Dù giáo dục đang đi sau khá xa so với tốc độ phát triển của thế giới trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, những ý tưởng mới mẻ và có tính đột phá cũng đã manh nha xuất hiện trong lĩnh vực này. |
|
Viện nghiên cứu Brookings mới đây đã thống kê 3.000 phát kiến trong lĩnh vực giáo dục tại 166 quốc gia phát triển và đang phát triển, được tiến hành bởi những thực thể khác nhau từ các cơ quan chính phủ đến các tổ chức phi lợi nhuận và các tổ chức thuộc khu vực tư nhân
Các phát kiến cho thấy những ngọn lửa đầu tiên của một cuộc cách mạng giáo dục đang được nhóm lên: Các học sinh tại Brazil đang tự lập trình trò chơi điện tử để truyền tải các bài học về sinh học, học sinh Ghana đang được học về trí tuệ cảm xúc và sức bền tinh thần, học sinh Nam Phi được thử nghiệm các nghề nghiệp khác nhau và được bảo trợ giáo dục đại học bởi các chương trình hợp tác giữa nhà trường và giới doanh nghiệp.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, trải nghiệm giáo dục cũng đã được tăng cường nhờ ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, công nghệ thực tế ảo và lớp học điện tử. Tuy nhiên, cùng với những tiến bộ này, khoa học công nghệ cũng sẽ tạo ra những cơn địa chấn mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục. Bản lĩnh và sự sáng suốt là phẩm chất cần có của các nhà giáo dục và các nhà hoạch định chính sách trước cơn địa chấn này.
Giáo sư Peter Cookson, nghiên cứu viên cao cấp trong lĩnh vực chính sách giáo dục của Đại học Georgetown - một trong những trường đại học hàng đầu của Mỹ, cho rằng công nghệ sẽ tạo ra những biến động lớn thúc đẩy một cuộc cách mạng giáo dục trong những năm tới.
Người học thời đại số sống trong hai thế giới: thế giới vật lý và thế giới mạng phát triển với tốc độ vũ bão. Là những người học thực tế và có tính tương tác cao, họ quan tâm nhiều hơn đến giải pháp hơn là lý thuyết. Người học sẽ có cách tư duy đa dạng hơn, có thể làm nhiều việc cùng một lúc, nhưng sẽ có khả năng tập trung kém hơn. Hiện tại, phần lớn hệ thống giáo dục đều dựa trên các tiêu chuẩn đồng bộ, nhưng những người học thời đại số sẽ buộc các nhà giáo dục phải thoát ra khỏi lối mòn này.
Một trường học ứng dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế kỷ XXI sẽ là một trường học tích cực tham gia vào những mạng lưới kết nối các cơ sở giáo dục toàn cầu. Giáo viên và học sinh sẽ dành ít thời gian ngồi trong lớp học, và nhiều thời gian để kết nối với những người học khá trên toàn thế giới hơn. Học sinh từ khắp nơi trên thế giới sẽ cùng nhau học tập và giải quyết vấn đề lớn nhờ vào sức mạnh của trí tuệ tập thể.
Trong một kỷ nguyên mà tri thức đang được mở rộng theo cấp số nhân nhờ vào những đột phá trong khoa học và công nghệ, những ý tưởng lớn sẽ chi phối bức tranh giáo dục. Giáo viên sẽ cần những phương pháp giáo dục và giáo trình mới cho học sinh của mình, trong đó nhấn mạnh vào việc phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy bậc cao, khả năng tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng học tập trọn đời.
Cách chấm điểm kiểu truyền thống đã trở nên lạc hậu ngay tại thời điểm hiện tại. Thay vì những điều học sinh có thể nhớ được, những điều họ có thể làm được sẽ thành tiêu chuẩn mới để đo đếm thành công trong kỷ nguyên của nền kinh tế sáng tạo.
Trong tương lai gần, mọi nhà giáo dục cần nhận thức và tiếp thu tầm quan trọng của việc giáo dục năng lực cảm xúc xã hội. Các giáo viên sẽ được tạo điều kiện để tạo ra môi trường học tập tập trung vào mối quan hệ giữa nhận thức, sức khỏe tinh thần và tư duy sáng tạo.
Thế hệ các nhà lãnh đạo giáo dục tiếp theo sẽ không còn quá bó buộc bởi những cách làm truyền thống như trước.
Học sinh sẽ cần sự tự do và chủ động để tùy biến chương trình học của mình, bởi vậy mô hình tổ chức từ trên xuống như trong các trường học hiện nay sẽ được thay thế bằng những hội đồng học sinh hoạt động trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.
Một nền giáo dục có tính tham dự cao sẽ không có ý nghĩa nếu học sinh và gia đình bị bỏ ngoài cuộc. Trong tương lai, gia đình sẽ không còn đứng ngoài lề của tiến trình học tập. Họ sẽ được xem như những đối tác quan trọng trong việc giáo dục trẻ em.
Trong nhiều thập kỷ, việc có được tấm bằng đại học được coi là mục tiêu mà gần như mọi học sinh cần phải hướng tới. Nhưng trong kỷ nguyên mới, khả năng cạnh tranh sẽ quan trọng hơn bằng cấp. Trong khi trường đại học vẫn giữ vai trò quan trọng, việc đánh giá năng lực một sinh viên không chỉ còn dựa trên những gì họ đã học được mà còn dựa trên những gì họ có năng lực để tiếp thu trong tương lai. Các nhà tuyển dụng sẽ hướng tới việc tìm kiếm những ứng viên có khả năng suy nghĩ độc lập, có động lực, hướng tới những mục tiêu chung, có quyết tâm và sự bền bỉ.
Các nhà hoạch định chính sách trở thành người tiên phong của công cuộc cải cách giáo dục. Những hội đồng quản lý giáo dục quan liêu, cứng nhắc sẽ được thay thế bằng những viện nghiên cứu có khả năng phối hợp chặt chẽ với cộng đồng để phát triển, thử nghiệm và thực hiện những ý tưởng mới.
Nếu giáo dục giậm chân tại chỗ, nhiều thế hệ học sinh sẽ đứng trước nguy cơ bị giáo dục không đúng cách và sẽ không được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng để sinh tồn và phát triển trong một thế giới của những công nghệ và ý tưởng mới. Nhiệm vụ hiện tại của những nhà giáo dục là phải đón nhận những biến động sắp diễn ra một cách chân thành và cởi mở và tìm kiếm những phương cách để biến những biến động này thành cơ hội mới trong việc tăng cường trải nghiệm và thành quả học tập cho mọi học viên.
Dựa trên những quan sát về 3.000 phát kiến giáo dục trên thế giới, Viện Brookings đã xuất bản ấn phẩm có tên “Tái tạo nền giáo dục để giúp thanh thiếu niên phát triển”, trong đó đưa ra những khuyến nghị dành cho các nhà hoạch định chính sách để đưa giáo dục bắt kịp với thời đại mới.
Các nhà nghiên cứu Viện Brookings cho rằng, cải cách giáo dục trước tiên là sự cải cách tư duy của các nhà hoạch định chính sách. Sáng tạo chính là chìa khóa của những tiến bộ trong giáo dục và giới chính sách cần phải nắm bắt được điều này.
Các khuyến nghị của Viện Brookings tập trung vào hai yếu tố chủ đạo. Trước nhất, trải nghiệm dạy và học cần được chuyển đổi theo hướng tập trung vào người học hơn. Thứ hai, tiến trình đánh giá kết quả học tập dù qua điểm số hay qua các cuộc thi tập trung cũng cần phải theo hướng tập trung vào người học và được cá nhân hóa sâu hơn.
Để có thể mang tới những thay đổi như vậy trong lĩnh vực giáo dục, các nhà hoạch định chính sách cần phải sử dụng tới đòn bẩy công nghệ. Họ cũng cần đa dạng hóa đối tượng giáo dục, không gian giáo dục, giảm tải cho giáo viên trên lớp bằng sự hỗ trợ của các thành viên khác trong cộng đồng và bằng công nghệ.
Viện Brookings cảnh báo, nếu nền giáo dục không có những “bước nhảy cóc” thì cho tới năm 2030, có đến 50% thanh niên tại các nước đang phát triển tham gia vào lực lượng lao động và không được chuẩn bị sẵn sàng những kỹ năng cơ bản để sinh tồn. Việc mạnh dạn tìm tòi và thử nghiệm các hướng đi mới trong giáo dục tuy ẩn chứa nhiều nguy cơ nhưng là việc cần phải làm để trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết trong thời đại mới một cách nhanh chóng, kịp thời.
Nếu giáo dục tiếp tục “đứng im” không chịu thay đổi thì sẽ có tới 30% trẻ em ở các nước phát triển, 50% trẻ em ở các nước thu nhập trung bình và 90% trẻ em ở các nước thu nhập thấp không được trang bị những kỹ năng cần thiết cho tương lai. Và đây sẽ là một nguy cơ lớn cho cả nhân loại.