Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu: “Những gì đã xảy ra tại Rwanda là vấn đề của toàn nhân loại. Giáo dục và truyền thông từng bị lợi dụng để biến người dân bình thường thành kẻ giết người. Chúng ta phải truyền tải không ngừng lịch sử tội ác diệt chủng này – vì trách nhiệm với các nạn nhân và để không bao giờ tái diễn những thảm kịch tương tự. Ở mọi nơi, giáo dục phải trở thành công cụ mạnh mẽ để tưởng niệm , hòa giải và xây dựng hòa bình.”
Ngày 7/4/2025 đánh dấu 31 năm kể từ khi bắt đầu cuộc diệt chủng nhằm vào người Tutsi ở Rwanda. Chỉ trong 100 ngày, gần một triệu người – gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em, chủ yếu là người Tutsi, cả những người Hutu ôn hòa và người Twa – đã bị sát hại.
Như mọi năm, trụ sở UNESCO tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân. Nhân dịp này, một sáng kiến mới được công bố nhằm tăng cường vai trò giáo dục tại các địa điểm tưởng niệm như Nyamata, Murambi, Gisozi và Bisesero – hiện là Di sản Thế giới UNESCO. Sáng kiến sẽ được thực hiện với sự hợp tác của tổ chức Aegis Trust và Bộ Đoàn kết Quốc gia & Gắn kết Công dân Rwanda (MINUBUMWE).
UNESCO sẽ cử một nhóm khoảng 15 nhà nghiên cứu trẻ, chuyên gia đa phương tiện và nghệ sĩ Rwanda để hỗ trợ nâng cấp triển lãm, cải thiện hệ thống chỉ dẫn và ghi dấu “ký ức sống” tại các địa điểm thông qua việc số hóa các cuộc phỏng vấn với người sống sót, phim tài liệu và dự án ảnh.
Tổ chức cũng sẽ đào tạo đội ngũ nhân viên tại các địa điểm tưởng niệm về cách tiếp đón và hướng dẫn học sinh, kết nối họ với các nhân viên từ các địa điểm tưởng niệm khác để chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời hỗ trợ hình thành quan hệ đối tác với các hiệp hội người sống sót và cộng đồng giáo dục.
UNESCO sẽ phát triển nội dung giáo dục mới bằng tiếng Kinyarwanda, tiếng Anh và tiếng Pháp nhằm hỗ trợ giáo viên chuẩn bị cho học sinh khi tham quan các địa điểm này. Ngoài ra, UNESCO sẽ hợp tác với những người sáng tạo nội dung trẻ của Rwanda để thực hiện chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội, quảng bá các địa điểm tưởng niệm và ngăn chặn thông tin sai lệch, xuyên tạc lịch sử về cuộc diệt chủng.
Giáo dục về tội ác diệt chủng – ưu tiên của UNESCO
65% dân số Rwanda sinh sau năm 1994. Trong nhiều năm qua, UNESCO đã hỗ trợ chính quyền nước này truyền tải ký ức về cuộc diệt chủng đến các thế hệ trẻ. Sáng kiến lần này nằm trong Chương trình Quốc tế về Giáo dục về Holocaust và Tội ác diệt chủng của UNESCO, phối hợp với Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ. Chương trình đã được triển khai tại 30 quốc gia và sẽ mở rộng thêm khoảng 20 nước nữa trong năm nay, với sự hỗ trợ của Canada và Hoa Kỳ.
Trong khuôn khổ chương trình, UNESCO cũng đã xuất bản nhiều tài liệu dành cho các nhà hoạch định chính sách và giáo viên. Một ví dụ là tài liệu “Dạy học để ngăn chặn tội ác diệt chủng: Hướng dẫn cho giáo viên ở châu Phi” (bằng tiếng Anh), cung cấp những khuyến nghị cụ thể cho việc giảng dạy về lịch sử bạo lực trong và ngoài lớp học.