Người dân cần 'vào cuộc' để cứu các dòng sông Hà Nội

Tình trạng ô nhiễm sông trên địa bàn Hà Nội không phải đến bây giờ mới được đề cập. Thời gian qua, TP đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm của các con sông song hiệu quả mang lại vẫn chưa được triệt để. Việc sớm tìm ra biện pháp “giải cứu” khỏi tình trạng ô nhiễm nặng nề từ các dòng sông mang lại là hết sức cần thiết.

Vấn đề ô nhiễm các dòng sông có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân chưa được quan tâm nhiều.
Vấn đề ô nhiễm các dòng sông có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân chưa được quan tâm nhiều.

Hệ lụy từ nước thải

Theo các chuyên gia môi trường, Thủ đô Hà Nội có hệ thống sông ngòi dày đặc, ngoài một số sông lớn bao quanh TP như: sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy..., một số sông trong nội đô như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, Sông Lừ, sông Sét... cũng từng là những tuyến cảnh quan mặt nước hấp dẫn trong quá trình phát triển của Hà Nội. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là, đến nay những dòng sông này chủ yếu chỉ tồn tại với chức năng… thoát nước thải.

Theo ghi nhận thực tế, dọc hai bờ sông Tô Lịch hiện có hàng trăm ống xả thải của các hộ dân sống ven bờ. Hệ thống cống xả của các nhà hàng, quán ăn ngày đêm hoạt động, nhiều chỗ nước thải dồn bọt trắng xóa trên sông. Không riêng gì Tô Lịch, nhiều đoạn của những con sông khác trên địa bàn Hà Nội cũng không khác nào “sông chết”. Sông Kim Ngưu là một ví dụ. 

Theo nghiên cứu, cứ 1km sông Kim Ngưu lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp ra lòng sông. Qua tìm hiểu, sông Kim Ngưu hiện cũng đang phải gánh đồng thời một lượng nước thải lớn. Do nước thải được xả thẳng, không qua xử lý từ các tuyến đường như Lò Đúc, Trần Khát Chân... nên gây ô nhiễm nặng, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Dễ thấy nhất là vào mùa hè, không khí oi nóng hòa lẫn với mùi hôi thối bốc lên từ lòng sông khiến hàng nghìn hộ dân sống dọc hai bên bờ cảm thấy ngột ngạt.

Tương tự, sông Cầu Bây chảy qua địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm, từ lâu được xem là trục tiêu thoát nước duy nhất cho khoảng 6.326ha. Trong đó có 3.295ha thuộc quận Long Biên và 3.031ha huyện Gia Lâm. Đồng thời, cung cấp nước tưới cho khoảng 400ha đất canh tác nông nghiệp của huyện Gia Lâm.

Tuy nhiên, ít năm gần đây cùng với quá trình đô thị hóa, nguồn nước sông Cầu Bây đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hai bên bờ bị lấn chiếm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, cấp nước sản xuất và sức khỏe của người dân. Nhiều người dân ở xóm 1, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm cho biết, vào những ngày trời nắng, nước sông Cầu Bây bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Nhà dân cách lòng sông vài chục mét cũng phải đóng kín cửa để tránh bị ảnh hưởng. 

Cảnh người dân sống cùng ô nhiễm từ sông cũng đang diễn ra tại sông Cầu Đá (quận Bắc Từ Liêm). Theo tìm hiểu, con sông này chảy qua nhiều phường như Xuân La, Xuân Đỉnh đến Cổ Nhuế rồi đổ vào sông Nhuệ. Tuy nhiên, nhiều năm nay sông Cầu Đá đã bị ô nhiễm nặng nề. Ảnh hưởng nặng nhất từ con sông ô nhiễm là người dân ở các ngõ 579, ngõ 599, ngõ 521 đường Phạm Văn Đồng.

Để sống chung với ô nhiễm, nhiều hộ dân phải ứng phó bằng cách căng bạt ven sông, lắp cửa kính kín mít… nhưng cũng không mấy hiệu quả. Vào những ngày nắng nóng, một số nhà sống hai bên bờ sông buộc phải sơ tán sang nhà họ hàng ở các phường lân cận. Nhà nào không có anh em họ hàng thì chỉ còn cách đóng kín cửa.

Theo những người dân sống trong khu vực, chính quyền các phường Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế 1 đã rất tích cực phối hợp với các đơn vị phụ trách tiêu thoát nước trên địa bàn nhằm xử lý, khơi thông, nạo vét rãnh thoát nước, thu gom, vớt rác trên các tuyến kênh tiêu và sông Cầu Đá chảy qua địa bàn. Nhờ vậy, tình trạng vứt rác bừa bãi xuống mặt sông cơ bản đã được hạn chế. Tuy nhiên, cho đến nay tình trạng xả nước thải sinh hoạt trực tiếp xuống lòng sông vẫn tồn tại. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến sông bốc mùi hôi thối.

Từng bước khắc phục

Theo thống kê, bình quân mỗi ngày đêm người dân Hà Nội đưa ra môi trường tự nhiên khoảng 650.000 - 700.000m3 nước thải và hơn 1.000m3 rác. Do năng lực của hệ thống xử lý nước thải có hạn nên đến nay vẫn có khoảng 1/3 số nước thải nói trên không qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi… của Hà Nội. 

Về vấn đề cải tạo sông hồ, giảm thiểu ô nhiễm nước trên địa bàn TP không phải đến bây giờ mới được đề cập. Dễ thấy là, Hà Nội đã triển khai nhiều đề án cải tạo, nạo vét các dòng sông, ao, hồ bị ô nhiễm trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện kết quả vẫn chỉ dừng lại ở bê-tông hóa và cống hóa. Riêng phần gốc là xử lý nguồn nước ô nhiễm, làm sạch nước thải, hạn chế xả thải từ kênh, mương ra sông, hồ thì chưa được triển khai đồng bộ.

Theo nhiều chuyên gia, về lâu dài, TP phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải trước khi xả xuống các con sông. Cụ thể, Hà Nội cần triển khai xây dựng cống gom nước thải dọc tuyến sông để chuyển về điểm xử lý tập trung, kết hợp xử lý các nguồn nước thải trước khi đổ vào sông, thường xuyên các hoạt động vớt rác và nạo vét lòng sông thì chắc chắn sẽ giải quyết được dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông.

Khách quan nhìn nhận, ý tưởng phục hồi các dòng sông cũng đã được thể hiện trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Cụ thể, quy hoạch định hướng hình thành ba lưu vực chính gồm hai bên sông Đáy, khu vực phía bắc Hà Nội và khu vực Hà Nội cũ tạo ra hệ thống tiêu thoát liên hoàn, đặc biệt là khu đô thị trung tâm có hệ thống thoát nước đạt 90%, tiến tới 100%.

Với vấn đề cải tạo sông trên địa bàn Hà Nội, các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường đã nêu ra nhiều biện pháp xử lý với tham vọng “cứu” sông, hồ Thủ đô. Từ việc tác động làm thay đổi nhận thức của người dân, các doanh nghiệp đến những việc làm thiết thực như khảo sát, nạo, vét các hồ trên địa bàn... chung tay góp sức xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp đang được nhanh chóng triển khai, hiệu quả. Nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc và ứng dụng các phương pháp khác nhau để xử lý nước hồ ô nhiễm... 

Đánh giá về công tác cải tạo, hồi sinh sông hồ trên địa bàn Hà Nội, tại Tọa đàm “Đề xuất ý tưởng chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu” do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, chúng ta thường quan tâm đến vấn đề giao thông, kẹt xe, nhà “siêu mỏng, siêu méo”, quảng cáo lộn xộn... còn vấn đề ô nhiễm các dòng sông có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân lại chưa được quan tâm nhiều.

Bởi vậy, nếu ý tưởng cải tạo môi trường sông Kim Ngưu được đưa vào thực hiện thì trước hết sẽ cải tạo được môi trường không khí cho người dân xung quanh và tổ chức lại các hoạt động công cộng để làm sống động lại khu vực sống tạo thành một nơi vui chơi, thương mại, dịch vụ.

Mặt khác, TP cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, tập trung công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các cơ sở trên lưu vực sông nhằm giảm tối đa nguy cơ xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra sông… 

Tuy nhiên, về lâu dài, nếu vẫn cứ đặt người dân nằm ngoài cuộc, không huy động được sức mạnh tổng thể của cộng đồng như hiện tại thì các giải pháp hồi sinh sông ô nhiễm vẫn chỉ là những kế hoạch nằm trên giấy. 

Theo Pháp Luật Việt Nam
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.