Các cây xanh được trồng dựa trên các căn cứ khoa học cụ thể, phù hợp với đặc điểm hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học, theo quy trình đầy đủ về chăm sóc, theo dõi, quản lý tại từng địa phương. Qua đó góp phần thực hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong hành động hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại các Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) và hưởng ứng “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021-2030” do Liên hợp quốc phát động.
Với khẩu hiệu “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động bảo vệ môi trường”, 3 năm qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã huy động các nguồn lực xã hội hóa để trồng hơn 997.400 cây tại gần 30 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Tuyên Quang, Hà Giang, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bến Tre…
Bộ chủ động phối hợp các cơ quan, tổ chức, địa phương phát triển phong trào trồng cây trên phạm vi toàn quốc; đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn về lĩnh vực lâm nghiệp xây dựng đề án quản lý cây xanh khả thi và hiệu quả cao. Tất cả diện tích rừng được trồng đều ký cam kết, giao cho Ban Quản lý rừng, địa phương, người dân chăm sóc, bảo vệ và xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng, ước lượng lượng hấp thụ carbon, tình hình sinh trưởng hàng năm của rừng trồng.
Bộ đã xây dựng bản đồ quản lý cơ sở dữ liệu, theo dõi sinh trưởng và phát triển cây, góp phần giúp tổ chức, người dân quản lý rừng theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Trên cơ sở xây dựng bản đồ quản lý sinh trưởng và phát triển cây Bộ tạo lập Website:tycayxanh.tainguyenmoitruong.gov.vn là địa chỉ kết nối giữa các tổ chức, địa phương và người dân có mong muốn đầu tư phát triển rừng bền vững tạo sinh kế, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo biên giới.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang trồng 100 cây lâu năm, bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế và tạo cảnh quan môi trường tại Khu quần thể sinh thái - tâm linh Tây Yên Tử; phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh trồng 300 cây hoa ban tím tại quê hương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Giót và 10.000 cây phi lao chắn sóng (trong tổng dự án trồng 120.000 cây phi lao) tại bãi biển Song Yên, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên.
Các đơn vị chức năng của Bộ đã thực nhiều hoạt động trồng cây; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, địa phương phát triển phong trào trồng cây như chương trình “Tết trồng cây” hàng năm, chương trình “Một triệu cây xanh cho Việt Nam”, “Hành động vì một Việt Nam xanh”… Điển hình là chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” nhằm hiện thực hóa sứ mệnh đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam và cam kết “Green Impact” của Tập đoàn Panasonic với mục tiêu giảm phát thải CO2 vào năm 2050 ở mức hơn 300 triệu tấn, tương đương khoảng 1% tổng lượng phát thải toàn cầu hiện tại.
Trong tháng 3 và tháng 4/2024, Panasonic Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trồng tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn (tỉnh Phú Thọ), Vườn Quốc gia Bến En (tỉnh Thanh Hóa) 5 ha cây bản địa như dổi, trẩu, lim với tổng số lượng hơn 16.000 cây. Đây là chương trình trồng cây với quy mô lớn toàn quốc tại 20 tỉnh, thành phố được Panasonic Việt Nam thực hiện từ năm 2022-2024. Đã có 700.000 cây được trồng tại các Khu Bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Vườn Quốc gia trên cả nước./.