Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - 'Ông tướng' yêu báo chí và văn nghệ

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - 'Ông tướng' yêu báo chí và văn nghệ

Một buổi chiều mùa thu 2022, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có một buổi trò chuyện xúc động với Tạp chí Ngày Nay về người cha của mình - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cũng như tình cảm sâu đậm mà Đại tướng dành cho báo chí và văn nghệ.

__________________________

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - 'Ông tướng' yêu báo chí và văn nghệ ảnh 1

Thưa Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, cha ông - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, thường được biết đến như một người lính xuất sắc trên mọi mặt trận. Trên mặt trận báo chí, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là một “ngòi bút” chính luận xuất sắc, vậy cơ duyên nào đã giúp “vị tướng chính trị” bén duyên với việc viết lách?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Ít ai biết được rằng ba tôi từng tiếp xúc rất sớm với báo chí kể từ thời tiền khởi nghĩa. Khi còn là một thanh niên, vì nhà nghèo, không có tiền nên ông thường đi đọc báo nhờ, tình cờ vì thế lại quen một người con gái tên Cúc – người sau này là mẹ của tôi.

Năm 1937, ba tôi đi viết báo và tổ chức thành lập một tờ báo mang tên Nhành Lúa. Đây là tuần báo “Xã hội văn chương lấy sự bênh vực anh em nghèo làm tôn chỉ” và phát động quần chúng đoàn kết đấu tranh đòi tự do ngôn luận, tự do lập nghiệp đoàn báo giới. Ngoài ra, ông còn đóng góp nhiều bài viết cho các tờ báo của Đảng như Quyết Chiến, Quyết Thắng, hay Tay Thợ với tư cách Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - 'Ông tướng' yêu báo chí và văn nghệ ảnh 2

Trong ký ức thời thơ ấu của mình, ông còn nhớ gì về những bài học của cha mình dành cho các con đối với văn chương và lịch sử?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Ba tôi để lại cho gia đình một tủ rất nhiều sách, trong đó không thiếu một số nào của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, từ số đầu tiên đến thời điểm ông qua đời, vào tháng 7 năm 1967. Tuy còn nhỏ, không hiểu gì nhiều, nhưng tôi vẫn đọc ngấu nghiến các cuốn tạp chí đó. Bây giờ tôi vẫn nhớ nguyên cảm nhận ngày xưa, sao Văn nghệ Quân đội hay đến thế. Văn hay, thơ hay, tranh đẹp, nhất là tranh ký họa chiến trường; phê bình văn học cũng hấp dẫn, có những bài phê bình đọc còn thích hơn cả cuốn sách được phê bình.

Có thể nói trong kháng chiến chống Mỹ, trong con mắt công chúng, giải thưởng của Văn nghệ Quân đội là danh giá nhất. Các tác phẩm của nhà văn Quân đội cũng vậy. Có thể nêu một số ví dụ như: Tiểu thuyết “Mẫn và tôi” của Phan Tứ, “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu, “Cao điểm cuối cùng” của Hữu Mai, “Mẹ vắng nhà” của Nguyễn Thi; rồi thơ, rồi nhạc, rồi họa... ở lĩnh vực nào cũng có tác phẩm vĩ đại, sống mãi với thời gian.

Những tác phẩm đó cứ thấm dần, lôi cuốn, mê hoặc nhiều thế hệ, trong đó có thế hệ ba tôi và kéo dài mãi cho đến thế hệ của tôi. Hình ảnh cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ được khơi gợi, nuôi dưỡng qua những trang văn đượm tinh thần nhân ái, bồi đắp, nâng cánh cho tâm hồn người lính trong chiến tranh, gieo vào họ tình yêu quê hương, đất nước, tính nhân văn, lòng quả cảm; tạo được lòng tin yêu trong nhân dân đối với người chiến sĩ, cả ở hậu phương miền Bắc và tiền tuyến miền Nam. Thật xúc động khi trong ba lô để lại của người chiến sĩ hy sinh, có những bài thơ, bài văn chưa kịp gửi cho người thân, cho người yêu người lính.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - 'Ông tướng' yêu báo chí và văn nghệ ảnh 3

Trong thời kỳ công tác tại chiến trường miền Nam, ngòi bút của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn cho thấy độ sắc sảo qua những bài viết bàn về chiến lược đánh Mỹ dưới bút danh “Hạ sĩ Trường Sơn”. Ông có suy nghĩ gì về đóng góp của những bài viết này tới đường lối của Cách mạng miền Nam giai đoạn đó, cũng như sau này?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Bên cạnh việc đưa các nhà báo đi thăm các địa phương cùng mình để nắm bắt thực tế, ba tôi cũng thường “trả bài” cho nhu cầu thông tin của cán bộ, chiến sĩ về đường lối đánh Mỹ. Và cũng nhờ vậy, ông cũng có rất nhiều bạn báo chí như các chú Phan Quang, Hữu Thọ, Hồng Chương, Phạm Quang Cận..., công tác cả trong lẫn ngoài quân đội.

Giai đoạn hoạt động tại chiến trường miền Nam, ba tôi thường viết báo trên tờ Quân Giải phóng và ký bút danh “Hạ sĩ Trường Sơn” (nhằm tưởng nhớ người con trai đầu lòng - PV). Thậm chí người của Phòng Tuyên huấn còn chỉ đạo cán bộ tờ Quân Giải phóng tìm và mời tác giả “Hạ sĩ Trường Sơn” làm phóng viên do có nhiều bài viết xuất sắc.

Trong thời gian ba tôi chuẩn bị vào Nam lần thứ hai, ông viết báo rất nhiều, vừa để đăng, vừa dự trữ để khi ông vào Nam rồi sẽ đăng, một số bài thì “viết xong để đấy”, chưa biết sẽ đăng khi nào. Trung tướng Phạm Quang Cận, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, kể về những lần ông tham gia chuẩn bị tư liệu và giúp việc ba tôi viết các bài báo: “Anh Thanh viết báo, không chỉ bình luận về quân sự, mà còn cả về nhiều lĩnh vực khác của nghề báo. Khi chuẩn bị các bài báo, anh còn muốn cấp dưới chúng tôi đọc kỹ và cho ý kiến: “Các cậu rà lại xem: Thứ nhất, đường lối, tư tưởng, quan điểm có gì sai không? Thứ hai, lý luận, thực tiễn có gì sai không? Thứ ba, bài viết có nâng cao tin tưởng và quyết tâm đánh Mỹ của quân dân ta không?” Nhận được câu trả lời, tuy không kém phần thẳng thắn nhưng cũng có hơi thận trọng (e tác giả “tự ái”), “Người Bình luận” nổi tiếng của chúng ta lại “bò ra” sửa tiếp, rồi mới cho phép đề ‘từ miền Nam gửi ra”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - 'Ông tướng' yêu báo chí và văn nghệ ảnh 4

Sau khi được bổ nhiệm vào vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người đã đặt nền móng cho hoạt động văn hóa-văn nghệ trong quân đội. Ông không trực tiếp làm văn nghệ, nhưng lại rất yêu và hiểu biết về văn nghệ, vì sao lại như vậy?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Cách đây 20 năm, tôi về làng Niêm Phò gặp các o, các chú cùng thời với ba, nghe họ kể về ông Nguyễn Vịnh (tên ba tôi lúc sinh thời) rất yêu ca hát, kể về những đêm ông tham gia đập lúa dưới trăng cùng dân làng, những lần ông tham gia hò đối đáp với những điệu hò tự nghĩ, tự sáng tác, tự hò kéo dài không dứt. “Ông Vịnh là người hò hay nhất làng. Làm khỏe, hò cũng khỏe” - mọi người kể với tôi như thế. Hầu hết những người mà tôi hỏi chuyện đều nói về ba hễ nói chuyện là khó mà dứt được, đặc biệt là chuyện văn nghệ. Với ông Thanh không bao giờ hết chuyện, một là chuyện Bác Hồ, hai là chuyện miền Nam, ba là chuyện nông thôn, bốn là chuyện văn nghệ.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - 'Ông tướng' yêu báo chí và văn nghệ ảnh 5

Có lẽ vì thế mà sau này theo Cách mạng, kinh qua nhiều cương vị công tác khác nhau, nhưng ba tôi luôn say mê văn nghệ và thể thao. Khi làm Chủ nhiệm TCCT ở Việt Bắc, ông đã thành lập Đoàn văn công TCCT, sau ngày giải phóng Thủ đô 1954, một trong những việc ông rất quan tâm và thực hiện bằng được là thành lập Đoàn Thể thao quân đội (Thể công).

Trong thời gian đầu làm công tác tuyên huấn, ông cũng phải tự mày mò tìm hiểu báo chí, văn nghệ. Ông mời các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ tới giảng cho mình biết thế nào là thi ca, văn học, hội họa. Để quản lý văn nghệ và thể thao, ông nghĩ ngay đến giao lưu quốc tế với các nước XHCN. Những ca sĩ, biên đạo múa, nhạc sĩ quân đội đã được gửi đi Trung Quốc học tập từ những năm 50. Còn giải thể thao quốc tế đầu tiên của nước nhà sau ngày giải phóng Thủ đô là của Quân đội: Giải bóng đá Quân đội các nước XHCN (SKDA), tổ chức năm 1959 tại Hà Nội, được Bác Hồ đích thân đến khai mạc và xem hết cả hai trận khai mạc và trận chung kết.

Từ ký ức về ba, tôi không quên những điều học được về vai trò của văn hóa nghệ thuật. Có lần, tôi hỏi ông: “Văn nghệ là gì ạ?” Ông đáp: “Là văn hóa và nghệ thuật. Văn nghệ Quân đội là văn hóa và nghệ thuật của Quân đội”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - 'Ông tướng' yêu báo chí và văn nghệ ảnh 6

Được biết, trong quá trình làm công tác tuyên huấn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và giới văn nghệ sĩ đương thời giữ một mối quan hệ hết sức khăng khít. Ông có còn nhớ về những kỷ niệm ít người biết về Đại tướng và các văn nghệ sĩ?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Khi tôi còn nhỏ, ba thường đưa tôi đến trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở địa chỉ số 4 Lý Nam Đế. Đây là ngôi nhà cổ, kiến trúc Pháp, rất đẹp, thậm chí là đẹp nhất so với các biệt thự ở Hà Nội còn giữ lại được cho đến bây giờ. Ba tôi đề nghị cấp cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi hỏi ông: “Vì sao các chú ấy lại ở ngôi nhà đẹp thế?” Ông cười: “Văn nghệ là phải đẹp. Văn nghệ Quân đội lại càng phải đẹp”.

Hồi ấy, ba rất bận, nhưng mỗi khi có thời gian rảnh, thường là chiều Chủ nhật, ông lại đạp xe từ số 34 đến số 4 Lý Nam Đế. Ở đó, ông có nhiều bạn là văn nghệ sĩ - chiến sĩ, đặc biệt, có người đồng hương là bác Thanh Tịnh. Hai người có thể gác chân lên nhau để kể chuyện quê hương. Bác Thanh Tịnh cũng thường qua nhà tôi, gọi bà nội tôi là mệ. Ba tôi đến thường không báo trước, nhưng khi ông có mặt, các bạn của ông trong Văn nghệ Quân đội gọi nhau về, một lúc sau là tụ tập đông đủ. Nhiều cán bộ Văn nghệ Quân đội quê ở miền Nam, tập kết ra Bắc, sống xa gia đình, nên giữa ba tôi với những nhà văn - chiến sĩ có sự đồng cảm lớn là nỗi nhớ quê hương. Trong những câu chuyện, không lần nào họ không nhắc về quê hương miền Nam, về những kỷ niệm đầy gian khổ, nhưng rất đỗi tự hào.

Trong trí nhớ của tôi, các buổi gặp nhau, thường chỉ có ấm nước chè với chiếc điếu cày, gói thuốc lào. Đôi khi có thêm vài điếu thuốc lá của ba tôi chia cho các chú. Nhưng chuyện trò thì rất sôi nổi, có khi đến tận khuya. Hai chủ đề họ thường nói, là chuyện về văn nghệ và chuyện đánh Mỹ. Họ trò chuyện, tranh luận rất say sưa với niềm đam mê vô tận về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như hoạt động văn hóa, văn nghệ trong Quân đội. Tôi còn nhỏ, không hiểu gì về chiến trận hay văn chương, mà vẫn say mê ngồi nghe.

Nhà thơ Thanh Tịnh có lẽ là người thân thiết với ba hơn cả. Ông hơn ba tôi vài tuổi, và rất có uy tín trong giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ, mặc dù ông ít làm thơ, chỉ ca dao hò vè, độc tấu thì không ai sánh kịp. Ông Xuân Thiêm, cán bộ Tạp chí Quân đội lúc bấy giờ kể: “Anh Thanh rất thấu hiểu những nỗi niềm của Thanh Tịnh. Có lần anh nói với tôi: ‘Gắng trông nom săn sóc anh ấy. Chúng ta có chung số phận là người dân mất nước, đứng lên giành lại nước. Nhưng từng người lại có hoàn cảnh riêng, chẳng ai giống ai. Anh Thanh Tịnh đi theo Cách mạng phải bỏ một số thú vui, thói quen cũ tất phải tìm đến thú vui mới, sở thích mới như thích đi đây đó, thích sưu tập cổ vật chẳng hạn. Anh ấy tuổi cao nhiều bệnh lại gặp chuyện không vui về gia đình, chắc chắn không thể thanh thản, nhẹ nhàng như anh em trẻ được”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - 'Ông tướng' yêu báo chí và văn nghệ ảnh 7

Sau khi ba tôi mất, có những buổi chiều bác Thanh Tịnh đi bộ đến nhà tôi, khoác cái áo dạ của lính Pháp dài lụng thụng sát đất, ngồi một lát rồi về. Ông kể có lần ba tôi đến thăm ông, mặt buồn lắm, gặng mãi ba mới cất lời: “Buồn hung Thanh Tịnh ơi. Chiều nay bị mạ mắng”. “Mắng răng?”. “Mạ nói: ‘Thanh ơi, mi mần đến Đại tướng mà có mỗi một việc đưa mạ về thăm quê cũng không đặng”.

Qua những câu chuyện ba tôi và các văn nghệ sĩ trao đổi với nhau lúc “trà dư tửu hậu”, dù chưa hiểu mấy về văn hóa, văn học nghệ thuật, nhưng ấn tượng của tôi về các nhà văn ở căn nhà số 4 Lý Nam Đế thời đó là những người tài hoa, nổi tiếng, rất nghệ sĩ, nhưng cũng rất “lính”. Họ nói rất hào hứng, rất nhiều về chiến trường, như những người lính vừa từ đó trở về, quân phục còn đượm mùi khói súng.

Trên cương vị là vị tướng phụ trách công tác chính trị-tư tưởng trong quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những đóng góp, yêu cầu, hay nói vui là “lời đặt hàng” nào cho giới văn nghệ sĩ quân đội?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, ba tôi hay gặp các văn nghệ sĩ và “đặt hàng”: “Văn nghệ viết về Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc hay lắm, nhưng chưa đủ. Quan trọng nhất lúc bấy giờ là viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam”. Ông tâm sự: “Phải đi vào mặt trận, phải sống với người chiến sĩ, từ đó tìm tấm gương để viết về họ cho toàn dân thấy”.

Nhưng đến khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đã lên đến đỉnh cao, ta đang thừa thắng xông lên để giành những thắng lợi quan trọng, trước khi quay trở lại miền Nam chiến đấu (1967), ông lại nói thế này: “Tôi sắp quay trở lại miền Nam. Miền Nam cần gì? Một là miền Nam cần người, hai là cần gạo, ba là cần văn nghệ - vì văn nghệ không phải vật chất nhưng nó có sức mạnh hơn cả một sư đoàn”. Từ lời kêu gọi của ba tôi, mỗi một văn nghệ sĩ đều cảm thấy mình đang “nợ” miền Nam một tác phẩm từ ngòi bút của mình. Ông nói những lời tận đáy lòng như thế, bởi ông là người trực tiếp đánh Mỹ ở miền Nam, ông sắp vào Nam đánh Mỹ và ông cần ở văn nghệ sĩ những tác phẩm “vì miền Nam” như thế.

Ông đã giữ đúng lời nói của mình cả trên mặt trận quân sự đánh Mỹ và mặt trận văn nghệ “tiếp lửa” cho cách mạng. Ông từng nói với chiến sĩ: “Vào chiến trường tìm ra phương án đánh Mỹ”, và với văn nghệ sĩ cũng thế: “Vào tận chiến trường mới tìm ra câu chuyện đánh Mỹ, chân dung người chiến sĩ…”

Đầu năm 1967, ba tôi chuẩn bị vào Nam. Những ngày ít ỏi cuối cùng ở miền Bắc, ông bận rộn với nhiều cuộc họp, tối nào cũng về nhà muộn. Nhưng ông vẫn dẫn tôi đến gặp các cô, chú ở Văn nghệ Quân đội. Trong các lần gặp trước, ông thường nghe là chính, nhưng trong hai cuộc gặp này, ông nói nhiều hơn. Ông nói về cuộc chiến tranh chống Mỹ, kể những câu chuyện chiến đấu ở miền Nam. Ông đọc những vần thơ, đoạn văn từ miền Bắc gửi vào được phát trên Đài phát thanh Giải phóng, đăng trên các báo ở chiến trường. Ông muốn văn nghệ sĩ hiểu hơn về mối quan hệ giữa người chiến sĩ ở chiến trường với quê hương, gia đình: điều quan tâm nhất của chiến sĩ trên chiến trường là lo hậu phương đói nghèo; lo hợp tác xã không đủ gạo chia cho xã viên, lo con không được đi học… Do đó, văn nghệ sĩ hãy viết về sự lớn mạnh của hậu phương miền Bắc, để người chiến sĩ thấy cuộc sống đang tốt đẹp dần lên ở quê nhà, để rồi họ yên tâm chiến đấu. Và ông nói nhiều về việc văn hóa, văn nghệ phải làm gì trước những biến động sắp tới của cuộc kháng chiến; làm gì để tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những cuộc chiến đấu quyết liệt sẽ xảy ra. Tôi còn nhớ câu nói của ông với văn nghệ sĩ: “Viết gì thì viết. Đừng viết cho riêng mình hay về những người xa lạ. Hãy viết về những người chiến sĩ, viết để người chiến sĩ có thêm lòng dũng cảm, thêm mưu trí, thêm quyết tâm đánh thắng kẻ thù trên mặt trận”. Ông chỉ yêu cầu có thế thôi. Đó là sự tin tưởng và cũng là “đặt hàng” của ông, của chiến trường miền Nam đối với các nhà văn - chiến sĩ.

Có lẽ đấy là tình cảm và những điều ông mong đợi ở Văn nghệ Quân đội nói riêng, và ở văn hóa nghệ thuật nói chung trước giai đoạn lịch sử mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - 'Ông tướng' yêu báo chí và văn nghệ ảnh 8

Cũng trong giai đoạn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh công tác tại Tổng cục Chính trị QĐND đã xảy ra vụ việc Nhân văn-Giai phẩm. Trong quá trình giải quyết vụ việc này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã giữ vững bản lĩnh chính trị như thế nào và đối xử với những người bạn trong giới văn nghệ sĩ ra sao?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Một trong những câu chuyện cảm động nhất đậm nhất về tình người của ba tôi về giai đoạn đó là những cuộc gặp và nói chuyện với nhà văn Trần Dần. Câu chuyện bắt đầu từ đầu những năm 1990, khi đó tôi vừa từ chiến trường Campuchia về, hay ra Hà Nội công tác. Gia đình tôi chơi thân với nhà văn Chu Lai, tôi coi như người anh. Có lần anh nói với tôi: “Các ông Hoàng Cầm, Trần Dần tuy ‘dính’ Nhân văn - Giai phẩm, nhưng quý trọng ông Thanh lắm, cứ hỏi thăm em suốt, mong có lần được gặp nhưng chú ở Campuchia nên anh không biết nhắn ai”.

Chu Lai kể, Trần Dần có viết một truyện ngắn, nhan đề “Người ký lệnh bắt tôi đã cứu sống tôi như thế nào?”, trong đó kể khi bị xử lý vì vụ “Nhân văn”, chính ông Thanh là người ký quyết định kỷ luật Trần Dần. Chán nản, oán trách quân đội vì những gì ông đã làm cho quân đội mà bị đối xử thế này, tuyệt vọng vì nghĩ không còn đường sống, Trần Dần tự tử. May mà có người phát hiện sớm, cứu được. Tự tử không thành, ông lại dính thêm tội nữa là không nhận thức sai lầm, chống đối tổ chức…, càng thêm tiêu cực, chán nản.

Ngạc nhiên thay, vài hôm sau nghe báo cáo, ông Thanh đến tận nơi thăm Trần Dần. Hai ông nói chuyện riêng, ông Thanh lựa lời: “Đúng là anh có công lao đóng góp cho kháng chiến, cho Cách mạng, và anh có tài. Nhưng anh sai là rõ ràng, chuyện anh phải chịu kỷ luật của quân đội là đương nhiên, sòng phẳng. Nhưng anh nghĩ ngắn. Anh nên chấp nhận hình phạt, phải vượt qua nó để quay lại với cuộc đời, để có cuộc sống tốt đẹp hơn, để tài năng của anh tiếp tục đóng góp cho xã hội, cho kháng chiến. Sở dĩ tôi nói vậy vì tôi coi anh là bạn và trọng cái tài của anh”.

Sau cuộc gặp đó, Trần Dần đã có ước vọng sống trở lại, ông hiểu phải cố sống để vượt qua kỷ luật, để quay trở lại đời thường, đóng góp tài năng của mình cho xã hội. Câu chuyện rất dung dị, có thế thôi mà sao tôi nhớ mãi.

- Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Bài: Bắc Hiệp

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.