Ngày 15/3, tại Di tích quốc gia đặc biệt đền-chùa-đình Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, trang trọng tổ chức Lễ hội truyền thống Kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2024) để tri ân và tưởng nhớ hai vị nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị, tri ân các vị tướng lĩnh tài ba, nghĩa binh trung liệt của Hai Bà.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương tưởng nhớ công đức của Hai Bà Trưng cùng các vị tướng lĩnh.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hai Bà Trưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Nguyễn Thị Thu Hiền đã ôn lại truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và tinh thần yêu nước của Hai Bà.
Ngược dòng lịch sử, năm 40 sau Công nguyên, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc Hán đô hộ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã đánh chiếm được 65 huyện thành, nghĩa là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó. Thái thú Tô Định phải bỏ chạy về nước, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán ở Việt Nam.
Đất nước được giải phóng, Trưng Trắc được tướng sỹ và nhân dân suy tôn lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô ở Mê Linh. Lên ngôi được 3 năm, vào năm 43 sau Công nguyên, quân giặc lại tràn sang đất nước ta một lần nữa, Hai Bà Trưng tiếp tục lãnh đạo quân và dân chống giặc.
Ngày mùng 6 tháng hai năm Quý Mão, tương truyền, sau khi quyết chiến với kẻ thù, quyết không để sa vào tay giặc, Hai Bà đã gieo mình xuống sông Hát tuẫn tiết. Khí phách của Hai Bà kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi đến bãi Đồng Nhân. Dân làng Đồng Nhân xưa đã lấy vải đỏ làm lễ rước tượng vào bờ.
Năm 1142, vua Lý Anh Tông truyền lập đền thờ Hai Bà Trưng ngay tại bờ sông. Năm 1819, do bến sông sạt lở, đền thờ Hai Bà Trưng được chuyển vào khu Võ Miếu, thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương, nay là phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền bày tỏ: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, in đậm trong tình cảm mỗi người dân Việt như một huyền thoại. Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí vươn lên và tinh thần quật khởi “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam.
Đền-chùa-đình Hai Bà Trưng là một quần thể di tích đặc sắc hiếm có tại trung tâm Thủ đô mà nổi bật là đền Hai Bà Trưng với kiến trúc “nội công ngoại quốc.” Trong đền, nhiều di vật quý như 27 đạo sắc phong của triều Lê và triều Nguyễn, tám pho tượng thờ, hai tấm bia đá cổ ghi sự tích Hai Bà, hai bộ kiệu thời Nguyễn hiện được lưu giữ.
Năm 2019, Di tích đền-chùa-đình Hai Bà Trưng được Thủ tướng Chính phủ Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Lễ hội Hai Bà Trưng là một lễ hội đặc biệt được tổ chức ở 3 địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội (huyện Mê Linh, Phúc Thọ và quận Hai Bà Trưng), cho thấy sự gắn kết chặt chẽ của cộng đồng dân cư, thể hiện sự tôn kính với Nhị vị Vua Bà.
Lễ tế hằng năm ở đây cũng được thực hiện theo nghi thức truyền thống, trang trọng, linh thiêng. Lễ cấp thủy, rước nước sông Hồng về đền thờ Hai Bà Trưng để tiến hành lễ mộc dục theo nghi thức cổ truyền, thực sự là một giá trị văn hóa phi vật thể có ý nghĩa to lớn, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.
Tại lễ hội cũng diễn ra chương trình nghệ thuật truyền thống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ và lễ dâng hương của các tổ chức, đoàn thể, nhân dân cùng khách thập phương.