Bên Hồ Gươm có “lâu đài văn hóa”

Bên Hồ Gươm có “lâu đài văn hóa”

Mỗi kỳ nghỉ hè ít ỏi vắt qua hai năm học, trẻ em Hà Nội lại khao khát tìm kiếm những “ốc đảo tuổi thơ” cho riêng mình. Việc thành phố chuẩn bị khánh thành Cung Thiếu nhi mới được kỳ vọng sẽ giải tỏa phần nào cơn khát không gian cho trẻ em.

______________

Bên Hồ Gươm có “lâu đài văn hóa” ảnh 1

Tại căn nhà nhỏ nằm nép trong con ngõ ven Hồ Tây, ông Đoàn Hùng Minh, 66 tuổi, cặm cụi gõ bản thảo, chốc chốc lại ngước lên nhìn đứa cháu trai 6 tuổi mếu máo đòi đi chơi ở trung tâm thương mại giữa trời nắng.

Cứ mỗi kỳ nghỉ hè, gia đình ông Minh lại đau đầu tìm chỗ chơi thoáng mát cho lũ trẻ, giữa một thành phố đang ngày càng “bê tông hóa”. Nó khác xa với mùa hè cách đây nửa thế kỷ, mỗi sáng ông Minh thỏa thuê lao ra đường cùng đám bạn khám phá từng ngóc ngách của thành phố.

Lần theo dòng hồi tưởng, ông Minh nhớ về những căn biệt thự và hàng cây sấu, cơm nguội, bằng lăng xanh ngát nằm dọc theo con phố Thợ Nhuộm cắt từ Hỏa Lò đến Quang Trung, Bà Triệu. Thời chiến, cả xã hội đều khó khăn, trẻ con không có nhiều điều kiện nên phải tự sáng tạo ra các loại đồ chơi, các trò chơi vận động để giải trí. Cứ mỗi mùa hè, những vỉa hè trở thành “lãnh địa” của trẻ con.

Bên Hồ Gươm có “lâu đài văn hóa” ảnh 2

Đám trẻ gần như bám trụ ở vỉa hè từ sáng tới trưa, con gái chơi nhảy dây, con trai đánh khăng, chơi công an bắt gián điệp. Rồi cứ vào độ mưa rào đầu mùa, con phố Thợ Nhuộm lại ngập nước, trẻ con bì bõm lội nước tắm mưa. Tối đến, trẻ con khu phố lại rủ nhau ra công viên Thống nhất, hoặc dạo một vòng Bờ hồ hóng mát.

“Phụ huynh thời chiến bận công tác nên cũng không quản thúc con em gắt gao mà để tự chơi trên đường phố, thế nhưng ngày đó xã hội chưa có nhiều tệ nạn, cám dỗ, trẻ con chơi với nhau rất đoàn kết”, ông Minh nhớ lại.

Còn với nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, người chuyên nghiên cứu lịch sử đô thị Hà Nội, mùa hè thời bao cấp cũng có cái nắng nực, cũng có tiếng ve râm ran trên những vòm lá xanh, nhưng không có nhiều xe cộ ngổn ngang trên hè phố, bầu trời cũng không bị che lấp bởi nhà cao tầng.

Bên Hồ Gươm có “lâu đài văn hóa” ảnh 3

“Mùa hè đối với trẻ con là tuyệt vời nhất, được thỏa sức ra khỏi nhà vui chơi”, ông Tiến chia sẻ. “Trước giải phóng, các trường THPT đều dạy bóng rổ, sau năm 1954, môn này không được dạy nữa, trẻ con chuyển sang thành lập các đội bóng khu phố. Ở nhà thì có thêm các trò chơi như cá ngựa, chơi xèng, trí uẩn”.

Ở nhà chơi chán thì lũ trẻ lại rủ nhau vào công viên leo cây bắt ve. Hà Nội ngày đó còn nhiều ao hồ, nóng quá lại nhảy ùm xuống, cứ thế đứa nào cũng biết bơi, ông Tiến nói. Chính các hoạt động này dạy cho trẻ em thời đó nhiều bài học, kiến thức về cuộc sống quanh mình.

Đó là những hoạt động tự giải trí, còn với phần đa trẻ em thời đó, Hà Nội còn có một “lâu đài” dành riêng cho thiếu nhi, nơi được sinh hoạt văn nghệ, thể thao, cũng là nơi lưu lại những tiếng cười, lời ca trong trẻo giữa thời bom đạn và bao cấp, đó là Câu lạc bộ Thiếu nhi, tên gọi trước đây của Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Bên Hồ Gươm có “lâu đài văn hóa” ảnh 4

Với tuổi đời ngót nghét trăm năm, Cung Thiếu nhi Hà Nội, hay từng được gọi là Câu lạc bộ Thiếu nhi, được khánh thành vào ngày 15/6 năm 1936, với tên gọi ban đầu là Ấu trĩ viên.

Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, từ nhiều năm trước đó, chính quyền thực dân Pháp đã có ý tưởng xây dựng một sân chơi cho trẻ con Hà Nội, chủ yếu là cho con em người Pháp, ngay gần phần đất của Cercle (“Sẹc Tây” - câu lạc bộ cho người Tây). Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, dù Ấu trĩ viên chỉ phục vụ cho con em người Pháp và trẻ con nhà giàu thời đó, nhưng điều này cũng đã cho thấy sự thay đổi trong suy nghĩ của chính quyền thực dân về trẻ em thuộc địa.

Bên Hồ Gươm có “lâu đài văn hóa” ảnh 5

Sau năm 1946, khu nhà trong Ấu trĩ viên dần trở thành nơi tập hợp các trẻ em đường phố, ban ngày bán báo, đánh giày, tối về đây để được các anh chị phụ trách Nhi đồng cứu quốc dạy văn hóa, văn nghệ, cho đến ngày toàn quốc kháng chiến, những trẻ em đường phố này được gia nhập Đoàn Vệ út, tham gia các công việc giao liên.

Cho đến khi Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đổi tên Ấu trĩ viên thành Câu lạc bộ Thiếu nhi, biến nơi đây trở thành mô hình hoạt động ngoài nhà trường dành cho thiếu nhi đầu tiên trên cả nước.

Bên Hồ Gươm có “lâu đài văn hóa” ảnh 6

“Những năm đó, tôi thường xuyên chơi bóng bàn tại Câu lạc bộ Thiếu nhi, muốn tham gia phải đăng ký làm thẻ. Vì nhà ở khu Vọng, muốn tới Câu lạc bộ Thiếu nhi tôi sẽ phải nhảy xe điện tới đường Nam Bộ rồi đi bộ tiếp đến Hàng Bông, Lý Thái Tổ”, ông Tiến nhớ lại.

Còn với ông Đoàn Hùng Minh, Câu lạc bộ Thiếu nhi là một nơi rất thiêng liêng, bởi nó không chỉ gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân thành phố mà còn là một địa danh lịch sử, nơi Bác Hồ nhiều lần tới thăm và gặp mặt thiếu nhi. Ngoài là nơi lưu dấu nhiều kỷ niệm của Hồ Chủ tịch với thiếu nhi, Cung Thiếu nhi là nơi ươm mầm cho rất nhiều thế hệ nghệ sĩ gạo cội của Hà Nội. Hẳn những ai từng sinh hoạt tại nơi đều nằm lòng bài hát “Ngôi sao của tuổi thơ” của cố nhạc sĩ Hoàng Vân: “Như nàng tiên trong thần thoại đi ra; Bên Hồ Gươm có lâu đài văn hóa; Nơi đó là ngôi sao quàng khăn đỏ; Nơi đó là thế giới của tuổi thơ”…

Bên Hồ Gươm có “lâu đài văn hóa” ảnh 7

Gắn bó hơn nửa đời mình với “lâu đài tuổi thơ”, bà Võ Thị Thanh Diệp, Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội không khỏi ngậm ngùi khi chỉ còn chưa đầy vài tháng nữa sẽ nghỉ hưu, nhất là khi Cung đang trong quá trình chuyển giao giữa “nhà cũ” sang “nhà mới”. Theo kế hoạch, Cung Thiếu nhi cũ sẽ vẫn giữ nguyên chức năng làm một khu vui chơi cho trẻ em phía đông thành phố. Trong khi đó, Cung Thiếu nhi mới, với quy mô 40.000 m2, sẽ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của trẻ em phía tây và tây nam thành phố, cũng như tổ chức các sự kiện, các hoạt động giao lưu quốc tế lớn.

Đây không phải lần đầu bà Diệp được nghe quyết định “chuyển nhà”. Vào năm 2018, Thành phố Hà Nội từng có chủ trương thu hồi lại Khu nhà truyền thống của Cung Thiếu nhi giao về cho UBND thành phố quản lý, sử dụng. Tuy nhiên quyết định này đã phải dỡ bỏ sau khi vấp phải ý kiến bất đồng từ đông đảo dư luận Thủ đô.

Bên Hồ Gươm có “lâu đài văn hóa” ảnh 8

“Khi đó chúng tôi nhận lệnh sau 3 ngày sẽ phải di dời toàn bộ ra khỏi Khu nhà Pháp. Còn lần này, Cung thiếu nhi sẽ được bàn giao cơ sở mới khang trang và hiện đại hơn. Nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm tái điều chỉnh bộ máy quản lý để phù hợp với cơ sở mới”, bà Thanh Diệp cho biết.

Sau hơn hai năm COVID-19, áp lực của một đơn vị tự chủ tài chính buộc Cung Thiếu nhi Hà Nội phải cắt giảm quy mô nhân sự, từ lúc cao điểm nhất là 140 người, xuống chỉ còn 40 người, phần lớn đều đã ở độ tuổi 40. Bà Võ Thị Thanh Diệp chia sẻ thêm: “Dù vẫn có lợi thế kinh nghiệm quản lý và giảng dạy, thế nhưng chúng tôi đang thiếu đi sức sống và tư duy của người trẻ. Bởi làm việc với trẻ em bao giờ cũng cần có những thầy, cô giáo trẻ trung, luôn tràn đầy năng lượng để truyền lại cho các em”.

Để chuẩn bị tiếp quản, theo bà Diệp: “Một cơ sở mới với quy mô gấp nhiều lần so với Cung Văn hóa cũ, chúng tôi không thể áp dụng mô hình của bộ máy cũ như hiện tại mà cần phải một đội ngũ mới trẻ trung hơn, nhiệt huyết và sáng tạo hơn. Nhưng nếu nhận người mới vào để đào tạo thì chưa có lương để chi trả. Đây là một bài toán mà chính quyền Thành phố và ban giám đốc Cung Thiếu nhi đang phải đau đầu tìm phương án”.

Bên Hồ Gươm có “lâu đài văn hóa” ảnh 9

Một vấn đề khác mà bà Diệp chỉ ra đó là dù chuẩn bị khai trương Cung Thiếu nhi mới, nhưng trẻ em Hà Nội vẫn còn quá ít không gian mở để vui chơi và sinh hoạt. “Trên địa bàn Hà Nội, các khu dân cư đều có các nhà văn hóa, nhưng các cơ sở này là điểm sinh hoạt chung của cả người lớn lẫn trẻ em, do đó không được thiết kế theo mô hình thân thiện với trẻ nhỏ. Việc thiếu không gian sinh hoạt riêng tư cũng làm tăng nguy cơ xâm hại đối với trẻ nhỏ”, bà Diệp chỉ ra. “Do đó, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ còn duy nhất Cung Thiếu nhi là không gian công cộng dành riêng cho thiếu nhi”.

Đây là một nghịch lý trong sự phát triển của đô thị Hà Nội, khi không gian thành phố nở ra, thì không gian riêng cho trẻ em lại bị “co hẹp”. Theo lời cảm khái của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, có lẽ “người ta mải xây dựng nhà cửa, phố xá mà quên tạo ra điểm vui chơi cho trẻ con”.

Gắn bó nhiều năm với thiếu nhi, bà Diệp cho rằng việc thiếu hụt các không gian mở về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ.

“Tôi mong rằng mỗi trẻ em dù chỉ bước vào Cung thiếu nhi một lần, nhưng các em sẽ cảm nhận được nơi đây chính là lâu đài tuổi thơ và không ai có quyền đánh cắp nó”, bà Diệp khẳng định.

Toàn Thành phố Hà Nội có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó 4 quận nội đô có 30 công viên, vườn hoa, chiếm 1,92% tổng diện tích đất, đạt 2,08 m2/người (chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, khu tập thể cũ). Số lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí cho khoảng 8,4 triệu dân, trong đó có hơn 1,9 triệu trẻ em trên địa bàn.

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?