Công nghệ giáo dục thời COVID

Công nghệ giáo dục thời COVID

Vấn đề đặt ra là cuộc cách mạng công nghệ với cả thuận lợi và thách thức sẽ thay đổi ngành giáo dục toàn cầu như thế nào thời kỳ hậu đại dịch, trong đó mục tiêu ưu tiên là không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Công nghệ giáo dục thời COVID ảnh 1

Quay như chong chóng với hai cô con gái nhỏ khi chúng không đến trường do dịch COVID-19, chị Denise Ross tại bang Ohio (Mỹ) còn cảm thấy khổ sở khi hàng ngày phải dành hàng tiếng đồng hồ để cùng cô con gái Rayven Ross “đánh vật” với những bài tập mà cô giáo gửi về hàng ngày. Những bài giảng trên lớp học trực tuyến cùng cô giáo chưa đủ, khiến bé Rayven Ross cần sự giúp đỡ của cha mẹ nhiều hơn để hoàn thành bài tập của mình. Chị Denise Ross tâm sự: “Quả là một thách thức vì nhiều khi mẹ dạy khác so với cô giáo. Sau đó con lại phải làm lại theo cách cô giáo đã dạy”.

Bố mẹ và học sinh phải thích ứng với sự thay đổi một, đội ngũ giáo viên phải cố gắng và nỗ lực gấp nhiều lần để nắm bắt xu hướng công nghệ mới nhất để thực hiện bài giảng của mình. Cô Jessie Xie, giáo viên ở Thành Đô, Trung Quốc chia sẻ, thầy cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải học nhiều kỹ năng mới để phục vụ công tác giảng dạy, từ tập cách nói chuyện tự nhiên trước camera, bình luận qua lại để học trò hứng thú với bài giảng... Đối với một cô giáo 24 tuổi như cô Jessie Xie thì mọi việc không quá khó khăn, nhưng đối với nhiều giáo viên lớn tuổi trong trường thực sự là một thách thức.

Công nghệ giáo dục thời COVID ảnh 2

Thích ứng với sự thay đổi môi trường học tập như bé Rayven Ross ở Mỹ chắc không khó khăn bằng Sharman ở vùng xa xôi hẻo lánh Himachal Pradesh của Ấn Độ. Là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong vì COVID-19, hầu hết các lớp học tại Ấn Độ đang diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, Sharman chia sẻ:  “Cháu không có điện thoại thông minh hay kết nối Interrnet, các cô giáo phải đến tận nhà để phát tài liệu tự học. Cháu thấy rất khó học vì không có sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên”.

Học trong thời kỳ COVID đã khó khăn như vậy, song việc tổ chức các kỳ thi cuối cấp như thi tốt nghiệp phổ thông hay đại học còn đối mặt với nhiều thách thức hơn. Nhiều quốc gia đã có giải pháp khác nhau cho những kỳ thi quan trọng này bao gồm hủy thi, hoãn thi chờ hết dịch hay tiếp tục tổ chức nhưng thi có điều chỉnh. Pháp gần như là nước tiên phong “cứng rắn” với kỳ thi tốt nghiệp khi thông báo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 sẽ bị hủy do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Học sinh sẽ nhận điểm trung bình các môn học để làm cơ sở xét tuyển đại học. Tại nhiều bang của Ấn Độ, trong đó có bang Uttar Pradesh, Tamil Nadu, học sinh từ lớp 1-9 sẽ được tự động lên lớp mà không phải thi. Trong khi một số nước chọn giải pháp hoãn thi để đợi tình hình dịch bệnh được cải thiện, một số nơi lại tổ chức thi theo quy cách được điều chỉnh có thể là trực tiếp hoặc trực tuyến. Mới đây Trung Quốc đã tổ chức kỳ thi đại học với sự tham của gần 11 triệu học sinh. Nhiều biện pháp đảm bảo chống dịch được đưa ra, nhưng nhiều học sinh cho biết nỗi lo nhiễm virus không bằng áp lực thi cử. Nữ sinh Zhao Kexin tại Bắc Kinh chia sẻ: “Dịch COVID-19 đã khiến chúng tôi ở nhà và học trực tuyến trong một thời gian dài trước khi các lớp học được nối lại. Bình thường, kỳ thi này đã rất khốc liệt rồi, dịch Covid khiến việc học hành bị gián đoạn và ôn luyện qua mạng vốn không hiệu quả bằng học trực tiếp với giáo viên tại lớp. Vì vậy tôi rất lo lắng”.

Công nghệ giáo dục thời COVID ảnh 3

Do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên Đại học Công nghệ Netaji Subhas tại Ấn Độ quyết định tổ chức thi trực tuyến. Tuy nhiên có nhiều phản hồi về tình trạng gian lận xảy ra trong quá trình thi. Mặc dù nhà trường đã lựa chọn bài kiểm tra theo câu hỏi không có câu trả lời sẵn trong sách hay trên internet, nhưng kết quả là chỉ sau khi có đề bài, nhiều thí sinh đã chuyển câu hỏi cho bạn bè hay giáo viên từ các trường đại học khác để xin trợ giúp.

Có thể nói dịch COVID-19 không những tạo ra một cuộc khủng hoảng y tế trên quy mô toàn cầu mà nó đang thay đổi thế giới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Hơn 1,5 tỉ học sinh, sinh viên trên thế giới (chiếm 91%) đã phải nghỉ học ở nhà vì COVID-19. Vẫn còn tồn tại những bất cập nhưng các quốc gia đang nỗ lực hết sức để đảm bảo việc học không bị gián đoạn và đạt hiệu quả cao nhất trong bối cảnh đại dịch.

Công nghệ giáo dục thời COVID ảnh 4

“Tôi thích học online vì học ở nhà thoải mái hơn” - nữ sinh lớp 12 Xu Yuting tại Trung Quốc hào hứng chia sẻ. Từ khi bắt đầu học với một ứng dụng live-stream lớp học, cô học trò 18 tuổi ở tỉnh Chiết Giang có thêm 2 tiếng để “ngủ nướng” mỗi buổi sáng, thay vì phải dậy trước 5h30 để chuẩn bị đi học như bình thường. Jasmine – một sinh viên trường đại học Padjadjaran ở Bandung Indonesia- cho biết: “Rất thích học online vì cảm thấy thoải mái hơn. Có thể nghe bài giảng trong khi đang ăn”. Một khảo sát của trường Đại học giáo dục Indonesia với hơn 1.000 sinh viên cho thấy, hơn 40,3% số người được hỏi cảm thấy hài lòng với việc học online vì nó linh hoạt và tiết kiệm.

Theo các chuyên gia giáo dục, mô hình học trực tuyến đã đem lại một số lợi ích so với hình thức giáo dục truyền thống. Thứ nhất là tính linh hoạt.  Sẽ thuận tiện hơn cho học sinh và giáo viên trong việc tham gia học trực tuyến. Với kết nối internet ổn định và một chiếc máy tính là tất cả những gì cần thiết để biến ngôi nhà thành một lớp học. Kết nối internet tốc độ cao với giá cả phải chăng cũng đang giúp hình thức học này trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thứ 2 là khả năng tiếp cận. Trong thời kỳ phong tỏa, hàng nghìn sinh viên phải trở về quê để đảm bảo an toàn sức khỏe. Trong bối cảnh như vậy, học tập trực tuyến trở thành lựa chọn tốt nhất. Dù bạn đang ở Mỹ hay ở Việt Nam, chỉ thông qua màn hình máy tính có thể tham gia một lớp học xuyên biên giới. Thứ 3 là giá thành rẻ. Học trực tuyến tiết kiệm hơn nhiều so với phương pháp học truyền thống. Theo đánh giá chi phí của học trực tuyến chỉ bằng gần 1/10 học trực tiếp. Đây là một yếu tố khá quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay khi dịch COVID-19 khiến nhiều người thất nghiệp và bị cắt giảm lương.  Sinh viên cũng có thể yên tâm rằng những tác động kinh tế do đại dịch gây ra sẽ không ảnh hưởng đến sự nghiệp học hành của mình.

Công nghệ giáo dục thời COVID ảnh 5

Với những lợi ích như vậy câu hỏi quan trọng nhất vẫn là tính hiệu quả của hình thức học đang phổ biến trên cả thế giới này. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy với những người có máy móc phù hợp và quyền truy cập Internet ổn định, việc học trực tuyến có thể hiệu quả hơn học trực tiếp thông thường. Theo đó, trung bình, sinh viên học trực tuyến tiếp thu được 25-60% bài học trong khi học trực tiếp tại lớp chỉ là 8-10%. Tuy nhiên cũng có nhiều nhận định khác nhau về hiệu quả của việc học trực tuyến giữa các nhóm tuổi. Ví dụ độ tuổi càng nhỏ việc học trực tuyến sẽ khó đạt hiệu quả hơn vì trẻ dễ bị phân tâm.

Công nghệ giáo dục thời COVID ảnh 6

Tuy nhiên hiện đại và công nghệ luôn kéo theo những mặt trái. Với mô hình học trực tuyến đang ngày càng mở rộng, các chuyên gia giáo dục lo ngại cuộc khủng hoảng COVID-19 đang khiến tình trạng bất bình đẳng giáo dục gia tăng. Ví dụ, trong khi 95% sinh viên ở Thụy Sĩ, Na Uy và Áo có máy tính để sử dụng cho việc học online, chỉ có 34% ở Indonesia thực hiện được. Thậm chí tại Mỹ, có một khoảng cách đáng kể giữa những người ở gia đình có điều kiện và hoàn cảnh khó khăn. Một khảo sát của Pew cho thấy ngay cả trước đại dịch, khoảng 17% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13 đến 17 tại Mỹ cho biết họ thường - hoặc đôi khi - không thể hoàn thành bài tập về nhà vì thiếu kết nối Internet hoặc không có máy tính. Nền tảng học trực tuyến thực sự là một thách thức đối với những nhóm học sinh ở cộng đồng dễ bị tổn thương như các gia đình có thu nhập thấp, ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số hay học sinh khuyết tật. Theo một nghiên cứu tại bang Victoria, Australia về tác động của học online, nhóm học sinh này giảm kết quả học tập đến 25% trong môn toán và 10% trong môn tiếng Anh khi học trực tuyến so với ở trên lớp.

Công nghệ giáo dục thời COVID ảnh 7

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, học trực tuyến chắc chắn là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra về tương lai của mô hình học này trong thế giới hậu đại dịch. Ông Wang Wang Tao, Phó chủ tịch Tập đoàn công nghệ giáo dục lớn tại châu Á Tencent Cloud nhận định, một số ý kiến cho rằng việc chuyển đổi nhanh chóng hình thức học trực tuyến sẽ gây khó khăn cho người dùng và không có điều kiện để phát triển bền vững. Tuy nhiên, mô hình giáo dục mới với những lợi ích đáng kể này chắc chắn sẽ được đẩy mạnh hơn nữa và giáo dục trực tuyến cuối cùng sẽ trở thành một thành phần không thể thiếu trong giáo dục học đường tương lai. Tuy nhiên để giải quyết được những bất cập còn tồn tại của hình thức trực tuyến này, mỗi quốc gia hay trường học khi yêu cầu học sinh học trực tuyến phải quan tâm đến các vấn đề sau: trước hết là khoảng cách thu nhập của các gia đình có học sinh tham gia lớp học, nguồn lực kỹ thuật số mà gia đình sở hữu và sự hỗ trợ của gia đình về thời gian hoặc điều kiện cho học sinh tham gia lớp học online.

Các chương trình học  hay thi cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với việc học tại nhà. Một số trường học có biện pháp hỗ trợ sinh viên như các trường ở bang New South Wales, Australia hỗ trợ máy móc công nghệ cho sinh viên gặp khó khăn hay trường đại học Atma Jaya của Indonesia đàm phán với các nhà cung cấp mạng để hỗ trợ miễn phí cho các sinh viên. Để khắc phục sự nhàm chán học trực tuyến, đặc biệt đối với học sinh nhỏ tuổi, các tập đoàn công nghệ cũng sẽ phải tung ra nhiều ứng dụng tạo cảm giác vui vẻ và cuốn hút các em.

Công nghệ giáo dục thời COVID ảnh 8

Dịch COVID-19 đang tạo một cuộc cách mạng đầy mới mẻ trong lĩnh vực giáo dục nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn cho thế giới hậu đại dịch. Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) cảnh báo, đại dịch gây ra một vấn đề khẩn cấp về giáo dục với 9,7 triệu trẻ em có thể sẽ không thể quay lại trường học.  Khó khăn kinh tế do dịch COVID-19 làm gia tăng tình trạng đói nghèo, khiến nhiều trẻ em phải bỏ học, thậm chí khi thế giới không xảy ra đại dịch. Những trẻ em sinh sống trong các gia đình nghèo khó không thể tiếp cận với hình thức học từ xa hay bất kỳ loại giáo dục nào trong thời gian qua cũng sẽ bị tụt hậu nếu không có biện pháp hỗ trợ hiệu quả. Nếu không giải quyết được cuộc khủng hoảng giáo dục này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các em và mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận với giáo dục có chất lượng vào năm 2030 của Liên hợp quốc có thể bị đẩy lùi thêm nhiều năm nữa.

Bài: Anh Đức

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).