Cách đây 30 năm, ngày 17/12/1994, Việt Nam lần đầu được ghi danh Di sản thiên nhiên thế giới với danh thắng Vịnh Hạ Long. Những giá trị độc đáo, ngoại hạng của danh thắng được thiên nhiên ưu đãi, kiến tạo từ hàng triệu năm trước đã đem lại niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao cho Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
________________
Ngay sau khi trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, Vịnh Hạ Long đã được xác định là nguồn tài nguyên vô giá cần phải bảo vệ vững chắc và lâu dài. BQL Vịnh Hạ Long cũng như tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo và phát huy di sản Vịnh Hạ Long.
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long khẳng định: Trong những năm qua, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã độc lập nghiên cứu và chủ động phối hợp với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước xây dựng và triển khai thực hiện trên 20 đề tài nghiên cứu khoa học về các giá trị tiêu biểu vịnh Hạ Long, trong đó nghiên cứu, đánh giá về địa hình Karst, giám sát giá trị đa dạng sinh học, khoanh vùng bảo vệ khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của vịnh Hạ Long (văn hóa làng chài, văn hóa khảo cổ...). Một số đề tài, nhiệm vụ cấp tỉnh được triển khai, áp dụng vào thực tiễn. Những đề tài nghiên cứu trên đã từng bước làm sáng tỏ những giá trị của vịnh Hạ Long, làm cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý, bảo tồn hiệu quả, phục vụ tốt công tác phát huy, khai thác các giá trị của Di sản. Bên cạnh đó, các giá trị Di sản còn thường xuyên được giám sát, đánh giá trước tác động, biến đổi của môi trường, khí hậu và ảnh hưởng từ các hoạt động kinh tế xã hội. Mô hình quản lý 24/24h được phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ, giám sát nguồn tài nguyên di sản.
Theo đó, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên vịnh Hạ Long được quản lý chặt chẽ, bố trí lực lượng thường trực 24/24h để nắm bắt thông tin. Cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động trên vịnh Hạ Long được tăng cường.
Ban quản lý cũng thực hiện giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các giá trị di sản theo hướng dẫn tại Nghị định 109/2017/NĐ-CP về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên ở Việt Nam trên cơ sở Bộ chỉ số và tiêu chí giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn di sản thế giới vịnh Hạ Long, trong đó giám sát tình trạng bảo tồn các giá trị: cảnh quan thiên nhiên, địa chất - địa mạo, văn hóa lịch sử, đa dạng sinh học và công tác bảo vệ môi trường di sản nhằm kiểm đếm, kiểm soát, đánh giá, phát hiện kịp thời những nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị của vịnh Hạ Long và có các hành động quản lý, ứng phó kịp thời. Mỗi năm Ban triển khai hàng chục đợt giám sát định kỳ các giá trị di sản , ngoài ra, tại các điểm đón khách tham quan, các giá trị được kiểm tra, giám sát thường xuyên, cử cán bộ theo dõi hàng ngày và ghi lại số liệu, những nguy cơ, dấu hiệu bất thường (nếu có).
Các nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu, bảo tồn khác được triển khai ráo riết: thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long; khoanh vùng bảo tồn một số khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao; bảo tồn các loài thực vật quý trên vịnh Hạ Long; lập hồ sơ một số điểm di sản địa chất - địa mạo trên vịnh Hạ Long; bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa tiêu biểu của làng chài trên vịnh Hạ Long; nghiên cứu, khảo sát, khai quật một số điểm khảo cổ trên vịnh Hạ Long...
Nhiều giải pháp mang tính chất tiên phong, đột phá thể hiện sự quyết tâm ưu tiên bảo tồn nguyên vẹn các giá trị Di sản, bảo vệ đa dạng sinh học được triển khai thực hiện, đó là di dời các hộ dân làng chài trên vịnh lên bờ sinh sống từ năm 2014, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi cho người dân; cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối khu Di sản từ năm 2018, các trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định; triển khai lập các điểm quy hoạch nuôi trồng thủy sản nằm ngoài khu vực bảo vệ tuyệt đối Di sản; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinker, xi măng dăm gỗ trên vịnh Hạ Long...
Từ năm 2023, sau khi vịnh Hạ Long được mở rộng ranh giới sang Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị chức năng tham mưu, thống nhất các nhiệm vụ cần triển khai để quản lý di sản liên tỉnh.
Đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, sự kiện Vịnh Hạ Long mở rộng ranh giới, trở thành di sản liên tỉnh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã tạo sức hút của di sản lớn hơn, cho phép Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch biển. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đặt ra những yêu cầu mới về công tác quản lý, bảo vệ và đặc biệt là công tác phát huy giá trị của di sản. Thực tế, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã và đang có sự kết nối trong những năm qua, thông qua 3 cách: Thứ nhất là thông qua tuyến phà Tuần Châu - Gia Luận; thứ hai là thông qua tàu du lịch chạy theo tuyến 5 cảng tàu của Quảng Ninh - đến bến Gia Luận (Cát Bà, Hải Phòng), trong đó có 4 tiếng tham quan Vịnh Hạ Long và 1 tiếng tham quan Cát Bà, đi qua các điểm động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Chó Đá, hang Ba Hang, hòn Đỉnh Hương, hòn Trống Mái, rồi đến vịnh Lan Hạ Cát Bà và tới bến Gia Luận; thứ ba là kết nối bằng tàu chuyên tuyến, là các tender hiện nay.
Nói vậy có nghĩa là di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà có 3 “cổng”, trong đó phía Quảng Ninh có 2 “cổng” là Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, phía Hải Phòng có 1 “cổng” là bến Gia Luận, từ đó mở ra các tuyến tham quan trên 2 vịnh Hạ Long và Lan Hạ. Việc quản lý, kết nối du lịch giữa 2 vịnh thông qua “cổng” cũng chính là một tuyến du lịch trên vịnh, sẽ đảm bảo lợi ích cho cả địa phương, doanh nghiệp và khách du lịch khi đến với di sản…
Vịnh Hạ Long mở rộng ranh giới, trở thành di sản thế giới liên tỉnh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đặt ra những thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ, gìn giữ di sản, khai thác di sản theo hướng bền vững, phù hợp sức tải môi trường của các vịnh. Điều này đòi hỏi cần có sự điều chỉnh trong công tác quản lý một cách phù hợp, nhất là trong bối cảnh hiện nay quy định quản lý các di sản thế giới liên tỉnh ở Việt Nam chưa có tiền lệ, Luật Di sản chưa quy định rõ nét, thì động thái của Quảng Ninh và Hải Phòng phải rất cụ thể, quyết liệt. Theo đó, BQL Vịnh Hạ Long năm nào cũng ký quy chế phối hợp với huyện Cát Hải về công tác quản lý, vệ sinh môi trường, cứu hộ, cứu nạn… trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Lan Hạ. Hai địa phương cũng đã có văn bản cam kết trong việc bảo vệ toàn vẹn di sản gửi lên UNESCO, đó là tiến trình rất đáng mừng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới liên tỉnh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Ngoài việc gìn giữ, bảo tồn di sản, hoạt động tuyên truyền, quảng bá vịnh được Ban quản lý Vịnh Hạ Long đa dạng hóa về hình thức, phong phú về nội dung và nâng cao về hiệu quả tuyên truyền, như mở chuyên mục về Di sản trên báo, đài địa phương từ năm 1999, lắp dựng các biển quảng bá tấm lớn tại các nút giao thông quan trọng; khai thác và tận dụng tối đa vai trò tuyên truyền hiệu quả của mạng xã hội, thiết lập trang Web riêng về vịnh Hạ Long với 6 thứ tiếng, lập facebook và fanpage về vịnh Hạ Long; mở rộng các ấn phẩm tuyên truyền với hàng chục đầu ấn phẩm.
Ban quản lý cũng mở rộng phạm vi hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch vịnh Hạ Long tại các thị trường khách trọng điểm trong nước và quốc tế thông qua chương trình xúc tiến du lịch, thương mại, triển lãm, hội nghị trong và ngoài nước; Tích cực hợp tác truyền thông với các đài phát thanh, báo, tạp chí Trung ương, địa phương để đăng tải các chuyên đề, viết bài chuyên sâu về Di sản vịnh Hạ Long; Hợp tác với các cơ quan truyền thông, các nhà làm phim trong nước và quốc tế để quảng bá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của vịnh Hạ Long; Thường xuyên biên soạn, biên tập và xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá về vịnh Hạ Long bằng nhiều thứ tiếng (tiếng Anh, tiếng Trung Quốc...); Tăng cường liên kết với Câu lạc bộ các di sản thế giới ở Việt Nam để kết nối thông tin, quảng bá về các giá trị, tiềm năng di sản vịnh Hạ Long.
Tăng cường cung cấp thông tin cho khách du lịch trước và trong hành trình tham quan vịnh Hạ Long thông qua việc phát huy vai trò của đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên tàu du lịch, hệ thống bảng biển...
Theo ông Phạm Đình Huỳnh, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ Di sản được phổ cập cho nhiều đối tượng: học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế, dân cư khu vực ven bờ, khách du lịch, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh... gắn với các hoạt động giáo dục, ngoại khóa, thực tế về bảo vệ cảnh quan, môi trường, giá trị Di sản. Điển hình, tỉnh đã đưa chương trình giáo dục bảo vệ Di sản vào trường học bắt đầu từ năm học 2000-2001, được đánh giá tốt và mở rộng triển khai mở rộng ra tất cả các trường học tại các địa phương; tổ chức thành công mô hình giáo dục con thuyền sinh thái Ecoboat - một hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường trên vịnh Hạ Long với phương châm chơi mà học, học mà chơi từ năm 2005; xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn giáo dục bảo vệ môi trường sinh thái vịnh Hạ Long; phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ Di sản; xây dựng và triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử "Văn minh du lịch", "Nụ cười Hạ Long"; tổ chức ngày chủ nhật xanh, ra quân dọn vệ sinh môi trường, giáo dục môi trường thực tế trên vịnh.. Nhận thức và sự tham gia của cộng đồng về bảo vệ, giữ gìn Di sản đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Có thể nói, sau 30 năm, Vịnh Hạ Long đã thực sự trở thành thương hiệu của du lịch Quảng Ninh, là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nói riêng, của cả nước nói chung và là điểm đến được lựa chọn hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế. Đó là sự khẳng định, minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong việc chăm lo, thực hiện tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và biết khai thác, phát huy tốt giá trị đặc biệt của Vịnh Hạ Long, gìn giữ di sản cho muôn đời sau.