Cách đây 30 năm, ngày 17/12/1994, Việt Nam lần đầu được ghi danh Di sản thiên nhiên thế giới với danh thắng Vịnh Hạ Long. Những giá trị độc đáo, ngoại hạng của danh thắng được thiên nhiên ưu đãi, kiến tạo từ hàng triệu năm trước đã đem lại niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao cho Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
_________________
Vịnh Hạ Long không chỉ là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là một kho tàng về văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh học vô cùng quý giá. Với hàng ngàn hòn đảo đá vôi, hang động kỳ bí và hệ sinh thái đa dạng, Vịnh Hạ Long mang trong mình những giá trị độc đáo, cần được bảo tồn và phát huy.
Không chỉ có giá trị về cảnh quan, Vịnh Hạ Long còn hấp dẫn du khách bởi những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử. Đây chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt và sức hấp dẫn đặc biệt của Vịnh Hạ Long so với các điểm đến du lịch khác.
Theo nghiên cứu, vịnh Hạ Long là một trong cái nôi của người Việt cổ, với ba nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm đó là: Văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long. Những kết quả nghiên cứu, thám sát khảo cổ học và văn hóa học cho thấy sự hiện diện của những cư dân tiền sử trên vùng vịnh Hạ Long từ khá sớm, đã tạo lập những hình thái văn hóa cổ đại tiếp nối nhau bao gồm văn hóa Soi Nhụ trong khoảng 18.000-7.000 năm trước Công Nguyên, văn hóa Cái Bèo trong 7.000-5.000 năm trước Công Nguyên và văn hóa Hạ Long cách ngày nay khoảng từ 3.500-5.000 năm.
Ngay tại khu vực trung tâm di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện khá nhiều dấu tích còn lại của những cư dân thời tiền sử Hạ Long tại động Mê Cung, hang Tiên Ông, hang Bồ Nâu, động Thiên Long... Đặc biệt là, các di chỉ khảo cổ học thuộc thời tiền sử Hạ Long, đã được phát hiện, có mặt hầu hết các nơi trên Vịnh, chứng tỏ một quy mô rộng khắp, thể hiện sự phát triển rực rỡ, liên tục của một nền văn hóa mang đậm sắc thái của cư dân vùng biển đảo, có ý nghĩa quan trọng góp phần vào quá trình hình thành nền văn minh Việt cổ.
Hiện nay, trong xu thế phát triển các loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, bên cạnh việc bảo vệ và khai thác tốt những giá trị, tiềm năng tự nhiên to lớn của di sản, Quảng Ninh luôn quan tâm đến việc giữ gìn, khai thác và phát huy có hiệu quả những giá trị về mặt văn hóa - lịch sử, nhân văn của di sản Vịnh Hạ Long. Qua đó, góp phần làm tăng sự hấp dẫn vốn có của du lịch Hạ Long.
Nhắc đến đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long là nhắc đến sự da dạng về hệ sinh thái và đa dạng loài sinh vật. Đây là khu vực được xác định có đa đạng cao các hệ sinh thái với nhiều kiểu hệ sinh thái đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới như: Hệ sinh thái các thảm thực vật trên đảo và hệ sinh thái hang động, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái vùng triều đáy mềm, hệ sinh thái vùng triều đáy cứng, hệ sinh thái bãi triều cát, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng - áng và hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ.
Về sinh vật, hiện nay, Vịnh Hạ Long đã thống kê được 2.949 loài động thực vật với 1.259 loài động thực vật sống trên cạn và 1.553 loài sinh vật sống trong thuỷ vực. Trong đó, có 102 loài quý hiếm đang bị đe dọa ở các cấp độ khác nhau theo Sách đỏ Việt Nam, Công ước CITES, Danh lục đỏ của IUCN và 17 loài thực vật đặc hữu thuộc Vịnh Hạ Long như: Cọ Hạ Long, thiên tuế Hạ Long, nhài Hạ Long, ngũ gia bì Hạ Long... Đặc biệt, trong số các loài thực vật phong phú có rất nhiều loài hoa có giá trị thẩm mỹ cao, có tiềm năng lớn trong nâng cao giá trị cảnh quan phải kể đến như: Bông mộc, hài vệ nữ hoa vàng, khổ cử đài tím, lan hài đốm…
Xác định bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học là một nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược, nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, bảo vệ sự đa dạng sinh học, duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái nhất tại các khu bảo tồn thiên nhiên nói chung và khu vực Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long nói riêng.
Theo đó, tỉnh đã phê duyệt Đề án rà soát, xác định hiện trạng tài nguyên Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long, với 2.500ha rừng tự nhiên núi đá để cập nhật vào hồ sơ quản lý rừng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững đối với kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long xây dựng đề cương nghiên cứu thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Vịnh Hạ Long nhằm bảo tồn nghiêm ngặt tài nguyên tự nhiên khu vực Vịnh Hạ Long theo tiêu chí của khu bảo tồn thiên nhiên. Đồng thời, triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học gồm: Khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực đa dạng sinh học cao, tập trung các loài quý, hiếm, đặc hữu trên Vịnh Hạ Long; bảo tồn các loài thực vật quý trên Vịnh Hạ Long (Năm 2020, 2021 đã trồng 1.060 cây bông mộc trên các điểm tham quan của Vịnh); thực hiện giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các giá trị di sản (giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo) theo bộ tiêu chí và giám sát đa dạng sinh học trên Vịnh Hạ Long theo Bộ tiêu chí giám sát tài nguyên đa dạng sinh học...
Vịnh Hạ Long có chiều sâu lịch sử địa chất đến khoảng 3 tỉ năm và có những dẫn liệu rõ ràng ít nhất gần 500 triệu năm qua. Giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất - địa mạo của vịnh Hạ Long được khẳng định bởi đó là một cảnh quan karst trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm bị biển xâm lấn và biến cải nhiều lần và hiện vẫn đang ngập chìm một phần trong nước. Vịnh Hạ Long quy tụ gần như đầy đủ các dạng cơ bản của địa hình karst như đồng bằng karst; phễu và thung lũng; chóp và tháp karst. Biển cũng nhấn chìm các phễu, hố sụt và thung lũng karst, tạo nên những hồ nước mặn, hay các tùng, áng. Hang động vịnh Hạ Long rất phong phú và đa dạng, được biết có trên 60 chiếc và thuộc về 3 nhóm hang chính: Hang ngầm cổ (hang treo), hang nền karst, hang hàm ếch biển.
Vịnh Hạ Long còn có sự đa dạng về các yếu tố địa hình như các đảo núi xen kẽ các vũng biển sâu, sự tương phản của rừng sú vẹt ven bờ và các đảo đá vôi có vách dựng đứng. Đây chính là loại hình thái địa hình cổ nhất còn quan sát được ở Việt Nam.
Ở phần lục địa và các đảo, địa hình xâm thực bào mòn thể hiện ở các đồi núi lục nguyên, núi và đảo đá vôi, ở các hang động thuộc các tầng khác nhau. Còn ở đáy Vịnh, đáng quan tâm là các nhánh sông cổ, các khối karst sót lại và đặc biệt là cánh đồng karst ngập chìm.
Ngoài ra, với sự đa dạng về quá trình hình thành và hình thái của hệ thống hang động và đảo đá, Vịnh Hạ Long có 2 loại hang: Hang cổ và hang trẻ. Quá trình hình thành hệ thống hang trẻ liên quan đến sự chuyển dời từng phần các “dăm kết hang động” lấp đầy các hang cổ (như hang hồ Động Tiên), còn sự bào mòn liên tục của nước biển trên địa hình bán bình nguyên karst cổ đã tạo nên các đảo đá vôi hình cột và các đảo có hình thù kỳ dị khác như ngày nay.