* * *
Ngày 12/7, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã đưa ra cảnh báo một loạt hiện tượng nắng nóng bất thường và thời tiết khô hanh dẫn tới các vụ cháy rừng dữ dội trong thời gian gần đây là do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. WMO đặc biệt nhấn mạnh tại những vùng đất giá rét như Siberia và Alaska cũng xảy ra các đợt nắng nóng bất thường.
Các vụ cháy rừng xảy ra thường xuyên với mức độ khốc liệt bất thường và kéo dài ở các vùng ở Bắc cực. Tại Siberia, nhiệt độ trung bình trong tháng 6 vừa qua đã tăng mạnh so với nhiệt độ trung bình thông thường ở vùng đất này. Trong khi đó, tình trạng nóng lên toàn cầu đã khiến một loạt các nước châu Âu “bùng cháy”, người dân chỉ còn biết khỏa thân cứu nóng. Nhiệt độ ở Pháp lên tới 45,9 độ C trong ngày 28/6/2019 - lần đầu tiên mức nhiệt kỷ lục này được ghi nhận tại Gallargues-le-Montueux, một ngôi làng ở vùng phía Nam Gard, gần Montpellier, phá vỡ những kỷ lục liên tiếp được thiết lập trước đó. Mức nhiệt khủng khiếp này ngang với nhiệt độ trong tháng 8 ở Thung lũng Chết, bang California, Mỹ.
Mức nhiệt 44-45 độ cũng đang phổ biến tại Bulgaria, Bồ Đào Nha, Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bắc Macedonia, Meteo France... TS Dim Como - chuyên gia về biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ở Đại học Amsterdam, Hà Lan chia sẻ: “Do biến đổi khí hậu toàn cầu, các dạng nắng nóng bất thường có thể xảy ra thường xuyên và sẽ khủng khiếp hơn trong thời gian tới”.
Trước đó, năm 2018, một đợt nắng nóng kéo dài trong tháng 6 đã làm ảnh hưởng đến hơn 2,2 triệu ha canh tác nông nghiệp của Ba Lan khiến hơn 134 nghìn nông trại của nước này chìm trong khô hạn. Thiệt hại ước tính lên đến hơn 300 triệu USD. Chính phủ Ba Lan đã quyết định chi hơn 215 triệu USD để hỗ trợ nông dân chịu ảnh hưởng bởi khô hạn hoặc lũ lụt. Cũng năm ngoái, tháng 7/2018, một đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài tại Nhật Bản ba ngày đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và hơn 2.000 người phải nhập viện do kiệt sức, đột quỵ.
WMO nhận định: “Biến đổi khí hậu với nhiệt độ tăng cao và những thay đổi về mùa mưa đang làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. Ngoài mối đe dọa trực tiếp từ hỏa hoạn, cháy rừng còn thải vào bầu khí quyển các chất ô nhiễm có hại cho sức khỏe con người như bụi mịn và các khí độc hại như cácbon mônôxít, ôxít nitơ, và các hợp chất hữu cơ phi metan”.
Thập kỷ vừa qua, thế giới chứng kiến hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan như các cơn siêu bão, các vụ cháy rừng trên diện rộng, hạn hán, hiện tượng “tẩy trắng san hô”, các đợt nắng nóng kỷ lục, các đợt lũ lụt... diễn ra tại khắp nơi trên thế giới. Đó mới chỉ là hệ quả do tác động của hiện tượng tăng nhiệt độ trên toàn cầu với mức chỉ 1 độ C (1,8 độ F). Với mức 1,5 độ C (2,7 độ F) và 2 độ C (3,6 độ F) được dự báo trong tương lai, cuộc sống sẽ trở nên tệ hại và đảo lộn hơn rất nhiều.
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu đến từ vô vàn lí do, từ sự tích luỹ trong quá trình hình thành, đổi thay của vạn vật thiên nhiên. Do tác động từ quỹ đạo quay của trái đất cũng như quá trình hình thành núi, sự dâng cao của mực nước biển… Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp hơn từ việc gia tăng các hoạt động tạo ra chất thải nhà kính, từ những cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra không ngừng nghỉ suốt nhiều thập kỉ qua… Lượng rác thải sinh hoạt quá lớn, khí thải từ ô tô, xe máy, các nhà máy công nghiệp… tăng cao như vũ bão ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã góp phần khiến nhiệt độ môi trường sống tăng cao.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra quá nhanh để có thể thích nghi, loài người đối mặt với thách thức môi trường lớn nhất và chưa từng thấy trong lịch sử. Các nhà khoa học trên thế giới đã và đang nỗ lực nghiên cứu, góp phần khám phá ra những biện pháp mới, ý tưởng mới giúp con người và các loài động vật trên thế giới thích nghi với sự thay đổi khủng khiếp này.
Tuần trước, các nhà khoa học từ Đại học Texas, Mỹ đã xác định được một đoạn gen giúp phát hiện ra và cứu chữa kịp thời giúp các nhà khoa học bảo tồn được một loài san hô trước sự nóng lên của nước biển. Nước biển nóng lên quá nhanh đã dẫn đến tình trạng suy giảm san hô hàng loạt ở một số vùng, đại dương. Với báo cáo trong hội nghị đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu của IPPC (Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậụ), khi toàn cầu nóng lên 1,5 độ C thì các rạn san hô sẽ giảm 70-90% thì đây thực sự là một tin vui khi đã có cách bảo vệ một số loài san hô trước khi quá muộn.
Các nhà khoa học từ Viện Salk ở Califonia cũng đang phát triển một loại siêu thực vật bằng việc thay đổi cấu trúc gen, khiến chúng có thể hấp thụ carbon dioxide từ không khí và lắng đọng trong rễ nhờ hoạt chất suberin ở cây. Điều nay sẽ giúp các loài thực vật có thể lưu trữ CO2 hiệu quả và lâu dài dưới lòng đất.
Trước đó, năm 2018, các nhà khoa học đến từ Đại học quốc gia Singapore đã phát hiện ra một loại vi khuẩn có khả năng chuyển đổi chất thực vật thành Bioburanol (một loại nhiên liệu sinh học) có thể sử dụng trong động cơ xe hơi thay vì xăng.
Trong thời gian gần đây, công nghệ sản suất điện mới đã khiến giá thành và hiệu năng của những tấm pin mặt trời được cải thiện đáng kể từ đó dẫn đến sự bùng nổ của những nhà máy điện mặt trời ở khắp nơi như sự góp mặt của nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới Sweihan tại Abu Dhabi, UAE với công suất 938 MW sẽ được đưa vào vận hành cuối năm nay. Những công nghệ này khi được ứng dụng rộng rãi được cho là bước tiến vượt bậc giúp con người góp phần chống lại sự biến đổi khí hậu mạnh mẽ như hiện nay.
Tuy nhiên, chỉ dựa vào công nghệ là chưa đủ. Nhiều quốc gia đã tìm cách can thiệp vào thói quen của người dân, thay đổi nhận thức của mọi người trong việc cứu trái đất khỏi quỹ đạo nóng lên toàn cầu. Hội đồng thành phố Paris mới đây đã ban hành lệnh cấm ôtô cũ và không hiệu quả về nhiên liệu cho tới khi nào thời tiết hạ nhiệt hơn. Theo đó, chỉ có xe điện hoặc chạy bằng nhiên liệu khí hydro, xe chạy xăng đăng ký sau tháng 1/2006 và xe diesel đăng ký từ tháng 1/2011, tương ứng cấp độ 1 và 2 trong Crit’Air mới được phép đi trên đường.
Nhiều quốc gia trên thế giới yêu cầu doanh nghiệp và các ngành công nghiệp không sử dụng khí gas và dầu làm năng lượng đốt nóng; không sử dụng xăng hoặc dầu làm nhiên liệu động cơ cho mọi phương tiện giao thông; đóng cửa tất cả các nhà máy năng lượng sử dụng than và khí gas… Ngành công nghiệp hoá dầu chuyển đổi hoàn toàn sang ngành hoá học “công nghệ xanh”; và các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép và nhôm bắt buộc phải sử dụng các nguồn năng lượng “không carbon” hoặc áp dụng các công nghệ thu hồi và lưu giữ khí CO2 trong vận hành sản xuất.
Việc sản xuất túi nilon hay xử lý chúng cũng đang thúc đẩy thải khí CO2 ra môi trường. Vì thế, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang quay mặt với nilon. Ireland là nước đầu tiên ở Châu Âu áp dụng biện pháp hạn chế nylon từ tháng 5/2002. Mỗi túi nylon trong siêu thị phải chịu mức phí 15 euro-cent (khoảng 4.400 đồng). San Francisco là thành phố đầu tiên ở Mỹ cấm sử dụng túi nylon trong các cửa hàng lớn, chỉ dùng túi phân hủy làm từ phụ phẩm của ngô. Tại Châu Âu, chính phủ nhiều quốc gia như Luxembourg, Đan Mạch đã áp thuế vào những loại túi sử dụng 1 lần, trong khi đó các siêu thị ở Đức đang tích cực loại bỏ túi nylon, nhựa và thay thế bằng những chất liệu tái sử dụng bền hơn.
Ở Đức, Đan Mạch và Thụy Sĩ, các nhà bán lẻ tự nguyện trả tiền cho túi nylon dùng trong siêu thị mà không cần chính phủ áp dụng chính sách…