Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử di tích thành An Thổ

0:00 / 0:00
0:00
Thành An Thổ từng là trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến tỉnh Phú Yên và là nơi sinh của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Hiện chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và thúc đẩy du lịch tại di tích này.
Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử di tích thành An Thổ

Dấu tích còn lại của thành cổ

Khu di tích thành An Thổ (thuộc thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) được UBND tỉnh xây dựng hoàn thành vào năm 2011 trên khuôn viên gần 1.200m2. Đây là nơi lưu giữ những dấu tích còn sót lại của thành An Thổ, trưng bày các hiện vật phát hiện tại di tích này sau khi khai quật khảo cổ vào năm 2008 và những hình ảnh, hiện vật về gia đình, sự nghiệp của đồng chí Trần Phú.

Dấu tích rõ nhất của thành An Thổ là phần nền móng của một tòa nhà nằm ngay chính giữa Nhà trưng bày của Khu di tích thành An Thổ. Phần nền móng này có diện tích khoảng 50m2 với một lớp đất đá cũ đã bị bào mòn qua thời gian. Các nhà khảo cổ xác định đây là nền móng của tòa nhà chính (tòa công đường) của thành An Thổ.

Mộ số hiện vật được phát hiện sau khi khai quật khảo cổ vào năm 2008 cũng được trưng bày tại Nhà trưng bày của Khu di tích thành An Thổ. Trong đó có các hiện vật như: Chén bát bằng chất liệu gốm Bát Tràng; gốm Quảng Đức có niên đại từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX... Ngoài ra còn có một số vật dụng khác được làm từ đất nung và các chất liệu cổ xưa được phát hiện tại khu di tích này.

Những hình ảnh, hiện vật về gia đình và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú được trưng bày tại tầng 2 Nhà trưng bày của Khu di tích thành An Thổ. Trong đó có sơ đồ phả hệ tiểu chi họ Trần từ đời 15 đến đời 18 dòng trực tiếp của đồng chí Trần Phú; một số bài thơ của bạn tù chính trị khi biết đồng chí Trần Phú hy sinh; các tờ báo, văn bản ghi lại quá trình học tập, hoạt động cách mạng và tù đày của đồng chí Trần Phú… Ngoài ra, khu vực trưng bày còn có hình ảnh về những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của huyện Tuy An và tỉnh Phú Yên.

Xung quanh Khu di tích thành An Thổ khoảng 100m hiện nay là khu vực đồng ruộng trũng thấp và ao hồ với độ sâu, rộng khác nhau. Đây chính là dấu tích của hào nước bao quanh thành. Theo lời kể của một số cụ cao niên ở thôn An Thổ thì trước đây hào nước bao quanh thành sâu hơn hiện nay rất nhiều. Dưới đáy hào là một lớp bùn dày, nơi đó đặt hệ thống chông tre hoặc chông sắt. Phía ngoài hào trồng tre thành lũy dày, tạo nên hệ thống phòng thủ trong thành.

Theo người dân địa phương, một số tuyến đường nông thôn hiện nay gần Khu di tích thành An Thổ chính là đường đi ra các cửa thành. Những công trình phụ trợ xung quanh khu vực thành như: Gò Tượng, Xóm Ngựa chỉ còn tồn tại dưới dạng phế tích. Riêng chỉ có chợ Thành hiện nay còn hoạt động, người dân sử dụng để buôn bán, giao thương.

Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Di tích tỉnh Phú Yên thông tin, thành An Thổ nằm ở khu vực hạ lưu sông Cái (sông Ngân Sơn), có chu vi khoảng 1.360m. Thành có 4 cổng Tiền, Hậu, Hữu, Tả mở theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc; cổng chính nhìn ra hướng Đông. Thành An Thổ giữ vai trò là trung tâm chính trị tỉnh Phú Yên từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1899. Khi Tỉnh lỵ Phú Yên chuyển ra thôn Long Bình (nay thuộc thị xã Sông Cầu), thành An Thổ trở thành phủ lỵ phủ Tuy An đến năm 1939.

Thành An Thổ là nơi chứng kiến sự lớn mạnh của phong trào Cần Vương chống Pháp trên đất Phú Yên. Đầu năm 1886, nghĩa quân Cần Vương bao vây đánh chiếm thành An Thổ. Thực dân Pháp đã điều động một lực lượng lớn quân lính từ các nơi và trang bị pháo lớn yểm trợ đánh chiếm lại thành An Thổ ngày 4/2/1887. Trước sự áp đảo của kẻ thù, nghĩa quân Cần Vương kháng cự quyết liệt.

Thành An Thổ cũng là nơi sinh của đồng chí Trần Phú vào ngày 1/5/1904. Thời gian này, thân sinh của đồng chí Trần Phú là cụ Trần Văn Phổ được triều đình Huế điều chuyển vào dạy học tại huyện Tuy An. Đến năm 1907, khi được triều đình bổ nhiệm làm tri huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), cụ Trần Văn Phổ đã đưa gia đình cùng đi. Đồng chí Trần Phú tham gia hoạt động cách mạng từ sớm và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Với những giá trị khảo cổ và lịch sử, thành An Thổ được xếp hạng là di tích khảo cổ quốc gia vào năm 2005 (Theo Quyết định số 37/2005/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa, Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Từ năm 2016 đến năm 2022, đã có gần 68.000 lượt khách đến tham quan nơi này.

Hiện nay, vùng đất của thành An Thổ xưa đang trên đà phát triển, cuộc sống đổi thay từng ngày. Xã An Dân cùng với 13 xã trên địa bàn huyện Tuy An đã được UBND tỉnh Phú Yên công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Huyện Tuy An đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu đến năm 2025 trở thành thị xã và là một trong những trung tâm tổng hợp về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế tỉnh Phú Yên. Huyện đặt mục tiêu đạt thu nhập bình quân 68,5 triệu đồng/người vào năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An Nguyễn Văn Hoàng cho biết, di tích thành An Thổ có giá trị văn hóa, lịch sử rất to lớn và ý nghĩa. Hằng năm, nhân ngày sinh của đồng chí Trần Phú, UBND huyện Tuy An và UBND tỉnh Phú Yên tổ chức lễ kỷ niệm tại Khu di tích thành An Thổ, thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân trong và ngoài tỉnh về tham dự. Địa phương thường xuyên tổ chức cho các trường học đưa học sinh đến đây tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử. UBND huyện cũng đang kết nối Khu di tích thành An Thổ với các địa điểm khác Gành Đá Đĩa, Hòn Yến, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Đá Trắng, địa đạo Gò Thì Thùng… để tạo thành chuỗi du lịch văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Để phục vụ cho Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú vào năm 2024, hiện nay, UBND tỉnh và các ngành liên quan đang triển khai lập thủ tục đầu tư dự án tu bổ, sửa chữa Di tích khảo cổ thành An Thổ. Các hạng mục sửa chữa gồm: Nhà trưng bày bổ sung di tích, cổng và bia di tích, hệ thống chiếu sáng sân vườn và trang trí, lắp đặt lại các hiện vật, hình ảnh trưng bày. UBND tỉnh cũng có chủ trương nâng cấp tuyến đường giao thông dẫn đến Khu di tích thành An Thổ, góp phần phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và thúc đẩy phát triển du lịch nơi đây.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.