Cuối tháng 2/2021, Tập đoàn Hòa Phát phát đi kế hoạch muốn sản xuất vỏ container rỗng. Bước đi tiên phong này được cho là có sự cổ vũ mạnh mẽ bởi kết quả kinh doanh ấn tượng của năm 2020, cộng với quá trình nghiên cứu thực tế nhu cầu trong “năm COVID” và năng lực nội tại của Hoà Phát.
________
Kết thúc năm 2020, cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) tăng 115% và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đó là tất yếu đến từ một năm tăng trưởng ấn tượng của Tập đoàn Hòa Phát. Báo cáo kết quả kinh doanh, lũy kế cả năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 91.279 tỉ đồng, tăng 41% so với năm 2019, đạt lợi nhuận sau thuế là 13.506 tỉ đồng.
Bóc tách những lát cắt tạo nên sự thành công trên, dễ dàng nhận ngay mảnh ghép kỳ diệu: Sản xuất thép. Báo cáo của đại gia ngành thép cho biết lần đầu tiên Hòa Phát đạt mức 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi năm 2019, bất chấp đại dịch COVID-19.
Cụ thể hơn, trong năm 2020, Hòa Phát đã đạt sản lượng phôi thép và thép xây dựng thành phẩm là 5,1 triệu tấn, gần 700.000 tấn còn lại là thép cuộn cán nóng. Chỉ riêng thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn, chiếm hơn 60% tổng sản lượng và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2019.
“Thị phần thép Hòa Phát vươn lên mức 32,5% lượng phôi thép cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 1,7 triệu tấn, cao gấp hơn 12 lần so với năm 2019”, báo cáo kết quả doanh thu năm 2020 của Tập đoàn Hòa Phát thể hiện.
Về thép cuộn cán nóng (HRC), mặc dù được ra lò sản phẩm đầu tiên vào tháng 2/2020, nhưng 4 tháng sau, sản lượng HRC mới tăng lên rõ rệt. Sở dĩ có điều này, là vào tháng 8/2020, Hòa Phát chính thức đưa vào vận hành lò cao số 3 tại Hòa Phát Dung Quất ở Quảng Ngãi, đồng thời lò thổi số 4 cũng chạy thử nóng thành công. Theo công suất thiết kế, lò cao số 3 sẽ nâng công suất của khu liên hợp sản xuất gang thép tại Hòa Phát Dung Quất lên 12.000 tấn/ngày, năng suất sẽ tăng lên 16.000 tấn/ngày khi lò số 4 được đưa vào hoạt động chính thức từ đầu năm 2021.
Trở lại câu chuyện HRC, 3 tháng sau khi tăng sản lượng sản xuất, Hòa Phát chính thức cung cấp sản phẩm này ra thị trường. Hiện đơn đặt hàng HRC đang vượt xa năng lực cung ứng của Hòa Phát. Bên cạnh đó, trong năm 2020, ống thép Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 820.000 tấn ống thép các loại, tăng 10% so với 2019, vững vàng ở vị trí số 1 Việt Nam với thị phần 31,7%. Sản phẩm tôn mạ màu tăng 150% sản lượng so với năm 2019 và đang đẩy mạnh xuất khẩu.
Cuối năm 2020, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đưa ra một kết quả khảo sát cho thấy Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng container rỗng. Với một quốc gia xuất siêu như Việt Nam, việc thiếu hụt vỏ container rỗng đồng nghĩa các hãng tàu mất đi mắt xích quan trong trong hoạt động vận tải. Kết quả khảo sát của VLA cũng chỉ ra rằng, có đến 40% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng, 43% là do bộ phận đặt chỗ với hãng tàu cho thuê vượt số lượng cho phép và 17% là do bộ phận kinh doanh chưa tiếp cận thuê container rỗng từ hãng tàu.
Chứng khoán Rồng Việt cho biết giá thép cuộn cán nóng (HRC) đã tăng 10% từ đầu năm 2021, do đó dự báo biên lãi gộp sẽ đạt 28% trong nửa đầu năm, có thể giảm còn 23% trong nửa cuối năm. Biên lợi nhuận của Hòa Phát trong năm 2021 vô cùng khả quan!
“Vấn đề thiếu hụt container rỗng xảy ra đối với tất cả các tuyến vận tải, trong đó tuyến vận tải đến Hoa Kỳ chiếm phần lớn”, kết quả khảo sát của VLA nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Kim Cương - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Logistics Tân Cảng cho biết, nguyên nhân gây thiếu thụt container rỗng là do sự bùng phát của đại dịch COVID-19, nhất là giai đoạn cao điểm tháng 5-9/2020. Trước thực tế này, cộng với thời gian nghiên cứu nghiêm túc, cuối tháng 2/2021, Tập đoàn Hòa Phát cho biết sẽ sản xuất container rỗng.
Trước mắt, Hòa Phát dự định sản xuất 500.000 TEU/năm, chia tại hai khu vực động lực phát triển, gần cảng biển là Hải Phòng và Đông Nam Bộ. Nhà máy đầu tiên sẽ làm tại phía Nam, cụ thể là tỉnh Bình Dương hoặc Đồng Nai, rất gần với cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải. Chọn hai vị trí trên, Tập đoàn Hòa Phát cho biết đó là kết quả của quá trình nghiên cứu trong những năm gần đây: 70% nhu cầu container xuất phát từ phía Nam, cứ 4 container, thì chỉ có 1 container được sử dụng ở phía Bắc.
Việc sản xuất container rỗng, ngoài được cho là nhanh nhạy, kịp thời nắm bắt nhu cầu của ngành logistics của Việt Nam mà COVID-19 đã “phơi bày” ra, Hòa Phát còn dựa vào năng lực nội tại của mình, đó chính là loại thép HRC. Với mác SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết, HRC là nguyên liệu để làm vỏ container. HRC chính là sản phẩm đóng góp sản lượng và doanh thu ấn tượng cho Tập đoàn Hòa Phát trong năm 2020, kể từ khi đưa vào vận hành chính thức lò cao số 3 từ tháng 8/2020.
Hòa Phát làm phép tính: “Với sản lượng 500.000 TEU/năm, sản xuất container sẽ tiêu thụ 1 triệu tấn thép HRC/năm, là đầu ra rất tốt cho Dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát. Như vậy có thể nói container là sản phẩm giá trị gia tăng nằm trong hệ sinh thái sản xuất gang thép của Hòa Phát”.
Được biết, hiện nay 90% lượng container trên thế giới do Trung Quốc sản xuất, mỗi năm thị trường tăng trưởng 5%. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây Trung Quốc giảm 40% sản lượng container, công suất sản xuất thép của Trung Quốc cũng giảm. Ngược lại, nhu cầu container của Trung Quốc lại tăng mạnh do xuất siêu. Hạ tầng hậu cần của các cảng trên thế giới gặp nhiều khó khăn nên vấn đề tái sử dụng container đang gặp nhiều bất cập. Do đó, Hòa Phát tự tin với kế hoạch sản xuất vỏ container rỗng của mình, và theo dự kiến, đầu quý II/2021, tập đoàn này sẽ bắt đầu cung cấp sản phẩm này ra thị trường.
Sau 5 năm gia nhập nông nghiệp, lĩnh vực này góp phần tăng trưởng doanh thu cho Tập đoàn Hòa Phát. Kết thúc năm 2020, nông nghiệp đóng góp tới 11,7% doanh thu và 12,4% lợi nhuận sau thuế cho tập đoàn này. Còn nhớ, vào tháng 3/2015, khi công bố đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Tập đoàn Hòa Phát đặt ra mục tiêu là chiếm 10% thị phần, với quy mô ngành thức ăn chăn nuôi là khoảng 6 tỉ USD trong 10 năm. Bên cạnh đấy, tập đoàn này cũng vạch kế hoạch chăn nuôi heo và bò khép kín.
Một năm sau, Tập đoàn Hòa Phát chỉ đạt chưa đến 1.500 tỉ đồng doanh thu, chưa tới 30 tỉ đồng lợi nhuận từ mảng nông nghiệp. Nhưng thêm 3 năm nữa, tức năm 2019, con số này đã đạt gần 8.000 tỉ đồng doanh thu và 558 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Tức, tăng trưởng hơn 20 lần sau 4 năm. Sau 9 tháng năm 2020, dù doanh thu mảng nông nghiệp cũng chỉ ở mức gần 8.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận từ mảng này của Hòa Phát lên tới 1.296 tỷ đồng, cao gấp hơn hai lần so với kết quả cả năm 2019. Khoảng 1.700 tỉ đồng là lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát có được từ mảng nông nghiệp trong năm 2020.
“Sau 5 năm, Hòa Phát đã làm được rất nhiều việc và khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, cứ hai con bò Úc ở Việt Nam thì có 1 con của Hòa Phát, đứng đầu cả nước. Đó là nỗ lực mà chúng tôi muốn truyền thông điệp, rằng Hòa Phát đã làm gì thì phải làm đến nơi đến chốn, bao gồm lĩnh vực nông nghiệp”, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nói vào dịp kỷ niệm 5 năm ngày đặt chân vào địa hạt nông nghiệp vào cuối năm 2020.
Vậy, đâu là chìa khóa cho sự thành công của Hòa Phát trong lĩnh vực nông nghiệp? Thức ăn chăn nuôi chính là câu trả lời!
Sau nửa thập kỉ, Hòa Phát đã hoàn thành và vận hành 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 600.000 tấn/năm tại Hưng Yên và Đồng Nai. Đối với chăn nuôi bò thịt, Hòa Phát vận hành trại chăn nuôi bò thịt công nghệ cao tại tỉnh Thái Bình, Đồng Nai và Quảng Bình với giống bò Úc...
Thức ăn chăn nuôi chính là mảng mà Hòa Phát thực hiện khi bắt đầu sang lĩnh vực nông nghiệp. Khi mới vận hành vào năm 2016, Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên đã mang lại 1.540 tỉ đồng cho Hòa Phát. Đây là một khởi đầu thuận lợi, bởi quy mô vố điều lệ của Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên là 300 tỉ đồng và tổng tài sản xấp xỉ 570 tỉ đồng.
Tuy nhiên, điều kỳ diệu trên không lặp lại đối với Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai, khi nhà máy này chỉ có doanh thu vỏn vẹn chỉ 10,6 tỉ đồng và lỗ 1,4 tỉ đồng. Dù vậy, Hòa Phát không lấy đó làm lo lắng, bởi nhà máy này vào thời điểm 2016 là đang trong quá trình hoàn thiện.
Đến năm 2019, mảng thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát tại nhà máy Hưng Yên và Đồng Nai dần đồng nhịp, cộng hưởng tạo nên gam màu tươi tắn trong bức tranh doanh thu, với kết quả lần lượt là 1.004 tỉ đồng và 1.050 tỉ đồng.
“Khi làm nông nghiệp, chúng tôi không phải “chạy đua” cho hợp mốt mà sẽ làm nghiêm túc. Với thức ăn chăn nuôi, chúng tôi có sự chuẩn bị kỹ, có lộ trình hẳn hoi. Và để hiện thực hóa kế hoạch, năm 2015, Hòa Phát đã thành lập liên tiếp hai pháp nhân mới là Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát (tiền thân của Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên) và Công ty TNHH MTV Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai với tổng vốn điều lệ 500 tỷ đồng”, ông Trần Tuấn Dương - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, cho biết.
Bài: Lê Xuân Thọ
Thiết kế: Thúy Hà