Lợi ích từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - với thương mại điện tử và kinh tế số là rất lớn. Song, những thách thức từ các cam kết hội nhập - với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chất lượng cao đặt ra những yêu cầu mới để quản lý và làm lành mạnh hóa cả thị trường truyền thống và phi truyền thống, trong đó có việc đi tìm giải pháp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại tại thị trường Việt Nam.
Nhiều lực lượng quản lý gây chồng chéo
Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát, xử lý và phòng ngừa tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm bản quyền, gian lận thương mại - được các cơ quan chức năng nhấn mạnh đó là củng cố, tăng cường sức mạnh của đội ngũ quản lý thị trường từ Trung ương tới địa phương về cả số lượng và chất lượng gắn với liên kết, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Tổng cục đã có các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn hàng giả, điển hình là ra mắt cổng thông tin điện tử. Theo đó, bất cứ một đội quản lý thị trường nào trên cả nước sau khi phát hiện, bắt giữ hàng giả có thể đưa toàn bộ thông tin lên để các đơn vị khác trong Tổng cục biết, từ đó tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động, số lượng của các đối tượng buôn bán hay làm hàng giả.
Tiếp đến, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp để cập nhật các sản phẩm để có thông tin cụ thể về các sản phẩm đang lưu hành cũng như chuẩn bị ra thị trường.
Với địa hình khá phức tạp của Việt Nam, nhiều khu vực giáp biên, đường mòn, lối mở, đồi núi quanh co… là nơi các đối tượng kinh doanh phi pháp dễ lợi dụng để tập kết, buôn bán hàng hóa và lẩn tránh cơ quan thực thi pháp luật; Trong khi đó, công tác quản lý thị trường của Việt Nam lại do nhiều cơ quan thực hiện.
Vì vậy, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi nhiệm vụ - cũng là giải pháp được ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan nhấn mạnh, nhằm chặn hàng gian hàng giả từ cửa khẩu biên giới đến thị trường nội địa.
“Nhiệm vụ chống buôn lậu gian lận thương mại ở nhiều quốc gia khác thường được giao đứt cho một lực lượng, nhưng ở Việt Nam lại chia thành nhiều lực lượng. Ở một góc độ nào đó, việc phối hợp nhiều lực lượng có cái hay nhưng cũng có những bộc lộ khe hở để cho bọn buôn lậu thuận lợi trong hoạt động. Khi buôn lậu không có biên giới nhưng khi có các lực lượng ngăn chặn lại trở thành có nhiều biên giới. Tôi nghĩ rằng cách tổ chức của chúng ta cũng có cái yếu mà chính ở các nước phát triển và các chuyên gia đã chỉ ra. Đây là vấn đề lớn cần phải nhìn ra để điều chỉnh trong tương lai nên làm tốt công tác phối hợp hiệu quả và dứt khoát. Việc phối hợp không tốt sẽ tạo ra khe hở rất lớn giữa các ngành”, ông Quang đề xuất.
Chế tài xử lý mạnh, đủ sức răn đe
Cùng với yếu tố nhân lực, sự phối hợp, đồng tâm hợp lực của các cơ quan chức năng thì hoàn thiện khung khổ pháp lý với tiêu chuẩn cao, chế tài xử lý mạnh, đủ sức răn đe là giải pháp quan trọng, song hành. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, trước thực tế phát triển nhanh và mạnh mẽ của loại hình thương mại điện tử đòi hỏi phải có khung phổ pháp lý phù hợp.
Theo Thượng tá Đỗ Đức Tạo, Phó trưởng Phòng, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), cùng với ban hành văn bản pháp luật, phải đào tạo, bồi huấn cho các lực lượng thi hành mới có hiệu quả.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, công tác phối hợp quản lý thị trường cần hiệu quả và dứt khoát. |
“Bộ, ngành chức năng cần kiện toàn văn bản pháp luật để có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, trường hợp nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Về phía cơ quan chức năng cần tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường, nhất là tập huấn về phòng chống hàng gian, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ ở lĩnh vực thương mại điện tử. Lực lượng thực thi nhiệm vụ cần nắm rõ thông tin, địa bàn để có phương án kịp thời phát hiện, kiểm tra xử lý các vụ hàng gian, hàng giả có hiệu quả”, Thượng tá Đỗ Đức Tạo chỉ ra.
Cần phải có sự chung tay vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng một cách mạnh mẽ, trong đó doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ thương hiệu sản phẩm là giải pháp để chống hàng giả và gian lận thương mại được PGS. TS Nguyễn Thị Tú Anh, Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia đưa ra.
Theo bà Anh, khi sản phẩm của doanh nghiệp bị làm giả, bị xâm phạm bản quyền thì người bị hại chính là doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp chưa hiểu biết đã giấu thông tin bị làm giả, hoặc bảo vệ thương hiệu của mình chưa đúng cách chính là cơ hội để hàng giả xâm nhập vào thị trường.
“Trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu với xu hướng giao dịch điện tử rất cần phải có nhận thức, có sự hỗ trợ trong toàn bộ hệ thống chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả. Dưới góc độ các nhà quản lý các nhà lập pháp thì vấn đề hoàn thiện pháp luật rất là quan trọng. Dưới góc độ dưới các lực lượng thực thi phải được thích ứng và hội nhập một cách nhanh chóng. Dưới góc độ các doanh nghiệp cũng cần phải có định hướng chiến lược liên quan trực tiếp tới vấn đề sở hữu trí tuệ; dưới góc độ của người tiêu dùng thì cũng cần phải trở thành nhà tiêu dùng thông thái”, bà Anh chỉ rõ./.