Ở tuổi gần 90 nhưng GS Hồ Ngọc Đại vẫn dành trái tim đầy nhiệt huyết cho giáo dục, luôn đau đáu, trăn trở với từng bước phát triển của sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam. Không sai khi nhận xét, cả cuộc đời ông chỉ làm duy nhất một việc, cho dù gian nan trắc trở, vẫn không ngừng tìm giải pháp đưa công trình khoa học về giáo dục của mình vào cuộc sống.
Tại buổi ra mắt cuốn sách mới nhất, "Giáo dục hiện đại", GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh vào việc nền giáo dục hiện đại cần có triết lý của riêng mình, đó là "Trẻ em hiện đại tự sinh ra chính mình, tự trở thành chính mình, thành một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này”. Ông nói: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục về thực chất là đổi mới căn bản và toàn diện nghiệp vụ sư phạm”.
Tư tưởng và cách làm mới của GS Hồ Ngọc Đại về giáo dục đã thể hiện qua những hoạt động tại Trường Thực Nghiệm, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Rất nhiều người ủng hộ cách làm của ông, coi đó là hướng đi cần khuyến khích thực hiện. Xong cũng không ít người phản đối, đưa ra lập luận rằng không thể mang trẻ nhỏ ra thực nghiệm được.
Trước mô hình công nghệ giáo dục ở Trường Thực Nghiệm Giảng Võ được GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận định: "Sẽ phải mất vài chục năm để xã hội hiểu cách làm này".
Tại buổi giao lưu, các cựu giáo chức cũng chia sẻ cảm nghĩ của mình trước 45 năm thăng trầm của công nghệ giáo dục. Nhiều đại biểu cũng trao đổi về triết lý của xã hội hiện đại là gì? Từ đó, suy ra triết lý giáo dục hiện đại là gì? Ai là chủ thể của giáo dục hiện đại?
Giáo dục thế nào để đáp ứng được tiến trình phát triển của xã hội hiện đại, theo đó, phát triển được con người hiện đại phù hợp với xã hội đó. Nội dung của cuốn sách "Giáo dục hiện đại", theo GS Hồ Ngọc Đại, chính là phương thức thiết kế và thi công, thay vì giảng giải - ghi nhớ theo phương thức truyền thống, với mục tiêu để cho mỗi em trở thành chính mình, thành một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này.
Để làm được những điều trên cần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đổi mới từ tận nguyên lý triết học của nghiệp vụ sư phạm. GS Hồ Ngọc Đại đặt câu hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu thầy không giảng? Từ “giảng” sang “không giảng” thì mới là đổi mới căn bản và toàn diện”.
Được diễn giải dưới góc nhìn đầy tính triết học, "Giáo dục hiện đại" chính là mảnh ghép còn lại cho toàn bộ những gì mà GS Hồ Ngọc Đại đã nói và làm trong 45 năm qua.