Chuyện về anh Hùng 'chụp rác'

Chuyện về anh Hùng 'chụp rác'

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng đã đi xuyên Việt bằng xe máy chỉ để chụp ảnh về rác thải nhựa, cảnh báo tiếng kêu thảm thiết của những cửa biển đang bị bức tử, nơi loài người vẫn hàng ngày ngâm mình trong rác.

* * *

Chuyện về anh Hùng 'chụp rác' ảnh 1

Lekima Hùng tên thật là Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1977). Nhiều năm nay, mọi người biết đến anh không chỉ là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, một người thầy nhiệt huyết của nhiều thế hệ đam mê nhiếp ảnh mà còn là “sứ giả” của môi trường.

Tháng 8/2018, tại Hà Nội, Lekima Hùng bắt đầu chuyến hành trình rong ruổi bằng xe máy từ Bắc vào Nam, qua 39 tỉnh thành, trong đó có 28 tỉnh thành ven biển. Chuyến đi kéo dài 43 ngày, Lekima Hùng đã quay và chụp nhiều thước phim cùng hơn 3.000 tấm ảnh ghi lại tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra trên dải đất hình chữ S. Chắc có lẽ cũng từ đó mà người ta gọi anh bằng cái tên dễ mến hơn là “anh Hùng chụp rác”.

Anh Hùng chia sẻ: “Tôi đã chụp ảnh về môi trường cũng được khoảng 15 năm nay, nhưng riêng về rác thải nhựa thì tôi mới chỉ bắt đầu tìm hiểu từ đầu năm 2017 đến nay. Công cuộc đặc biệt nhất trong việc tìm hiểu về rác thải nhựa của mình đó chính là chuyến hành trình xuyên Việt hồi năm 2018”.

Chuyện về anh Hùng 'chụp rác' ảnh 2

Do vị trí xuất phát từ Hà Nội nên chuyến đi của Lekima Hùng được chia thành 2 chặng cho thuận lợi. Từ đầu tháng 8 sang tháng 9, anh đi từ Thủ đô Hà Nội tới Ninh Bình và từ đó bám theo đường bờ biển vào đất mũi Cà Mau. Sau đó, anh lại bám dọc biển tới Hà Tiên (Kiên Giang), giáp biên giới Campuchia rồi quay lại TP HCM và gửi xe đi máy bay trở ra Hà Nội.

Trong tháng 12/2018, anh đi tiếp từ Hà Nội xuống Nam Định và dọc biển của 3 tỉnh thành còn lại là Thái Bình, Hải Phòng (qua đảo Cát Bà) và Quảng Ninh tới mũi Sa Vỹ - địa đầu Tổ quốc.

Hành trang mà nhiếp ảnh gia Lekima Hùng mang theo trong suốt 43 ngày đêm là niềm tin, hy vọng và một chiếc xe máy cùng ba chiếc thùng đựng vật dụng cá nhân, đồ nghề máy ảnh.

“Do đi xe máy và vào địa hình phức tạp, có thể gặp mưa gió dễ ngã tôi đã phải dùng hộp đựng đồ nghề chụp ảnh chuyên dụng, loại có khả năng chống va đập và chống nước. Kèm theo là flycam, máy quay chụp dưới nước nhỏ xinh (GoPro), đèn và các dụng cụ cần thiết khác.

Và có một điều quan trọng nữa mà tôi luôn mang theo là “niềm tin và hy vọng”. Đối với tôi, “niềm tin và hy vọng” chính là động lực lớn nhất giúp tôi tiến bước mỗi ngày trên những cung đường xa xăm kia. Đã có rất nhiều người dân địa phương thấy xe máy của tôi lỉnh kỉnh đồ đạc, họ tưởng tôi đi buôn nên hỏi thăm. Nhưng tôi chỉ cười và trả lời họ rằng, em không bán gì cả, chỉ đang cho đi niềm hy vọng mà thôi”, anh Hùng tâm sự.

Khi được hỏi từ đâu lại có ý tưởng này, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng cho biết, cách đây 5 năm, một biến cố không mong muốn đã ập đến gia đình anh. Khi phát hiện mẹ mình bị ung thư, anh đã cố gắng tìm hiểu các nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, anh mới biết đến các tác hại vô cùng to lớn của rác thải nhựa đối với môi trường, đại dương và đặc biệt là sức khỏe con người. với sức khoẻ con người với đại dương. Đó cũng chính là một trong những lý do thôi thúc anh xách máy ảnh lên đường và thực hiện chuyến đi.

Chuyện về anh Hùng 'chụp rác' ảnh 3

Hơn nữa, là một nhiếp ảnh gia và là người dạy nhiếp ảnh chuyên nghiệp hơn 10 năm nay, Lekima Hùng hiểu được giá trị của sự chân thật và những thông tin mà bức ảnh mang lại cho người xem. Vì vậy, anh đã quyết tâm lên đường với mong muốn không chỉ “dọn rác bằng hình ảnh” mà còn “dọn cả ý thức đổ rác bữa bãi”.

Một thân một mình “chinh chiến” trong chuyến hành trình đi chụp rác thải nhựa, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí là nỗi sợ hãi. Có lần hai bên “gầm ghè” chờ đợi nhau ở bờ biển hoang vắng khi bên kia là một người lái xe tải định đổ rác ra biển, còn Hùng thì lăm lăm đồ nghề để quay, chụp. Đã có lần anh bị dọa đánh và đập máy ảnh. Rồi có lần anh không dám đi tiếp vì đường ven biển vào buổi chiều tối hoang vắng, vì gặp những trận mưa lớn tầm nhìn chỉ được 2-3 mét và vì những lần tai nạn xe máy trên đường đi. Chưa kể đến có những lần chờ đợi và ăn uống luôn ở bãi rác để chụp những bức ảnh ưng ý hơn.

Đối diện với những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào, nhưng khi tiếng gọi của rác thải, của môi trường thôi thúc, anh lại thấy mình như “mắc nợ” với thiên nhiên, những nỗi sợ hãi trở nên nhỏ bé. Đối với Lekima Hùng, dường như môi trường và những năm tháng lăn lộn cùng rác thải đã tôi luyện anh trở thành một chiến binh. Một “chiến binh diệt rác” đầy bản lĩnh, sẵn sàng tạm gác mọi công việc, bất chấp mọi khó khăn để thực hiện hành trình xuyên Việt đó.

Chuyện về anh Hùng 'chụp rác' ảnh 4

Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần về tình trạng ô nhiễm môi trường dọc các tỉnh thành ven biển Việt Nam nhưng “anh Hùng chụp rác” vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Lekima Hùng cho biết, anh đã sốc với biển rác dài cả cây số, tưởng không hề có trong sự thật. Đó là cảnh tượng khiến anh choáng ngợp, kinh hoàng dù không ít lần chứng kiến nhiều nơi bị ô nhiễm nặng nề.

Chuyện về anh Hùng 'chụp rác' ảnh 5

Trong hành trình của mình, một trong những vùng biển khiến anh Hùng ám ảnh nhất là khu vực xã Chí Công (huyện Tuy Phong, Bình Thuận), nơi có hàng trăm kilomet rác thải, trong đó chủ yếu là rác thải nhựa. Chợ hải sản trở thành nguồn xả rác kinh hoàng ở đây, biến đường bờ biển trở thành chiếc thùng rác khổng lồ. Những khu chợ to, nhỏ được cấp phép hoặc tự phát bên bờ biển thuôc xã Chí Công, người dân kinh doanh đều sử dụng chủ yếu túi nilong để giao dịch. Nguy hiểm hơn, túi nilong sau đó sẽ quăng ngay ra sát biển, họ đã chấp nhận sống chung với rác như thế trong rất nhiều năm nay. Anh Hùng nhớ lại, “đi bộ trên bờ biển này mà chân nhiều khi thụt sâu trong rác thải là nylon. Thật sự không thể tin nổi vào mắt mình”.

Tại xã Bình Châu nơi có cảng Sa Kỳ dẫn ra đảo Lý Sơn nổi tiếng Quảng Ngãi, người dân thản nhiên coi biển là nơi chứa rác của… gia đình. Bình Châu không có thùng rác, từ hộp sữa nhỏ đến những bịch rác to tất cả đều được chút xuống biển như thể biển là cỗ máy khổng lồ mang rác tránh xa cuộc sống của họ.

Chuyện về anh Hùng 'chụp rác' ảnh 6

Và không chỉ có Bình Châu hay Chí Công, rất nhiều những cửa biển khác trên dọc miền đất nước vẫn đang hàng ngày bị bức tử bởi rác thải nhựa.

Không những vậy, đi qua nhiều nơi, hình ảnh mà anh bắt gặp thường xuyên đó là những đứa trẻ đang chơi đùa trên rác, những người đàn ông ngâm mình trong rác hay nhưng khu dân cư đang sống chung với rác.

“Những lúc như vậy, tôi đã tự hỏi con người đã và đang làm gì với chính cuộc sống của mình?”, anh Hùng chia chia sẻ.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một thực tế khác, ở xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy, Quảng Bình), các bạn nhỏ tham gia nhặt rác cùng người lớn hằng tuần nên bờ biển khá sạch… Nhưng không có xe thu gom rác nên họ gom lại, đổ ra lề con đường hoang vắng, đường dọc biển.

Thế nhưng, tréo ngoe thay tại Quảng Bình, khi có dịp đến thăm nhà máy xử lý rác tư nhân thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam, nơi “mọi loại rác đều có thể xử lý để biến thành tiền” thì Lekima Hùng lại phát hiện nhà máy này không thể hoạt động hết công suất vì không gom đủ rác. Điều đó cho thấy, trong quá trình xử lý rác thải ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Chuyện về anh Hùng 'chụp rác' ảnh 7

Khép lại chuyến hành trình xuyên Việt của mình, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng không chỉ “thu về” được hơn 3000 bức ảnh chụp rác mà còn là những ám ảnh không dứt về thực trạng báo động của rác thải nhựa trên vùng biển Việt Nam.

Từng khoảnh khắc được tái hiện trong mỗi bức ảnh gắn với từng câu chuyện cụ thể cho thấy một phần của bức tranh môi trường biển Việt Nam hiện lên chân thực trước mắt người xem. Qua đó, người ta còn “nghe” thấy tiếng kêu cứu thảm thiết từ những cửa biển đang bị bức tử.

Chuyện về anh Hùng 'chụp rác' ảnh 8

Việc xử lý rác thải khu vực ven biển Việt Nam đến nay vẫn là ẩn số, bởi những thói quen trong sinh hoạt của người dân khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Ngoài ra, do quy hoạch thiếu đồng bộ lẫn buông lỏng quản lý của các cơ quản quản lý ở địa phương và sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có liên quan. Lekima Hùng cho biết, anh đã đi trên một phần của bãi biển, nơi rác chất thành đống, có những chỗ dày cả vài chục phân. Rác ở đây không chỉ làm mất mỹ quan, hôi thối, môi trường sống của người dân cũng bị ảnh hưởng, nguy cơ bùng phát, lây nhiễm dịch bệnh rất cao... mà còn “đe dọa” trực tiếp đến kinh tế của đất nước.

Do vậy, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải tại những khu du lịch, theo nhiếp ảnh gia Lekima Hùng, chính phủ cần phải có những giải pháp đồng bộ từ giáo dục bảo vệ môi trường cho cho người dân (nhất là trẻ em), đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác hiện đại, đến thiết lập chính sách, chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những đơn vị vi phạm. Đồng thời, ngành Du lịch Việt Nam nên phát triển theo hướng Du lịch Xanh để làm tăng khả năng cạnh tranh của du lịch, giúp phát triển du lịch bền vững và giúp bảo vệ môi trường.

Qua chuyến hành trình của mình, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng muốn gửi được thông điệp mạnh mẽ về “3R” trong việc sử dụng rác thải nhựa: Reduce (giảm thiểu), Reuse (tái sử dụng), Recycle (tái chế). Đặc biệt, thông điệp chính là chỉ có hành động mới làm ta thay đổi.

Chuyện về anh Hùng 'chụp rác' ảnh 9

“Chúng ta nói rất nhiều nhưng không hành động thì không thay đổi được gì nhiều. Trong chuyến đi này, tôi chụp được rất nhiều biển hiệu như “Hãy làm sạch biển” hay “Cấm đổ rác”, nhưng ngay dưới đó lại đầy... rác. Tôi nghĩ rằng, chỉ có hành động bằng cách hạn chế rác thải nhựa từ chính bản thân chúng ta, mỗi ngày, mỗi giờ. Tất cả chúng ta đều làm như vậy thì mới thay đổi được thực trạng này. Mỗi việc nhỏ chúng ta có thể làm sạch và bảo vệ đại dương hôm nay có thể chỉ là giọt nước giữa biển cả bao la. Nhưng nước trong đại dương sẽ ít đi nếu thiếu những giọt nước ấy,” nhiếp ảnh gia Lekima Hùng nói.

Có thể bạn chưa biết, lượng rác thải nhựa con người đổ xuống đại dương mỗi phút tương đương với mỗi chiếc xe tải rác. Nếu không hành động, con số này sẽ tăng thành 2 xe tải mỗi phút vào năm 2030 và 4 xe tải mỗi phút vào năm 2050. Khi đó sẽ có hơn 937 triệu tấn nhựa so với 895 triệu tấn cá trong đại dương.

Còn theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, có hơn 600 loài sống ở biển bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa. 15% các loài bị vướng hay nuốt phải rác thải nhựa có nguy cơ tuyệt chủng. Điều đáng báo động là đến năm 2050 có khoảng 99% các loài sẽ bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa.

Chuyện về anh Hùng 'chụp rác' ảnh 10
TIN LIÊN QUAN
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.