'Cứ đặt vấn đề sửa đổi Luật Lao động lại muốn tăng giờ làm là không nên'

 Sáng 14/8, phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo Ủy ban về các vấn đề xã hội (UB VCVĐXH), tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), đã có 170 ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận ở tổ và 26 ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận ở Hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Sau kỳ họp thứ 7, UB VCVĐXH tiếp tục nhận được 11 văn bản góp ý kiến về dự án Bộ luật Lao động của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng giới chủ (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), các Hiệp hội Doanh nghiệp và một số cử tri. 

Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UB VCVĐXH đã tiếp thu, chỉnh lý và chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức các hoạt động tham vấn, lấy ý kiến góp ý dự án Bộ luật Lao động tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thường trực UB VCVĐXH đã phối hợp tích cực, chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổ chức các phiên họp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý một bước dự thảo Bộ luật lao động.

'Cứ đặt vấn đề sửa đổi Luật Lao động lại muốn tăng giờ làm là không nên' ảnh 1

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Vấn đề này hiện nay còn có ý kiến khác nhau từ phía Công đoàn, người lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, vì vậy Ủy ban kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo. 

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo thẩm tra của UB VCVĐXH và cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề này để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam.

'Cứ đặt vấn đề sửa đổi Luật Lao động lại muốn tăng giờ làm là không nên' ảnh 2

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Về vấn đề này, UB VCVĐXH cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục đề nghị quan tâm đến ý kiến của UB VCVĐXH khi thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (năm 2002) và thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (năm 2012). Mặc dù trên thực tế, nhu cầu làm thêm giờ là có thật; từ phía người lao động bản chất là do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống; từ phía người sử dụng lao động là do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tùy theo từng thời điểm. Bộ luật hiện hành đã quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, nhưng việc thực hiện rất khó khăn, hạn chế, tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến. 

Mặt khác, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, tay nghề người lao động được nâng lên thì năng suất lao động, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc sẽ giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và cải thiện đời sống của người lao động. 

'Cứ đặt vấn đề sửa đổi Luật Lao động lại muốn tăng giờ làm là không nên' ảnh 3

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. (Ảnh chụp màn hình)

Đáng quan tâm hơn, việc mở rộng khung thời gian làm thêm giờ tối đa trong trường hợp đặc biệt là 400 giờ/năm gấp 2 lần tổng số giờ làm thêm tối đa trong trường hợp bình thường luật định (200 giờ/năm) và bằng 50 ngày làm việc bình thường (8 giờ/ngày) là vấn đề cơ quan soạn thảo cần có giải trình thấu đáo cùng với mối quan hệ với thời gian làm việc thực tế, tiền lương thực tế, hiệu quả, năng suất lao động và giải quyết việc làm... 

Bên cạnh đó, việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm khai thác sức lao động, khiến cho người lao động cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. 

UB VCVĐXH đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm vấn đề này và việc quy định thời gian phải làm thêm giờ phải theo hướng đảm bảo chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành, nghề, công việc nhất định và phải bảo đảm các nguyên tắc: Phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ. Bổ sung quy định khống chế giờ làm thêm tối đa theo tháng và phải có cơ chế  kiểm tra, thanh tra, giám sát đảm bảo sự tuân thủ quy định về thời gian làm thêm giờ, tránh để xảy ra tình trạng phổ biến vi phạm pháp luật về làm thêm giờ như hiện nay. 

Bên cạnh đó, UB VCVĐXH đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ để bảo đảm tính đầy đủ của Danh mục và có dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể, chặt chẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Về tiền lương làm thêm giờ, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ như quy định hiện hành về vấn đề này; có ý kiến khác đề nghị cần quy định về lương làm thêm giờ theo lũy tiến. Do còn ý kiến khác nhau của các bên, UB VCVĐXH dự kiến hai phương án trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội:  

Phương án 1 như dự thảo do Chính phủ trình. Quy định như Bộ luật hiện hành (vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%; làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm ít nhất 20%), đồng thời bổ sung thêm quy định: việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định trên thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện.    

Phương án 2 được thiết kế trên cơ sở ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ tính theo số giờ làm thêm trong ngày và có sự khác biệt tương ứng với làm thêm giờ trong ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ, tết và ngày nghỉ có hưởng lương và thể hiện tại Điều 100 của dự thảo Bộ luật.    

UB VCVĐXH thấy rằng, cả hai phương án thực chất đều là trả lương theo lũy tiến. Phương án 2 được đề xuất nhằm để người sử dụng lao động cân nhắc, tính toán khi có nhu cầu, nếu thấy thật sự cần thiết và bảo đảm hiệu quả mới huy động làm thêm giờ, trên cơ sở thỏa thuận của hai bên.     

Tuy nhiên, cần phải đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, trong đó có nguồn lực ngân sách nhà nước phải chi trả đối với khu vực công; lấy thêm ý kiến người lao động, người sử dụng lao động, chuyên gia, các nhà quản lý… để việc lựa chọn có cơ sở khoa học, thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, chú trọng việc đảm bảo tái tạo sức lao động của người lao động. Đồng thời, việc trả lương lũy tiến cần đặt trong mối quan hệ giữa giờ làm thêm theo ngày, theo tháng và theo năm để nhất quán về quan điểm. Trên thực tế, khi người sử dụng lao động chỉ tổ chức cho người lao động làm thêm tối đa không quá 2 giờ/ngày thì việc tính lũy tiến theo Phương án 2 cũng không có nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, cũng cần tính đến các lao động làm thêm giờ mang tính đặc thù như trực theo ca của cán bộ y tế, lái xe, bảo vệ...    

'Cứ đặt vấn đề sửa đổi Luật Lao động lại muốn tăng giờ làm là không nên' ảnh 4

 Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết: Mục tiêu sửa đổi Luật lần này là thể hiện sự quan tâm đến người lao động. Có rất nhiều vấn đề lớn trong việc sửa đổi Luật này cần có sự tham vấn của các chuyên gia và nhân dân. “Xu hướng trên toàn cầu là “tăng lương giảm giờ làm” vậy không có lý gì ta lại tăng giờ làm. Theo tôi tăng giờ làm chỉ áp dụng trong một đợt phát động thi đua đột xuất, thời gian nhất định, thời gian ngắn… như vậy sẽ được người lao động ủng hộ ngay khi được thỏa thuận”, Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ nói. 

'Cứ đặt vấn đề sửa đổi Luật Lao động lại muốn tăng giờ làm là không nên' ảnh 5

 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uông Chu Lưu cho rằng, cần lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và người lao động về tác động của Bộ luật Lao động. Mở rộng khung về thời gian làm việc tối đa của người lao động lên 400 giờ/năm liệu có bảo đảm sức khỏe cho người lao động? “Nếu như vậy thì thời gian nào để người lao động tái tạo sức lao động? Tôi không ủng hộ việc này. Nếu tăng thì chỉ tăng 44 giờ/tuần chứ không thể tăng 48 giờ/tuần như dự thảo Luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Việc Quốc hội cho ý kiến lần đầu Bộ luật Lao động (sửa đổi) là một chủ trương lớn, có liên quan trực tiếp đến đời sống người lao động. Bộ luật Lao động lần này sửa đổi 200 điều là một phạm vi lớn, tác động trực tiếp đến người lao động và tác động gián tiếp đến xã hội. Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này cần nhìn nhận về tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế đất nước lâu dài, có liên quan đến thể chế hóa, bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2025 - 2030. 

Về vấn đề làm thêm giờ, Chủ tịch Quốc hội không tán thành về tăng thời gian làm thêm giờ. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc làm thêm giờ vẫn giữ nguyên theo Bộ luật Lao động cũ (200 giờ/năm). Bởi việc tăng thời gian làm thêm giờ xuất phát từ nhu cầu của chủ doanh nghiệp muốn tăng thêm giờ, nhưng không tăng chi phí đầu tư. Như vậy người lao động làm thêm giờ có được hưởng theo sức lực bỏ ra khi làm thêm giờ hay không? Việc giảm 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần là điều mong muốn của đông đảo người lao động.

"Khi tính toán giờ lao động cho người lao động cũng cần cân nhắc làm sao cho thấu đáo. Cần đi theo xu hướng tiến bộ của xã hội, định hướng xã hội chủ nghĩa. Cứ mỗi lần sửa đổi Bộ luật Lao động lại đặt ra vấn đề tăng thời gian làm việc của người lao động, trong khi mức thu nhập của người lao động lại không tăng theo, như vậy là không nên”, Chủ tịch Quốc hội nói.

"Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này phải tính tới việc có thể chế hóa tinh thần của chiến lược phát triển kinh tế xã hội đang được xây dựng và chuẩn bị trình ra Đại hội XIII của Đảng" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung đã giải trình thêm các vấn đề liên quan trong việc soạn thảo dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi) và tiếp thu tất cả các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và sẽ tiếp tục bổ sung vào dự án Luật này.

'Cứ đặt vấn đề sửa đổi Luật Lao động lại muốn tăng giờ làm là không nên' ảnh 6

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung tham gia phiên họp thảo luận. (Ảnh chụp màn hình)

Phát biểu kết luật tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Phạm vi điều chỉnh và áp dụng đối tượng của Luật cần tiếp tục rà soát, thiết kế quy định sao cho khả thi. Đây là vấn đề lớn thực hiện Nghị quyết của Đảng, chăm lo đến đời sống của người lao động. 

Về việc trả lương làm thêm giờ, đây là vấn đề lớn liên quan đến quyền con người, chăm sóc sức khỏe của người lao động, làm sao phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả bên sử dụng lao động. Bộ luật Lao động có tác động lớn hướng tới nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, đề cao trình độ kỹ thuật, cải tiến khoa học, chăm lo cải thiện chất lượng lao động, hướng tới nhân văn.

Về tuổi nghỉ hưu, Ban soạn thảo dự án Luật cần xem xét kỹ đề xuất quy định điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW và với mục tiêu lâu dài để chủ động chuẩn bị ứng phó với quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần lộ trình điều chỉnh chậm sẽ có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp, tránh tác động, phản ứng quá mạnh đối với người lao động và thị trường lao động.

Theo TTXVN
Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
(Ngày Nay) - Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Chính quyền nhân dân Cuba Esteban Lazo Hernández tới Việt Nam là sự khẳng định ý chí của La Habana trong việc làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác song phương trên cơ sở mối quan hệ lịch sử anh em gắn kết nhân dân hai nước.
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
(Ngày Nay) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo thẩm định về việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ tại tỉnh Nam Định, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành và toàn diện cho khu vực phía Nam của tỉnh.
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
(Ngày Nay) - Theo tờ Economist, Sanrio, công ty Nhật Bản sở hữu Hello Kitty, kiếm được gần 4 tỷ USD doanh thu từ Hello Kitty mỗi năm. Nhân vật này ước tính đã mang lại cho người tạo ra mình 80 tỷ USD trong 50 năm qua.
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 1/11, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ), gồm Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (FAO) cùng các nhóm cứu trợ khác, đã lên tiếng cảnh báo tình hình ở phía Bắc Dải Gaza đang ở mức "thảm họa" do xung đột leo thang.
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
(Ngày Nay) - Ngày 31/10, Hiệp hội địa lý LB Nga thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
(Ngày Nay) - Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có 5 thế hệ theo nghề hát bội, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm (tên thật là Nguyễn Văn Tốt, 66 tuổi) đã có hơn 50 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu và nghệ thuật hát bội.