Con tàu thời gian càng chạy nhanh về kỷ nguyên số càng “kéo” trẻ em hiện đại đến gần hơn với Facebook, Tik Tok và hàng loạt thành tựu tiên tiến khác của nền khoa học công nghệ. Giữa dòng chảy ấy, trò chơi dân gian - nét đẹp văn hóa từng là hoàng kim một thuở dường như bị lép vế và mờ nhạt dần...
*****
Các trò chơi dân gian Việt Nam tưởng như lạ lẫm với thế hệ học trò gen Z nhưng đang dần trở nên quen thuộc thông qua những chương trình, dự án học tập trong nhà trường.
Xuất hiện ngay từ những ngày đầu thành lập, Văn hóa Việt là môn học thu hút được sự quan tâm của hầu hết học sinh tại trường Liên cấp THCS - TH Vietschool Pandora. Trong những giờ lên lớp sôi động, đầy ắp lý thú, bên cạnh kiến thức về lịch sử, văn hóa truyền thống, các em học sinh đã được tiếp cận và học hỏi nhiều hơn từ các trò chơi dân gian - nét đẹp văn hóa quý báu của dân tộc.
Theo cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên môn Văn hóa Việt của trường Vietschool Pandora, các bài học liên quan đến trò chơi dân gian sẽ diễn ra theo hình thức học sinh tự tổ chức, giáo viên chỉ là người quản trò. Ví dụ để tổ chức tiết học về chơi ô ăn quan, sau khi giáo viên giới thiệu sơ lược, sẽ có một học sinh đứng ra làm trưởng nhóm và các em tự phân chia cho nhau các nhiệm vụ: giới thiệu, hướng dẫn luật chơi và tổ chức các nhóm chơi.
“Với tính cách ưa vận động, khám phá, sau mỗi tiết học về trò chơi dân gian tôi quan sát thấy học sinh rất hào hứng, phấn khởi. Đặc biệt, với những trò chơi yêu cầu tinh thần đoàn kết, kịch tính cao như bịt mắt bắt dê hay cướp cờ, khi tiết học kết thúc các con tỏ ra tiếc nuối, ước tiết học sau đến thật nhanh. Về phía các bậc cha mẹ cũng rất thích học sinh được tiếp cận với văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian. Nhất là khi nhìn thấy những sản phẩm, dự án của các em thì cha mẹ rất hào hứng, ủng hộ”, cô giáo Nguyễn Thị Oanh nhớ lại.
Chia sẻ về việc triển khai chương trình trò chơi dân gian vào nhà trường, bà Đặng Thị Thu Trang, Giám đốc Khối Giáo dục, trường Liên cấp THCS - TH Vietschool Pandora cho biết: “Để học sinh hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, nhà trường đã đưa môn Văn hoá Việt vào chương trình chính khoá, đặc biệt là chủ đề về các trò chơi dân gian. Các trò chơi này không chỉ trang bị kiến thức về văn hoá cho học sinh mà còn góp phần giáo dục cảm xúc xã hội, tăng khả năng kết nối, tương tác của các em với người xung quanh”.
Để mang đến chương trình giảng dạy về trò chơi dân gian tối ưu, không chỉ Vietschool Pandora mà nhiều ngôi trường khác cũng đã nỗ lực xây dựng một lộ trình “dài hơi’. Các trường mời những chuyên gia văn hóa đến thiết kế chương trình mang tính xuyên suốt cho từng cấp học, lựa chọn đội ngũ giảng dạy là những thầy cô thấu hiểu về mục tiêu của chương trình, có kinh nghiệm, từng nghiên cứu về văn hóa và trò chơi dân gian. Bên cạnh đó, các trường cũng linh động tổ chức sự kiện văn hóa nhân những ngày lễ tết cổ truyền như Trung Thu hay Tết Nguyên Đán để học sinh có không gian thực hành những trò chơi các em từng được học.
Nằm trong kho tàng văn hóa Việt Nam, các trò chơi dân gian là những vốn quý được sàng lọc qua nhiều thế hệ, được trao truyền từ đời này sang đời khác. Với tính chất giải trí, sinh động, trò chơi dân gian đặc biệt gần gũi với lứa tuổi học trò, là chất xúc tác để các em rèn luyện thể chất, kỹ năng, tư duy cũng như tinh thần đoàn kết.
Thực tế cho thấy hệ thống trò chơi dân gian của chúng ta rất đa dạng, phong phú, mang ý nghĩa thiết thực. Có những nhóm trò chơi tập trung vào vận động, rèn luyện sức khỏe thể chất như bịt mắt bắt dê, kéo co, nhảy lò cò, múa sạp…; cũng có những nhóm giúp phát triển trí tuệ như ô ăn quan, cờ người, cờ lật…; hay một số nhóm tập trung vào sự khéo léo, tăng tính sáng tạo như làm trâu lá đa, xếp châu chấu từ lá dứa… Việc vui chơi lành mạnh hòa hợp với thiên nhiên giúp học sinh hoàn thiện nhân cách, nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, tăng sự hào hứng trong học tập và sinh hoạt thường ngày.
Dù chứa đầy tính hấp dẫn và bổ ích, nhưng đứng trước sự thay đổi của bối cảnh xã hội, nhiều trò chơi dân gian dần bị mai một, thậm chí biến mất khỏi cộng đồng. Việc khai thác những nét đẹp văn hóa, đưa chúng đến gần hơn với lứa tuổi học trò có tác dụng làm sống dậy, thổi hồn vào một trong những di sản quý giá và đáng trân trọng mà ông cha ta đã để lại.
Có kinh nghiệm trong công tác xây dựng các chương trình giảng dạy về văn hóa Việt và trò chơi dân gian, TS Lư Thị Thanh Lê, Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN nhận định một bộ phận không nhỏ các cơ sở giáo dục công lập và tư thục tại Hà Nội đã tích cực trong việc đưa trò chơi dân gian vào trường học trong những năm vừa qua.
Dù vậy, chỉ một số ít trường thể hiện tính tiên phong, cũng như đủ điều kiện để xây dựng chương trình một cách đầu tư, bài bản. Phần đa các trường đang dừng lại ở việc lồng ghép trò chơi dân gian Việt Nam vào chương trình ngoại khóa, dã ngoại, sự kiện hoạt động trong nhà trường.
Theo vị chuyên gia này, có rất nhiều thuận lợi trong công tác triển khai trò chơi dân gian vào trường học trong thời điểm hiện tại. Về phía học sinh, đó có thể là sự yêu thích, hứng thú của các em đối với những hoạt động bổ ích về văn hóa. Các hoạt động độc đáo này đang được nhiều nhà trường chú trọng bởi chúng tạo nên sức hút với học sinh và làm nên điểm đặc sắc của mỗi ngôi trường.
“Về khía cạnh chính sách, vấn đề giáo dục văn hóa địa phương được thúc đẩy trong thời gian qua đã tạo nhận thức, sự đồng thuận của các nhà quản lý cũng như đội ngũ giáo viên giảng dạy trò chơi dân gian. Hiện nay, có rất nhiều chương trình hỗ trợ giúp các nhà trường thực hiện dự án, chương trình kết nối nhằm tích hợp văn hóa vào các hoạt động giáo dục”, TS Lư Thị Thanh Lê phân tích.
Bên cạnh thuận lợi, có không ít thách thức đã được nhận diện trong công tác triển khai trò chơi dân gian trong nhà trường. Từ góc nhìn của nhà quản lý giáo dục, bà Đặng Thị Thu Trang cho biết một số khó khăn chính có thể kể đến như hiện tại vẫn chưa có nhiều tư liệu tham khảo được biên soạn chi tiết, hấp dẫn để thầy cô và các em học sinh tham khảo.
Đội ngũ giáo viên trẻ chưa có nhiều trải nghiệm về trò chơi dân gian, chưa nghiên cứu sâu sắc sẽ gặp khó trong công tác tổ chức lớp đa dạng, tạo được sự hứng thú với môn học. Ngoài ra, trong tình thế các loại trò chơi hiện đại lan tràn, việc tạo ra sức hấp dẫn từ trò chơi truyền thống đòi hỏi đội ngũ biên soạn và giáo viên sự tâm huyết, sáng tạo.
Trong bối cảnh hội nhập, học sinh được tiếp xúc nhiều với văn hóa nước ngoài, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học gợi sự quan tâm về văn hóa Việt, tạo mối liên hệ với quê hương đất nước qua những trải nghiệm văn hóa. Đồng thời, các em học sinh cũng được giáo dục về truyền thống, kỹ năng, các cách ứng xử xã hội. Có thể thấy các trò chơi này thực sự có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục.
Tuy nhiên, theo TS Lư Thị Thanh Lê, một thách thức không thể không nhắc đến khi triển khai chương trình trò chơi dân gian trong các nhà trường là tư duy không coi hoạt động giáo dục này như một hình thức thu nhập kiến thức của học sinh.
TS Lư Thị Thanh Lê |
Vẫn còn nhiều cơ sở, nhà quản lý có quan niệm chỉ những môn Toán, Anh, Văn… mới là môn học chính, còn dạy văn hóa, trò chơi dân gian là hoạt động bổ trợ, tăng cường, chỉ cần giới thiệu qua để học sinh nắm được. Cần thay đổi nhận thức về việc giảng dạy trò chơi dân gian, coi đây là môn học có vị trí quan trọng như các môn học văn hóa khác. Điều này sẽ mang đến nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai của nhà trường, khích lệ đội ngũ giáo viên nghiên cứu, tìm tòi, trong công tác giảng dạy.
“Hiện Bộ GD&ĐT đã có chính sách phát triển nội dung giáo dục địa phương vào khung chương trình phổ thông, tôi rất mong các nhà trường sẽ tận dụng tốt cơ hội này, đưa giáo dục văn hóa, đặc biệt là giáo dục trò chơi dân gian vào chương trình giảng dạy chính khóa để học sinh thu được những lợi ích lớn nhất từ văn hóa dân tộc”, TS Lư Thị Thanh Lê kỳ vọng.