Dõi theo những bước thăng trầm của lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam trong hơn 60 năm qua, TS Nguyễn Chí Công đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Ngày Nay về dấu mốc đầu tiên của lĩnh vực này. Vị chuyên gia kỳ cựu cũng chia sẻ nhận định của ông qua các vấn đề như nút thắt của ngành CNTT, hay sự đổi mới cần thiết trong giáo dục để bắt kịp những chuyển biến trên thế giới.
_____________________
“Nếu không có máy tính, chúng ta không thể khai thác dầu mỏ, hoàn thiện cầu đường hay quản lý nhà máy thủy điện…”
Thưa TS Nguyễn Chí Công, được coi như “pho sử sống”, cũng là người chứng kiến quá trình hình thành và phát triển CNTT ở Việt Nam cho đến hiện tại, ông có thể chia sẻ một điểm mốc ấn tượng trong suốt hành trình này?
- Kể từ năm 1960, Việt Nam có kế hoạch để các sinh viên ra nước ngoài học về CNTT nhưng phía Liên Xô chưa đồng ý ngay. Vào bối cảnh thời đó, Trung Quốc hầu như cũng chưa có tiến bộ gì về lĩnh vực này và có thể nói chúng ta đã có những bước đi sáng suốt từ rất sớm. Trên thế giới, Liên Xô và Mỹ là hai siêu cường đang chạy đua vũ trang mạnh mẽ. CNTT của Liên Xô bấy giờ đứng đầu các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa, họ là nước phóng vệ tinh đầu tiên và đi đầu trong việc đưa con người lên vũ trụ.
Dù ủng hộ chúng ta ở nhiều mặt, những riêng với ngành CNTT, Liên Xô không dễ cho sinh viên nước ngoài theo học. Thậm chí, tin tức về ngành này từng khá hiếm hoi đối với đại đa số người dân Liên Xô. Trong tình cảnh ngặt nghèo đó, nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, nước bạn mới hứa sẽ tặng một máy tính và nhận 9 thực tập sinh đầu tiên sang học về CNTT. Tuy nhiên, những người này không hề được học cách tạo ra máy tính mà chỉ được học cách sử dụng và bảo trì.
Trong số nghiên cứu sinh tại Liên Xô hồi đó có thầy Nguyễn Bá Hào làm luận án về lập trình tại ĐH Tổng hợp Lomonosov và năm 1962 trở thành phó tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam về CNTT. Sau khi về nước thầy đã đề nghị dạy môn Tin học trong Bộ môn Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và năm 1967 thầy có 4 sinh viên đầu tiên tốt nghiệp. Những người này là thế hệ đàn anh của tôi, về sau các anh đều là lãnh đạo ngành CNTT ở Việt Nam. Còn thầy Hào chuyển sang trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nơi có thêm các môn Lập trình và Máy tính Điện tử từ năm 1970.
TS. Nguyễn Chí Công bên chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam |
CNTT là ngành đóng góp trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Nhưng có lẽ vì lý do thời cuộc nên rất nhiều công lao của các thế hệ nhà khoa học, kỹ sư CNTT chưa được thông tin và nhận thức đầy đủ?
- Có thể nói như vậy. Ngành CNTT có đóng góp rất lớn lao, không chỉ đem lại tiền bạc của cải ở thời bình mà còn ở vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tưởng tượng nếu không có máy tính thì chúng ta khó mà có thể khai thác dầu mỏ, hoàn thiện cầu đường hay quản lý những đại công trình thời đó như Nhà máy Thủy điện Sông Đà. Bên cạnh đó, còn phải kể đến những chiến công thầm lặng của Quân đội và Công an Nhân dân mà chưa nhiều người được biết.
Cũng vì lý do đó mà tôi thành lập Bảo tàng Công nghệ thông tin để tri ân những nhà khoa học, kỹ sư mà có thể công chúng đã hoặc chưa từng nghe đến tên. Các sử gia, nhà nghiên cứu trong ngoài nước khi đến bảo tàng thăm quan đều ngạc nhiên trước diễn trình phát triển CNTT của Việt Nam trong quá khứ.
Những mốc son của ngành được TS Công trân trọng |
Có một điều TS hầu như chưa chia sẻ với báo chí, đó là việc ông là một trong những người tham gia cải tiến hệ thống ấn loát trong nước, chuyển từ kỹ thuật in trên bản kẽm sang in điện tử. Điều gì khiến ông nhìn thấy tiềm năng ở công nghệ này từ đầu những năm 80?
- Tôi vốn thích hội họa từ bé, thích sưu tầm những bức tranh, cuốn sách đẹp. Sau này cụ thân sinh khuyên tôi theo ngành kỹ thuật, nhưng với “máu” nghệ sĩ trong người, tôi nhận thấy chất lượng in dập sách vở trong nước thời đó không đồng đều, nhiều sản phẩm kém.
Vào năm 1982, tôi quay trở sang châu Âu lần nữa, nhờ đó biết về sự ra đời của Adobe, nay họ đã thành tập đoàn phần mềm lớn trên thế giới. Hai nhà sáng lập Adobe chỉ là những nhà toán học “hạng trung” ở Mỹ những đã nhanh nhạy tiếp thu thành quả từ một kỹ sư người Pháp tên là Bézier. Bézier đã dùng lại một tư tưởng có từ thời Newton, Leibniz, đó là mọi đường cong chẳng qua là những đường thẳng ghép lại. Ông đã phát triển các đường cong Bézier để thiết kế mẫu thân xe và các bộ phận xe hơi bằng máy tính…
Vào những năm 1960, Bézier đã phát triển UNISURF CAD, một trong những phần mềm thiết kế đồ hoạ đầu tiên. Năm 1968, thân xe mẫu Peugeot 204 được thiết kế hoàn toàn bằng UNISURF...
Nhưng hai nhà sáng lập của Adobe rất nhanh nhạy, họ tạo ra loại ngôn ngữ gọi là ngôn ngữ mô tả trang giúp chúng ta có thể mô tả bất cứ hình dáng, màu sắc nào bằng các vector toán học mà máy tính dễ dàng xử lý để tái hiện và lưu trữ. Nhờ đó, Adobe ngày nay trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực này, có giá trị hàng chục tỷ đô.
Trao đổi với những vị khách đến tham quan bảo tàng |
Giáo dục cần phải thay đổi
Và sau đó là quá trình ông đưa sáng kiến này về Việt Nam? Liệu có khó khăn nào trong giai đoạn ban đầu không, thưa TS. Nguyễn Chí Công?
- Dù rất triển vọng nhưng bước đầu mang công nghệ về Việt Nam rất khó khăn. Chúng tôi bắt tay vào tự làm, dù bối cảnh lúc đó không có nhiều nguồn lực cho việc này. Trong 10 năm tiếp theo, đơn vị của tôi và các cộng sự vẽ được khoảng 500 bộ chữ. Một số trong đó là các chữ mà các cơ quan, nhà in hiện nay vẫn đang dùng.
Một góc trưng bày tại Bảo tàng Công nghệ thông tin |
Đến năm 1995, tôi tham gia thiết kế thành công đường mạng đầu tiên cho Báo Nhân Dân và Quân đội Nhân dân. Lần đầu tiên 8 thành phố Việt Nam nối lại, có thể soạn báo từ xa và in ngay trong đêm, khác với trước kia là phải chuyển báo bằng các phương tiện vận tải hàng hoá. Lúc đó không ai tin Việt Nam bị cấm vận lại có thể tự làm được mạng, chính nhờ điều này tôi được tin tưởng bầu làm Trưởng tiểu ban mạng của Chương trình quốc gia về CNTT. Có thể nói những công nghệ đang phổ biến và thiết yếu hiện tại nhưng thực ra từ thập niên 80, 90 chúng tôi đã có sự chuẩn bị để đưa về, từ in ấn đến internet.
Từ góc nhìn của người được tiếp thu CNTT từ rất sớm, với nhiều năm học tập, làm việc trong môi trường quốc tế, ông nhận thấy nút thắt về CNTT ở nước ta là gì?
Trong thập niên 70, TS. Nguyễn Chí Công là một trong những người tiên phong chế tạo máy vi tính đầu tiên của Việt Nam cũng như châu Á. Ông cũng là Trưởng ban Khoa học công nghệ Hội Tin học Việt Nam, Trưởng tiểu ban mạng của Chương trình quốc gia về CNTT, Thủ lĩnh tin học đầu tiên của Tập đoàn FPT...
- Chúng ta đang lạc hậu trong khi thế giới thay đổi rất nhanh. Giới trẻ thế giới ngày nay đã có tư duy toàn cầu hóa, sản phẩm họ sáng tạo ra không phụ thuộc nước nào cả và có thể dùng ở mọi quốc gia, đó là tư duy rất khác chúng ta. Chúng ta đa phần sáng tạo để phục vụ nhu cầu của một cá nhân, cơ quan, tập thể nào đó, chính vì thế mà sau không bán được cho ai cả vì duy nhất nhóm đó nảy sinh vấn đề như vậy.
Các nhà khoa học Việt Nam như chúng tôi đôi khi phải giải những vấn đề cực khó, nhưng lại chỉ dùng được duy nhất một lần. Ở những nước khác, đặc biệt là Mỹ, khi làm một cái gì đó họ đều nghĩ phải bán được nhiều lần, đôi khi không cần tốt nhất nhưng cần rẻ và nhanh nhất.
Vậy còn nút thắt về giáo dục? Được biết, ông là chuyên gia thường xuyên được mời phỏng vấn, cố vấn về lĩnh vực này trong những năm gần đây?
- Chúng ta đang đánh mất nguồn lực để chạy theo rất nhiều ngành trong tương lai dễ dàng bị thay thế. Những nghề rất dễ biến mất trong thời gian tới lại là những nghề chúng ta đang khuyến khích con cháu đổ xô đi học, ví dụ như ngành phiên dịch hay thậm chí, bác sĩ.
Tôi lấy ví dụ, trong tương lai, đại đa số chúng ta không cần đến khám bác sĩ. Chỉ có những bệnh tật rất đặc biệt, máy tính chưa có dữ liệu mới cần bác sĩ. Đối với những triệu chứng đã có hàng nghìn, hàng triệu bệnh án thì máy tính có thể trả lời chính xác hơn con người, đưa ra lời khuyên hữu hiệu về cần uống thuốc gì, liều bao nhiêu… Như vậy, đội ngũ bác sĩ sẽ dần thu hẹp, chỉ cần đến một số ít người sở hữu chuyên môn siêu giỏi.
Giáo dục cần phải thay đổi, tôi đã nói điều này từ cách đây 40 năm. Chúng ta nói nhiều về công nghiệp hóa nhưng dường như chưa hiểu đúng về nó. Công nghiệp hóa là biến những cái tưởng rất khó thành rất dễ, là tinh thần teamwork, mỗi người một khâu. Như công ty TSMC Đài Loan bán mỗi phôi chip thôi, nếu không ai cần thì nền kinh tế của họ có thể sụp đổ, nhưng trên thực tế cả thế giới đang tranh mua phôi chip TSMC vì vừa rẻ vừa tốt. Nếu chúng ta đào tạo ra thế hệ cái gì cũng biết nhưng không chuyên là sai lầm, bởi kiếm người toàn tài vô cùng khó.
Bảo tàng Công nghệ thông tin (89 ngõ 41 Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) hiện đang trưng bày hơn 200 hiện vật, hình ảnh trong số gần 1000 hiện vật mà TS. Nguyễn Chí Công sưu tầm, lưu giữ suốt hàng chục năm qua. Trong vòng 3 năm vừa qua, bảo tàng đã đón tiếp hàng ngàn lượt khách tới tham quan và nghiên cứu về lịch sử CNTT ở Việt Nam và thế giới.