Gia đình gieo “kháng thể” cho con can đảm, bền bỉ, yêu thương...

Gia đình gieo “kháng thể” cho con can đảm, bền bỉ, yêu thương...

Là tác giả của hai cuốn tự truyện, một trong số đó nói về thời sơ tán, từng gây niềm rung cảm lớn trong trái tim của rất nhiều độc giả tại Việt Nam, cũng là một trong những nhà văn hiếm hoi đã dành toàn bộ nhuận bút của mình để quyên góp cho trẻ em khó khăn; nhà văn Nuage Rose đã trò chuyện với phóng viên Ngày Nay về tuổi thơ cũng như tầm quan trọng của giáo dục gia đình đối với con trẻ.

___________________

Gia đình gieo “kháng thể” cho con can đảm, bền bỉ, yêu thương... ảnh 1

40 năm sống xa quê hương với những chuyến đi về không nghỉ, mong chị chia sẻ những ấn tượng trong tâm trí mình về một Việt Nam đương hiện với hình ảnh quê hương chìm trong khói lửa của thời chưa xa?

- Chiến tranh cho tôi bài học về tình người, không phân biệt tầng lớp, không ranh giới, nguồn gốc… Trước chiến tranh, khó mà hình dung cảnh người thành thị mở cửa ngôi nhà của mình ở Hà Nội mời một người nông dân lam lũ, chân đất bước vào.

Bản thân mình, tôi đã quay trở lại những nơi sơ tán ngày xưa vài đôi lần. Lạ lắm… Tấm phản ấy, không phải là giường, cũng chẳng phải là bàn, luôn được đặt giữa nhà, với ấm nhỏ và vài chén uống trà, thêm chiếc điếu cày, chẳng có gì xung quanh. Nhưng thật đặc biệt, không phải ai cũng được ngồi lên. Phản luôn đặt trước bàn thờ. Chỉ chủ nhà và khách quý mới được ngồi. Những hôm có giỗ hay “ăn cỗ”, phản trở thành “mâm trên”. Bố và ông tôi luôn được ngồi cùng ông chủ, phụ nữ và trẻ con thì không. Mấy chục năm sau quay lại, một cách tự nhiên, tôi vẫn không dám ngồi lên đó, tuy được mời.

Gia đình gieo “kháng thể” cho con can đảm, bền bỉ, yêu thương... ảnh 2

Tác phẩm Ba áng mây trôi dạt xứ bèovà 120 ngày mây thì thầm với gió của Nuage Rose.

Ra vườn, tôi tần ngần đứng bên giếng xưa, nơi mấy chị em tôi, cùng trẻ làng, mỗi chiều đến lại vây quanh giếng để tắm, để đùa, để hắt nước. Nhưng giếng nay đã bị bủa vây bởi những chùm cây lá dại mọc kín. Tôi máy móc, ngó ngàng tìm cái thùng xưa có dây chằng để thả xuống lấy nước. Chỉ ước mong kéo lên một xô, được dội ngay một gáo lên đầu… Lúc này, anh nông dân chủ nhà (con bác chủ ngày xưa) xua tay, ngăn cản, “không ai dùng giếng nữa, đi vào nhà có nước rô-bi-nê cho sạch…”

Vậy còn hồi ức về tuổi thơ thời sơ tán và những trò chơi đã giúp các chị, “ba áng mây trôi dạt xứ bèo”, quên đi cái đói, sự kham khổ, thậm chí cái chết thường trực bay qua đầu?

- Hồi ấy, chúng tôi chơi lành lắm. Lá tre gập làm ‘kẹo que’ tam giác, làm hình con châu chấu. Cánh hoa gạo, mà tách được mặt trên và lưng cánh hoa, rồi thổi phồng lên. Mất công lắm, mà phải rất khéo, nhưng cũng thành một trò chơi. Rồi chơi chuyền, với một viên sỏi và chục que tre. Và nhất là chơi trốn tìm, ở nhà quê, nhiều chỗ quá, đôi khi mấy chị em phải giới hạn vùng chốn. Với hoa rong, tụi nhỏ phát hiện ra là mút chân hoa, nó ra được mấy giọt nước ngọt và rất thơm. Chắc đói nên gì cũng thấy ngon (cười).

Trèo cây cũng có, và đôi khi, buổi tối, bố đi cấp cứu vắng, tụi trẻ nông dân rủ sang ruộng làng bên để hái trộm lúa non. Đứa tuốt, đứa chìa vạt áo hứng. Nếu kiếm được cái lược (răng gãy lổn nhổn), thì tuốt được nhiều và nhanh hơn. Về gặm nhằn nhổ thóc đi ăn hạt bên trong ngon như cốm. Đôi khi mà được rang, nướng thì tuyệt vời. Không thấy khổ!

Tuyệt vời nhất, là khi có dịp được về Hà Nội. Về nhà. Về với mẹ… Và trong tủ gương huyền bí của mẹ, có rất nhiều “bí mật” thú vị: kẹo thơm, bọc giấy đẹp, nhiều màu, với những hình con thỏ mặc quần cộc… Những miếng vải hoa, và nhất là, con búp bê ba mặt: ngủ - khóc - cười, ở nguyên trạng thái mà ba chị em để lại từ lần trước về.

Gia đình gieo “kháng thể” cho con can đảm, bền bỉ, yêu thương... ảnh 3

Trong tự truyện đầu tay, thời thơ ấu của chị không chỉ tươi sáng bởi cảnh vật ở vùng quê Bắc Bộ, mà còn đẹp đẽ vô ngần với sự hiện diện của những người lớn như ông, bố, những bác chủ nhà chân chất, giàu tình yêu thương. Theo chị, người lớn có tầm quan trọng thế nào trong sự phát triển của một đứa trẻ, cả ở thời chiến lẫn thời bình?

- Đúng thật! Thời chiến hay thời bình, những đứa trẻ cần có hiện diện của người lớn, hướng đưa chúng vào đường tốt. Quẳng cho chúng một iPhone hay iPad để cho mình yên thân, cũng là một giải pháp… Nhưng hồi đó, chúng tôi có may mắn được nghe kể chuyện, được đọc sách, được tham gia vào cuộc sống của người lớn, chứng kiến và nhìn nhận sự tận tâm và vất vả của mọi người. Khi đó, chẳng ai nghĩ đến lên lớp và truyền bá đạo đức cho ai… Tất cả học được là do chứng kiến, cảm nhận, đồng cảm. Sống cùng những người tận tâm can đảm, hiến mình cho tập thể, dòng truyền sẽ tự nhiên vào mình và ngấm sâu qua ngày tháng.

Gia đình gieo “kháng thể” cho con can đảm, bền bỉ, yêu thương... ảnh 4
Nuage Rose (cô con gái út) và gia đình chụp trên nóc hầm trú bom tại Bình Xuyên.

Tôi thấy mình thật may mắn được sống cạnh những con người. Và gần gũi với thiên nhiên cũng là một may mắn nữa. Thế hệ trẻ ngày nay không còn được sống trong vòng tay của thiên nhiên như vậy.

Trong những trang viết của chị hình ảnh người bố, bác sĩ y khoa nổi tiếng Bùi Trọng Hoàn, thường trực hiện lên với đầy vẻ nhân văn, thông thái của những trí thức Tây học xưa. Không chỉ tôi, có lẽ rất nhiều độc giả cũng cảm thấy xúc động và thấm thía trước những giá trị ông truyền dạy cho 3 cô con gái nhỏ cùng những đứa trẻ ở vùng quê lam lũ. Chị có thể chia sẻ thêm hình dung về ông, đâu là bài học mà chị ghi khắc nhất?

Gia đình gieo “kháng thể” cho con can đảm, bền bỉ, yêu thương... ảnh 5
Một chuyến đi chơi Tam Đảo của gia đình trong năm 1963, trước khi sơ tán.

- Nói về bố, có lẽ là… Nhân hậu! Lòng tin! Can đảm! Trách nhiệm…

Rất nhiều cử chỉ, hàng ngày, mỗi khi làm lại khiến tôi liên tưởng đến một kỷ niệm nào đó với bố. Cầm một bức thư không phải của mình, lại nhớ bố dặn: “Nếu thắng bản thân, không tò mò đọc, là có thể tự hào nhìn mình trong gương…”, rồi “suy nghĩ trước khi quyết định, nhưng đã quyết định phải đi đến cùng, không dao động, không tiếc nuối”, hay “chấp nhận mình nhầm, mình sai là một can đảm lớn”.

Thực ra, bố không bao giờ truyền bá một “lý thuyết đạo đức” hay “triết lý” nào. Qua cuộc sống hàng ngày và được tham gia vào chính công việc của người lớn, trong ngữ cảnh đặc biệt, tất cả những điều đó thấm dần vào tôi, trở thành thứ “kháng thể” tự nhiên, nằm trong cơ thể. Kháng thể đó, không bỗng dưng một ngày đẹp trời tới choàng vai ôm chúng ta. Mà nhờ có thế hệ ông bà, bố mẹ đã “gieo trồng” từ tấm bé.

Gia đình gieo “kháng thể” cho con can đảm, bền bỉ, yêu thương... ảnh 6

Là người thường xuyên đi về giữa hai nơi Việt Nam và Pháp, chị nhận xét sự tận hưởng mùa hè của thiếu nhi giữa hai quốc gia có điểm gì giống cũng như khác nhau?

- Trái ngược hơi lớn…

Trong bất cứ ngữ cảnh nào, ở bất cứ đâu, một cuộc sống cân bằng phải có hai đĩa cân ngang nhau: một bên quyền lợi và một bên nghĩa vụ.

Ở Pháp, từ tấm bé, trẻ nhỏ đã được tuyên ngấm về quyền lợi của mình. Chúng ít biết đến nghĩa vụ. Ở Việt Nam, hình như ngược lại. Hè đến, mà không chỉ hè, trong cả năm học, tôi thấy ái ngại cho các cháu nhỏ và trẻ ở Việt Nam vì các cháu phải học quá nhiều, hiếm có thời gian được sống tuổi thơ của các cháu. Học chính, học thêm, học ngày, học tối, thậm chí cả thứ bảy, chủ nhật.

Trong khi bên Pháp, và châu Âu nói chung, các cháu nhỏ và tụi trẻ lại được quá nuông chiều. Ước sao tìm được cân bằng giữa hai nơi.

Gia đình gieo “kháng thể” cho con can đảm, bền bỉ, yêu thương... ảnh 7

Đi chơi trên xe đạp Sterling với Bố - Phác họa bút chì của bác sĩ Bùi Trọng Hoàn (2008)

Vậy theo chị, có điều hấp dẫn nào của mùa hè Việt Nam có thể thêm vào mùa hè Pháp và ngược lại?

- Đôi khi tôi cũng mơ ước thế… “Giá ở đây có cái này…!” “Giá ở kia có cái nọ…!” Nhưng rốt cuộc… Không! Không có sự trộn lẫn nào có thể hài hòa. Và thế cũng càng tốt.

Bởi nếu tôi có mang được một cây bàng hay cây phượng sang giữa Paris, liệu nó có còn vẻ đẹp của lá vàng trước sân trường hay của hoa đỏ mùa thi, khi sắp phải chia tay với bạn bè, thầy cô suốt cả mùa hè?! Ngay ở Aix-en-Provence hay ở Marseille, không thiếu ve sầu rền rĩ mùa hè. Nhưng nó làm tôi khó chịu, chứ không rung động tôi và làm tôi xao xuyến khi ve sầu Hà Nội rít bên tai mỗi tối hè nóng nực… Buổi tối khuya, dạo bước bên bờ sông Seine ở Paris, hay hít thở hương hoa lan, hoa sữa đêm khuya xung quanh hồ Thiền Quang cho tôi xúc động khác nhau… Tôi cũng không tìm cách so sánh nữa, chấp nhận hai quê hương với những cuộc “đi/về”.

Đã có nhiều thay đổi kể từ kết thúc chiến tranh đến nay. Dưới con mắt của một người bà có các cháu đang sinh sống ở Việt Nam, chị nhận thấy trẻ em hiện tại có gì hạnh phúc và thiệt thòi hơn thế hệ của những đứa trẻ sơ tán cách đây 40 năm?

- Như đã nói, bằng một cách tự nhiên, thế hệ chúng tôi được ông bà, bố mẹ gieo cho những kháng thể, để can đảm, bền bỉ, yêu thương...

Tôi không phải người hay nuối tiếc, nhìn về quá khứ, nhưng nghĩ lại, thời đó chúng tôi thật may mắn. May mắn... mà còn tự hào chứ! Mấy đứa nhóc bé tí, lại được tin cậy, được san sẻ công việc với người lớn, thấy mình có ích cho mọi người. Cảm giác hạnh phúc đó... chỉ trong một số ngữ cảnh đặc biệt, như thời chiến, con người mới tìm thấy.

Ngày nay, các em sinh ra và lớn lên trong hòa bình, trong no đủ, được nếm mùi tự do, giao tiếp. Nhưng các em không có may mắn được “sờ mó” Thiên nhiên; được nghe kể chuyện “ngày xửa ngày xưa…”; và đôi khi, bị mất hoàn toàn sức “kháng thể” tự nhiên để xử lý, phòng thân khi lâm nạn...

Nhà văn Nuage Rose (tên thật là Bùi Thị Hồng Vân) sinh ra trong gia đình trí thức tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị tới Aix-en-Provence hoàn thành chương trình Thạc sĩ Văn học cổ điển Pháp và Kĩ sư Công nghệ thông tin rồi làm việc ở Paris cho đến năm 1990. Trong thập niên 90, chị có cơ duyên trở lại quê hương khi được bổ nhiệm làm tùy viên kinh tế thương mại của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Cuốn tự truyện Ba áng mây trôi dạt xứ bèo (tựa gốc: Trois Nuage au pays des nénuphars) kể về khoảng thời gian 10 năm Hồng Vân cùng chị cả Kim Vân, chị hai Thanh Vân rời xa mẹ và Hà Nội, theo ông ngoại và bố sơ tán tại các bệnh viện dã chiến ở Hải Dương. Tác phẩm của chị từng được Hội Nhà văn Pháp trao giải “Tác phẩm được yêu thích nhất” (Coup de Coeur) vào năm 2013. Đến năm 2017, cuốn tự truyện gây tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm đông đảo của độc giả trong nước khi được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt. Hiện cuốn tự truyện đã được đưa vào chương trình giảng dạy của các trường Quốc tế Pháp tại Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN
Cô Haruka Uto cùng 3 robot thú cưng AI. Ảnh: ABC News
Robot thú cưng AI - giải pháp cho "đại dịch cô đơn"
(Ngày Nay) - Haruka Uto sống một mình tại Tokyo (Nhật Bản) cùng một số người bạn lông xù, nhưng chúng không phải là thú cưng thông thường. Hai “vật nuôi” màu nâu và màu xám của cô thực chất là robot trí tuệ nhân tạo (AI) có tên Moflin.
Biểu tượng Tập đoàn công nghệ Mỹ OpenAI. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuộc đua AI giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên với DeepSeek
(Ngày Nay) - Một cuộc rượt đuổi mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang diễn ra, với sự xuất hiện của DeepSeek, một mô hình AI đầy hứa hẹn từ Trung Quốc, đang làm rung chuyển cán cân quyền lực với các đối thủ từ phương Tây.