Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 1: Chút hồn sót lại của mặt nạ giấy bồi Hà Thành

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 1: Chút hồn sót lại của mặt nạ giấy bồi Hà Thành

Con tàu thời gian càng chạy nhanh về kỷ nguyên số càng “kéo” trẻ em hiện đại đến gần hơn với Facebook, Tik Tok và hàng loạt thành tựu tiên tiến khác của nền khoa học công nghệ. Giữa dòng chảy ấy, trò chơi dân gian - nét đẹp văn hóa từng là hoàng kim một thuở dường như bị lép vế và mờ nhạt dần...

*****

“Bao giờ không làm được nữa cô chú mới bỏ nghề”, đó là tâm niệm của vợ chồng ông Hoà, bà Lan, những nghệ nhân cuối cùng giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi ở đất Hà Thành.

Mặt nạ giấy bồi đầy màu sắc là một trong những món đồ chơi dân gian gắn liền với kí ức tuổi thơ của nhiều thế hệ. Những chiếc mặt nạ giấy bồi xưa kia thường xuất hiện trong các dịp lễ hội truyền thống, đặc biệt là vào Tết Trung thu nay đã không còn xuất hiện nhiều nữa. Không chỉ người chơi, người bán mà cả những người làm ra mặt nạ giấy bồi giờ cũng “hiếm có, khó tìm”.

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 1: Chút hồn sót lại của mặt nạ giấy bồi Hà Thành ảnh 1

Buổi chiều một ngày nắng đầu hè, dò hỏi những người dân sinh sống trên con dốc Hàng Than, Hà Nội, tôi tìm đến được căn nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoà (69 tuổi) và bà Đặng Hương Lan (63 tuổi), những nghệ nhân hiếm hoi giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi ở đất Hà Thành.

Căn nhà của ông Hoà, bà Lan nằm trên hai tầng gác, phải len lỏi vào sâu trong con ngõ nhỏ mới tìm thấy được. Khó ai có thể tưởng tượng được rằng, trên tầng gác mái của khu nhà chật hẹp, với nhiều góc lộn xộn giữa lòng phố cổ, một “phân xưởng mini” chuyên làm mặt nạ giấy bồi truyền thống vẫn đang hoạt động từng ngày.

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 1: Chút hồn sót lại của mặt nạ giấy bồi Hà Thành ảnh 2
Ông Nguyễn Văn Hoà cần mẫn tạo hình cho những chiếc mặt nạ giấy bồi.

Trò chuyện với ông Hoà ngay tại “xưởng”, trong lúc ông đang tự tay tạo hình cho những chiếc mặt nạ giấy bồi, tôi được nghe ông kể quá trình cho ra những thành phẩm sau cùng. Một chiếc mặt nạ giấy bồi để ra đời mất rất nhiều công đoạn và tất cả đều phải làm thủ công, từ làm cốt mặt, phơi khô, tạo hình đến vẽ sơn màu.

“Đúng nghĩa mình vừa làm giám đốc, vừa làm nhân viên, làm tất tần tật mọi công đoạn”, ông Hoà nói vui. “Mặt nạ giấy bồi này để làm được mất nhiều công đoạn lắm đấy! Nếu tính ra phải 20 – 30 phút mới xong một con, có những mẫu khó hơn thì có khi đến cả tiếng đồng hồ. Một ngày cứ túc tắc như thế tôi làm được khoảng 15 con. Xưa mỗi ngày còn làm được 20 con chứ giờ có tuổi rồi, chẳng ngồi lâu được nữa”.

Cái cách gọi “con” của ông Hoà nó mộc mạc, gần gũi lắm, như thể ông không chỉ coi nó là một thứ mặt nạ giấy vô tri vô giác, mà còn xem mỗi thành phẩm mình làm ra như một “đứa con” tinh thần. Tuy những chiếc mặt nạ ấy đều từ một khuôn ra, nhưng mỗi “con mặt” đều có thần thái khác nhau, ẩn chứa sự sáng tạo riêng biệt trong từng nét vẽ màu của vợ chồng ông Hoà, bà Lan.

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 1: Chút hồn sót lại của mặt nạ giấy bồi Hà Thành ảnh 3
Cốt mặt nạ được phơi khô ngoài trời sau công đoạn tạo hình.

Theo lời kể của ông Hoà, tên gọi mặt nạ giấy bồi hiểu rất đơn giản: Nó là những chiếc mặt nạ được “bồi” từ nhiều lớp giấy mà nên. Mỗi một hình mặt thường sẽ có từ 3 - 5 lớp giấy, tuỳ vào bàn tay người làm mà ướm chừng độ dày mỏng khác nhau. Ông Hoà có chia sẻ bí quyết rằng độ “sắc nét” của mỗi hình mặt được quyết định phần nhiều cũng ở công đoạn bồi giấy làm cốt mặt trên khuôn, “càng miết, càng bồi kĩ, càng làm chi tiết bao nhiêu thì con mặt càng đẹp bấy nhiêu”.

Tôi ngó vào trong kho xưởng của vợ chồng ông Hoà, thấy có đến gần 30 khuôn xi măng các hình để làm cốt. Hỏi ra mới biết, cứ mỗi hình làm được khoảng 100 con thì ông bà mới đổi khuôn, mỗi vụ tính ra cũng làm được trên 3.000 mặt nạ. “Có những mẫu bán chạy, cũng có những mẫu bán chậm hơn. Làm lâu năm rồi nên vợ chồng tôi biết mẫu nào được chuộng, rồi cứ thế sẽ làm hình mặt đấy nhiều hơn”, ông Hoà chia sẻ.

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 1: Chút hồn sót lại của mặt nạ giấy bồi Hà Thành ảnh 4

Hàng ngày, cứ cần mẫn như vậy, đến giờ vợ chồng ông Hòa, bà Lan giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi cũng đã được 45 năm. Ông bà không chỉ xem công việc làm mặt nạ giấy bồi như một thú vui tuổi già, mà còn coi đây là trách nhiệm gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, bởi trước đây, bà Lan được ông cụ thân sinh truyền dạy nghề từ khi còn nhỏ, rồi khi lập gia đình, bà đem theo nghề ấy về nhà chồng.

“Xưa bố tôi là thầy giáo, ông vừa dạy học, vừa làm mặt nạ giấy bồi để có thêm kinh tế nuôi con, trang trải cho cuộc sống khó khăn lúc bấy giờ. Sau này khi các con lớn, ông vừa làm vừa dạy cho chúng tôi thành thục từng công đoạn. Thế nhưng, dù nhà có 8 chị em gái nhưng chỉ có mình tôi là học được, làm được và giữ được cái nghề ấy đến bây giờ”, bà Lan chia sẻ.

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 1: Chút hồn sót lại của mặt nạ giấy bồi Hà Thành ảnh 5
Bà Đặng Hương Lan chia sẻ về những chiếc mặt nạ giấy bồi hoàn chỉnh đã được làm ra.

Tuy nhiên, bà Lan cũng không khỏi trăn trở khi nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống của gia đình đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. “Các con tôi cũng học và biết cách làm mặt nạ giấy bồi từ bố mẹ, nhưng chúng nó không chịu theo nghề này. Đứng trước một thị trường đồ chơi đa dạng mẫu mã, hiện đại, hấp dẫn, những trò chơi dân gian truyền thống như mặt nạ giấy bồi chắc chắn sẽ rất khó cạnh tranh. Chưa kể, cả năm làm cùng chỉ trông vào một vụ Tết Trung thu nên hiệu quả kinh tế thu về cũng chỉ đủ cho có đồng ra đồng vào thôi”, bà Lan giãi bày.

Vợ chồng ông Hòa, bà Lan cho biết có những người cũng đã đến xin học nghề, và thậm chí cũng đã có những người đến “học lỏm” bí quyết làm mặt nạ giấy bồi của gia đình. Thế nhưng, tất cả đều không theo được lâu dài. Có những người làm chỉ vì số lượng, làm cho thật nhiều mà không chú trọng đến chất lượng, trong khi một số khác thấy việc này “nhàn” nên muốn học để kiếm thêm thu nhập.

“Để tạo ra được một chiếc mặt nạ có hồn, người làm phải đặt hết tâm tư tình cảm vào đó, kiên nhẫn, tỉ mỉ, chịu khó mà làm, quan trọng nhất vẫn phải niềm yêu thích với chúng. Cũng có rất nhiều người đến đây muốn vợ chồng tôi truyền lại nghề làm mặt nạ giấy, chúng tôi cũng rất sẵn lòng chỉ dạy vì mong muốn giữ nghề, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người tiếp nối”, bà Lan tâm sự.

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 1: Chút hồn sót lại của mặt nạ giấy bồi Hà Thành ảnh 6

Hơn 4 thập kỷ gắn bó với nghề làm mặt nạ giấy bồi, chặng đường “giữ nghề” của vợ chồng ông Hòa, bà Lan chắc chắn cũng có những lúc thăng, trầm, khó khăn. Thế nhưng bằng tất cả tâm huyết, niềm đam mê, tình yêu với những “con mặt” đầy màu sắc, ông bà đến nay vẫn miệt mài, cần mẫn bám trụ với nghề.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số hàng ông bà làm cho Tết Trung thu 2021 toàn bộ đều bị tồn đọng, hoạt động kinh doanh bị đình trệ. May mắn thay, đến năm 2022, cuộc sống dần trở về trạng thái “bình thường mới”, mặt nạ giấy bồi lại tiếp tục bán chạy. Vợ chồng bà Lan thậm chí bán được gấp đôi số hàng dự tính, và giải quyết hết số hàng tồn đọng trước đó.

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 1: Chút hồn sót lại của mặt nạ giấy bồi Hà Thành ảnh 7
Những chiếc mặt nạ giấy bồi đầy màu sắc được làm từ hai "nghệ nhân" cuối cùng tại đất Hà Thành.

Hàng năm, đến mùa trung thu, vợ chồng bà Lan đều mang những mặt nạ ấy ra bán trên góc phố Hàng Lược. Dù có rất nhiều gian hàng đồ chơi nhập khẩu, nhưng những chiếc mặt nạ truyền thống ấy vẫn có sức hút vô cùng đặc biệt. Bà Lan có tâm sự với tôi rằng, nhiều gia đình thậm chí còn đưa con trẻ đến sạp hàng của bà để mua mặt nạ. Qua đó, họ kể cho đám nhỏ biết về những câu chuyện thời thơ ấu, hay những nét đẹp dung dị của những trò chơi dân gian mang đậm tinh thần văn hoá truyền thống xa xưa.

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 1: Chút hồn sót lại của mặt nạ giấy bồi Hà Thành ảnh 8
Mặt nạ hình ông địa - sản phẩm kỳ công nhất của vợ chồng ông Hoà, bà Lan.

Ngoài ra, mặt nạ cốt trắng do vợ chồng ông Hòa, bà Lan làm ra cũng được đưa vào nhiều trường học các cấp, từ mầm non cho tới đại học, để phục vụ cho những tiết học sáng tạo. Đối với một số loại hình nghệ thuật dân gian như tuồng, những chiếc mặt nạ giấy bồi thậm chí còn là phần đạo cụ không thể thiếu. Có lẽ những chiếc mặt nạ ấy không chỉ đơn thuần là một trò chơi dân gian, mà hơn cả nó còn là công cụ giúp lưu giữ văn hoá qua các thời kỳ.

“Đó chính là niềm an ủi, nguồn động viên đối với những người làm nghề như vợ chồng tôi. Chúng tôi đặt tâm sức, chăm chút làm ra từng chiếc mặt nạ và được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ như vậy là mừng lắm”, bà Lan chia sẻ. “Bao giờ cô chú không làm được nữa, thì cô chú mới bỏ nghề này”.

TIN LIÊN QUAN
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.