Sau nhát dao chí mạng, khuôn mặt bà Xuê in hằn một vết sẹo dài chạy trên má. Đến nay, mặc dù các vết thương năm nào đã lành, nhưng nỗi đau, sự ám ảnh về nó còn đeo đẵng theo bà đến hết cuộc đời.
Kiếp hồng nhan, bạc phận
Ngày còn trẻ, bà Phạm Thị Xuê (SN 1952), trú xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nổi tiếng là người xinh đẹp trong vùng. Có lẽ vì vậy mà câu nói “hồng nhan, bạc phận” vô tình đã vận vào bà từ lúc nào không hay.
Bà Xuê vốn có một đời chồng, nhưng ở với nhau 2 năm, phát hiện bà không có khả năng sinh con, người chồng đầu tiên cũng bỏ bà mà đi.
Đến năm 1976, bà Xuê gặp ông Trần Giang S. (SN 1944), trú TP.Đồng Hới (Quảng Bình) – một người đàn ông đã bỏ vợ, có 3 đứa con thơ dại (2 gái, 1 trai).
Bà Xuê tiều tụy sau hơn 30 năm bị chồng đánh đập
Qua những lần trò chuyện, tâm sự, họ đã cảm nhận được sự đồng cảm giữa hai số phận đang “khuyết” nửa kia của cuộc đời.Từ đó, ông S. đưa người con trai út (mới 2 tuổi) vào ở cùng bà ở xã Quảng Hợp.
Với một người đàn bà đang sống cô độc, không có con, nay “bỗng nhiên” có gia đình, được nghe giọng nói bi bô của đứa con trai kháu khỉnh, nên bà S. vui mừng và hạnh phúc khôn xiết.
“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, về ở với nhau được một thời gian, ông S. bắt đầu bộc lộ bản tính “vũ phu”, rượu chè của mình. Vì vậy, nụ cười trong ngôi nhà ấy dần trở nên thưa thớt, thay vào đó là tiếng cãi vã, tiếng la hét, tiếng bước chân bà chạy thục mạng trong đêm tối để tránh “cơn mưa roi” của chồng...
Nghĩ về những trận đánh của chồng, khuôn mặt bà Xuê lộ rõ sự đau đớn, ê chề: “Những ngày đầu, ông ấy chỉ chửi, mạt sát và dùng tay tát vào mặt tôi. Nhưng càng về sau, ông ấy viện đủ lí do để đánh đập tôi với mức độ dày đặc”.
Dùng dao phay ‘lia” vào mặt vợ
“Có lần tôi vừa đi làm về, chưa hiểu sự tình gì thì ông ấy đã lôi tôi ra đánh. Ông ấy chúi đầu tôi xuống đất, dùng mũi kìm đâm liên tiếp vào đầu. Tôi đau đớn không gì tả xiết...”, vừa nói, bà Xuê vừa chỉ tay lên khoảng da đầu “trắng xóa” vì sẹo.
Khi chồng ngày đêm “ngập” trong men rượu, đứa con trai của chồng lại đang còn nhỏ, một mình bà đảm nhận hết công việc đồng áng. Đêm đến, để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, bà lại “lọ mọ” đi bắt tôm, bắt tép. Ấy thế mà người chồng “vũ phu” không hề động lòng xót xa.
“Những lần nhậu say, ông ấy xin tiền tôi nhậu tiếp, thấy tôi không cho, ông ấy liền “dở chứng”, “vớ” được bất cứ thứ gì bên cạnh đánh được là ông ấy đánh. Thậm chí, ông ấy còn dùng đòn gánh “phang” vào miệng tôi, khiến máy chảy “ngập” miệng, hàm răng trên rụng không còn một cái”, bà Xuê nhớ lại.
Không có con, nên bà thương người con trai của chồng như con mình. Năm đứa con trai đi hỏi vợ ở xa, bà chạy vạy, lo toan chu tất mọi bề. Khi việc đã xong, mọi người ra về, ông S. lại chứng nào tật ấy, gây sự với vợ rồi “tiện” tay “lia” thẳng con dao phay vào mặt vợ.
Sau nhát dao chí mạng, khuôn mặt bà Xuê in hằn một vết sẹo dài chạy trên má
Bà Xuê khóc tủi, chỉ tay vào vết sẹo dài trên má trái: “Con dao phay sắc nhẹm “phập” vào má, máu chảy lênh láng. Thấy vết thương sâu hoắm, mọi người nhai hàng nắm lá cây (để cầm máu) nhét vào cũng chưa đầy”.
Những tưởng sau trận đòn ấy, bà Xuê sẽ bỏ đi hoặc báo chính quyền địa phương biết chuyện, nhưng trước sự van xin, lạy lục của chồng và đứa con trai, bà laị tha thứ, âm thầm chịu đựng nỗi đau ấy một mình. Nếu ai có hỏi, thì bà lại trả lời qua loa rằng: “Tôi đi đứng bất cẩn nên bị ngã xuống đường”.
“Không biết sao bà ấy lại chịu đựng giỏi như vậy. Sau mỗi trận đánh thừa sống thiếu chết, một số người cháu khuyên bà ấy đến nhà họ ở nhưng bà không chịu, chỉ ở 1 đến 2 ngày là quay về nhà.
Mấy chục năm ở với ông S., bà ấy đã “nếm” trải đủ cay đắng. Bây giờ, trên người bà ấy chằng chịt những vết thương do ông S. gây ra”, một người hàng xóm chia sẻ.
Chính sự vị tha, sức chịu đựng trong con người bà là quá lớn, nên hết lần này đến lần khác, bà như bức hình nộm để chồng mặc sức chửi bới, đánh đập. Cuộc sống cứ như vậy, cho đến hơn 30 năm sau, khi bà bị người chồng đánh đập, tra tấn như thời trung cổ...
(Còn nữa)
P.V