Bên cạnh những bỡ ngỡ về ngôn ngữ, văn hóa bản địa, tình trạng sốc kiến thức, phương pháp học tập, giảng dạy do sự khác biệt giữa hai hệ thống giáo dục trong nước và quốc tế cũng khiến du học sinh Việt Nam gặp trở ngại nhất định trong thời kỳ “chân ướt chân ráo” bước vào môi trường học tập mới. Nên chăng, cần đưa những kỹ năng học tập nền tảng rất phổ biến ở nước ngoài như tra cứu, trích dẫn, thuyết trình, làm việc theo nhóm vào chương trình giảng dạy ngay từ cấp phổ thông tại Việt Nam?
_________________________
Là người có nhiều trải nghiệm tại các môi trường học tập như tốt nghiệp bậc THPT ở Việt Nam, hoàn thành bằng đại học ở Singapore rồi tiếp tục theo học cao học ở New Zealand, Phạm Hoàng, 27 tuổi, cho biết sự chuyển đổi giữa các hệ thống đã không ít lần gây xáo trộn cho việc học tập của bản thân.
Cụ thể, nếu môi trường học ở Singapore, trong một trường tư chuyên dành cho học sinh quốc tế được Hoàng đánh giá là “khá nhàn” dù rất khác môi trường học ở Việt Nam, thì khi chuyển sang New Zealand “mọi chuyện đã thành khác hẳn”.
“Có thể nói hồi mới học cao học, tôi phải vật lộn rất nhiều và khoảng thời gian ấy đúng là kinh khủng. Bỏ qua chuyện theo học ở một cấp độ cao hơn, tôi đánh giá môi trường học tập tại New Zealand mang tính quốc tế và ‘tây’ hơn nhiều so với hồi học bên Singapore. Nếu ở bên Singapore, tôi được thầy cô hỗ trợ rất nhiều thì sang đây yêu cầu tự học, tự nghiên cứu rất cao. Thầy cô chỉ là người đặt vấn đề, còn đâu học viên phải tự giải lấy. Cũng may là với kinh nghiệm và cố gắng của bản thân, sau bốn tháng ‘vật vã’ với mớ khái niệm và cách học mới, tới giờ, tôi tạm coi đã theo được chương trình”, Hoàng cho biết.
Không may mắn như Hoàng vì ít nhất có thể bắt kịp với bài giảng ở trường mới, Minh Phương, cô sinh viên Hải Phòng gặp nhiều trắc trở hơn dù đã từng học tập tại một trường đại học danh tiếng ở Thủ đô.
Môi trường học tập tại nước ngoài với vô vàn kiến thức và trải nghiệm thú vị là mục tiêu của các du học sinh Việt Nam. |
Theo đó, Phương vốn đã học xong năm đầu ngành Quản trị du lịch và lữ hành. Tuy nhiên, nhận thấy bản thân không thực sự hứng thú với chương trình được dạy, cộng thêm vốn tiếng Hàn ổn và khao khát tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc, cô quyết định bỏ ngang để xuất ngoại.
Thuyết phục được bố mẹ với triển vọng về nghề, ngoài việc đủ điểm đầu vào tiếng Anh (Phương học chương trình tiếng Anh), hành trang dầy dặn của Phương còn là 12 năm liền học sinh giỏi và tấm bằng Topik 3 (bằng năng lực tiếng Hàn hạng trung) để hòa nhập với xã hội Hàn Quốc.
Thế nhưng sự tự tin đã tắt ngấm ngay sau khi học kỳ đầu tiên bắt đầu được vài tuần. Lúc này, Phương mới tá hỏa nhận ra chuyện học tập ở nước ngoài không đơn giản là hành trang ngôn ngữ hay 12 tấm bằng khen được bố mẹ trân trọng ép plastic trưng ở phòng khách.
Phương không thể quên được tình huống ngượng chín người khi cô giáo nhận xét bài thuyết trình cô nộp sau hàng tuần trời “lăn lê” ở thư viện là “xào xáo công phu của người khác” do không biết trích dẫn nguồn. Cùng một loạt các sự cố khác khiến Phương lờ mờ nhận ra những yếu huyệt trong hành trang du học của cá nhân.
Những thành tích làm nên sự tự tin của du học sinh Việt dễ trở thành vô nghĩa nếu không đi cùng kỹ năng học tập quốc tế. |
“Tôi để ý và nhận thấy nhiều kỹ năng mà các bạn ngoại quốc coi là phổ thông vì họ được tiếp xúc ngay từ hồi cấp hai, cấp ba như đọc sao để tìm thông tin cho nhanh, tra cứu ở đâu, trích dẫn thế nào, viết tiểu luận ra sao thì tôi lại hoàn toàn mù tịt vì chưa nghe thầy cô nhắc bao giờ. Nhìn lại hành trình vừa qua, tôi nghĩ thiếu kỹ năng học thuật cơ bản là trở ngại lớn nhất khiến bản thân không theo kịp tiến độ trên lớp”, Phương hồi tưởng.
Với cái nhìn tổng quan, Nguyễn Vũ, cựu sinh viên RMIT Việt Nam, sau đó liên thông lên hệ cao học của hệ thống này tại Úc cho biết, điểm khác biệt lớn nhất giữa phương pháp học tập trong nước với quốc tế là một bên chỉ cần người học thụ động thu nhận kiến thức, trong khi bên kia yêu cầu tính chủ động rất cao.
Vũ chia sẻ: “Theo quan sát cá nhân và tham khảo từ bạn bè, tôi thấy số giờ học trung bình của sinh viên ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với người học theo chương trình quốc tế. Chẳng hạn, khi còn đi học, tôi chỉ phải lên lớp 12 tiếng một tuần, nghĩa là mỗi ngày giáo viên chỉ giảng khoảng trên dưới hai tiếng đồng hồ. Ngoài 12 tiếng đó, chính là thời gian để sinh viên ‘tự bơi’ với kiến thức và các kỹ năng của mình, miễn sao kết quả cuối cùng là giải quyết đề tài do giảng viên đưa ra”.
Tự học là điểm nổi bật của sinh viên trong môi trường quốc tế. |
Cũng theo Nguyễn Vũ, một lợi thế khác nếu chọn mô hình quốc tế là khi bắt đầu lên đại học, sinh viên được học trước một số môn để bổ trợ cho chương trình chuyên ngành. Trong khóa học đó, giảng viên sẽ dạy những kỹ năng phổ biến nhưng giáo dục Việt Nam thường ít quan tâm như phương pháp tự học, cách đọc hiểu, tra cứu, viết trích dẫn làm sao cho đúng, kỹ năng làm việc nhóm, nghiên cứu cấu trúc văn bản.
Ví dụ, các hệ thống giáo dục quốc tế nhận định kỹ năng tra cứu bằng Google là vô cùng cần thiết trong thế kỷ 21 để học tập và làm việc. Nên trong khóa học bổ trợ, Vũ và các bạn được học chi tiết về công cụ này như muốn tra cứu một vấn đề thì gõ từ khóa gì, Google được thiết lập và hoạt động ra sao, sẽ trả kết quả như thế nào?
Những kỹ năng mới, phát sinh trong quá trình học cũng sẽ được truyền dạy song song với chuyên ngành, giúp sinh viên vừa học vừa đào sâu bài giảng, có thể tự nghiên cứu theo khuynh hướng cá nhân.
Có chung cách nhìn như trên, anh Lê Mạnh Sơn, cựu nghiên cứu sinh từng có nhiều năm tham gia công tác hỗ trợ du học sinh tại Nhật Bản cho biết, chuyện học sinh Việt ra nước ngoài bị khớp khi chuyển đổi giữa hai mô hình, phương pháp tiếp thu kiến thức là chuyện thường thấy, thường xảy ra. Tuy nhiên, báo chí, các bậc phụ huynh và ngay chính bản thân các bạn lại ít khi đề cập đến vấn đề này, thường chỉ nhấn vào những cú sốc về văn hóa, ngoại ngữ.
Với một nước phương Đông ít nhiều Tây hóa như Nhật Bản, phong cách học tập của họ đề cao tính tự chủ. Nếu sinh viên Việt Nam nặng chuyện trả bài, thì sinh viên Nhật không bị bắt học thuộc lòng mà chủ yếu làm tiểu luận rồi trình bày cách hiểu của mình qua những bài tập đó. Chương trình học cũng không ôm đồm theo kiểu muốn một lúc dạy được tất cả, truyền thụ hết lý thuyết cho người học, mà thường chọn một chủ đề, dự án có tính thực tiễn và xoáy sâu vào đó.
“Sinh viên sẽ mất nhiều thời gian lạc trong mê cung của những điều tưởng như đơn giản nhưng các em lại không biết vì chưa được học” - Lê Mạnh Sơn, cựu du học sinh. |
“Tức là họ rèn cho học sinh phương pháp và cách tư duy, còn sau đó xây dựng hệ thống thế nào là việc của sinh viên. Qua đây có thể thấy cách học này cần rất nhiều kỹ năng nền tảng để tự học, tự nghiên cứu. Nên nếu du học sinh Việt được trang bị những kỹ năng này từ các cấp học dưới thì khả năng bắt nhịp với môi trường mới của các bạn sẽ cao. Còn không, rất khó nói, vì không phải ở đâu người ta cũng dạy lại”, anh Sơn nhận định.
Đa phần các du học sinh Việt ra nước ngoài để theo học những khối ngành thuộc về tự nhiên hoặc xã hội, nhưng cũng có người chọn học nghệ thuật như Mỹ Hạnh, một vũ sư tại Hà Nội.
Xuất phát là thành viên của một nhóm nhảy tên tuổi ở Hà Nội, cộng với niềm yêu thích múa yosakoi (một điệu múa yêu cầu tính tập thể cao của Nhật Bản) sau một lần xem biểu diễn trực tiếp, đã thúc đẩy Hạnh, quyết chí sang Nhật để “tầm sư học đạo”.
Kể về những trở ngại trong quãng thời gian du học, Hạnh cho biết rào cản lớn nhất vẫn là ngôn ngữ dù bạn đã chọn ngành nghề thiên về thực hành nhiều hơn lý thuyết. Dẫu vậy, khóa học vẫn có những tiết thảo luận về lịch sử nghệ thuật trên lớp và đó là khoảng thời gian Hạnh cảm thấy bản thân “hóa đá” vì có quá nhiều từ chuyên môn không hiểu, thêm vào đó là khoảng trống trong kỹ năng phân tích, thuyết trình vấn đề.
“Trường hợp của tôi có chút đặc biệt vì trong lớp toàn người Nhật, chỉ có mình là học sinh nước ngoài duy nhất. Quả thực, môi trường đó đã cho tôi nhiều trải nghiệm, đặc biệt là trong vấn đề học tập. Sau vài buổi như ‘người bị ra rìa’, tôi nghĩ không thể thế này mãi nên quyết tâm hỏi các bạn Nhật xem tìm thông tin ở đâu, có thông tin rồi thì trình bày thế nào cho phù hợp. Các bạn ấy cũng nhiệt tình nên dần dần tôi năng nổ, chủ động hơn”.
Cuối cùng, sau hai năm du học, thành quả của Hạnh không chỉ là tấm bằng chứng nhận khả năng múa, dàn dựng yosakoi chuyên nghiệp, bản thân cô tự nhận thấy khả năng nắm bắt, giải quyết vấn đề của bản thân cũng được nâng tầm và trở nên tốt hơn.
“Đó là những trải nghiệm quý báu đối với tôi dù nếu có kỹ năng từ ở nhà thì việc học tập có thể tốt hơn” - Mỹ Hạnh, vũ sư yosakoi. |
Trở lại với câu chuyện của Minh Phương, sau gần nửa năm “lay lắt” tại Hàn Quốc do dịch COVID-19, trong khi đó học online lại “hoàn toàn không vào”, cô quyết định xin gia đình cho bảo lưu một năm học và trở về nước.
Sau khi đã an toàn trong vòng tay gia đình, Minh Phương có khoảng lặng để bình tâm nhìn lại gần một năm sinh sống và học tập tại Hàn Quốc để tìm ra phương hướng khắc phục những thiếu sót của bản thân.
Phương giãi bày: “Tôi dự định dùng một năm bảo lưu này để ôn lại những kiến thức đã học, trau dồi kỹ năng học tập. Lựa chọn này có thể khiến tôi mất 6 năm để hoàn thành chương trình đại học nhưng tôi coi đây là thử thách cần vượt qua và sẽ không bỏ cuộc”.
Một kết quả nghiên cứu về thực trạng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên tại trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 80,4% sinh viên xem kỹ năng mềm là rất quan trọng, 14,3% cho rằng bình thường và 5,3% coi là không quan trọng.
Bên cạnh đó, 98,2% sinh viên biết đến kỹ năng mềm và hiểu được kỹ năng mềm cần phải rèn luyện, nhưng số người chủ động tìm cơ hội trau dồi cho bản thân lại rất kém, chiếm 95,3%.
Gần 50% sinh viên cho rằng các hoạt động Đoàn, Hội không giúp phát triển kỹ năng, chỉ 18,8% cho rằng điều này có thể học hỏi từ thầy cô trên lớp.
Bài: Nguyệt Linh