Những “drama” quen thuộc
Trước khi COVID-19 xuất hiện, sự kiện Anh muốn rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU) mà vẫn được đảm bảo quyền lợi như một thành viên chính thức đã gây sốt trên toàn cầu. Cái kết của “sê-ri” chính trị đầy kịch tính này đến vào ngày 31/1/2020, khi Anh chính thức không còn là một thành viên EU.
Người dân Anh đổ ra đường chúc mừng sự kiện Anh chính thức rời khỏi EU ngày 31/1/2020. (Ảnh: Reuters) |
Nhưng mọi việc chưa dừng lại ở đó. Để đạt được những thoả thuận cho mối quan hệ trong tương lai, 2 bên sẽ trải một giai đoạn chuyển tiếp, kéo dài 11 tháng tình từ ngày 1/2/2020. Trong giai đoạn này, Anh vẫn bị ràng buộc bởi các điều luật của EU, mặc dù không còn bất kì vị trí nào trong tổ chức này.
Các cuộc đàm phán vẫn không có tiến triển gì đáng kể. Gần đây, một cuộc tranh cãi gay gắt đã nổ ra, khi EU cáo buộc Dự luật Thị trường nội địa được Anh đề xuất vào ngày 9/9 đã “vi phạm cực kỳ nghiêm trọng” luật pháp quốc tế. Các nhà lãnh đạo EU yêu cầu Anh phải rút lại dự luật này, trong khi chính quyền Boris Johnson thẳng thừng từ chối.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: Daily Mail) |
Trong dự luật gây tranh cãi của Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã đề xuất thay đổi một vấn đề quan trọng trong Thoả thuận Rút lui đã được ông kí hồi tháng 1. Không có gì ngạc nhiên, khi đó là vấn đề về Bắc Ireland - nút thắt đã làm đổ vỡ mọi cuộc đàm phán trong quá khứ.
Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để giữ cho đường biên giới Anh - Ireland được mở cửa sau khi Anh rời khỏi EU. Khi được kí kết vào tháng 1, Thoả thuận Rút lui đã nêu ra một số thỏa thuận hải quan phức tạp giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Anh. Trong khi đó, dự luật mới của Anh cho phép chính quyền Boris Johnson tự quyết việc quản lý và vận chuyển hàng hoá qua biển Ireland. Một quan chức chính phủ Anh đã thừa nhận điều này vi phạm luật pháp quốc tế, dù chỉ “theo một cách rất cụ thể và hạn chế”.
Lời giải thích đó không đủ để dập tắt hàng loạt chỉ trích nhắm vào Anh. Ngay cả cựu Thủ tướng Anh Theresa May cũng quan ngại rằng, nếu Anh công khai vi phạm các nghĩa vụ pháp lý của mình, sẽ không còn bất kỳ đối tác nào tin tưởng Anh trong tương lai.
Phía bên kia Đại Tây Dương, Mỹ cũng khẳng định sẽ không chấp nhận bất kì dự luật nào làm thay đổi Hiệp ước Thứ Sáu Tuần thánh - hiệp ước đã chấm dứt sự xung đột giáo phái ở Bắc Ireland trong hàng thập kỉ. Ngày 9/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã cảnh báo nếu vi phạm Hiệp ước, Anh sẽ “không có bất cứ một cơ hội nào” để đạt được một thoả thuận thương mại với Mỹ. Trước đó, ông Boris Johnson đã lập luận rằng rời EU là bước đệm quan trọng để Anh và Mỹ đạt được những thoả thuận thương mại có lợi cho cả 2 bên.
Vậy là một lần nữa, Brexit đã trở lại cùng với những “drama” quen thuộc: thời hạn cuối cùng, Brexit “cứng” hay Brexit “mềm”, cuộc khẩu chiến Anh - EU và cuộc tranh cãi về biên giới Anh - Ireland.
Một Brexit không có thoả thuận?
Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đã khác rất nhiều. Đại dịch COVID-19 đã làm suy giảm danh tiếng của Boris Johnson cùng các thành viên đảng Bảo thủ. EU không hề nhượng bộ Anh trong 2 lĩnh vực chính: trợ cấp cho nền công nghiệp và chia sẻ ngư trường đánh bắt hải sản. Tổng thống Mỹ Donald Trump, một trong những người ủng hộ Brexit nhiệt tình, đang gặp khó khăn trong cuộc tái tranh cử. Keir Starmer, tân lãnh đạo Công đảng Anh, là đối thủ đáng gờm hơn nhiều so với người tiền nhiệm là Jeremy Corbyn. Cuối cùng, kết quả các cuộc thăm dò cho thấy ngày càng có nhiều người Scotland ủng hộ việc độc lập khỏi Vương quốc Anh hơn.
Tân lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer. (Ảnh: Business Insider) |
Nếu rời EU mà không có một thoả thuận nào, Anh sẽ phải chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng. Một Brexit không thoả thuận đồng nghĩa với việc kể từ ngày 1/1/2021, các hàng rào thuế quan và kiểm tra biên giới sẽ được lập tại các eo biển Anh. Đồng bảng Anh sẽ bị mất giá, và tốc độ xuất khẩu hàng hoá sẽ giảm - một tín hiệu rất tiêu cực cho nền kinh tế Anh. Không chỉ vậy, ngành dịch vụ Anh cũng sẽ mất quyền tiếp cận với các nước EU, khiến cho nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Anh đã lường trước được tất cả những hậu quả trên, từ khi cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6/2016 diễn ra. Nhưng sau 4 năm tranh luận và đàm phán căng thẳng, hai phe có quan điểm trái ngược nhau về Brexit vẫn không tìm được tiếng nói chung. Phe thứ nhất coi EU là mối đe doạ với chủ quyền và ủng hộ Anh rời khỏi EU; phe còn lại phản đối Brexit, bởi họ coi EU là một cộng đồng đoàn kết, cùng chia sẻ những giá trị có lợi cho cả 2 bên.
Phá vỡ những điều khoản trước đó của Brexit không phải là một việc làm khôn ngoan. Trong thời gian còn lại, Thủ tướng Boris Johnson cần cân nhắc việc đạt được một thỏa thuận tuân thủ theo luật pháp quốc tế, để giảm thiểu hậu quả của một cuộc chia ly đau đớn giữa Anh và EU.