Thưa nhà thơ Hồng Thanh Quang, đến nay anh đã viết thơ được bao nhiêu năm rồi?
- Thực sự là tôi không nhớ. Hình như... ngay từ bé tôi đã làm thơ, hồi lớp một lớp hai gì đó. Nhưng khi ấy mới chỉ là những câu văn vần non nớt, thô sơ. Còn bài thơ đầu tiên của tôi còn lại tới ngày hôm nay là bài được viết từ năm 1979, khi tôi đang học lớp 10 ở trường Trung học phổ thông Việt Đức trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội).
Thời điểm đó, tôi mê một cô bạn học cùng trường, mê theo kiểu học trò thôi, tức là phải lòng một gương mặt, một tính tình, nhìn từ xa ngưỡng mộ chứ không dám lại gần. Cô bạn ấy cứ như một hình ảnh thần tượng để tôi mơ mộng và tập làm thơ. Thế rồi một hôm, tình cờ tôi nhặt được một tấm ảnh nhỏ mà người bạn ấy đã chụp để làm thẻ học sinh và đánh rơi ngoài hành lang. Và, bỗng nhiên tôi đã nghĩ ra được 4 câu thơ...
Anh có thể tiết lộ 4 câu thơ ấy?
- Cũng đơn giản thôi, nhưng đó là bài thơ mà tới giờ tôi vẫn đưa vào các tuyển tập của mình với nhan đề là “Xem ảnh” : “ Ngang vai tóc thả mượt mà/ Mắt nhìn ai, mắt thoảng qua nét cười/ Dịu dàng khẽ mím bờ môi/ Chắc em không biết có người hôn em...”
Mới học lớp 10 mà anh đã nghĩ tới chuyện hôn rồi sao?
- Tôi... chỉ nghĩ trong thơ thôi!
Theo anh, điểm khác biệt giữa người làm thơ và người không làm thơ là gì?
- (Cười) Tôi nhớ hồi tôi trẻ, có người bạn khi biết tôi làm thơ để tỏ tình, đã nói: “Cậu hâm bỏ xừ ý”.
Sau này lớn lên, tôi có đọc truyện ngắn “Tấu trình của Tiến sĩ Browdie” - nhà văn Argentina, Jorrge Luis Borges. Trong truyện ngắn đó có kể về một bộ lạc sống theo những bản năng nguyên thủy nhất. Người dân ở bộ lạc này khi thấy có ai đó bỗng dưng làm thơ được thì vô cùng kinh ngạc, khâm phục, vì nghĩ người ấy đã liên thông được với Thượng đế. Rồi họ lập tức lùi ra xa, hò nhau ném đá nhà thơ cho tới chết... Theo tôi, Borges đã nói rất sâu sắc về sự khác nhau giữa nhà thơ và không - nhà - thơ, ít nhất là về số phận.
Anh có thấy mình tư duy phức tạp?
- Không, tôi vốn suy nghĩ đơn giản. Nhưng tới lứa tuổi này thì tôi đã thấm thía quá nhiều điều, cả trong sự học lẫn trong thực tế cuộc sống.
Trở lại chủ đề Tình yêu, chắc hẳn độc giả nào cũng tò mò tình yêu đầu đời đến với anh có quá bất ngờ? Lúc ấy anh có biết trân trọng?
- Câu hỏi này khiến tôi thấy mình như vừa bước ra từ trong không gian thơ Hoàng Nhuận Cầm. Tôi cũng như bao người yêu thơ khác, đều nhớ “Viên xúc xắc mùa thu” do anh Cầm viết: “Tình yêu đến trong đời không báo động...”.
Riêng tôi thấy thật khó định nghĩa thế nào là mối tình đầu. Tôi chỉ nhớ là ngay từ khi còn rất nhỏ, tôi đã rất ngưỡng mộ các bạn gái. Đối với tôi, phụ nữ luôn là những người mà mình cảm thấy quý trọng, thần tượng, là nguồn cảm hứng bất tận để tôi dựng cơn mơ lãng mạn... Để làm thơ... Cũng phải nói rằng, khi tôi thực sự biết thế nào là tình yêu thì tôi cũng đã nhiều tuổi rồi chứ không phải là một chàng trai mới lớn nữa.
Theo thời gian, hình mẫu về người phụ nữ lý tưởng của anh có khác? Và tương ứng với đó, các bài thơ anh viết có nhiều thay đổi hay chăng?
- Tôi cho rằng không có người phụ nữ nào là không lý tưởng, ai cũng đáng yêu, đáng trân trọng theo cách của họ. Nói thế không phải là vì tôi yêu nhiều phụ nữ đâu! Mà đơn giản, tôi hiểu: mọi người phụ nữ đều cần được yêu như họ xứng đáng.
Hơn nữa, tình yêu ít khi theo tiêu chí quy định. Tình yêu là duyên số, là số phận. Tôi đã từng có một bài thơ về chuyện này.
Tuy có một khối lượng tác phẩm đồ sộ, nhưng có lẽ đó là một trong những tác phẩm khiến anh khó quên?
- Đúng vậy, bài thơ ấy tôi viết từ hai mươi năm trước, có nhan đề “Lại nói kiểu ca dao”:
“Tôi từng mơ vướng dây tơ
Để lấy làm vợ một cô thật hiền,
Thật hiền mà đẹp như tiên,
Môi cong, mũi thẳng, đồng tiền lúm đôi,
Lấy cô nói ít, hay cười,
Dọn nhà thì thích, ngồi chơi thì buồn,
Lấy cô ghét thói con buôn,
Biết tiêu dè sẻn suất lương của chồng,
Nấu ăn, nồi bé cũng ngon,
Cắm hoa, dẫu một cành hồng, vẫn duyên...
Thế mà tôi lại gặp em,
Bao mộng ước cũ đã quên sạch rồi.
Em hay nói, em ít cười,
Thế mà em lại làm tôi phải lòng,
Làm sung sướng, làm long đong,
Làm tôi Tết đến trơ không một mình...
Anh có thấy bài thơ trên tuy hóm hỉnh nhưng lại buồn?
- Bản chất của thơ là buồn... Niềm vui cũng lấp lánh lệ...
Những người phụ nữ xuất hiện trong thơ Hồng Thanh Quang là do tác giả hình dung, hay lấy nguyên mẫu từ thực tế đời sống, trải nghiệm bản thân?
- Hồi bé, tôi rất ham đọc sách. Bản tính tôi cũng ngay từ nhỏ đã hơi bị lạc lõng với xung quanh, khó hòa nhập. Thời gian mà tôi dành cho những mơ mộng của mình trong cô đơn vì thế đã là rất nhiều. Và trong những mơ mộng đó, tôi đã tự xây dựng nên nhiều hình ảnh phụ nữ lý tưởng. Về góc độ nào đó, những hình ảnh tưởng tượng ấy đẹp hơn những người phụ nữ trong đời thực. Nhưng bù lại, những người phụ nữ trong đời thực lại thú vị hơn, hấp dẫn hơn, tận hiến hơn... Giờ thì khó có thể phân biệt được rành rẽ, gì là thực, gì là hư trong thơ.
Anh vốn được độc giả yêu mến bởi có nhiều sáng tác dành riêng cho những người phụ nữ không may vướng phải đau đớn, tục lụy. Tuy nhiên, cuộc sống không phải “một cánh cửa khép”, nhìn ở góc độ khác, người phụ nữ có thể coi bi thương là thử thách để vượt qua để hoàn thiện bản thân và sống tốt hơn. Anh có thể chia sẻ quan điểm của mình?
- Phụ nữ, đó là một danh hiệu kiêu hãnh. Nhưng trong cái sự rất không hoàn thiện của thế giới loài người, sinh ra làm phụ nữ là rất khổ. Vì thế, tôi luôn nghĩ rằng, không nên phán xét về phụ nữ, chỉ nên yêu họ thôi, xót xa họ thôi. Mỗi người đàn ông tùy theo sức và theo tâm của mình.
Trường hợp ta không thể yêu người phụ nữ nào đó dài lâu thì cũng nên giúp đỡ họ, thấu hiểu họ ngay cả khi đã chia tay, đừng vùi dập họ chỉ vì họ không còn yêu ta nữa...
Nhiều người trẻ hiện nay băn khoăn nên chọn tình yêu hay sự nghiệp. Thậm chí nhiều người trẻ e ngại hôn nhân vì... sợ đổ vỡ. Theo anh, người trẻ nên làm thế nào để tránh được những hoang mang trong chuyện tình cảm để nắm lấy hạnh phúc cuộc đời?
- Một hạnh phúc thực sự luôn cần tới sự hài hòa. Xã hội hiện đại chưa thay đổi nhiều tới mức để chúng ta phủ nhận những hình thức cộng sinh mà cha ông để lại. Tôi nghĩ, ai cũng có quyền lựa chọn kiểu sống riêng thích hợp nhất với mình, nhưng tôi không tin rằng có thể hạnh phúc một cách thực sự mà không cần tới hôn nhân. Lắm khi những đổ vỡ trong hôn nhân lại thú vị hơn cái sự lành lặn trong không hôn nhân.
Có ý kiến cho rằng, người nào làm công việc quản lý tốt thì khó có thể làm sáng tạo cũng tốt. Vậy, anh có bí quyết gì để làm tốt cả hai: giữ vững trọng trách Tổng Biên tập một tờ báo lớn nhưng không bỏ thơ đi?
- Tôi nghĩ là sẽ không khiêm tốn khi tôi nói rằng tôi đang làm tốt hai công việc của mình. Tôi chỉ dám chắc một điều là tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhất chức phận và số phận của mình.
Cũng rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng tôi là đàn ông, được sinh ra trong một gia đình có “máu chinh phục”. Càng khó, tôi càng quyết tâm vượt khó. Lòng quyết tâm khiến mọi thử thách trở nên đơn giản.
Công chúng đã ghi nhận thành công của chương trình thơ nhạc “Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em” (2013), “Anh không muốn lạc em thêm lần nữa”, “Trở về thương nhau lấy tôi thôi” (2015), “Còn điều chi em mải miết đi tìm?” (2017) do anh tổ chức, vậy chương trình thơ nhạc sắp tới vào tháng 9/2018 có còn là một thách thức lớn đối với anh hay không? Anh có thể bật mí những điểm mới của đêm nhạc này?
- Các chương trình thơ nhạc với cuộc đời tôi chỉ là một cuộc chơi ngẫu hứng. Trung tuần tháng 8 năm nay, tình cờ tôi gặp “thủ lĩnh” của nhóm Xẩm Hà thành, nhà báo, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long. Long bảo: “Lâu rồi anh em mình không cộng tác gì với nhau nhỉ? Em thích thơ anh lắm...” Tôi hào hứng: “Thích thì làm thôi!”
Thế là nảy ra ngay ý tưởng chương trình thơ nhạc có nhan đề: “Người đàn ông mùa thu”. Tôi chuẩn bị bước qua tuổi 56, nhận mình như thế có lẽ cũng đúng. Tôi tuổi đã sang thu rồi. Hơn nữa, trong tâm thức cổ truyền, mùa thu dường như là mùa của thi ca, mùa khiến chúng ta dễ thấu cảm thơ hơn... Tôi mong chương trình sẽ đem đến những xúc cảm thú vị cho những người yêu nghệ thuật.
Thiết kế: Mẫn San