa trên sức mạnh cộng đồng. Chỉ sau 2 năm, đã có tới 20.000 lượt tình nguyện viên tham gia dự án. Và cho đến thời điểm này, với khoảng 750 ngàn thông tin được số hoá, lietsi.com đã bao phủ được khoảng 3.000 nghĩa trang liệt sĩ với khoảng 95% số bia mộ liệt sĩ trên toàn quốc đã được hoàn thành số hóa.

Các anh không vô danh ảnh 5
Các anh không vô danh ảnh 6
Các anh không vô danh ảnh 7

Tháng 3 vừa rồi, khi lượng dữ liệu không còn khả năng tăng trưởng, Thành cùng những người bạn bắt đầu chuyển sang giai đoạn tiếp theo: Phục dựng di sản số về các anh hùng, liệt sĩ. Và khởi đầu, là phục dựng hình ảnh của 10 nữ liệt sĩ anh hùng nơi Ngã ba Đồng Lộc bằng công nghệ AI.

Di sản của mỗi liệt sĩ để lại hầu như chỉ là một giấy báo tử, một bằng Tổ quốc ghi công, một tấm ảnh khắc trên bia mộ, hoặc một tấm ảnh thờ theo kiểu “truyền thần”. Có những người thậm chí còn không có nổi một hình ảnh để lại.

Nhưng với trí tuệ nhân tạo AI, những bức ảnh chân thực và đẹp đẽ sẽ được phục chế dựa trên “có gì còn lại” kể cả với những hình ảnh mờ nhạt. Thành nói, AI thậm chí có thể phục dựng lại hình ảnh của liệt sĩ qua lời kể, qua mô tả chi tiết, qua hình ảnh của một người thân nào đó giống với liệt sĩ.

Các anh không vô danh ảnh 8
Các anh không vô danh ảnh 9
Các anh không vô danh ảnh 10
Các anh không vô danh ảnh 11

Tháng 7 này, dự án của Thành cùng với Aicomic đang tổ chức đào tạo cho các tình nguyện viên với mong muốn giúp các gia đình liệt sĩ xây dựng di sản số. Công nghệ, với những bước tiến như vũ bão và việc cho phép sử dụng rộng rãi có thể khiến một người chưa từng viết, không biết viết có thể viết văn, viết bài báo, viết hồi ký nhờ ChatGPT, hoặc một người chưa từng vẽ có thể sử dụng Midjourney sáng tác tranh, vẽ phong cảnh... Việc tổ chức đào tạo là hoàn toàn miễn phí. Đổi lại, khi những ứng dụng này được các tình nguyện viên sử dụng thành thạo, họ sẽ giúp đỡ các gia đình liệt sĩ xây dựng di sản số.

Các anh không vô danh ảnh 12
Các anh không vô danh ảnh 13
Các anh không vô danh ảnh 14

10 nữ liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh NVCC).

Điều gì đã cho Thành sự nhẫn nại trong suốt hơn 10 năm qua?

Lê Công Thành nhớ lại một tối tháng 4/2013, anh nhận được một cú điện thoại từ Bắc Ninh hỏi về một liệt sĩ đang nằm ở Cam Chính, Quảng Trị có thông tin trên lietsi.com. Ngay ngày hôm sau, bạn Huynh, một tình nguyện viên tham gia dự án của Thành đã nhiệt tình chạy xe về Cam Chính chụp lại chính xác hình ảnh bia mộ liệt sĩ. Rồi sau đó, sau khi xác định chính xác, gia đình đã tới nghĩa trang để đưa người liệt sĩ ấy trở về quê nhà.

Thành, chưa bao giờ làm việc vì một lời cảm ơn. Nhưng lời cảm ơn anh nhận được từ gia đình đầu tiên tìm thấy thân nhân qua lietsi.com khiến anh cảm động. Đó có lẽ cũng là sức mạnh tạo dựng nên sự bền bỉ suốt hơn 10 năm qua.

Còn sau đó thì sao?

Sau đó mơ ước của Thành là có thể xây dựng một ngân hàng ADN để thông qua công nghệ gen giúp cho hàng trăm ngàn gia đình xác định được người thân đã hy sinh của mình.

Các anh không vô danh ảnh 15

Bức ảnh người mẹ già tóc bạc trắng òa khóc khi đón nhận hài cốt người con trai liệt sĩ này năm 2020 đã gây xúc động mạnh trên truyền thông, trên mạng xã hội, đã lấy đi nước mắt của biết bao người.

Đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lự ở Tân Sơn, Đô Lương, Nghệ An.

Mẹ Lự, năm 1969 cùng lúc nhận hai giấy báo tử, đã ngã quỵ khi hay tin hai đứa con hy sinh chỉ cách nhau 2 ngày.

Nhưng nỗi đau ấy như vết thương chưa bao giờ khép miệng với nỗi khắc khoải tìm thân xác con minh. Bởi trong cả hai giấy báo tử, đều chỉ ghi hai liệt sĩ “hy sinh ở mặt trận phía Nam”, đều chỉ báo địa điểm chôn cất là “nghĩa trang mặt trận”.

Các anh không vô danh ảnh 16

Câu chuyện của Mẹ Lự với với nỗi mòn mỏi ngóng trông việc tìm kiếm hài cốt của người con trai thứ hai được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ rất xúc động trong buổi làm việc với Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam tháng 7 năm ngoái.

Cầm trên tay bức hình Mẹ Lự, Thủ tướng nói nỗi đau lớn nhất với những gia đình thân nhân liệt sĩ là “mòn mỏi lấy thông tin trên những tờ giấy đã bạc màu, chữ đã mờ, để nhờ tìm kiếm với hy vọng tìm thấy người thân”.

Hôm đó, Thủ tướng giao liên bộ sớm tích hợp, liên thông dữ liệu quốc gia về liệt sĩ phục vụ giám định ADN hài cốt đồng thời nhanh chóng lưu trữ mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được hài cốt để đối chiếu sau này.

Các anh không vô danh ảnh 17

Thủ tướng chia sẻ hình ảnh mẹ Lự trong một cuộc làm việc thúc đẩy việc lưu trữ ADN nhân liệt sĩ chưa xác định được hài cốt để đối chiếu sau này (Ảnh AGP).

Một ngân hàng ADN có lẽ là việc không thể đừng, không thể chậm trễ được nữa.

Bởi “hàng trăm ngàn liệt sĩ chưa xác định được thông tin là nỗi đau, nỗi trăn trở của người còn sống”.

Bởi, như với gia đình Thành, người bà- em gái của liệt sĩ “vừa mất hôm qua”. Mất mát ấy như nhân đôi bởi việc xác định hài cốt bằng công nghệ gen sẽ ngày càng khó hơn nếu mất đi nguồn gen trực hệ.

Bài báo của chúng tôi lấy tựa “Các anh không vô danh”, đó cũng chính là slogan của lietsi.com. Nói như Thành, những anh hùng vị quốc vong thân ấy sao mà vô danh được. Họ vẫn sống trong tâm tưởng người thân, gia đình, đồng đội… mà có lẽ trách nhiệm nghĩa vụ của những người còn sống là trả lại tên cho họ.

Tổng Bí thư Tô Lâm với cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau.
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau
(Ngày Nay) - Tiếp theo chương trình công tác tại Cà Mau, chiều 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025.
Nghe pháp tôn trọng, nhưng chớ vội tin
Nghe pháp tôn trọng, nhưng chớ vội tin
(Ngày Nay) - Nghe Pháp là từ thường gặp trong kinh. Đa văn là nghe Pháp nhiều, một trong những hạnh lành. Ngày nay, nghe Pháp không chỉ nghe giảng mà còn là đọc, tụng, nghiên cứu, thảo luận, biên khảo giáo pháp.
Toàn cảnh Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Gìn giữ văn hóa bản địa qua trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình
(Ngày Nay) - Tối 17/11, tại Quảng trường Hòa Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức Chương trình Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 diễn ra từ ngày 15-23/11/2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Tổ dân phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Đoàn kết xây dựng khu dân cư tự quản, văn minh, hạnh phúc
(Ngày Nay) - Tối 17/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng Đoàn công tác Trung ương đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại Tổ dân phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, tỉnh Ninh Bình và đông đảo cán bộ, nhân dân Tổ dân phố 4, phường Đông Thành.
Mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
(Ngày Nay) - Tỉnh Hưng Yên đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển, mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với nhiều hoạt động hỗ trợ và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nhằm mang lại quyền lợi thiết thực cho người dân.
Hội nghị thượng đỉnh G20: Bất đồng trước thềm hội nghị về vấn đề khí hậu và đánh thuế
Hội nghị thượng đỉnh G20: Bất đồng trước thềm hội nghị về vấn đề khí hậu và đánh thuế
(Ngày Nay) - Ngày 16/11, trong cuộc thảo luận về tuyên bố chung trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nhà ngoại giao của nhóm đã gặp khó khăn trong việc thu hẹp bất đồng về nguồn tài chính để giải quyết biến đổi khí hậu và vấn đề đánh thuế nhóm siêu giàu.