Tiến sĩ Lê Kiên Thành - người trăn trở hai chữ Nhân Dân

Tiến sĩ Lê Kiên Thành - người trăn trở hai chữ Nhân Dân

Những ngày cuối tháng 8, cả nước đang hướng tới ngày Quốc khánh 2/9, kỉ niệm 77 năm thành lập nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 77 năm, một hành trình với bao khát vọng của một dân tộc độc lập. Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay, biết bao máu xương của người dân Việt Nam đã đổ xuống. Và trong không khí của những ngày này, Tiến sĩ Lê Kiên Thành, một nhà nghiên cứu chính trị, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã dành cho Ngày Nay một cuộc trò chuyện, trong đó ông không ngừng trăn trở với vận mệnh của dân tộc, trăn trở với hai chữ “Nhân Dân”.

* * * * *

Trong buổi trò chuyện với Ngày Nay, nhà nghiên cứu Chính trị TS. Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn kể, “Khi còn ấu dại, Ba tôi chẳng may bệnh nặng, Bà Nội mời một thầy cúng đến nhà chữa bệnh. Sau khi cúng xong, người này xem qua nhân tướng thì bảo rằng: “Cố mà nuôi nó, sau này có số làm Vua đấy!”.

Năm 1925, khi Pháp đang đô hộ, Ba tôi lên đường đi làm Cách mạng trong nỗi muộn phiền và phản đối của ông Nội: “Làm Vua đâu chẳng thấy, thấy đi làm giặc?!”. Bà Nội thì ủng hộ nhưng lo lắng lắm: “Con làm đúng đấy nhưng mà chắc chắn thất bại, chỉ có mấy người nghèo nghèo khổ khổ, tay không tấc sắt, còn Pháp súng ống đầy đường, quốc gia hùng mạnh, không có cửa để mà chống lại đâu?!”.

Thế nhưng, Ba tôi vẫn đi. Năm 1945, Ba tôi được thả. Bà Nội mất trước đó một năm, lá thư của Ba tôi gửi ra từ trong tù vẫn còn đặt trên ngực. Trong thư, Ba nói bị mù do địch giam trong tối quá lâu, không cho ăn uống lại còn đánh đập, tra tấn. Tiếc nuối lớn nhất của Ba tôi là không thể nói được một câu ‘Mẹ ơi! Chúng con làm được rồi!’. Không nói được một câu nào trước khi Bà mất.

Tôi tin rằng, chúng ta sẽ đi qua được khó khăn nếu như đừng có ai buông tay. Đất nước mình đã có những lúc còn tối tăm, nếu như không có những người như Ba tôi, những người Cách mạng thì sẽ không có được nước Việt Nam như ngày hôm nay!.

Tiến sĩ Lê Kiên Thành - người trăn trở hai chữ Nhân Dân ảnh 1
Tiến sĩ Lê Kiên Thành - người trăn trở hai chữ Nhân Dân ảnh 2

Nhà nghiên cứu Chính trị, TS. Lê Kiên Thành: Nhiều người hỏi tôi, công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực của ta hiện có hiệu quả không? Về việc này, tôi đã phát biểu nhiều lần, chuyện “củi lò” hiện nay phần lớn là để an dân. Bởi vì, mình chỉ nói về một “cái lò” chứ không nói đến chuyện làm sao để “củi” không bị mục, “cây” không bị mục, “cây” không thành “củi”. Mình không có động tác, cây này hay bị khô thì trồng cây khác, quy trình khác, bón phân khác, tạo ra môi trường sống khác. Nếu chọn những cây như cây Tùng, cây Bách thì củi chỉ là cái gì đó rất nhỏ, còn bóng mát của nó, thân cây của nó đứng sừng sững giữa trời, giữa muôn ngàn bão tố. Còn ở đây, mình đôi khi chặt cả “củi tươi”. Hiểu thế nào là “củi tươi”, đấy không phải là “củi”. Muôn đời nay, người ta hiểu củi là cây mục nát, đã rơi xuống đất không còn sử dụng được nữa, chẳng có ai đi chặt cây làm củi cả.

Tại sao rất nhiều người vừa mới vào uỷ viên trung ương là dính ngay? Bây giờ, quy trình kết nạp vào Đảng thôi đã cảm thấy rất khó chứ chưa nói gì đến vượt qua bao nhiêu cấp để được vào trung ương, rồi vượt qua bao nhiêu thứ để vào các vị trí cao, thậm chí có trường hợp vào Bộ Chính trị, xong cuối cùng lại thành “củi”. Thế những ai đã giới thiệu những con người đó, bộ máy chọn lọc lỗi ở chỗ nào, chưa ai chỉ ra hết? Ta phải có một bộ máy nhìn trước được phẩm chất, năng lực của con người đó, họ vào để cống hiến hay để trục lợi, hay điều gì khác nữa…? Lại thêm, rất nhiều những khuyết điểm của họ lại xảy ra trước khi họ vào trung ương. Lúc phải xử lý, thì không chỉ cá nhân người vi phạm mà cả những người đề bạt, giới thiệu, tiến cử và bỏ phiếu. Những người đó có chịu trách nhiệm trước Nhân dân, trước Đảng, trước Tổ quốc hay không?

Tiến sĩ Lê Kiên Thành - người trăn trở hai chữ Nhân Dân ảnh 3

Nếu chỉ có cá biệt một vài trường hợp thì có thể nói do sơ xuất, nhưng quá nhiều trường hợp bị xử lý, thì phải nói có rất nhiều vấn đề, có những nguyên do nằm sâu trong đó. Vậy động cơ là gì, là có đối tượng bè phái, hời hợt trong xem xét hay cài cắm nhân sự…? Đến bây giờ, mọi người không nói ra thôi nhưng ai cũng hiểu rằng tất cả các sự vụ đi bên cạnh đều có những nguyên do của nó.

Ví dụ, vừa rồi, chúng ta đã mất rất nhiều y bác sĩ giỏi chỉ vì họ đã phải ngồi vào những chỗ mà mọi thứ quá cám dỗ. Lòng người mong manh lắm, khi một hai ba trăm nghìn đô thì dễ nhưng lên đến vài triệu đô hay vài chục triệu đô thì khó nói lắm! Như đợt Covid-19, que thử giá chỉ vài chục nghìn họ bán lên thành mấy trăm nghìn. Tại sao mà nỡ lòng nào trong khi tất cả mọi người đang quằn quại, nhiều người không có cái gì để ăn. Thế mà, những đồng tiền lại từ ngóc ngách của bi kịch mà ra. Nó ghê gớm lắm! Nó gieo vào lòng mọi người một câu hỏi rất lớn.

Các giải pháp khác, cùng với việc chúng ta đang làm là đương nhiên, kể cả nếu làm những biện pháp nghiệt ngã như đạo Hồi, ăn cắp chặt tay. Ví dụ như, trong gia đình mà có người tham nhũng thì con cái, anh em của họ không được làm trong bộ máy nữa. Nó không phải là cái lâu dài, nhưng phải là cái trước mắt, tương đối cực đoan một tý. Cứ bố mà tham nhũng thì con không được giữ các chức vụ trong Đảng, hoặc 15 năm không được tham gia vào hệ thống, anh chị em ruột cũng không được vô luôn. Một người làm sai là cả họ bị ảnh hưởng, có khi phải cực đoan như thế nhưng hoàn toàn có thể làm được.

Vậy thì ngăn chặn bằng cách nào, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Chính trị, TS. Lê Kiên Thành: Nhìn vào cái người ta đang làm bây giờ thì tôi hiểu rằng, không biết bắt đầu từ đâu?

Ông đánh giá về công tác cán bộ hiện nay ra sao?

Nhà nghiên cứu Chính trị, TS.Lê Kiên Thành: Nói về công tác cán bộ hiện nay, không thể phủ nhận có rất nhiều điều tích cực, nhưng cũng không khó để nhận ra những hạn chế. Ở đây tôi xin nói về mặt hạn chế. Mặt hạn chế có hai vế, một là tước đoạt, một là đẩy người ta ra, tức là những người giỏi, người tài không muốn bước vào. Chặn cửa không cho vào cũng cay đắng, mà người ta không muốn vào cũng cay đắng. Nếu so với trước đây thì hoàn cảnh khác lắm! Sau bao nhiêu năm mình đã loại bỏ cái chọn lọc tự nhiên về công tác cán bộ, thì công tác cán bộ bây giờ phần lớn qua tổ chức, tổ chức đó mà nghi ngờ sự trong sáng của những người có khả năng. Thế thì, chúng ta mãi mãi không bao giờ có được những người tài thực sự. Chúng ta phải dám đưa cái chọn lọc tự nhiên vào song song với công tác tổ chức cán bộ, tức là cho phép người dân tham gia thật sự vào quy trình đó.

Tại sao lại có rất nhiều cơ quan đơn vị ở ta có hai chữ “Nhân dân”. Chúng ta phải hiểu thật trọn vẹn, phải thấm vào trong máu thì mới phát huy được vai trò, nguồn lực, động lực thúc đẩy xã hội đi đúng hướng, đó là Nhân dân. Nhân dân bây giờ rất mờ nhạt. Điều đó đang huỷ hoại xã hội của chúng ta. Bây giờ, một số cán bộ đứng ở vị thế đang nhìn xuống Nhân dân. Cái điều đó là sai về mặt nguyên lý của những người từ Nhân dân mà ra. Nhân dân là nguồn sống của họ, Họ phải phục vụ Nhân dân tận tuỵ. Đừng bao giờ những người từ Nhân dân mà ra, đến lúc nào đó thành công rồi thì lại xa rời Nhân dân, nhìn xuống Nhân dân!

Tiến sĩ Lê Kiên Thành - người trăn trở hai chữ Nhân Dân ảnh 4
Tiến sĩ Lê Kiên Thành - người trăn trở hai chữ Nhân Dân ảnh 5

Nhà nghiên cứu Chính trị, TS.Lê Kiên Thành: Tổ chức xã hội thời xưa bên châu Âu có “ông hề cung đình”. Hề có quyền ăn mặc nhố nhăng nhất trước mặt Vua, có thể nhạo Vua, Hoàng hậu và quan lại trong triều mà không bị chém. Nhưng phải là những ông Vua rất thông minh, cho phép có người dám nói nghịch, nhưng lời nói là mua vui và cách nói phải thật buồn cười. Hề cũng phải là những con người rất giỏi, luôn tìm ra những mâu thuẫn, nghịch lý trong lời nói, cách sống của Vua, của tất cả…, để nói.

Đó là cái rất hay! Vì ngày xưa, Vua nói một lời không ai dám cãi, mà chỉ duy nhất ông hề này dám nhạo báng. Bảo Vua chấp nhận nghe lời một tên hề thì không phải, nhưng những lời của hề đôi khi thức tỉnh được Vua, biết một chút về cái đúng cái sai. Mà thật sự phải là minh Quân, anh Quân mới chấp nhận được! Đó là một hình thức cho phép phản biện trực diện mà hay, nhưng lại yếu ớt vì là tiếng nói của hề.

Cũng là một người làm báo, ông đánh giá thế nào về những tiếng nói phản biện đóng góp cho đất nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên phương diện truyền thông hiện này

Nhà nghiên cứu Chính trị, TS. Lê Kiên Thành: Hiện nay, các phương tiện truyền thông đang bị chi phối bởi nhiều thế lực, kể cả doanh nghiệp cũng có thể thao túng được truyền thông. Thế thì, những tiếng nói của người dân để mà bóc trần sự thật không có nhiều cơ hội nữa. Anh vô hiệu hoá một sức mạnh của xã hội là tiếng nói thì sự sai trái khó mà phơi bày. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng báo chí bị chi phối bằng nhiều cách, đang làm trong sạch xã hội mà lại tước đi công cụ phản biện sắc nhọn nhất là báo chí. Anh phải sử dụng được báo chí. Tất nhiên, phải thật khôn khéo, cầm “con dao” đó sẽ góp phần chém được tất cả những điều xấu xa đang huỷ hoại đất nước. Nếu tách báo chí ra khỏi công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì cũng như “dán keo vào miệng mình”. Thế thì, chúng ta phải sử dụng tốt lực lượng Báo chí càng nhiều bao nhiêu càng tốt, mà muốn sử dụng tốt thì phải là người trong sáng, có trí tuệ, có tấm lòng, coi báo chí là một lực lượng nòng cốt của Đảng, của Nhân dân.

Như Ba tôi từng nói: “Các anh phải nhớ, lợi ích của giai cấp chỉ có trong từng giai đoạn mà lợi ích của Dân tộc là mãi mãi”. Chưa lúc nào mà người đứng đầu Đảng nói là: “Đảng đứng trước nguy cơ tồn vong của nó” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói. Tức là có một khả năng như Tổng Bí thư đã nhận định như vậy, là đã nhiều nguy cơ rồi. Nếu nguy cơ đó xảy ra, thì chúng ta có quyền gì mà tước bỏ quyền phản biện để làm lại cho đúng?!

Tiến sĩ Lê Kiên Thành - người trăn trở hai chữ Nhân Dân ảnh 6

Ông nhắc nhiều về nhân dân và lãnh đạo, vậy ông nhìn nhận sao về mối quan hệ này?

Nhà nghiên cứu Chính trị, TS.Lê Kiên Thành: Một bộ phận lãnh đạo mình luôn bị một cái hiểu lầm, là lực lượng lãnh đạo Nhân dân mà quên mất đi cái vế Lãnh đạo cũng từ Nhân dân mà ra. Đảng từ Nhân dân mà ra, tồn tại vì mục đích của Nhân dân mà giai cấp chỉ là một phần của Nhân dân, không được đặt giai cấp trên Nhân dân. Suy cho cùng, như Mác nói: “Đến một lúc nào đó không còn giai cấp nữa nhưng Nhân dân vẫn còn, Dân tộc vẫn còn, Đất nước vẫn còn”.

Bác Hồ từng nói: “Người Đảng viên trước hết phải là người Lãnh đạo nhưng lại là người đày tớ của Nhân dân”. Nhiều khi, người dân bỏ qua vai trò “người lãnh đạo” mà chỉ nói mãi vai trò “người đày tớ” rồi mang ra chê bai, cái đó là sai! Người lãnh đạo là gì, là dân cho anh cái ô tô, cái nhà, cho anh sung sướng để anh lăn ra làm việc chứ không phải chỉ hưởng thụ không thôi.

Cho nên, cả hai phía đều sai. Người dân phê phán “người đày tớ” gì mà đi xe ô tô đẹp, đày tớ gì mà ở nhà to, nhà đẹp. Không phải, lúc đó họ đang ở vai trò “người lãnh đạo”. Không thể để “người lãnh đạo” đi chen chúc bằng xe máy mà kịp giờ làm việc nên đi ô tô là đương nhiên; ở nhà chật chội, nóng bức thì đầu óc đâu mà làm. Nên, khi là “người lãnh đạo” thì người dân sẵn sàng nhường nhịn cái xe, cái nhà để ngày hôm sau khi bước ra khỏi cái xe, cái nhà ấy thì quên ăn, quên bệnh tật mà làm việc phục vụ Nhân dân với vai trò là “người đày tớ”. Khi cán bộ thấm nhuần được điều ấy thì chúng ta mới có những người cán bộ tốt!.

Trong một bài phát biểu tôi từng nói: “Nếu mà chúng mình đã nhận là người cộng sản thì phải chấp nhận là người giàu cuối cùng của Dân tộc này, Đất nước này chứ không phải là người giàu đầu tiên. Nếu là người giàu đầu tiên thì đã là xã hội khác rồi”.

Hiện nay, có những người cán bộ hút một điếu cigar vài trăm đô bằng một tháng lương công nhân bốn năm triệu đồng mà không cảm thấy gì cả, một ngày có thể hai ba điếu, một chai rượu có thể bằng một năm lương. Những chuyện ấy rất thường rồi nhưng mà đo lòng ở chỗ, không biết từ bao giờ mà người cán bộ lại nghiễm nhiên nhìn những hình ảnh đó và cho là bình thường, trong khi đa phần người dân còn rất khổ sở.

Tiến sĩ Lê Kiên Thành - người trăn trở hai chữ Nhân Dân ảnh 7

Ngay ở Sài Gòn, Cần Giờ lại trở thành vùng sâu vùng xa. Có một nghịch lý thế này, khi khó khăn thì chúng mình sống trong vùng sâu vùng xa, được vùng sâu vùng xa bao bọc, khi chúng ta thành công thì cái gần gũi nhất trong chiến tranh lại trở thành vùng sâu vùng xa. Trong khó khăn, đó là những chỗ nuôi mình, bảo vệ mình, là căn cứ địa của mình nhưng khi giải phóng thì lại trở thành vùng sâu vùng xa ngay, có điện cuối cùng, có nước cuối cùng, y tế cuối cùng, học hành cuối cùng.

Có một câu chuyện về gia đình tư sản đã nuôi giấu Ba tôi. Khi Bác Hồ gọi Ba tôi ra miền Bắc thì gia đình ấy chở bằng xe Peugeot qua ngả Campuchia, hộ chiếu của Ba tôi lúc ấy mang tên người Hoa. Ba tôi cảnh giác đến độ nói với người phụ nữ đi cùng là “ai hỏi thì chị nói tôi bị câm nhé”. Khi sang đến biên giới, có người lính thấy hộ chiếu người Hoa thì nói mấy câu tiếng Hoa, ngay lập tức bà ấy nói luôn là ông này bị câm. Nhưng người lính vẫn nghi ngờ, cứ lật qua lật lại, bà ấy tháo đôi bông tai hột xoàn đưa cho nó xin cho đi sang đây để qua Hồng Kông chữa bệnh. Người lính lấy hai hột xoàn rồi cho qua.

Khi giải phóng, Ba tôi mới về thăm gia đình này để cảm ơn. Thành uỷ khi đó mượn cái xe Peugeot đã chở ông qua Campuchia đặt ở Viện bảo tàng. Khi gia đình xin lại thì Viện bảo tàng hỏi mua, trả giá 10 triệu đồng. Trong khi đó, Sứ quán Pháp muốn mua lại chiếc xe với giá 40.000 USD. Đã vậy, gia đình đó còn bị hoạnh hoẹ đủ thứ! Xong rồi, tôi mới nói câu chuyện này với ông Sang (nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – PV). Sau đó, gia đình lấy xe về và Viện bảo tàng không bao giờ có lại chiếc xe ấy nữa. Nó đau thương lắm, là cái gì đó không đáng!

Tôi có từng nghe câu chuyện về một người phụ nữ ở Đà Nẵng do một cán bộ đầu tỉnh kể, nhưng tôi bảo dừng lại giữa chừng vì không dám nghe đến hết. Bà có bố và chồng từng đi kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, người bố thì lớn tuổi ở nhà, chồng được gọi tập kết ra Bắc nhưng không đi được vì bệnh và có hai con nhỏ. Đến khi hai đứa con lớn rồi thì ông bà cho vào rừng theo kháng chiến, còn đứa út mãi sau này mới sinh nên ở với ông bà.

Có lần, một cán bộ của ta bị giặc đuổi chạy vào nhà. Nhà lúc đó không hoạt động gì nhưng là cơ sở của mình, có đào một cái hầm bí mật trong vườn. Cán bộ bị thương, hai vợ chồng bà đưa cán bộ vào hầm, ông bố lau vết máu. Vừa lau xong thì địch ập vào, tên cầm đầu khét tiếng giết bộ đội không ghê tay, bảo tìm cho ra sẽ có thưởng. Ban đầu, nó kê súng vào đầu ông bố đe doạ khai ra nơi giấu cán bộ mình? Ông già vừa lắc đầu nó bắn bùm! Nó quay ra chĩa súng vào ông chồng và cũng bùm! Rồi nó giằng đứa con trai nhỏ xíu uy hiếp, người phụ nữ nói không biết nó bùm tiếp! Xong rồi bỏ đi.

Tiến sĩ Lê Kiên Thành - người trăn trở hai chữ Nhân Dân ảnh 8

Một đứa con trai của bà cũng hy sinh, đứa còn lại là thương binh. Mãi về sau này, bà nghe con trai nói thông tin người cán bộ kia ăn hối lộ, sắp bị kỷ luật. Bà đập bàn đập ghế bảo là: “Thằng đấy nó không thể nào ăn hối lộ được, để mai tao lên gặp Bá Thanh (ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng – PV) nói hết câu chuyện này”. Hôm đấy, bà ra bụi chuối có hầm bí mật hồi xưa, chặt hết chuối để định hôm sau đi chứng minh ông cán bộ kia vô tội. Họ tin tưởng đến mức độ đó! Tôi nghe tới đây, bảo thôi đừng kể nữa, chẳng may ông đó đúng thiệt nhận hối lộ thì đến mình còn không chịu nổi, sao bà ấy chịu nổi!

Tôi từng viết một bài đúng lúc lụt lội ở miền Trung, ý là: “Bão lụt có thể cuốn trôi hết các cây cầu, đường xá nhưng một cái gì đó có thể cuốn trôi đi niềm tin cuối cùng của Nhân dân thì chúng ta mất hết. Đường xá, cây cầu kia có thể xây dựng lại nhưng niềm tin cuối cùng mà mất đi thì ghê gớm lắm”. Nhưng đau xót nữa là, bà ấy không được phong là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, bởi vì họ cho rằng những người kia mất là tai nạn trong chiến tranh, chỉ có một người con đi lên chiến khu là hy sinh trong chiến đấu nên không nằm trong diện được phong tặng.

Một phần những con người cụ thể như vậy mà không vượt qua được sự cám dỗ về vật chất tầm thường thì thật là vô nghĩa. Họ sống bằng bốn mạng người. Hy sinh của người dân là tận cùng rồi! Bây giờ, Nhân dân không phải đòi mà Lãnh đạo phải hy sinh lại đi thì Dân tộc này mới có thể vươn lên được!

Có lẽ, Quốc gia nào cũng vậy, nhiều ít khác nhau, có nhiều câu chuyện vui mà cũng không ít những câu chuyện buồn. Nhưng suy cho cùng, bằng nhiều con đường, có thể ngắn, có thể dài, có thể đau thương… nhưng cái đích cuối cùng chỉ có một điểm đến, là vì Nhân dân. Chính con người phải là những tác nhân tạo ra điều đó. Và nói cũng là một cách làm!

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ thấm đượm nghĩa tình nhưng cũng đầy trăn trở của ông! Kính chúc ông mạnh khoẻ và nhiều niềm vui trong cuộc sống!

Tiến sĩ Lê Kiên Thành - người trăn trở hai chữ Nhân Dân ảnh 9

Bài, ảnh: Ngô Nguyệt Hữu - Trần Tây Côn

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.