Hải Dương: Thực hiện nghiêm việc tạm dừng hoạt động làng nghề bánh đa Lộ Cương

(Ngày Nay) - Mặc dù Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương đã thông báo yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục các lỗi vi phạm, tuy nhiên nhiều cơ sở sản xuất bánh đa tại khu dân cư Lộ Cương và một số khu dân cư khác tại phường Tứ Minh (thành phố Hải Dương) vẫn tiếp tục sản xuất. Vừa qua, lãnh đạo UBND thành phố Hải Dương và phường Tứ Minh đã làm việc với các chủ cơ sở sản xuất yêu cầu chấp hành nghiêm việc tạm dừng hoạt động.
Con kênh nổi váng, nước đen kịt tại làng nghề bánh đa Lộ Cương, phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương.
Con kênh nổi váng, nước đen kịt tại làng nghề bánh đa Lộ Cương, phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương.

Theo đó, lãnh đạo thành phố Hải Dương yêu cầu đến ngày 25/9, các chủ cơ sở phải đăng ký với UBND phường về việc lựa chọn 1 trong 2 phương án: Hoặc di chuyển ra vị trí mới tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, hoặc tiếp tục sản xuất tại làng nghề. Những cơ sở đăng ký tiếp tục sản xuất tại làng nghề phải xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, khắc phục các vấn đề liên quan đến môi trường, hoàn thiện các thủ tục đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm và phải chuyển đổi công nghệ lò hơi từ đốt củi, gỗ sang sử dụng điện. Lãnh đạo UBND thành phố nhấn mạnh, chậm nhất đến ngày 31/12 năm nay, cơ sở nào không thực hiện các giải pháp chuyển đổi, khắc phục phải chấm dứt hoạt động.

Hiện tại, thành phố Hải Dương đang đề xuất 2 vị trí để di chuyển các cơ sở sản xuất đến khu đất diện tích khoảng 2,17ha ở xã Gia Xuyên và cụm công nghiệp Ngọc Sơn, xã Ngọc Sơn.

Làng nghề bánh đa Lộ Cương ngày nay vốn được phát triển từ các hộ sản xuất mì gạo nhỏ lẻ ở khu dân cư Lộ Cương, phường Tứ Minh. Đến năm 2006, UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định công nhận làng nghề. Đến năm 2016, một số hộ dân đã tìm hiểu, chế tạo thành công hệ thống máy liên hoàn sấy mì bằng khí nóng từ lò hơi.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hải Dương, hiện nay, ở phường Tứ Minh có nhiều cơ sở sản xuất mì gạo và chỉ có 15 cơ sở sản xuất đã đầu tư lò hơi máy sấy liên hoàn. Tháng 3/2022, UBND phường Tứ Minh đã phê duyệt Quy chế quản lý tạm thời hoạt động sản xuất kinh doanh mì gạo trên địa bàn và thành lập Tổ kiểm tra, tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở sản xuất ký cam kết thực hiện quy chế. Tuy nhiên, theo UBND thành phố Hải Dương, công tác quản lý giám sát của Tổ và của UBND phường Tứ Minh đối với hoạt động của các cơ sở sản xuất chưa thường xuyên, sát sao, dẫn đến không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay các vi phạm về môi trường do khói bụi, vi phạm về quản lý sử dụng đất, xây dựng không phép, các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm… gây bức xúc trong nhân dân.

Kết quả đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng UBND thành phố Hải Dương tháng 8/2024 cho thấy, các cơ sở sản xuất đều tồn tại vi phạm về môi trường, phòng cháy, chữa cháy, xây dựng, quản lý thuế... Cụ thể, các cơ sở chưa đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định về bảo vệ môi trường; không có chấp thuận dự án đầu tư; không có Giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Nhà xưởng chưa thực hiện các yêu cầu chung về an toàn phòng cháy, chữa cháy, chưa trang bị phương tiện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy đảm bảo theo quy định cho các nhà xưởng.

Cơ sở chưa đăng ký cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều hộ sản xuất chưa xử lý nước thải triệt để, chỉ xử lý sơ bộ qua bể lắng trước khi xả thải ra môi trường. Nước thải từ các cơ sở sản xuất mì gạo và lượng nước thải sinh hoạt của khu dân cư ứ đọng lâu ngày chưa được xử lý nạo vét làm một số đường cống, rãnh thoát nước khu vực làng nghề mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường nước. Vẫn còn tình trạng phát sinh khói đen từ ống khói lò hơi do công nhân vận hành chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật; không định kỳ vệ sinh tháp xử lý bụi, khí thải; không bật thường xuyên quạt gió, máy bơm nước bổ sung nước vào tháp để xử lý bụi, khí thải dẫn đến việc có khói đen ra môi trường.

Các cơ sở tự ý sử dụng đất sai mục đích (đất trồng cây lâu năm đã xây dựng nhà xưởng, lấn chiếm đất công), xây dựng không phép, không đúng phép, có 6/15 cơ sở chưa có xác nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, 13/15 hộ chưa thực hiện kê khai nộp thuế, 3/15 hộ chưa kịp thời thực hiện việc kiểm định lò hơi khi đã hết hạn kiểm định…/.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.