Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, hiện mỗi năm có khoảng 1,4 tỷ lượt khách du lịch quốc tế, trong khi con số này vào năm 1950 chỉ là 25 triệu khách. Du lịch mang lại nhiều lợi ích cho người dân địa phươn như tạo thu nhập, việc làm, đồng thời giúp bảo tồn và tôn tạo các di tích... Tuy nhiên ngành “công nghiệp không khói” này cũng tạo ra “bài toán” xử lý rác thải làm đau đầu các chính quyền địa phương.
Chia sẻ trên Tạp chí Oceanographic, một nhóm thám hiểm do nhà nghiên cứu về đại dương Tom Barnes dẫn đầu ghi nhận lại cảm nhận trong chuyến hành trình tới Indonesia, từ Jakarta đến Bali vào cuối tháng 8 năm 2019. Tác giả cho biết mục đích chuyến đi là muốn tìm hiểu thực tế hơn về cuộc sống của ngư dân Nelayan trên đảo Bali, trước những tác động do ô nhiễm môi trường biển gây ra. Tại những “điểm nóng” du lịch trên đảo Bali, trước tình trạng ô nhiễm rác thải, chính quyền địa phương đã thực hiện những chiến dịch làm sạch bãi biển để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên tại những nơi không có nhiều khách du lịch như Nelayan, rác thải do các đợt sóng đánh vào bãi biển thực sự là nỗi ám ảnh của người dân địa phương. Trên các bãi cát trải dài là hàng đống rác từ chai nhựa, túi nilon đến các vật dụng đi biển do khách du lịch bỏ lại. Nhóm thám hiểm đã phải mang giày ống bọc thép để bảo vệ đôi chân trước các mảnh kính vỡ, tã lót, nhựa và túi nilon ngập tràn trên bãi biển. Cảm nhận dưới đôi chân của mỗi thành viên khi bước trên bãi biển không phải là tiếng lạo xạo của những hạt cát mà là cảm giác giòn của rác, xương và nhựa. Những cơn sóng ùa đến chân, chỉ để lại túi nhựa và nilon quấn quanh đôi ủng. Đối với nhà nghiên cứu Tom Barnes, Bali vốn là một trong những địa điểm đẹp nhất thế giới nhưng đang dần bị hủy hoại bởi nhựa và rác thải.
Không chỉ là các bờ biển tràn đầy rác thải du lịch, các địa điểm du lịch nổi tiếng trên núi cũng đang ngộp thở vì rác thải. Lượng khách du lịch mong muốn chinh phục đỉnh Everest – đỉnh núi cao nhất thế giới - đã tạo ra một cuộc khủng hoảng rác thải cho khu vực này. Nhiều nhà leo núi còn mô tả phần đỉnh núi Everest đã trở thành bãi rác cao nhất trên mặt Trái đất, với những bình oxy rỗng, bao bì thực phẩm, thiết bị leo núi bị hỏng và lều rách của khách du lịch bỏ lại. Theo một con số ước tính có đến hơn 140.000 kg rác tại khu vực núi Everest tích tụ nhiều năm qua.
Các địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới khác như di tích đền đài Machu Picchu (Peru), bãi đá Stonehenge ở Anh đều cũng đang phải vật lộn với số lượng rác thải ngày càng tăng khi quá tải lượng khách du lịch đổ. Hình ảnh dòng sông Yamuna yên bình bên cạnh ngôi đền nổi tiếng Taj Mahal của Ấn Độ giờ đây như bãi chứa rác thải nhựa là lời kêu cứu của các “thiên đường du lịch” trước sự hủy hoại của rác thải du lịch.
Theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, mỗi năm khoảng 8 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương, đe dọa sự sống của các sinh vật biển, hệ sinh thái trên biển.
Hình ảnh một con cá voi mang thai chết và trôi dạt đến khu vực bờ biển tại thị trấn nghỉ dưỡng Porto Cervo, trên đảo Sardinia của Italia gần đây là lời cảnh báo rõ nhất về tình trạng ô nhiễm rác thải đại dương. Khi các nhà khoa học và bác sĩ thú y cắt bỏ tử cung và dạ dày của cá voi, họ đã thấy một cảnh tượng kinh hoàng: Nhựa chiếm hơn 2/3 dạ dày của cá voi. Các nhà khoa học cho rằng con cá voi này đã kiếm ăn và trú ngụ ở hẻm núi Caprera gần đó. Khu vực này rất phổ biến với khách du lịch và người chèo thuyền. Mối đe dọa đối với sinh mạng của con cá voi không phải là bị các tàu thuyền tấn công, mà do rác thải của khách du lịch bỏ lại. Những chiếc túi nhựa trôi trong dòng hải lưu sâu sẽ rất khó phân biệt với những con mực đang bơi- món ăn khoái khẩu của cá voi. Đó là lý do tại sao trong dạ dày của con cá voi lại có nhiều rác thải nhựa đến vậy. Thực tế đây không phải là một hình ảnh cá biệt tại các địa điểm du lịch biển nổi tiếng từ châu Á đến Địa Trung Hải. Tháng trước một con cá voi đã trôi dạt vào bờ ở phía Đông Indonesia với 6 kg rác thải nhựa trong dạ dày bao gồm 115 cốc uống nước, chai nhựa… Sinh vật biển chết, túi ni lông trong đại dương còn nhiều hơn cá và mực khiến sản lượng đánh bắt cá, sinh kế của ngư dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vụ tàu du lịch biển đổ hàng tấn chất thải thực phẩm tại rạn san hô Great Barrier của Australia năm 2018 được cho là gây ra hậu quả nghiêm trọng cho di sản thế giới này, với hơn một nửa số san hô đã chết do ô nhiễm và nước biển ấm dần lên. Gede Hendrawan - nhà nghiên cứu hải dương học thuộc Đại học Udayana ở Bali, Indonesia - cho biết: “Các vi hạt nhựa có thể gây bệnh cho cá, nếu con người ăn phải có thể sẽ gặp những vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là ung thư”. Những đợt sóng rác thải nhựa đổ vào các con sông và đại dương gây ra nhiều vấn đề cho địa phương làm tắc nghẽn đường thủy ở các thành phố, tăng nguy cơ lũ lụt….
Và cuối cùng điều lo ngại nhất đối với các cư dân ven biển là ô nhiễm rác thải khiến khách du lịch “một đi không trở lại”, ảnh hưởng lớn đến thu nhập vốn dựa vào du lịch của người dân địa phương. Du lịch là nguồn sinh kế lớn nhất của người dân Bali. Khách du lịch tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp đã phải trả hàng nghìn đôla để thuê một chiếc thuyền kính nhìn ngắm vẻ đẹp của đại dương. Tuy nhiên thay vì cá hay sinh vật biển thì đó là rác thải với nước ô nhiễm làm che khuất tầm nhìn, khiến khách du lịch một đi không trở lại. Anh Debon - một hướng dẫn viên du lịch trên đảo Bali - cho biết: “Chúng tôi không thể để mất du lịch vì cuộc sống của tôi phụ thuộc vào du lịch. Bali là một trong những khu vực giàu có nhất của Indonesia là nhờ du lịch. Nếu biển ngày càng bẩn sẽ ảnh hưởng đến nghề đánh bắt cá và sau đó là lượng khách du lịch giảm”.
Ước tính rác thải đại dương làm thiệt hại đến 622 triệu USD/năm cho ngành du lịch của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các thành phố và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tốn rất nhiều tiền của cho việc thu gom và làm sạch các địa điểm du lịch. Đơn cử như thành phố Nice của Pháp phải chi tới 2 triệu Euro/năm để làm sạch các bãi biển.
Siêu thị Bintang ở thành phố Denpasar, Bali (Indonesia) thoạt nhìn trông giống như bất kỳ siêu thị khác. Tuy nhiên nhìn kỹ hơn sẽ thấy một loạt các sản phẩm đầy màu sắc, từ rau diếp đến thân cây sả đều được bọc trong những lá chuối bản to xanh đậm. Nhanh tay gói trái cây và rau cho khách hàng bằng lá chuối, anh Wayan Budha Arthana, quản lý siêu thị cho biết, anh đang thử nghiệm một hình mẫu xanh tại siêu thị của mình với việc không sử dụng túi nhựa. Khoảng một phần ba trái cây và rau quả được bán từ cửa hàng đều được bọc trong lá chuối. Trong khi các sản phẩm còn lại dùng bằng túi có thể tái chế. Anh Wayan Budha cho rằng, nếu Bali có thể làm gương để tất cả Indonesia và các quốc gia khác cũng ngừng sử dụng túi nhựa, điều đó sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực.
Du lịch là nguồn thu ngoại tệ quan trọng đối với 83% các nước đang phát triển và theo nghiên cứu từ Đại học Maryland ( Mỹ), hơn 50 triệu người từ các quốc gia phát triển đến du lịch tại các nước đang phát triển hàng năm. Các quốc gia ASEAN với đường bờ biển dài, nguồn tài nguyên ven biển phong phú, đi cùng với các dịch vụ du lịch sinh thái. Do vậy, nếu môi trường biển bị hủy hoại, các quốc gia ASEAN sẽ đứng trước nguy cơ mất đi một nguồn thu lớn từ hoạt động kinh tế biển trong khi nhiều người lao động phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Do đó, đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững đó là điều mà nhiều quốc gia đang tính đến để khai thác lợi nhuận khổng lồ từ ngành công nghiệp không khói này.
Tuy nhiên sự cố gắng của người dân địa phương, chính quyền nước sở tại là chưa đủ mà cần có sự đổi trong nhận thức và hành động của chính những khách du lịch.
Để hạn chế rác thải nhựa tại các địa điểm du lịch, Campuchia đã áp dụng thu phí đối với túi nhựa tại các siêu thị lớn hay Lào khuyến khích sử dụng túi tái chế tại khu vực công cộng thay cho túi nhựa. Một số quốc gia như Thái Lan, Philippines đang cố gắng kiểm soát sự bùng nổ du lịch bằng việc đóng cửa một số điểm du lịch quá tải, hạn chế số lượng du khách, nhằm phục hồi môi trường biển đang bị hủy hoại nghiêm trọng.
Bài: Anh Đức
Thiết kế: Thúy Hà