Đúng là người đã say mèm mà lái xe chắc chắn sẽ gây ra tai nạn. Nhưng nếu chỉ uống một chút, xem chừng còn rất tỉnh táo, mặt không đỏ, sẽ như thế nào?
Thời đại ngày nay, đề cập đến các vấn đề y dược là phải dựa trên Y học có chứng cứ (Evidence-Based Medicine, thường viết tắt EBM), tức là “Nói có sách, mách có chứng”. Chứ không thể cho rằng “uống ít bia rượu vẫn có hại khi lái xe” mà không trưng ra các nghiên cứu khoa học làm bằng chứng.
Rượu: Nhóm thuốc “gây mê”
Trước hết, cần biết tác hại của bia rượu thể hiện ở nhiều cơ quan trong cơ thể nhưng đối với người lái xe, là người cần có sự tập trung tư tưởng và tỉnh táo, cơ quan thị giác và thính giác phải rất nhạy cảm, phản xạ cơ bắp phải kịp thời, ảnh hưởng của rượu đối với hệ thần kinh trung ương là mối nguy hại chủ yếu.
Rượu và bia khác nhau ở chỗ chứa độ cồn khác nhau. Chất làm người ta say xỉn chứa trong rượu và cả trong bia là ethanol tức cồn ethylic. Rượu chứa cồn cao độ, như rượu đế hay Whiskey chứa cồn 40% hay trên, trong khi bia chứa cồn thấp độ, chứa 2 - 4%. Bởi chứa cồn thấp nên người ta dễ hiểu lầm uống bia nhiều chẳng việc gì. Có người còn ví von bia là cô gái hiền hậu hấp dẫn nhưng thật ra, uống bia quá nhiều cũng không tốt, ta cần xem bia là cô gái nham hiểm chứ không phải là cô gái hiền hậu hấp dẫn.
Sau khi uống bia rượu khoảng 15 phút, một nửa lượng cồn chứa trong bia rượu đã được hấp thu vào máu và phân phối đều khắp cơ thể. Sau khoảng 1 giờ, toàn bộ rượu sẽ được hấp thu. Rất nhanh chóng, rượu vượt qua hàng rào máu não để tác động lên hệ thần kinh trung ương. Trước hết, chức năng phán đoán và suy luận của vỏ não bị tác động. Sau đó đến chức năng cảm giác và phối hợp các động tác bị ảnh hưởng nặng nề.
Khi uống một ít bia rượu, người ta cảm thấy sảng khoái, nói nhiều, ba hoa, cởi mở, vui vẻ nên trước đây có ngộ nhận cho rằng rượu là chất kích thích. Những kể từ khi có công trình nghiên cứu của nhà dược lý học người Đức tên là Schmiedeberg (1883) cho thấy những biểu hiện có vẻ kích thích khi uống bia rượu là hậu quả của vùng nào đó của não bị tê liệt, quan điểm cho rằng rượu là chất kích thích hoàn toàn bị bác bỏ, rượu chỉ có tính ức chế (vì vậy, trong dược lý học ngày nay, người ta xếp rượu vào nhóm thuốc gây mê do tính ức chế).
Uống chưa say nhưng ở ngưỡng khiếm khuyết
Riêng đối với người lái xe, chỉ cần uống chút bia rượu đã bắt đầu có các biểu hiện đáng báo động rồi. Họ hoàn toàn không say nhưng đang ở ngưỡng bắt đầu sự khiếm khuyết. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy dù chỉ uống một lượng nhỏ, nồng độ cồn trong máu còn ở dưới mức khá xa so với ngưỡng giới hạn cho phép (nồng độ giới hạn cho phép của người lái xe ở Na Uy là 0,05%, ở Đan Mạch là 0,1%), nguy cơ gây ra tai nạn vẫn lớn.
Họ hoàn toàn không say nhưng đang ở ngưỡng bắt đầu sự khiếm khuyết
Do chức năng phán đoán, suy luận, tự chủ bắt đầu bị ức chế, họ dễ dàng khinh thường những gì mà khi không uống rượu cho là nguy hiểm đối với mình và người khác. Không tự kềm chế, người ta sẽ phóng xe với tốc độ cao như thực tế thường cho thấy.
Rượu còn làm cho mắt và tai của người lái xe bị kém hẳn đi dù uống lượng nhỏ. Nhà nghiên cứu dược lý Thụy Điển Golderg đã dùng dụng cụ đặc biệt thử nghiệm trên ba nhóm người, nhóm thứ nhất uống bia rượu không thường xuyên có nồng độ rượu trong máu là 0,01% (sau khi uống một ly bia 200ml), nhóm thứ hai uống ở mức trung bình có nồng độ rượu trong máu là 0,02% (sau khi uống hai ly bia) và nhóm thứ ba thường xuyên uống rượu có nồng độ trong máu là 0,03% (sau khi uống ba ly bia).
Kết quả cho thấy cả ba nhóm đều bị ảnh hưởng của rượu, mắt kém đi không khác gì “đã đeo kính râm lái xe trong buổi chiều tà” như lời kết luận của Golberg.
Còn nhà dược lý người Đức tên Hansen nghiên cứu ảnh hưởng của rượu trên thính giác người lái xe nhận thấy, chỉ cần uống nửa lít bia (tương ứng với 30 ml rượu tuyệt đối) khả năng phân biệt âm thanh bị hạn chế rất nhiều.
Đối với người lái xe, sự phối hợp tốt các động tác cơ bắp để có một phản xạ nhất định đối phó tình huống xấu xảy ra là một yêu cầu nghiêm ngặt. Thế mà, bia rượu, dù uống ít, vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng phản xạ.
Goldberg và Bjerver đã thử nghiệm với nhóm tài xế được xem là lái xe giỏi. Chỉ cần nồng độ rượu trong máu của họ nằm trong khoảng 0,035 đến 0,04% (tình trạng say thường được khẳng định ở nồng độ 0,2%) là họ đã phản xạ rất chậm so với yêu cầu, gây nhiều lỗi khi lái xe, đạp thắng (phanh) xe không đúng lúc. Ta cần biết, ngay khi lái xe với vận tốc 30 km/giờ, phản xạ chỉ cần chậm đi một phần nhỏ của giây cũng đủ để gây tai nạn.
Tóm lại, theo các công trình nghiên cứu, người lái xe hoàn toàn không nên uống bia rượu trong khi làm nhiệm vụ lái xe. Xin có lời khuyên các bạn đã uống bia rồi, dù uống chút chút thôi, xin đừng lái xe (xe ô tô và cả xe máy) vì an toàn cho mình và cho người.