Hãy làm một công dân tốt trước khi làm một nhà báo giỏi

Hãy làm một công dân tốt trước khi làm một nhà báo giỏi

Tên tuổi gắn liền với những bài phóng sự đậm chất văn chương, có sức truyền cảm mạnh mẽ về đời sống xã hội và thân phận con người, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được nhiều người biết đến với danh hiệu “cây bút phóng sự”. Nổi tiếng với những bài phóng sự sắc sảo trên báo Tuổi trẻ, Lao động… Huỳnh Dũng Nhân còn làm thơ, viết văn, hết mình với những đam mê chữ nghĩa của mình.

________________

Ngày Nay có cuộc trò chuyện thú vị với ông nhân 97 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.

Hãy làm một công dân tốt trước khi làm một nhà báo giỏi ảnh 1

PV: Ông còn nhớ kỷ niệm nào nhất trong chặng đường gần 4 thập kỷ rong ruổi với nghề báo?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Tôi bắt đầu trở thành nhà báo chuyên nghiệp năm 1983 tại báo Tuổi trẻ, tính đến nay là ngót nghét 40 năm gắn bó với nghề. Hơn 30 năm “xông pha” tác nghiệp trên mọi miền tổ quốc đã đọng lại trong tôi những kỷ niệm không thể nào quên. Nhưng đáng nhớ nhất phải kể đến 2 lần “chết hụt”.

Lần đầu tiên là ở Nha Trang. Khi đó, tôi cùng một phóng viên khác chuẩn bị lên máy bay trực thăng để bay ra hiện trường. Khi chúng tôi định leo lên thang của máy bay thì một vị cán bộ hàng không lắc đầu, xua tay không cho lên vì máy bay đã có đủ 7 người, không thể chở quá tải. Tôi và anh bạn đồng nghiệp tiu nghỉu lên ô tô quay trở về khách sạn. Ngồi lên xe chưa được mười phút, chúng tôi bất ngờ nhận tin dữ: chiếc trực thăng ban nãy vừa gặp tai nạn, cả 7 người trên máy bay đều thiệt mạng. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau, hồn xiêu phách lạc. Thì ra, thần chết chỉ vừa cách chúng tôi có vài bước chân lên máy bay!

Lần thoát chết thứ hai xảy ra trong một chuyến công tác ở Ninh Thuận. Đêm hôm ấy, tôi mò ra vỉa hè làm bát cháo vịt với chai bia. Đi cả ngày chưa được uống một ngụm nào, nên tôi tu ừng ực một hơi gần cạn mà không để ý rằng chai bia đã hết hạn từ lâu. Lúc về khách sạn, bụng tôi đau quặn lên, chân tay bủn rủn, mồ hôi túa ra ướt nhẹp cả người, “tào tháo đuổi” liên tục. “Ngộ độc thực phẩm chắc rồi”, tôi nghĩ. Ông bạn đồng nghiệp định chạy đi mua thuốc, nhưng làm gì có nhà thuốc nào mở lúc 5h sáng? Vậy là ông ấy tức tốc lấy con xe Honda chở tôi vào bệnh viện. Lúc tới cổng viện là tôi gần như không biết gì nữa rồi. May mắn được các y bác sĩ cấp cứu kịp thời, tôi mới tạm qua cơn nguy kịch. Một bác sĩ ghé tai tôi bảo: “Số cậu đỏ lắm đấy nhé! Ban nãy mạch của cậu về 0 rồi. Sáng nay vừa có 2 bệnh nhân qua đời vì ngộ độc thực phẩm, suýt nữa cậu thành người thứ ba đấy!” Vậy là một lần nữa, thần chết lại “bỏ quên” tôi. Hú vía là thế, nhưng sức khỏe vừa hồi phục, tôi lập tức nhảy lên con xe Honda phóng đi viết bài tiếp.

Hãy làm một công dân tốt trước khi làm một nhà báo giỏi ảnh 2

PV: Những phóng sự đậm chất văn chương của ông đã luôn được đông đảo độc giả yêu thích suốt nhiều thập kỷ qua. Theo ông, văn chương có vai trò như thế nào trong thể loại phóng sự?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Tôi luôn rất “mặn mà” mỗi khi đề cập tới vấn đề này. Riêng trong phóng sự, đặc biệt là phóng sự xã hội, người nào viết có văn chương thì văn phong, ngữ pháp sẽ trôi chảy, dễ đọc hơn. Văn chương giúp người viết có thể đặc tả được các hình ảnh, chi tiết trong bài, khiến chúng trở nên đắt giá hơn và khắc sâu vào tâm trí của người đọc hơn. Ví dụ, khi viết về một kẻ ác, đừng chỉ nêu đơn thuần tên, tuổi, quê quán và những việc ác hắn đã làm. Hãy mô tả chi tiết hơn về nét mặt, cử chỉ, giọng nói của hắn; hãy cho người đọc biết hắn đã làm những việc ác ấy như thế nào? Hắn nghĩ gì về những hành động của mình?.. Nhưng cũng cần biết tiết chế, không đưa vào quá nhiều chi tiết phản cảm làm người đọc ghê sợ.

Cây bút phóng sự nào có chất văn sẽ được độc giả chú ý nhiều hơn, ghi nhớ lâu hơn. Vì đó là điều khiến anh khác biệt so với phần còn lại. Thậm chí, đề tài có thể không hay, nhưng viết có văn thì độc giả vẫn bị lôi cuốn, thu hút. Cho văn chương vào báo chí giống như nêm muối vào canh vậy, chút “muối văn chương” vừa đủ sẽ làm “tô canh báo chí” đậm đà hơn, chất lượng hơn. Chứ viết phóng sự mà chỉ có mỗi thông tin, sự kiện thì ông nào cũng giống nhau hết.

Chất văn trong phóng sự là thứ đã tạo nên tên tuổi tôi. Và tạo nên nhiều tên tuổi các nhà báo khác như Xuân Ba, Xuân Quang, Đỗ Doãn Hoàng, Nguyễn Như Phong... Không có chất văn, thì đã không có Huỳnh Dũng Nhân hôm nay.

PV: Vậy theo ông, mỗi cây viết phóng sự cần phải làm những gì để nuôi dưỡng chất văn chương của mình?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Văn chương là lĩnh vực cần có chút năng khiếu mới có thể làm tốt. Vậy nên trước khi cầm bút viết phóng sự, đặc biệt là phóng sự xã hội, hãy cân nhắc xem mình có đủ năng khiếu văn chương để viết không.

Hãy làm một công dân tốt trước khi làm một nhà báo giỏi ảnh 3

Nếu không đủ năng khiếu mà vẫn đam mê viết phóng sự thì có thể trau dồi bằng luyện tập, dù sẽ rất vất vả. Đầu tiên là phải viết thật nhiều, viết liên tục, viết không ngừng nghỉ. Chứ viết ít quá thì không ăn thua đâu. Thứ hai là phải đọc thật nhiều, từ các bài phóng sự hay đến các tác phẩm văn chương, cố gắng tìm lấy cái hay mà học hỏi. Thứ ba là phải chú ý học từ cuộc sống thường ngày nữa, chứ học sách vở thôi chưa đủ. Ví dụ, vốn từ của người dân lao động nhiều khi còn độc đáo, phong phú hơn vốn từ của chính nhà báo, vì mỗi vùng miền, mỗi ngành nghề lại có một cách dùng từ, luyến láy riêng. Thứ tư là phải luôn nghĩ ngợi, trăn trở về bài viết của mình. Luôn tự hỏi xem câu này mình viết đã ổn chưa, chỗ này dùng từ đã hay chưa, còn cách diễn đạt nào tốt hơn không? Thứ năm, phải tìm ra được phong cách riêng của mình. Điều này chỉ đến một phần từ lao động. Còn lại là đến từ bản tính, cá tính và vốn sống, trải nghiệm riêng của mỗi người. Vậy nên phong cách của mình là gì, là điều mỗi nhà báo phải tự tìm câu trả lời.

Điều cuối cùng tác động tới tính văn chương của bài báo lại không nằm ở người viết, mà nằm ở người biên tập. Bởi nếu sếp anh chỉ muốn viết phóng sự theo mô-típ có sẵn, phải gạt bỏ hết văn chương và cái tôi đi, thì coi như bỏ. Đã nhiều học viên ở các lớp tập huấn của tôi nói rằng anh Nhân viết hay thật đấy, nhưng sếp em không muốn em viết như anh Nhân, mà chỉ muốn toàn thông tin thôi. Viết thế thì là bài phản ánh rồi, còn gì là phóng sự nữa?

Hãy làm một công dân tốt trước khi làm một nhà báo giỏi ảnh 4

PV: Theo ông, làm thế nào để các nhà báo trẻ giữ được “lửa” với nghề?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Trước tiên, phải tự hỏi bản thân xem đã có “lửa”chưa? Đi dạy nhiều, tôi thấy nhiều sinh viên báo chí chỉ học để lấy bằng rồi đi làm nghề khác thôi, chứ có viết báo đâu. Vậy nên đầu tiên là hãy chọn đúng ngành, đúng nghề.

Thứ hai là phải tích cực học hỏi từ người đi trước. Người giỏi và có đạo đức tốt trong làng báo vẫn còn nhiều lắm. Tích cực giao lưu, kết bạn với họ, quan sát cách họ nói chuyện, xử lý tình huống, đọc những bài họ viết... Học được khối điều đấy. Và học từ chính bạn bè của mình nữa, thấy ai có cái gì hay hơn, giỏi hơn mình thì học. “Học thày không tày học bạn” mà!

Thứ ba là nên nghe, xem và đọc thật nhiều. Tìm đọc những bài báo, cuốn sách hay, xem các chương trình truyền hình, nghe đài phát thanh... để liên tục nạp kiến thức, nạp năng lượng, như vậy mới bền bỉ với nghề được. Nghề báo là nghề “thước dạy thầy, cây dạy thợ”, tức là tự học trong quá trình làm nghề là chính. Người giỏi rất nhiều, sách vở, tài liệu hay cũng không thiếu, chỉ sợ anh không đủ quyết tâm thôi!

Hãy làm một công dân tốt trước khi làm một nhà báo giỏi ảnh 5

Phải nói thế hệ nhà báo trẻ hiện nay rất triển vọng. Họ giỏi công nghệ, ngoại ngữ, rành rọt về truyền thông và mạng xã hội,... Nhưng một số không nhỏ đang quan tâm tới việc kiếm sống bằng cách này hay cách khác, chứ chưa coi trọng việc xây dựng và khẳng định tên tuổi. Trong khi đó, có một vị trí trong làng báo, trong lòng bạn đọc mới là niềm vui đích thực của người làm báo. Mà một khi đã có thương hiệu cá nhân, thì chẳng bao giờ sợ nghèo cả. Tôi cho rằng làm báo hướng đến xây dựng và khẳng định tên tuổi bằng ngòi bút mới là con đường tốt nhất.

Hãy làm một công dân tốt trước khi làm một nhà báo giỏi ảnh 6

PV: Thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ phóng viên bị bắt vì tống tiền doanh nghiệp, trái với đạo đức của người làm báo. Theo ông làm thế nào để phóng viên, đặc biệt là những người mới vào nghề, giữ được đạo đức nghề nghiệp của mình?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Thứ nhất, tôi thấy môi trường bây giờ dễ tạo điều kiện, động lực cho người làm báo tiêu cực. Họ thấy nghề báo dễ kiếm tiền quá, chỉ dọa nạt một doanh nghiệp là đã có cả tỷ bạc... Vì vậy tiêu cực là điều không thể tránh khỏi. Hồi xưa, tiền bồi dưỡng sau khi viết một bài báo tử tế chúng tôi còn không dám nhận. Còn bây giờ, một số người chỉ nhăm nhăm đi đào bới, soi mói xem doanh nghiệp nào có sai sót để “tẩn”. Bị sếp cấm thì lại chuyển sang bán tin tức cho người khác để đánh hội đồng... Đó là kiếm tiền một cách bất chính, không đàng hoàng.

Ngoài ra, tôi nghĩ trách nhiệm quản lý của các toà soạn cũng vô cùng quan trọng. Cần tạo thu nhập tốt cho phóng viên để họ khỏi làm chuyện trái phép kiếm sống. Bên cạnh đó, nên có những biện pháp rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp và thêm thu nhập cho phóng viên, gọi là “dưỡng liêm”. Tôi thấy đa phần các vụ vi phạm thường xảy ra ở những nơi lơi lỏng sự quản lý và để cho phóng viên “đói”.

Nhưng điều cốt lõi nhất để giữ đạo đức nghề nghiệp là nằm ở đạo đức công dân của nhà báo. Nếu anh là người lương thiện, trong sạch, anh cảm thấy xấu hổ khi ngửa tay nhận tiền hối lộ... thì làm sao anh tiêu cực được? Còn nếu anh nhận hối lộ, rồi dọa nạt, đánh hội đồng, tống tiền doanh nghiệp vô tư... thì rõ ràng là đạo đức của anh đang xuống cấp. Trước khi làm một nhà báo lương thiện, giỏi giang, thì hãy trở thành một người tử tế đã.

Hãy làm một công dân tốt trước khi làm một nhà báo giỏi ảnh 7

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở và thú vị này!

Bài: Việt Khôi

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.