Thói quen xấu phá hỏng giá trị du lịch

Thói quen xấu phá hỏng giá trị du lịch

Cùng với việc phát triển du lịch, rác thải đang là thách thức với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Chính sự thiếu ý thức của con người đã biến những điểm du lịch tuyệt đẹp trở thành “điểm đen” về môi trường.

_______________

Thói quen xấu phá hỏng giá trị du lịch ảnh 1

Biển Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế và sức khoẻ con người, trong đó ô nhiễm rác thải nhựa chiếm tỷ lệ lớn. Với hơn 3.000 km đường bờ biển, mỗi năm, Việt Nam xả ra đại dương khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa qua 112 cửa sông, 80% lượng rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.

Là một người đã từng vượt gần 7.000 km, chụp lại hơn 3.000 bức ảnh về rác thải tại các địa điểm du lịch ở nước ta, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng (tên thật là Nguyễn Việt Hùng, 43 tuổi) chia sẻ, bờ biển, nơi giao thoa giữa mặt nước và đất liền, nơi nhiều con người đang ngày ngày bám biển mưu sinh, biển cho con người đầy những cá, những tôm, con người thì trả lại cho biển toàn rác.

Thói quen xấu phá hỏng giá trị du lịch ảnh 2

Theo nhiếp ảnh gia Hùng, ô nhiễm rác thải tại các địa điểm du lịch ở nước ta đang trong tình trạng báo động. Trên đường đi, tôi rất ngỡ ngàng khi thấy hàng kilomet rác thải tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như đảo Bình Ba, Nam Du, Phú Quốc, Côn Đảo… trong đó chủ yếu là rác thải nhựa, túi nilon.

Chẳng hạn như tại đảo Nam Du - nơi được ví là thiên đường du lịch của vùng biển Tây Nam nhưng khi đặt chân đến đây, anh Hùng lại có cảm giác thất vọng bởi sự nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, rác thải ngập tràn. Tại đảo ngọc Phú Quốc - nơi sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, trong lành nay chỉ còn trong ký ức bởi những “núi rác” tầng tầng lớp lớp đang dần lấn biển, lấn đảo. Hay tại Hòn Phụ Tử - nơi được xem là biểu tượng cho cảnh đẹp Kiên Giang và được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia vào năm 1989 cũng không khác những địa danh trên là mấy. Qua cửa soát vé của khu di tích chùa Hang - Hòn Phụ Tử, cảnh tượng bò thả lông nhông, rác thải bủa vây, bịt kín các lối đi vào khiến nhiếp ảnh gia Lekima Hùng thật sự rất sốc. Anh không nghĩ một di tích, một danh lam thắng cảnh quốc gia lại có thể bẩn đến vậy. Không chỉ thế, ở đây, người dân còn tự đốt rác, ngoài việc gây mất cảnh quan còn gây ô nhiễm không khí nặng nề.

“Từng là những điểm đến hấp dẫn du khách, nhưng chính sự nhếch nhác của rác thải, của ô nhiễm môi trường đã khiến nhiều khách du lịch ngán ngẩm không muốn quay trở lại bởi đơn giản rác thải đã khiến họ “mất vui”. Chẳng một ai muốn bỏ tiền ra để đi ngắm những cảnh xấu xí như thế. Đến ngay như bản thân tôi, khi chia sẻ về ý định đi phượt xuyên Việt chỉ để chụp rác, nhiều người ngăn cản lắm, họ bảo, đi thì phải chụp cảnh đẹp chứ ai chụp những thứ ấy làm gì” - anh Hùng nói.

Thói quen xấu phá hỏng giá trị du lịch ảnh 3

Có thể thấy, những cảnh quan mang lại tiềm năng phát triển du lịch rất lớn cho Việt Nam. Số lượng du khách tới Việt Nam ngày một tăng, nhưng du lịch Việt Nam vẫn còn tập trung nhiều vào số lượng thay vì chất lượng trải nghiệm dịch vụ của du khách. Sự phát triển du lịch ồ ạt mà thiếu các biện pháp quản lý ô nhiễm đã tác động rất lớn tới chất lượng môi trường, cảnh quan.

“Tới bất cứ một địa điểm du lịch nào cũng thấy rác thải phủ kín khắp mọi nơi. Theo thống kê, trung bình, mỗi ngày, một người Việt Nam sẽ thải ra môi trường khoảng 1,2kg rác. Nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người, thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày, trong số đó, 16% là rác thải nhựa. Ở những nơi không quản lý tốt, không có thu gom rác thì số lượng rác này đổ ra môi trường sẽ lớn dần theo thời gian”, nhiếp ảnh gia Hùng cho biết.

Thẳng thắn nhìn nhận, anh Hùng cho rằng, nguyên nhân của việc này là do vẫn còn những người dân, khách du lịch chưa ý thức được tác hại của thói quen xả rác bừa bãi và nhận thức về việc bảo vệ môi trường vẫn còn mơ hồ.

Thói quen xấu phá hỏng giá trị du lịch ảnh 4

Bên cạnh đó, dịch vụ vệ sinh môi trường chưa phủ đến tất cả các điểm du lịch, vẫn còn tình trạng, người dân phải tự thu gom rác và tự xử lý rác. Các đơn vị sản xuất như nuôi tôm, nuôi trồng hải sản hay một số nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên biển còn trực tiếp xả nước thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường biển và ven biển.

Ngoài ra, nhiều tàu thuyền hoạt động cùng lúc đã gây ra hiện tượng váng dầu trên mặt biển và thêm nữa là việc khai thác quá mức tại các rạn san hô phục vụ nhu cầu của khách du lịch cũng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Cùng với đó, quy hoạch phát triển hạ tầng phục vụ du lịch cũng phát triển ồ ạt, thiếu sự xem xét thấu đáo cũng gây ra những tác động đáng kể đến môi trường.

“Những thói quen này đã và đang làm mất đi các giá trị du lịch vốn có của nó. Khi các giá trị này bị phá hỏng sẽ dẫn tới nguy cơ giảm doanh thu từ du lịch và vô hình chung biến những điểm du lịch tuyệt đẹp trở thành “điểm đen” về môi trường” - anh Hùng nhấn mạnh.

Thói quen xấu phá hỏng giá trị du lịch ảnh 5

Do đó, để thay cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại những địa điểm du lịch, nhiếp ảnh gia Hùng cho rằng, quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân về việc bảo vệ môi trường, làm thế nào để họ hiểu những tác hại đối với môi trường đến từ những hoạt động du lịch. Ngoài ra, việc doanh nghiệp đầu tư, khai thác vì lợi ích và phớt lờ những cảnh báo, trong khi các cơ quan quản lý tại địa phương lại chưa có điều kiện tiếp cận nhanh cũng đã gây nên những hệ lụy đối với tài nguyên môi trường du lịch.

Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam có khá đầy đủ các chính sách về bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch, tuy nhiên vấn đề thực thi luôn là thách thức lớn nhất khi triển khai thực hiện. Đối với chính sách của ngành du lịch, mặc dù Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch đã có nhiều các chương trình, sáng kiến kêu gọi phát triển du lịch bền vững, tuy nhiên, trong 3 trụ về kinh tế, xã hội và môi trường, vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan vẫn nhận được ít quan tâm nhất. “Trong vấn đề này, để không bị “vỡ trận”, chúng ta cần tăng cường sự kết nối hiệu quả giữa các cơ quan chức năng ngành môi trường và du lịch trong việc thực thi hiệu quả chính sách quản lý môi trường trong phát triển du lịch”, anh Hùng phân tích.

Thói quen xấu phá hỏng giá trị du lịch ảnh 6
Thói quen xấu phá hỏng giá trị du lịch ảnh 7


Anh Hùng quan niệm muốn phát triển du lịch phải gắn liền với bảo vệ môi trường, dứt khoát không phát triển du lịch bằng mọi giá. Bởi chính những điểm đến đẹp, sạch sẽ và nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mới thu hút được du khách đến và quay trở lại. Còn nếu phát triển du lịch mà tàn phá tài nguyên môi trường thì sẽ không còn gì để thu hút du khách đến nữa.

Do đó, việc lựa chọn phát triển du lịch sinh thái sẽ là một xu thế tất yếu. Hiện nay, các thuật ngữ “du lịch xanh”, “du lịch thân thiện với môi trường” hay “du lịch không rác thải nhựa” ngày càng được nhiều du khách quan tâm, lựa chọn bởi loại hình du lịch này góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, ít phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Du lịch sinh thái phát triển nhằm thoả mãn nhu cầu ngày một tăng của khách du lịch, của cộng đồng. Nhu cầu này liên quan chặt chẽ đến sự phát triển không ngừng của xã hội, đảm bảo về tổng thể một tương lai phát triển lâu dài của hệ sinh thái, với tư cách là một ngành kinh tế.

Bên cạnh xu thế phát triển du lịch sinh thái do nhu cầu khách quan, xu thế này còn không nằm ngoài xu thế chung về phát triển xã hội của con người khi các giá trị tài nguyên ngày càng bị suy thoái, khai thác cạn kiệt.

Thói quen xấu phá hỏng giá trị du lịch ảnh 8

Theo anh Hùng, để du lịch sinh thái phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cao về mặt giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho khách du lịch, những người hướng dẫn ngoài kiến thức ngoại ngữ tốt còn phải là người am hiểu các đặc điểm sinh thái tự nhiên và văn hoá cộng đồng địa phương. Điều này rất quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của hoạt động du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, muốn phát triển du lịch sinh thái bền vững, cần nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia du lịch, từ nhà quản lý các cấp, các nhà quản trị doanh nghiệp tới cộng đồng làm du lịch và du khách.

Ðồng thời, để tạo môi trường thuận lợi cho du lịch xanh phát triển, cần có những hành động cụ thể trong xây dựng, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, trong thẩm định và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch ở các cấp trên phạm vi cả nước.

Mặt khác, Nhà nước cũng cần có chính sách tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch với những điều kiện cụ thể ở mỗi nơi như ứng dụng năng lượng tự nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện, chế biến rác thải, xử lý nước thải...; khuyến khích các chương trình bảo tồn, lưu truyền văn hóa dân gian, dân tộc trong phát triển du lịch; xây dựng và ban hành bộ tiêu chí về du lịch xanh để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch có thể vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh.

“Ðây cũng chính là căn cứ để công nhận những sản phẩm du lịch xanh như: Tour du lịch xanh, khách sạn xanh, nhà hàng xanh...”, anh Hùng nói.

Thói quen xấu phá hỏng giá trị du lịch ảnh 9

Bài: Thục San

Ảnh: Lekima Hùng

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.