Vài năm trở lại đây, những người yêu thích nghệ thuật đã quen thuộc với sự xuất hiện của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn trong các vai trò như tổ chức, giám tuyển những dự án nghệ thuật gây chú ý tại Hà Nội.
__________________
Để cung cấp thông tin mới nhất về các hoạt động đang diễn ra trong thành phố cũng như cho thấy giá trị của nghệ thuật trong việc xây dựng thành phố sáng tạo và thúc đẩy công nghiệp văn hóa tại Thủ đô, Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với anh xung quanh vấn đề này.
Thưa nghệ sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, được biết, anh vừa tiếp tục đóng góp rất lớn trong việc tổ chức một “siêu” sự kiện tại Hà Nội. Anh có thể chia sẻ thêm về dự án này?
- Đó là Biennale nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi ‘23 đã khởi động trong tháng 5 vừa qua. Có thể coi đây là một siêu dự án nghệ thuật với 4 triển lãm, tọa đàm nhấn mạnh vào những khía cạnh xoay quanh nhiếp ảnh nghệ thuật, được tổ chức dưới một thiết chế nghệ thuật chuyên nghiệp.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn |
Tất cả các triển lãm của biennale lần này đều có giám tuyển, đây là nỗ lực của ban tổ chức cũng như các giám tuyển để cố gắng đưa những thực hành vào trong một khuôn khổ mang tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Từ đây, những người yêu nghệ thuật, người thực hành, sáng tác trong ngành công nghiệp văn hóa có thể hình dung viễn cảnh phát triển Hà Nội theo con đường của một thành phố nghệ thuật.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức trong đô thị và thu hút du khách ngoại quốc, những biennale nghệ thuật mang tầm vóc quốc tế càng trở nên cần thiết khi tạo điều kiện cho nghệ sĩ đến tham dự, đáp ứng những tính chất của một sự kiện nghệ thuật chuyên nghiệp, tầm cỡ với chất lượng cao.
Biennale có vẻ là khái niệm còn khá “lạ tai” mới đối với công chúng và cả giới nghệ thuật nước nhà?
- Biennale là một thiết chế rất chuyên nghiệp của nghệ thuật thị giác, nghệ thuật đương đại, thiết kế, kiến trúc... Bản thân tôi từng tham gia nhiều biennale tại các nước trong và ngoài khu vực như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Ý, Pháp... Dù xu thế chung của các thành phố, thủ đô trên thế giới đang là tổ chức các biennale nghệ thuật, tuy nhiên, khái niệm này có lẽ chỉ đến Photo Hanoi ‘23 mới được nhắc tới, và đặc biệt được nhắc tới nhiều lần bởi những người tổ chức chương trình.
Ban đầu, tôi và ban tổ chức đã rất nỗ lực để giữ bằng được tên biennale nhiếp ảnh quốc tế trong khi thành phố muốn dùng những cách gọi thông dụng hơn như liên hoan quốc tế, lễ hội, festival… Tuy nhiên, những cái tên này có thể khiến dự án chìm nghỉm, như tất cả các lễ hội, festival đang gây cảm giác “bội thực” ở Việt Nam.
Có thể nói biennale trong giới nghệ thuật phổ biến như khái niệm Olympic trong thể thao, cũng diễn ra 2 năm một lần, là một thiết chế bao trùm, quan trọng bậc nhất, có sự tham gia của các bảo tàng, gallery, nhà sưu tầm tư nhân. Chỉ khi nào có biennale thì mới có thể thúc đẩy sự vận động bên trong của giới chuyên nghiệp, bởi vai trò của sự kiện này là thúc đẩy những thành tố, hoạt động mang tính chất được tổ chức kỹ lưỡng, có yếu tố chuyên môn cao, là câu chuyện của giới chuyên nghiệp.
Như anh vừa nói, với tính chất bao trùm, có thể hiểu biennale thường xuất hiện ở những nền nghệ thuật lớn. Vậy với môi trường ở Việt Nam, cụ thể là Hà Nội, Biennale nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi ‘23 cho thấy chúng ta đạt đến tầm vóc nào?
- Để so sánh với những biennale về nghệ thuật đương đại lớn trên thế giới thì sự kiện này có thể chưa đạt tầm. Nhưng tại khu vực, ở quy mô của những thành phố vừa và nhỏ thì hoàn toàn đáng để tự hào.
Chúng tôi thống kê tần suất xuất hiện các điểm triển lãm của Photo Hanoi ‘23 thậm chí còn nhiều hơn so với một sự kiện nhiếp ảnh quốc tế nổi tiếng khác là Kyotographie được tổ chức tại Nhật Bản. Tất nhiên khi họ được đầu tư về tài chính, thời gian chuẩn bị dồi dào sẽ khiến chất lượng có sự khác biệt, nhưng với lần đầu tiên Hà Nội tổ chức biennale, dựa trên đánh giá chủ quan, tôi cũng thấy một quy mô nhất định. Biennale nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi ‘23 đã đạt đến mức độ khiến nhiều người trong giới và lãnh đạo thành phố chưa hình dung được một sự kiện với mật độ và quy mô như lần này. Chỉ đến khi sự kiện kết thúc, nhìn vào số liệu, mọi người mới hình dung bức tranh toàn cảnh về sự tác động rõ nét của biennale tới bầu không khí nghệ thuật của Hà Nội.
Từ cái nhìn tổng quan, anh nhận định đâu là những giá trị mà Hà Nội và các nghệ sĩ đạt được sau Photo Hanoi ‘23?
- Có lẽ đây là bước rất quan trọng trong quyết tâm đưa Hà Nội chuyển mình theo đúng hướng đi của thành phố sáng tạo, hay ngành công nghiệp văn hóa chúng ta thường hay nhắc đến. Chỉ có thể có công nghiệp văn hóa khi chúng ta tạo được một môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, khi các thành tố từ gallery đến nghệ sĩ, từ giám tuyển đến nhà phê bình nghệ thuật, từ những người đóng khung, in ấn cho đến hệ thống vận chuyển cùng có cơ hội nâng cao khả năng về chuyên môn, được hưởng lợi từ sự kiện thì mới có thể nói đến câu chuyện phát triển và phát triển bền vững.
Photo Hanoi 23 diễn ra từ ngày 21/4-3/6/2023 đã trở thành biennale đầu tiên mang tầm quốc tế về nhiếp ảnh nghệ thuật tại Hà Nội. Với hơn 20 triển lãm cùng các buổi tọa đàm, workshop, các tour nghệ thuật, chiếu phim tài liệu, giới thiệu sách… sự kiện này diễn ra trên địa bàn 7 quận huyện của Thủ đô, thu hút hàng chục nghìn lượt công chúng quan tâm, tham dự.
Bên cạnh đó, sự kiện cũng nhằm thúc đẩy và vận động các bảo tàng, gallery phải vận động để có sự xuất hiện của nhiếp ảnh nhiều hơn. Có một thực tế là ở thời điểm hiện tại, nhiếp ảnh đang đang nằm ngoài lĩnh vực nghệ thuật. Tôi nói như vậy vì ngay ở Hà Nội lúc này chưa hề xuất hiện một gallery nào về nhiếp ảnh, nhiếp ảnh cũng không được giới thiệu trong bảo tàng mỹ thuật hay bất cứ một bảo tàng về nghệ thuật nào khác, tất nhiên là bảo tàng nhiếp ảnh quốc gia thì càng không có. Điều này khiến cho những giám tuyển, người yêu nhiếp ảnh nghệ thuật tới Việt Nam, đến Hà nội không có chỗ tìm hiểu, không có chỗ xem. Cũng đồng nghĩa với những thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp ở Việt Nam chưa hình thành.
Về khía cạnh nghệ sĩ, Biennale nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi ‘23 vừa qua có ý nghĩa thúc đẩy các bạn trẻ và cả những người thực hành nhiếp ảnh lâu nay phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về con đường phát triển sự nghiệp nhiếp ảnh của mình và cộng đồng trong nước theo hướng nào, vẫn giữ tầm vóc địa phương hay quốc tế hóa. Ngoài ra, trong khuôn khổ biennale cũng có rất nhiều tọa đàm chuyên sâu để giới làm nghề có thể tham khảo, bàn luận, đạt đến góc nhìn sâu sắc hơn về nhiếp ảnh nghệ thuật.
Thời gian qua, Hà Nội luôn cho thấy nỗ lực trong việc hướng tới mục tiêu tiếp theo, từ thành phố sáng tạo chuyển thành trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới. Với biennale lần này, Hà Nội đã tiệm cận với mục tiêu nói trên?
- Biennale nhiếp ảnh quốc tế lần này đã giải quyết phần rất quan trọng trong tiêu chí của UNESCO khi đánh giá về danh hiệu Thành phố sáng tạo. Trong đó, thành phố sáng tạo là thành phố phải có khả năng tổ chức những sự kiện nghệ thuật ở tầm khu vực và quốc tế. Biennale lần này xuất hiện vào thời gian gần như là năm cuối cùng trong giai đoạn 5 năm Hà Nội đăng ký. Có thể nói sự kiện này giúp cho Hà Nội chính thức tiếp tục giữ được danh hiệu, bởi danh hiệu đi kèm với những điều kiện như vậy.
Hai năm vừa qua, chúng tôi đã kết hợp với Tạp chí Kiến trúc của Hội Mỹ thuật Việt Nam để thực hiện các lễ hội thiết kế sáng tạo. Nhưng cũng cần chỉ ra rằng các sự kiện đó mới chỉ ở tầm vóc trong Hà Nội, chưa vượt khỏi tính địa phương. Chỉ đến lần này, với Biennale nhiếp ảnh quốc tế Hanoi Photo ‘23, chúng ta mới thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, khiến họ quan tâm đến những hoạt động sáng tạo đang diễn ra trong thành phố của chúng ta. Rất nhiều nghệ sĩ, giám tuyển quốc tế đã bắt đầu biết đến Hà Nội qua biennale nghệ thuật lần này.
Như đã nói, với biennale nhiếp ảnh đầu tiên diễn ra trong thành phố, chúng tôi cố gắng đưa nhiếp ảnh trong nước tiệm cận thiết chế nghệ thuật chuyên nghiệp của các gallery, bảo tàng. Để nhiếp ảnh hoặc các tác phẩm sử dụng yếu tố nhiếp ảnh có đời sống nghệ thuật và cả thị trường, chúng cần phải được giới thiệu, mua bán, sưu tầm ở trong một thiết chế nghệ thuật chuyên nghiệp. Chỉ khi nào xuất hiện thị trường nghệ thuật đúng nghĩa thì mới giúp những nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa tạo dựng nên nền nghệ thuật bền vững hơn. Nếu không nghĩ đến điều đó, câu chuyện chỉ dừng lại ở tính phong trào. Như hiện nay thành phố nào ở Việt Nam cũng có festival biển, tất nhiên cũng có thu hút kinh tế phần nào đấy nhưng thường không sâu. Trong khi các biennale quốc tế lớn sẽ giúp tăng trưởng kinh tế và nghệ thuật bền vững hơn vì giới chuyên môn và một bộ phận công chúng với phông văn hóa tốt theo dõi, sẵn sàng tiêu tiền.
Bản thân tôi từng bỏ rất nhiều tiền sang Ý, Đức, Thái Lan… để dự các biennale nghệ thuật. Các biennale diễn ra hai năm một lần và có thể đoán được khoảng thời gian diễn ra để lên lịch, đến xem. Mà đi xem nghĩa là tiêu tiền, là lưu trú dài ngày vì cần 5 - 7 ngày mới có thể xem hết. Để Hà Nội vươn lên trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực, thành phố cần phải trở thành một địa điểm sáng tạo có khả năng thu hút kinh tế bền vững, tạo ra những giá trị có chiều sâu về văn hóa đã là Thành phố sáng tạo nhưng muốn vươn lên trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực cần tạo ra những giá trị có chiều sâu về văn hóa thì mới có thể giữ chân du khách lâu và có thể lọc được những du khách tới Hà Nội vì văn hóa, yêu văn hóa và có văn hóa. Những nhân tố này sẽ góp phần giúp Hà Nội giàu có hơn về mặt tinh thần, văn hóa cũng như vật chất.
Hà Nội hiện nay đang ở tình thế trở thành điểm dừng chân cho du khách hơn là một điểm đến. Thường du khách sẽ không ở Hà Nội quá ba ngày, Thủ đô trở thành điểm dừng chân cho những hành trình đi Hạ Long, Sapa, Tràng An là chính vì Hà Nội hầu như không có gì để xem ngoài những khu vực xung quanh phố cổ.
Câu chuyện thành phố sáng tạo chính là tạo ra nguồn lực thu hút chiều sâu về văn hóa, đây là bài toán mà rất nhiều thành phố trên thế giới đã giải tốt và trở mình thành những trung tâm, điểm hội tụ của nghệ thuật. Ví dụ người ta không đến Paris chỉ để ngắm Tháp Eiffel mà còn để tham quan các bảo tàng, tham dự những triển lãm thường niên, lưỡng niên dày đặc ở thành phố này. Chính vì thế các thành phố trên thế giới hiện nay dành rất nhiều kinh phí để đầu tư vào hệ thống bảo tàng và làm những sự kiện nghệ thuật lớn, điều này đã biến những thành phố vừa và nhỏ trở thành những cái tên nổi bật với nghệ thuật thế giới như Busan, Cannes…