Đây không phải lần đầu tiên, Tư lệnh hai ngành ngồi với nhau để bàn về vấn đề này.
Trước đó, hai đơn vị đã có những cam kết mạnh mẽ thông qua bản Ký kết Chương trình phối hợp hoạt động Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2017-2020 được ký vào đầu năm 2017.
Thông qua chương trình hợp tác, hai Bộ đã tăng cường phối hợp trong việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và lĩnh vực công thương để đảm bảo lồng ghép hiệu quả, khả thi các chính sách phát triển ngành Công Thương với chính sách khoa học và công nghệ, trong đó tập trung xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm.
Quang cảnh buổi làm việc giữ Bộ Công Thương và Bộ Khoa học & Công nghệ |
Có thể khẳng định, hiện nay, vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại ngày càng gia tăng theo chiều hướng tinh vi. Trong thời gian qua, hai đơn vị đã có những hợp tác chặt chẽ, chủ động trong công tác này, mang lại những hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn tồn tại những hạn chế về vi phạm SHTT, kinh doanh hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng. Nó hiện hữu không chỉ ở những đô thị lớn mà cả vùng sâu, vùng xa.
“Vi phạm SHTT trở thành hiện tượng tương đối nhức nhối trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng” Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhận định. Và, đó cũng là những yêu cầu bức thiết trong thời gian tới đây.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh báo cáo tại buổi làm việc |
Nhận thức được tình hình, mới đây, Tổng cục QLTT vừa ký Quyết định 3972/QĐ-TCQLTT phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền SHTT đến hết năm 2020. Trong đó, hàng trăm tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng nhái tại 20 tỉnh, thành phố sẽ được Tổng cục QLTT triển khai kiểm tra đến hết tháng 12/2020.
Theo kế hoạch này, các mặt hàng sẽ nằm trong diện đấu tranh, kiểm tra, xử lý là mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví và các loại mặt hàng khác có xuất hiện tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Quyết tâm thực hiện chiến dịch này, Tổng cục QLTT cũng đặt ra mục tiêu cụ thể:
Đến hết tháng 03 năm 2020, 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không tái phạm; 100% số cơ quan, chính quyền, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm... tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết, quy chế phối hợp không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai, vi phạm tái diễn.
Đến hết tháng 6 năm 2020: 50% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 70% số cơ sở kinh doanh đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.
Đến hết tháng 12 năm 2020: 90% đến 100%số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng đề xuất Bộ Khoa học & Công nghệ cần nâng cao chế tài đủ sức răn đe, bởi với mức phạt 200 triệu đối với hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ còn tương đối thấp. “Cần nâng cao chế tài xử phạt và có thể xử lý hình sự nếu tái phạm” Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đề xuất.
Cũng theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, một vấn đề nghịch lý đã và đang xảy ra trong thực tiễn kiểm tra kiểm soát mà lực lượng QLTT gặp phải đó là tình trạng hàng lậu khi bị tịch thu không có xuất xứ, nhãn mác. Khi bị tịch thu, sản phẩm trở thành tài sản nhà nước được mang đi đấu giá và đưa vào lưu thông sau đó lại bị bắt giữ. Để khắc phục tình trạng này, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đề xuất “Cần có cơ quan gắn mác cho sản phẩm sau khi bị tịch thu”.
Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu |
Đồng tình với những ý kiến của Bộ Công Thương cũng như Kế hoạch đấu tranh mà Tổng cục QLTT đã đề xuất trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh đề nghị đầu mối của 2 Bộ cần có những biện pháp thực tiễn để tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa hai đơn vị. Đặc biệt, phải làm từ gốc, có nghĩa, trước tiên cần tuyên truyền đến người dân và DN để người dân và DN hiểu và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề hàng giả, vi phạm xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT.
Đối với những vấn đề cụ thể liên quan đến công tác chuyên môn mà Tổng cục QLTT đang thực hiện, Người đứng đầu ngành Khoa học & Công nghệ đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ sẵn sàng hợp tác, trao đổi thông tin để tìm ra hướng đi mang lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, cần tập trung vào lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực SHTT; cung cấp thông tin xung quanh vấn đề thể chế, pháp lý để biến thành kênh trao đổi thường xuyên giữa hai đơn vị, gắn với cơ chế hành chính, có tính hệ thống.
Trước ý kiến của Tổng cục QLTT đưa ra cho rằng, công tác giám định chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đối với những sản phẩm mà lực lượng QLTT cần giám định, khiến cho công tác này có phần chậm chễ, ảnh hưởn đến thời gian công bố sản phẩm có vi phạm hay không. Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ - Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) thừa nhận, thực tế, Viện Khoa học SHTT có 4 vụ có thẻ giám định viên nhưng chỉ có 1 Vụ hoạt động trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, số công chức hoạt động trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được yêu cầu bức thiết hiện nay. Tuy nhiên, đại diện Vụ khẳng định “Trong thời gian tới, dưới mọi hình thức Bộ KHCN sẵn sàng phối hợp tổ chức bồi dưỡng cho Bộ Công Thương đặc biệt Tổng cục QLTT” các vấn đề liên quan đến đào tạo, nâng cao năng lực và các kiến thức liên quan đến SHTT.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị, sau cuộc họp đầu mối hai Bộ cần ngồi lại với nhau để bàn về những câu chuyện cụ thể trong thực tiễn triển khai, kiểm tra, kiểm soát các vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, vi phạm xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT đang tồn tại hiện nay, tìm ra những nút thắt trong quản lý nhà nước, xác định nguyên nhân tồn tại để đưa ra những giải pháp, xác định rõ nhiệm vụ, khả năng cũng như năng lực của mỗi bên. Từ đó xây dựng những danh mục nhiệm vụ cụ thể để 2 đơn vị có thể phối hợp, triển khai một cách nhịp nhàng, thống nhất, hiệu quả trên cơ sở hỗ trợ, giúp đỡ nhau.
Cùng với đó, hai bên cùng nhau rà soát mang tính toàn diện, tổng hợp những mặt được và chưa được, kể cả trong những văn bản quy phạm pháp luật để từ đó tạo nên khung khổ pháp lý chi tiết, cụ thể, giải quyết được từ gốc của vấn đề.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là Tổng cục QLTT phải tổ chức bài bản từ khâu tuyên truyền, tổ chức thực hiện để từ đó điều chỉnh hành vi đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phân phối các sản phẩm có nguy cơ bị xâm phạm SHTT. Xây dựng ngay danh mục nhiệm vụ, căn cứ theo lộ trình đó để thấy trách nhiệm của các các bên trong quá trình triển khai để mang lại hiệu quả cao nhất.