Yusuf đã sốt suốt 3 ngày liền, nên ông Ibrahim, bố của cậu, phải đưa con tới khoa HIV/AIDS của Bệnh viện Asokoro ở Abuja, thủ đô của Nigeria. “Nó đã bị sụt cân, ăn uống kém, nó vẫn uống thuốc nhưng luôn ho và đau ngực”, ông Ibrahim nói với y tá.
Hồ sơ khám bệnh của Yusuf cho thấy là tại thời điểm lần cuối cậu được thử máu vào 6 tháng trước, HIV đã tàn phá hệ miễn dịch dù rằng cậu bé vẫn đang sử dụng thuốc điều trị kháng virus ARV. Khi người bác sĩ có tên Oma Amadi khám phía trong khoang miệng của Yusuf, bà phát hiện ra trong đó đầy vết thương do nhiễm nấm candida. “Đứa trẻ đã ốm quá lâu”, bác sĩ nói. “Tôi phải cho nó nhập viện”. Khi bác sĩ Amadi vén áo cậu bé để nghe tim phổi, cậu nhăn mặt đau đớn khi bị chiếc ống nghe chạm phải. Bác sĩ nghi rằng Yusuf cũng đã bị nhiễm lao phổi, và sau khi xác thực bằng chụp X-quang, bà ngay lập tức cho cậu bé vào phòng cách ly.
Mẹ của Yusuf chưa từng được xét nghiệm HIV trước khi cậu bé ra đời: Bà cũng không được chăm sóc tiền sản và đã sinh con ngay tại nhà. Yusuf cũng không được xét nghiệm HIV cho đến khi mẹ cậu qua đời vì AIDS ba năm sau đó. Khi đó, ông Ibrahim cũng phát hiện ra mình và hai người vợ khác cũng đã bị HIV dương tính. Một người trong số họ truyền virus sang đứa con bà mang thai khi đó, tới nay đã 4 tuổi.
Cả gia đình được điều trị bằng thuốc ARV, nhưng Yusuf không được cung cấp thuốc liên tục. Liều dùng dựa trên cân nặng, và cân nặng của Yusuf thì dao động quá nhiều nên cậu cần phải tới bệnh viện thăm khám hàng tháng. Ông Ibrahim làm nghề bảo vệ, lương chỉ được khoảng 20 USD mỗi tháng. Gia đình Adamu sống cách bệnh viện 20 km và phải qua ba trạm xe buýt. Vé cả đi cả về cho mỗi lần đã lên đến 2 USD. Ông không thể đưa con đi khám đều đặn vì nếu vậy, sẽ chẳng còn đồng nào để nuôi sống gia đình.
Nghèo đói không phải lý do duy nhất đưa cậu bé Yusuf tới tình cảnh khốn cùng này - một tình cảnh mà hàng trăm nghìn đứa trẻ Nigeria có nhiễm HIV khác đang phải đối mặt. Tại một thời điểm khi tỉ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã giảm xuống ngay cả ở những quốc gia nghèo hơn, thì tại Nigeria vẫn có tới 37.000 trong tổng số 160.000 ca trẻ sơ sinh nhiễm HIV của toàn thế giới trong năm 2016. Là đất nước đông dân nhất châu Phi, Nigeria có số lượng bệnh nhân nhiễm HIV đặc biệt đông đảo lên tới 3,2 triệu người. Nhưng Nam Phi - đất nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch AIDS với 7,1 triệu người đang sống chung với HIV - chỉ có 12.000 ca trẻ em nhiễm mới trong năm 2016. Tỉ lệ lây nhiễm cao cùng với việc chỉ 30% người nhiễm virus được tiếp cận với thuốc ARV là những lý do dẫn tới việc có tới 24.000 trẻ em Nigeria thiệt mạng vì AIDS trong năm 2016, cao gấp gần ba lần so với ở Nam Phi. Tình trạng lây nhiễm từ mẹ sang con là biểu hiện rõ nhất của việc Nigeria đang tụt lại phía sau trong việc đối phó với HIV/AIDS và cho thấy những lỗ hổng lớn trong công tác xét nghiệm HIV, khiến những người nhiễm bệnh không có cơ hội được điều trị và virus tiếp tục lây lan.
Sự trở lại của HIV/AIDS không chỉ là vấn đề của các nước kém phát triển. Tại Nga, tình trạng lây nhiễm HIV cũng đang tăng lên với tỉ lệ 10% mỗi năm. Trên thế giới, đây là một trong những nơi tình trạng đang xấu đi nhanh chóng. Chỉ riêng trong năm 2017, có tới 30.000 người tử vong vì AIDS tại Nga, theo số liệu của Trung tâm AIDS Liên bang Nga. Có khoảng 1 triệu người Nga nhiễm virus HIV, nhưng chỉ một phần ba trong số họ được điều trị kháng virus. Những người không được điều trị trở thành nguồn lây lan lớn trong xã hội.
Ông Vadim Pokrovsky, giám đốc Trung tâm AIDS Liên bang Nga cho biết tới năm 2020, sẽ có khoảng 2 triệu người bị nhiễm HIV nếu không có các chương trình phòng chống và điều trị hiệu quả hơn. Ông Pokrovsky cho biết khoản ngân sách 382 triệu USD mà Nga dành cho lĩnh vực này trong năm 2016 chỉ bằng một phần tư khoản tiền cần đến để chiến đấu với loại virus này.
Ngay tại cường quốc hàng đầu là Mỹ, HIV/AIDS cũng vẫn đang là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh dịch Mỹ, bang Florida là nơi có khoảng 10% người bị nhiễm HIV của cả nước này. Số ca nhiễm mới phát hiện nhiều nhất ở thành phố Miami - một thiên đường nghỉ dưỡng và du lịch của người Mỹ.
Có nhiều nguyên nhân khiến Florida trở thành tâm chấn HIV trên nước Mỹ: Phản ứng chậm trễ của chính quyền bang, định kiến kéo dài với những người đang phải sống chung với AIDS và sự pha trộn văn hóa phức tạp.
Florida cũng là nơi mà các ca nhiễm HIV tiến triển thành AIDS nhiều nhất trên cả nước, một phần nguyên nhân bởi các bệnh nhân được điều trị ARV không sử dụng thuốc này thường xuyên và liên tục. Có tới 60% các ca nhiễm mới xuất phát từ những bệnh nhân đã từng được điều trị kháng virus.
“Sự chủ quan nguy hiểm”
Từ châu Phi sang châu Âu và châu Mỹ, có thể thấy rằng đại dịch đã lấy đi mạng sống của 35 triệu người vẫn đang tiếp tục là một nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Theo các tổ chức vận động phòng chống AIDS, thay vì tiến gần hơn tới mục tiêu xóa sổ AIDS, các ca nhiễm HIV mới có dấu hiệu tăng trở lại tại nhiều nơi quốc gia trong bối cảnh sự quan tâm của giới truyền thông cũng như nguồn tài chính phục vụ cho mục tiêu này đều đã giảm xuống trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, các nỗ lực phòng chống AIDS cũng đang tập trung nhiều vào các biện pháp điều trị ức chế virus và xem nhẹ việc phòng tránh ban đầu. Kết quả là tại những cộng đồng yếu thế, HIV vẫn tiếp tục lây lan một cách khó kiểm soát.
“Việc số ca nhiễm HIV mới được phát hiện trong một thập kỷ trở lại đây đã giảm xuống khiến nhiều người lạc quan tuyên bố rẳng việc xóa sổ AIDS đã trong tầm tay”, ông Peter Piot - nhà sáng lập Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho biết. “Tuy nhiên, hoàn toàn không có sở cứ nào chứng minh cho điều này, và những tuyên bố đó đã gây ra một sự chủ quan nguy hiểm”.
Sự chủ quan có thể thấy rõ nhất qua thực tế rằng nguồn tài chính dành cho các chương trình điều trị và xóa bỏ HIV đã sụt giảm tại các quốc gia và trên thế giới.
Sau hơn ba thập kỷ nghiên cứu, con người vẫn chưa tìm ra một phương thuốc hay một loại vaccine để điều trị virus HIV, loại virus đã ảnh hưởng tới gần 80 triệu người kể từ khi đại dịch AIDS xuất hiện trên thế giới đầu những năm 80 của thế kỷ trước.
Một báo cáo mới công bố của UNAIDS cho thấy trong năm ngoái, có 36,9 triệu người đang sống chung với HIV. Nhờ liệu pháp điều trị kháng virus (ART), bệnh AIDS hiện tại không còn là một án tử hình. Báo cáo của UNAIDS cũng cho thấy năm ngoái, số người tử vong do AIDS đã xuống thấp nhất trong hai thập kỷ qua, và số người được điều trị duy trì cuộc sống đã tăng lên mức kỷ lục. Nhưng báo cáo cũng cảnh báo rằng các ca nhiễm HIV mới đang tăng lên tại khoảng 50 quốc gia, và đã tăng gấp đôi tại Đông Âu và Trung Á.
Theo chủ tịch Cộng đồng AIDS Quốc tế (IAS) Linda-Gail Bekker, các chuyên gia về AIDS có thể đã mắc một sai lầm chiến lược khi tập trung mọi sự ưu tiên cho việc tìm kiếm phương thức trị liệu và xem nhẹ việc phòng chống sự lây lan của HIV - cách thức duy nhất để xóa bỏ AIDS. Khi vẫn chưa thể tìm ra một loại thần dược điều trị dứt điểm AIDS, thì thế giới cần tập trung trở lại vào việc phòng tránh: Phổ biến việc sử dụng bao cao su, mở rộng việc sử dụng ART làm lá chắn chống lây lan và cung cấp kim tiêm sạch cho những người sử dụng ma túy.
Nhưng để làm những điều này đồng thời với việc điều trị cho 15,2 triệu người bệnh còn chưa được tiếp cận với thuốc, thế giới cần nguồn tài chính. Theo UNAIDS, thế giới đang thiếu hụt khoảng 7 tỷ USD mỗi năm để đạt được mục tiêu xóa bỏ AIDS khỏi danh mục các mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng vào năm 2030 thông qua việc giảm 90% các ca nhiễm mới và ca tử vong do AIDS so với năm 2010. Bà Bekker lo ngại rằng thế giới đang rời bỏ cuộc chiến này quá sớm.
“Trong cuộc chiến này, chúng ta sẽ tiến về phía trước hoặc tụt lại phía sau”, bà Bekker cảnh báo.