Formosa, 5 tháng nhìn lại

(Ngày Nay) - Sau 5 tháng nhìn lại sự kiện diễn ra tại Formosa, chúng ta vẫn thấy những bài học không bao giờ cũ. Đó là bài học mà vị giám đốc đối ngoại Chu Xuân Phàm của công ty này đã đúc rút giúp người Việt Nam: Được cái này thì phải mất cái kia. Có những lựa chọn một mất một còn trong kinh tế.
Nhiều thuyền của ngư dân tại xã Kỳ Lợi vẫn còn “ngủ bờ” sau sự cố môi trường
Nhiều thuyền của ngư dân tại xã Kỳ Lợi vẫn còn “ngủ bờ” sau sự cố môi trường

Formosa ngày trở lại

Tôi vừa trở về từ Formosa. Gần 5 tháng, kể từ ngày bước chân  vào cổng của doanh nghiệp gây nhiều bức xúc cho người dân về môi trường, những cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn. Từ con đường, vào phía trong khu hành chính, khu sản xuất, 5 tháng sau thảm họa cá chết ven biển miền Trung, đã có nhiều thay đổi. Cổng doanh nghiệp này quang đãng, sạch sẽ hơn. Khác với 5 tháng trước đây, phía trước cổng vào, nhộm nhoạm và lộn xộn. Những xe bồn, xe tải thi công đẩy bụi ra phía con đường thành một lớp trắng xóa, mờ ảo. Chắc hẳn, sự kiểm tra, ra vào liên tục của các cơ quan chức năng vài tháng gần đây khiến doanh nghiệp này phải sửa sang, nhìn cho có vẻ sạch sẽ, dễ nhìn hơn trước.

Lần này, tôi theo đoàn của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vào kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường mà doanh nghiệp do Formosa gây ra. Nhiều tháng sau ngày cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam, Formosa bắt đầu có những động thái khắc phục hậu quả môi trường. Lần này, chắc vì đi với đoàn công tác, nên việc vào doanh nghiệp khá dễ dàng. Bảo vệ đứng dạt hai bên, giơ tay chào rất nghiêm chỉnh. Khác với lần trước, để bước vào bên trong liên hệ công tác, tôi phải bước qua cánh cổng bảo vệ dày đặc, mỗi anh, một máy quay Gopro đeo trước ngực, sẵn sàng ghi hình, kiểm soát toàn bộ người ra vào! Toàn bộ khu công nghiệp rộng hơn 4.400 ha được bao quanh bởi tường rào kín mít. Khách muốn vào tham quan, công tác theo thường lệ là phải đăng ký, rồi bảo vệ xin phép phía bên trong, được phép mới được vào.

Trở lại Formosa trong một tâm thế khác, tâm thế chứng kiến một doanh nghiệp từng cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, và cũng từng cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam vì gây ra thảm họa cá chết trên biển Miền Trung. Tôi nhớ như in ngày đi công tác ở Kỳ Anh khi biển miền Trung còn sặc mùi hôi thối vì cá chết la liệt. Nhìn những người dân miền Trung đi dọc bờ biển, tay vớt cá, những cá mú, cá song, cá vẩu, cá bớp… những khuôn mặt thất thần, đau khổ, tôi khóc. Những con cá là nguồn sống của họ, nay phải tự tay nhặt mang đi chôn. Nặng trĩu những bao tải cá, là nặng trĩu những nỗi lòng ngư dân miền biển. Nhiều người trong số họ, vừa nhặt cá, vừa khóc. Những nỗi hoang mang, bất định đến với họ, và cho đến nay, vẫn chưa thể có câu trả lời.

Mang những tâm tư nặng trĩu của người dân vùng biển, tôi tìm đến cửa Formosa. Thời điểm đó, khu công nghiệp sản xuất gang thép lớn nhất Việt Nam, nằm ngay cạnh biển Vũng Áng, nơi đầu tiên xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt. Cũng là nơi tập trung những mối nghi ngờ của người dân về việc xử lý môi trường. Trên con tàu ra biển lặn tìm ống xả thải ngầm dưới đáy đại dương của Formosa, ngư dân kể, họ chứng kiến cảnh ống xả thải này từ khi nó được đặt xuống, cho đến khi từ miệng ống liên tục xả ra những thứ nước đục màu xanh vàng phì phì ra biển. Cũng đã có người tìm gặp lực lượng chức năng, báo cáo về ống xả thải ngầm, thậm chí còn vẽ cả sơ đồ cho cơ quan quản lý, thế nhưng, như đá ném ao bèo, mọi chuyện gần như không ai chịu để ý. Chỉ có người dân ở đây cảm nhận sự thay đổi của biển từng ngày. Những tôm cá, những sinh vật ở vùng biển ngày một ít dần, cuộc sống của họ cũng ngày một khó khăn hơn.

Ký ức Chu Xuân Phàm

Tôi gặp ông Chu Xuân Phàm vào khoảng 8h sáng ngày 25/4. Ấn tượng ban đầu, Chu Xuân Phàm nói tiếng Việt rất sõi. Ông thậm chí còn biết nhiều tiếng lóng của người Việt. Trao đổi với chúng tôi, ông Phàm bằng một phong thái rất tự tin, chia sẻ: Formosa sẵn sàng cung cấp mọi thông tin cho báo chí, nhưng để anh phải xin phép sếp của anh đã. Tất cả từ trên xuống dưới đều làm theo quy định của Việt Nam, quy chuẩn của Việt Nam. Nếu chúng tôi làm sai quy định, thì Ok, sẵn sàng chịu trách nhiệm. Nhưng để cung cấp thông tin thì phải xin phép lãnh đạo, em phải chờ!

Ông Phàm liên tục nhấn mạnh ý, Formosa đã đầu tư cả chục tỷ đô la Mỹ để xây dựng khu công nghiệp này, đầu tư 45 triệu đô la Mỹ để xây dựng hệ thống xử lý chất thải thì dại gì không vận hành, để xảy ra sự cố như vậy! Nghi ngờ cho Formosa, quả thật là oan cho doanh nghiệp này.

Tôi đề cập đến thắc mắc của ngư dân địa phương là tại sao mà trước khi các anh xây dựng hệ thống xử lý thì, họ là những người lặn biển, thì họ lặn bắt được rất nhiều các loài sinh vật tôm cá, thế nhưng mà hiện tại khi họ lặn xuống thì xung quanh khu vực các anh xả thải không hề có sinh vật nào sống?

Chu Xuân Phàm, nhìn tôi, rồi ngừng lại giây lát, ông đảo mắt tìm bút. Rồi đi thẳng đến bảng trắng ở ngay phía sau lưng. Với phong thái mạnh mẽ của một người nắm rõ khu vực mình quản lý, ông Phàm vẽ lên bảng sơ đồ khu công nghiệp Formosa, rồi vẽ vùng biển Vũng Áng bao quanh. Ông chỉ vào đó, trả lời: "Nhiều khi á, được cái nọ thì mất cái kia. Anh nói rất thật lòng. Tôi không thể nào xây dựng được một cái nhà máy thép ở đây mà biển ở xung quanh vẫn còn nhiều cá, nhiều tôm, em có đồng ý hay không?  Đương nhiên ấy, là mình cố gắng trên một phương pháp làm theo quy định hiện hành, đạt được tiêu chuẩn, quy định của nhà nước. Cố gắng! Nhưng mình có khi phải lấy cái gì để mà đổi cái dự án này. Anh nói thật lòng là thế. Tại sao em không hỏi anh hồi xưa chỗ này ngày xưa một năm trồng được một vụ lúa tại sao bây giờ không trồng được vụ nào nữa? Đúng không? Đã xây thành nhà máy rồi mà, còn trồng lúa gì nữa? Em có đồng ý anh không. Nhiều khi, mình không được cả hai, mình phải lựa chọn, tôi bắt cá bắt tôm, hay có tôi muốn xây một nhà máy thép hiện đại."

Liên tục gõ bút vào bảng, Chu Xuân Phàm như muốn khẳng định lại một lần nữa, ở đây, là khu công nghiệp Formosa, chúng tôi đã xây dựng khu công nghiệp ở đây rồi thì việc đòi hỏi có cá tôm, là điều không tưởng! Đến Thủ tướng còn không giải quyết được cơ mà.

Sự chia sẻ được cho là thật lòng của ông Phàm, khiến những người có mặt ở trong phòng họp, đưa mắt nhìn nhau. Tôi cảm thấy mặt mình rần rật nóng. Cho đến lúc này, hình ảnh của người đàn ông cao to, liên tục gõ bút mạnh mẽ, rồi lắc đầu, nhún vai tỏ ra ngao ngán khi tôi lựa chọn cả hai thứ cá và thép vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi. Và có lẽ, sẽ chẳng bao giờ tôi quên được thứ cảm xúc ngày hôm đó. Có chút gì đó bẽ bàng, chút gì đó, cảm thấy ngao ngán, chạnh lòng trước câu trả lời thẳng tưng của doanh nghiệp.

Mệnh đề “chọn cá hay chọn thép” sau này trở nên nổi tiếng. Ông Chu đã xin lỗi; Formosa cũng đã xin lỗi. Nhưng có những thứ không thể cứu chuộc được.

Formosa, 5 tháng nhìn lại ảnh 1Bộ trưởng Trần Hồng Hà thị sát tại nhà máy của Formosa Hà Tĩnh

Lựa chọn một mất một còn

Vụ việc của Formosa chưa hết nóng, thì gần đây dư luận lại sục sôi, khi ông Lê Phước Vũ của Tôn Hoa Sen mong muốn làm thép ở Cà Ná. Ông Vũ, với câu nói cũng gây tranh cãi không ít "ngu gì mà không làm thép" cũng khiến không ít người cảm thấy bức xúc, và lo ngại cho môi trường biển nếu như khu liên hợp thép ở Cà Ná đi vào hiện thực.

Formosa có thể “khắc phục” 58 hạng mục được điểm danh là vi phạm. Thái độ của họ có thể đã thay đổi với cánh cổng thân thiện hơn. Nhưng nỗi đau của ngư dân thì chưa, hay là sẽ không thể “khắc phục” được.

Trở lại Formosa sau 5 tháng, tôi nhận ra một thực tế mà ông Chu Xuân Phàm đã nhắc đến: Đó là cái lựa chọn “cá và thép” là thứ lựa chọn “bước chân đi cấm kỳ trở lại”. Ông Phàm đã dùng một hình ảnh mạnh hơn, chính xác hơn, rộng hơn để nói về những lựa chọn trong quy hoạch kinh tế vĩ mô: “Đã xây thành nhà máy rồi mà, còn trồng lúa gì nữa?”.

Ông Chu Xuân Phàm trong một đoạn nói với tôi đã dùng đến 2 chữ “thật lòng”. Có lẽ đúng là ông thật lòng. Và cái sự thật lòng ấy của một nhà đầu tư, không chỉ nói riêng về dự án Formosa.

Bạn có thể thay thế “nhà máy” bằng sân golf, thuỷ điện, thay cá và lúa bằng đời sống của nhiều cộng đồng bị di dời, bằng những đánh đổi về môi sinh khác. Bất kỳ quyết định nào cũng “phải có cái gì mà đổi” chứ, theo lời ông Phàm. Và những lựa chọn ấy, nhiều khi không thể vãn hồi.

Lỗ hổng về mặt luật pháp về môi trường, đã tồn tại nhiều năm, qua nhiều đời Bộ trưởng. Cộng với tư duy quản lý môi trường trước đây, khiến cho nhiều doanh nghiệp khi lập dự án, đã mang tâm thế lấy phí môi trường, lao động giá rẻ để tạo lợi nhuận lớn. Và nếu như chúng ta tiếp tục đối soát như hiện tại, thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc như những tuyên bố điển hình của Chu Xuân Phàm, hay ông Lê Phước Vũ. Chúng ta sẽ phải đánh đổi trước các quyết định, chứ không thể “vừa có cá, vừa có thép”.

Tiếc rằng vẫn có nhiều lựa chọn đánh đổi đã được đưa ra một cách khó hiểu và đến khi cái giá phải trả quá đắt người ta lại không thể chỉ được đích danh ai đã đưa ra cái lựa chọn “một mất một còn” ấy.

Tôi còn nhớ trước khi dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy, Chu Xuân Phàm còn nhắc lại khẩu hiệu phía bên trong công ty, bao gồm 16 chữ, đại ý của ông dịch: Chúng mày cứ chăm làm đi, đừng có khoe khoang sĩ diện! Nhưng ông Phàm, khi dẫn chúng tôi đi quanh khu công nghiệp Vũng Áng, đến cảng Sơn Dương, ra khu quan trắc xử lý chất thải tự động đã nói rất nhiều về việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải cả chục triệu Mỹ kim, đến việc làm những nhà mái vòm cao và rộng giữa khuôn viên để chứa than và chứa nguyên liệu! Tóm lại, đại ý ông nói với chúng tôi, Formosa là doanh nghiệp chuẩn chỉnh trong vấn đề chấp pháp về môi trường. Nếu lực lượng chức năng mà phát hiện ra sai phạm, họ sẵn sàng chấp hành! Và để tìm ra đầy đủ sai phạm, cho đến tận bây giờ theo tôi là không hề dễ dàng. Bởi hệ thống quan trắc, xử lý môi trường của Formosa, trong giai đoạn vận hành thử nhưng mỗi ngày, đã xả ra hàng chục nghìn mét khối nước thải.

Chưa kể chất thải rắn, khí thải công nghiệp, ở thời điểm đó, không một lực lượng chức năng nào của Việt Nam kiểm soát, giám sát, ngoài việc Formosa tự quan trắc rồi gửi số liệu lên cơ quan chức năng để báo cáo. Với cơ chế đối soát như vậy, thật khó lòng phát hiện ra vi phạm của doanh nghiệp này nếu như họ cố tình xả trộm ra môi trường.

Chúng ta đang đứng trước nhiều lựa chọn khác. Những đại dự án đang được chờ phê duyệt. Và tôi, như một người dân, chỉ biết hy vọng, rằng sẽ đến lúc không phải ngơ ngác hỏi nhau: Đã xây thành nhà máy rồi, còn trồng lúa gì nữa?

 Bùi Lan Anh (theo Ngày Nay)

TIN LIÊN QUAN
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Pháp: Châu Âu cần bớt lệ thuộc vào Mỹ
(Ngày Nay) - Tổng thống Pháp cho rằng châu Âu cần cần thay đổi quy mô phòng thủ giúp châu lục này thiết lập đối thoại với các nước thứ ba, bớt lệ thuộc vào Mỹ và có khả năng đương đầu tốt hơn với các mối đe dọa.
UBND tỉnh Quảng Trị, T&T Group và Công ty năng lượng SK E&S ký kết hợp tác đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh
Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK
Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.