Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam?

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam?

Nhóm Đa Diện đã tổ chức đến triển lãm thứ 6 kể từ lần đầu tiên cách đây 4 năm. Đây có lẽ là thời điểm phù hợp để hỏi các họa sĩ: nội hàm của “diện” là gì?

______________________

Đa Diện gây chú ý từ những triển lãm đầu tiên, vì những cái tên tạo thành cũng không xa lạ với giới Mỹ thuật. Họ là một nhóm mở, không cố định ở số lượng thành viên nhưng lại cố định ở tiêu chí kết nạp. “Đó là sự định hình phong cách sáng tác và có tầm ảnh hưởng đối với công chúng. Hay nói cách khác, đây là các họa sĩ đã có thương hiệu riêng”, họa sĩ Tào Linh chia sẻ với báo giới trong triển lãm lần thứ 4, năm 2020.

Nhóm là sự kết hợp của nhiều trường phái, nhiều phong cách, nhiều chất liệu, và nhiều lứa tuổi sáng tác. Trong đó có Tào Linh, đã ở tuổi lục tuần và là “gương mặt thân quen” của các triển lãm tại Hà Nội. Trong đó có Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng Rô) hay Nguyễn Minh (Minh Phố), mới ngoài ba mươi và đang bắt đầu được giới truyền thông cũng như giới sưu tập để tâm đến. Trong đó có sơn mài, sơn dầu. Có trừu tượng, ấn tượng, có siêu thực và lập thể (hoặc cả 2 kết hợp).

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 1

“Đa” thì đã rõ, nhưng “diện” là gì? Nếu “diện” chỉ là những “gương mặt” thì họ xứng đáng là những gương mặt được để tâm – vì thị trường đã chứng minh điều này, có những triển lãm của Đa diện bán gần hết tranh.

Nhưng liệu “diện” có quyền có hàm ý nào đó cao hơn? “Diện” liệu có thể là “phương diện”, là “thể diện” hay chính xác hơn, là “khía cạnh” mới của nền hội họa đương đại Việt Nam?

Sở dĩ đặt ra câu hỏi đó vì hội họa Việt Nam đang không thiếu những “nhân diện”, trường Mỹ thuật vẫn liên tục tạo ra những họa sĩ có kỹ thuật bài bản, nhưng lại thiếu những “phương diện” mới. Là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có trường Mỹ thuật, nhưng Việt Nam vẫn đang ghi dấu ấn trong nền mỹ thuật thế giới bằng các tác phẩm từ thời… ngôi trường đó mới thành lập.

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 2

Triển lãm "Đa diện 6-Sự trở lại" đã mở cửa tự do đón khách từ ngày 1-7/11 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Các sự kiện “tranh Việt” tại Sotheby's và Christie's vẫn đang kể những câu chuyện của hội họa Việt Nam cách đây gần một thế kỷ. Và không cần so sánh với những quốc gia đi sau như Singapore để biết rằng nền mỹ thuật cần thêm năng lượng.

Vậy theo dõi Đa Diện, công chúng có quyền kỳ vọng rằng đây sẽ là những người xác lập được những “phương diện” mới cho nền mỹ thuật? Hay “diện” ở đây ý chỉ là có nhiều người khác nhau cùng tham gia vào một triển lãm, và chỉ là một cái tên hiền hòa và an toàn về mặt thương mại?

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 3

Trao đổi với Ngày Nay trước thềm triển lãm Đa diện 6, họa sĩ Minh Phố cho biết ý tưởng gốc để thành lập nên nhóm bắt nguồn từ mong muốn tạo ra một tập thể gồm các họa sĩ mang phong cách trẻ trung, dồi dào nội lực sáng tạo để cùng “chơi” với nhau.

Sau khi tham khảo ý kiến các thành viên, cả nhóm quyết định lựa chọn cái tên Đa diện xuất phát từ mong muốn mỗi người sẽ có một sự khác biệt trong tác phẩm, và trong hành trình đi cùng nhau, các cá nhân của Đa diện phải luôn thay đổi.

Minh Phố khẳng định, tiêu chí hoạt động của Đa diện đó là mỗi lần đem tranh đi triển lãm là phải có cái mới, cái thay đổi.

“Đa diện bao gồm các cá nhân khác biệt, và trong mỗi cá nhân đó cũng phải có sự khác biệt trong chính mình, qua từng giai đoạn”, họa sĩ Minh Phố cho biết. “Ví dụ, tôi vẫn trung thành với đề tài ‘phố’, nhưng trong mỗi triển lãm tôi lại đem tới cho khán giả một series phố khác nhau về ngôn ngữ hội họa.”

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 4

Là thành viên trẻ nhất trong nhóm, họa sĩ Khổng Đỗ Duy cho rằng Đa diện luôn làm việc hết mình và đặt mục tiêu mỗi lần triển lãm là một lần đem tới những series hoàn toàn mới cho công chúng.

“Chúng tôi sẵn sàng bước qua những vùng an toàn để thử nghiệm những khía cạnh, phương diện khác biệt. Đó là điểm chung duy nhất mà chúng tôi chia sẻ, ngoài ra mỗi người trong nhóm đều là một những họa sĩ hoạt động độc lập, đều có những cá tính, góc cạnh hoàn toàn khác nhau.”

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 5

Đối với các họa sĩ trong nhóm Đa diện, họ đều giữ cho mình một sở trường gốc làm “sợi chỉ đỏ”, xuyên suốt trong hành trình sáng tác là những thể nghiệm, biến tấu mới về phong cách cũng như bút pháp.

Trước quan điểm cho rằng ngày càng ít họa sĩ dám dấn thân tạo ra những cái mới cho nền mỹ thuật Việt Nam mà chỉ theo lối mòn của người đi trước, Nguyễn Minh cho rằng mỗi nghệ sĩ khi đã dấn thân vào con đường nghệ thuật đều phải tự ý thức được rằng họ phải tạo ra sự khác biệt, nếu không có tư tưởng này, họ sẽ chỉ là cái bóng của những cái bóng đi trước.

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 6

Gắn bó tên tuổi với đề tài “phố”, Nguyễn Minh nhận định đây là một dòng tranh khó sáng tác bởi có quá nhiều tên tuổi gạo cội của nền mỹ thuật Việt Nam thành công trong đề tài này, có thể kể đến Bùi Xuân Phái ở thế kỷ trước hay gần đây là Phạm Bình Chương, hoặc trong nội bộ Đa diện có Tào Linh cũng theo “phố”, nhưng mỗi người có một góc nhìn khác nhau.

“Những con ‘phố’ tôi khắc họa thường phải gắn bó với chính mình, những bức tranh của tôi gắn liền với hình ảnh các căn nhà cấp bốn, đề tài và hình ảnh đều cũ, nhưng bản thân tôi luôn muốn kể lại một câu chuyện qua ngôn ngữ của người trẻ. Thứ nhất là cách vẽ, thứ hai là cách đặt vấn đề. Tôi không muốn kể về câu chuyện đô thị hóa mà muốn dựa vào đó để lãng mạn, thi vị hóa chủ đề tưởng như đã cũ này.”

Còn với Hùng Rô, con đường hội họa của anh luôn có sự đổi mới về đề tài và phong cách, tuy nhiên dù thay đổi đến đâu vẫn phải để lại dấu ấn cá nhân đậm nét trong các tác phẩm.

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 7

Từng nhiều lần “đem chuông đi đánh xứ người”, Hùng Rô cho rằng nền mỹ thuật đương đại chưa thể ghi dấu ấn trên thị trường thế giới là bởi Việt Nam đang thiếu đi những “sân chơi” chất lượng.

Theo vị họa sĩ, các gallery (phòng trưng bày tranh) ở nước ngoài, đặc biệt là ở châu Âu, thường đòi hỏi các họa sĩ đáp ứng những yêu cầu rất cao nếu muốn đem tranh đi triển lãm.

“Họa sĩ cần phải có một series tranh đậm nét, có tiếng vang, có độ quái trong các tác phẩm, bởi điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của người giám định và các gallery. Khi mình mang văn hóa của đất nước sang xứ người, những tác phẩm của mình phải thực sự hay thì giới sưu tầm nước ngoài mới ưa chuộng”, Hùng Rô nói.

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 8

Đối với công chúng, dịch bệnh và giãn cách xã hội làm cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với một số hoạ sĩ của nhóm Đa diện, thời gian cả xã hội “chặt trong, chặt ngoài” lại chính là khoảng lặng quý giá để họ nhìn lại và bổ sung những nét mới mẻ, độc đáo vào tranh của mình.

Sau một thời gian dài “ngủ đông” và phải xa rời đời sống nghệ thuật, công chúng yêu hội họa và các họa sĩ trong nhóm Đa diện đều kỳ vọng triển lãm lần này sẽ giúp hai bên giải tỏa được thị hiếu và nhu cầu. Ngoài ra, sẽ có nhiều người tò mò muốn biết các họa sĩ trong nhóm Đa diện mang gì tới phòng trưng bày sau nhiều tháng chỉ ở xưởng sáng tác.

“Điều công chúng kỳ vọng nhất đó là những câu chuyện mà chúng tôi kể qua các bức tranh. Đa diện sẽ để công chúng tự đánh giá về vị trí của nhóm trong nền mỹ thuật đương đại, để tạo được dấu ấn trong bất kỳ lĩnh vực gì cũng phải phụ thuộc vào quá trình làm việc của các họa sĩ. Chúng tôi luôn mong muốn đổi mới chính mình, sự đổi mới sẽ tạo tiền đề để các nhóm họa sĩ khác có sự thay đổi, từ đó tạo ra sự tự đổi mới trong cộng đồng hội họa và thị hiếu khán giả”, Minh Phố khẳng định.

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 9
Các bức tranh nude của họa sĩ Doãn Hoàng Lâm tại Đa diện 6.

Đến với triển lãm lần này, Minh Phố đã chuẩn bị sẵn những “lá bài tẩy”. Đầu tiên là về kích thước tranh: những bức nhỏ nhất tại triển lãm đều do anh vẽ. Theo hoạ sĩ, sự “mini” đó sẽ là điểm nhấn nổi bật giữa các bức hoạ khổ lớn khác tại Đa diện 6.

Nếu người xem cảm thấy choáng ngợp trước các tác phẩm vẽ phong cảnh thiên nhiên rộng lớn của Hùng Rô, Chu Việt Cường, những thân phận đằng sau những bức tranh nude của Doãn Hoàng Lâm hay những bức tĩnh vật với màu sắc sặc sỡ của Khổng Đỗ Duy, thì phố phường trong tranh Minh Phố lại là những “trạm dừng chân” để họ nghỉ ngơi, thư giãn.

“Lá bài tẩy” còn lại của Minh Phố chính là nội dung của những bức tranh. Lần đầu tiên, người ta thấy phố phường của anh bị “chăng dây” chằng chịt, một hình ảnh quen thuộc mùa giãn cách. Tuy nhiên, cái Minh Phố muốn truyền tải không phải sự tiêu cực. Anh muốn người xem vẫn cảm nhận được nét đẹp mộc mạc, gần gũi của phố phường Việt Nam, làm họ thích chứ không sợ những hàng rào, dây dợ dùng để phong toả nữa.

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 10

Dịch bệnh đã khiến Hùng Rô phải tạm hoãn nhiều triển lãm trong và ngoài nước của mình. Không nản chí, người họa sĩ có tính cách khá “ngông” này lại tận dụng giai đoạn giãn cách để chiêm nghiệm, suy ngẫm về hội hoạ và cuộc sống, rồi từ đó bổ sung vào tranh của mình những nét “điên cuồng”, “tinh quái” hơn.

“Dịch bệnh là thử thách cho giới hoạ sĩ để xem ai bứt lên được, ai vẫn dậm chân tại chỗ. Bản thân tôi đã có nhiều sự bùng nổ và bứt phá trong thời gian đó, nên tôi rất mong chờ triển lãm lần này. Công chúng sẽ được thấy một Hùng Rô hoàn toàn khác lạ.”

Ngắm tranh của Hùng Rô tại “Đa diện 6”, người xem sẽ ấn tượng mạnh với sự bao la, mênh mông của thiên nhiên theo chủ đề xuân - hạ - thu - đông. Họ sẽ cảm thấy như bị hút vào trong bởi chiều sâu mà Hùng Rô tạo ra. Anh chia sẻ, khoảng thời gian phải liên tục giam mình trong nhà chính là nguồn cảm hứng để anh vẽ nên những tác phẩm đầy phóng khoáng trên.

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 11
Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 12

Gần đây, làn sóng số hóa các tác phẩm nghệ thuật đã thâm nhập sâu rộng vào đời sống sáng tác của các họa sĩ đương đại Việt Nam. Không nằm ngoài dòng chuyển động chung của nền nghệ thuật, các thành viên của nhóm Đa diện cũng manh nha tham gia vào “cuộc chơi lớn”, bước đầu tìm cho mình những nhà sưu tầm mới thông qua các nền tảng số hóa.

Theo họa sĩ Minh Phố, từ đầu năm đến nay, “làng tranh” trong Nam ngoài Bắc nhắc nhiều đến sự xuất hiện của các nền tảng chuyển giao quyền sở hữu số nghệ thuật (NFT art). Mô hình này không chỉ số hóa tác phẩm, giới thiệu tác phẩm đến cộng đồng rộng lớn hơn mà đặc biệt còn giúp nhân bản bản quyền, tạo nhiều file ảnh cho một tác phẩm nguyên gốc. Minh Phố nhận xét, NFT art đang có một khởi đầu tốt tại Việt Nam.

Tuy nhiên, do tính mới mẻ, mô hình thương mại nghệ thuật này còn tồn tại nhiều nút thắt đối với các họa sĩ Việt. Ngay trong nhóm Đa diện, nhiều họa sĩ chia sẻ bản thân khó tiếp cận, chưa hiểu hoặc đòi hỏi tính minh bạch cao hơn ở hình thức này.

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 13
Tranh sơn mài của họa sĩ Chu Viết Cường tại triển lãm Đa diện 6.

Cụ thể như trường hợp của họa sĩ Hùng Rô, anh từng hợp tác với một nền tảng chuyển giao quyền sở hữu số từ đầu năm 2021, đã bán được một vài tác phẩm thông qua kênh này. Tuy nhiên, do tính phi truyền thống của phương thức, nên mặc dù tác phẩm đã được bán nhưng tranh gốc vẫn nằm ở nhà anh. Trong khi đó, anh được thông báo bản quyền của bức ảnh chụp tác phẩm đã thuộc về người sở hữu và không được vi phạm.

Lạ lẫm cũng như chưa hiểu cơ chế, Hùng Rô đi đến quyết định ngừng bán các tác phẩm theo cách thức này. “Tôi không hợp tác nữa vì nghĩ mình là họa sĩ, không giỏi công nghệ, chỉ biết chuyên tâm vào nghề của mình. Tôi thấy công nghệ đôi khi rất phiền và mình thì chưa hiểu rõ”, anh nói.

Cũng góp ý về NFT, sĩ Minh Phố nhấn mạnh: “Để mô hình thương mại nghệ thuật như NFT art theo được đường dài, rất cần một hướng đi tốt để tác phẩm đến với công chúng theo cách minh bạch hóa và chuyên nghiệp hơn. Nhưng với môi trường công nghệ đang nở rộ tại Việt Nam, tôi cho NFT art là xu hướng ổn, cần phát huy”.

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 14

Nói đến hiện tượng cực đoan khi các nhà sưu tầm NFT có quyền yêu cầu tác giả hoặc đơn vị chủ quản tiêu hủy tác phẩm gốc, nhằm đáp ứng ý thích hoặc gia tăng giá trị cho họa phẩm, biến bức tranh thành độc bản kỹ thuật số. Điều này về lâu dài, có thể biến tướng thành hành vi phá hoại hàng loạt tác phẩm hội họa giá trị chỉ vì mục đích kinh tế. Họa sĩ Minh Phố cho biết cần xem xét hiện tượng này dưới hai góc nhìn. Trong đó, một là phá hủy để sáng tạo, hai chỉ thuần túy là mục đích hủy hoại.

“Tác phẩm có thể hoàn toàn biến mất, nhưng đó phải là một sự kiện cụ thể. Người họa sĩ có thể tiêu hủy tác phẩm, làm mất giá trị hiện tồn, chuyển biến nó thành một tác phẩm khác, thậm chí chỉ còn là một tác phẩm ý niệm trong suy nghĩ của công chúng. Nhưng tác phẩm đó vẫn tồn tại, vẫn có giá trị nhất định”, Minh Phố cho biết. “Còn việc hủy tác phẩm một cách thuần vật lý, đốt xong là bỏ, vì lý do muốn sở hữu độc bản trên không gian kỹ thuật số, thì tôi hoàn toàn không ủng hộ.”

Nhắc đến mô hình triển lãm ảo đang rất phát triển trong thời kỳ giãn cách, họa sĩ Hùng Rô cho đây là một ý tưởng tương đối hay và hoan nghênh cách làm này.

Anh lý giải, xã hội hiện đại đang áp dụng nhiều giải pháp về công nghệ nhằm khiến cuộc sống thoải mái hơn. Trong tương lai gần, công chúng không cần đến các nhà triển lãm, khu trưng bày để xem mà vẫn có thể tương tác với nghệ thuật, nghệ sĩ qua các kênh online. Sự phát triển của công nghệ còn đảm bảo chất lượng các tác phẩm trưng bày tại triển lãm ảo.

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 15

Tuy vậy, họa sĩ Chu Viết Cường, người nhiều năm theo đuổi dòng tranh sơn mài, cho rằng các triển lãm thật vẫn khiến anh say mê hơn triển lãm ảo. Do tác phẩm thật sẽ đem lại vô vàn cảm xúc nếu người xem chiêm ngưỡng tận mắt. Triển lãm thực tế cũng giúp họa sĩ có cơ hội gặp gỡ các anh em trong giới, giao lưu, trao đổi nghề nghiệp.

Theo Chu Viết Cường, riêng với thể loại tranh sơn mài, điều làm nên hồn cốt của họa phẩm là chất sơn ta vừa trong, vừa sâu thăm thẳm. Nhìn tác phẩm dưới mỗi góc độ ánh sáng sẽ thấy ẩn hiện lên vẻ đẹp và những đường nét riêng. Đây là sự tinh tế mà không máy ảnh nào thể hiện được. Điều này khiến công chúng rất khó “cảm” tác phẩm sơn mài trong một triển lãm ảo.

Tuy vậy, Đa diện cũng đã tính đến phương án tổ chức một cuộc triển lãm ảo trong thời kỳ giãn cách, nhưng để tìm hình thức thể hiện khác biệt thì rất khó.

“Chúng tôi từng tham gia triển lãm ảo tại Philippines. Đây là một sự kiện có quy mô. Họ làm cầu kỳ từ giấy chứng nhận cho đến cách họa sĩ trưng bày trong phòng ảo. Thế nhưng để thu hút công chúng thì còn rất nhiều vấn đề”, Minh Phố nói.

Diện mạo nào cho hội họa Việt Nam? ảnh 16
Hai tác phẩm của họa sĩ Tào Linh tại triển lãm Đa diện 6.

Một phòng triển lãm ảo phải có tính chất giống thực tế nhất về không gian, ánh sáng, chất lượng tác phẩm. Điều thứ hai, tranh ảo phải có kích thước chuẩn, tương quan với tranh thật. Cuối cùng là thông tin về lưu lượng truy cập của khán giả giúp nghệ sĩ lên phương án tương tác hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, các thành viên của Đa diện luôn đề cao tính khác biệt, nên khi tính đến việc tổ chức triển lãm ảo, nếu không tạo được dấu ấn khác biệt với các nhóm khác, cá nhân khác, họ sẽ không làm. Bởi nếu “na ná giống nhau thì chẳng cần làm nữa.”

Theo Minh Phố, hiện tại các triển lãm ảo còn có mặt hạn chế rất lớn là chưa có kênh cho người xem bỏ giá mua trực tiếp, một khi họ ưng ý với tác phẩm. Khán giả, đặc biệt là các nhà sưu tầm chỉ đang vào xem triển lãm thông qua đường link mà không thể mua trực tiếp như ngoài đời thực. Cùng với đó, anh và nhóm Đa diện luôn mong muốn các đơn vị triển lãm ảo phát triển thêm không gian để tăng tương tác giữa người xem với nghệ sĩ tham gia trưng bày.

TIN LIÊN QUAN
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
(Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.