Nước biển tràn qua đê ngăn mặn
Con đê ngăn mặn Hữu sông Gianh ở xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch để bảo vệ cho hơn 110ha đất ruộng dùng để trồng để không bị nước biển dâng vào ruộng. Thế nhưng, trong cơn bão số 10 vừa qua mặt đê tràn vào ruộng. Sóng mạnh cũng đã làm một đoạn đê Hữu sông Gianh bị vỡ, nước mặn chảy vào làm ngập ruộng đồng.
Dù bão số 10 đã lùi xa, nhưng những cánh đồng Hà Luật, Hậu Triển của xã Bắc Trạch vẫn ngập mặn. Nước mặn vào đồng đã làm cho cỏ cây trong ruộng chết ngả màu đỏ úa. Người dân đang lo lắng khi mùa vụ gieo cấy lúa Đông Xuân cận kề không kịp khắc phục để xuống mạ.
Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn 2, xã Bắc Trạch cho biết, khi bão vào thì nước biển dâng cao hơn mặt đê chừng 0,5m. Có một đoạn đê đất đã bị sóng đánh vỡ. Khi bão tan, thủy triều xuống, chúng tôi đã ra vét mương, tháo nước mặn ra khỏi ruộng, để hạn chế nhiễm mặn vào đất. Nhưng giờ không có mưa, lụt để có nguồn nước ngọt rửa mặn.
“Nếu đất đang nhiễm mặn thế này, gieo mạ non vào sẽ chết ảnh hưởng đến cuộc sống bà con. Đất nhiễm mặn thì phải mất thời gian để thau chua, rửa mặn qua thời gian và tốn công sức mới cải tạo khắc phục được”, ông Minh trình bày.
Người dân địa phương kể lại, mỗi lần mưa bão xong, nước tràn vào ruộng nhiều nên người dân thường thả lưới bắt cá. Nhưng lần này nước mặn ngâm lâu hơn nên các loài cá, tôm nước ngọt cũng rất ít. Bà Nguyễn Thị Xoan-Trưởng thôn 1, xã Bắc Trạch cho biết, nước mặn ngập sâu trong đồng ruộng suốt nhiều ngày qua, mặc dù người dân đã tìm cách tháo cho nước chảy ra ngoài nhưng lực bất tòng tâm.
“Nói chung mỗi lần bão lụt đến thì khúc đê Hữu Gianh lại bị vỡ, nước mặn vào thì ruộng vườn nhiễm mặn và dân bị thiệt hại về hoa màu, tài sản, tính mạng con người và liên quan đến nhiều vấn đề khác”.
Người dân lo lắng khi vụ Đông Xuân đã chuẩn bị gieo mạ, nhưng ruộng đồng chưa được xử lý rửa mặn. |
Gian nan ngăn nước mặn vào ruộng
Để “làm sạch” các cánh đồng bị nhiễm mặn, chính quyền địa phương đã mở cửa xả đập Đông Ran gần đó. Tuy nhiên, lượng nước ngọt hạn chế không đủ để thau chua rửa mặn cho hơn 110ha đất ruộng. Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch trần tình, người dân đang mong mỏi chờ đợi trận mưa thật lớn để nước lũ từ thượng nguồn sông Gianh đổ về, khi đó mới hy vọng làm sạch được ruộng vườn, đất đai.
“Hiện tại chúng tôi đang chờ nước bạc về nhưng mà từ cơn bão ngày 15/9 đến giờ chưa có đợt nước lũ nào từ sông Gianh để cho vào thau chua, rửa mặn đồng ruộng. Về lâu dài, địa phương mong muốn cấp trên quan tâm đầu tư kiên cố hóa đoạn đê đất và nâng độ cao đê bao Hữu Gianh để ngăn mặn hiệu quả” ông Tuân cho biết.
Đê Hữu sông Gianh được đầu tư xây dựng 3 mặt bằng bê tông. Tuy nhiên, con đê này chưa được bê tông hóa hết, còn một đoạn đang phải đắp bằng đất. Bởi vậy, đoạn đê này là chỗ xung yếu mỗi khi bão lụt, nước đánh mạnh thường xảy ra sự cố sạt lở dẫn đến vỡ đê.
Tại hiện trường, đê Hữu sông Gianh đã bị xuống cấp, nhiều chỗ bị sóng đánh vỡ sạt từng mảng. Theo người dân địa phương cho biết, mỗi lần bị mưa lụt hay bão đến làm đê bị vỡ, người dân phải huy động xe tải chở bao cát ra vá đê, ngăn nước mặn vào ruộng. Bên cạnh đó, tàu thuyền đánh cá neo đậu ngoài sông Gianh không đúng vị trí đã bị gió bão thổi, va đập vào thân đê làm một số mảng bê tông bị sụp lún.
|
Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, “những năm trước, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ trương rót kinh phí cho tỉnh Quảng Bình 3 tỷ đồng để sửa chữa, tu bổ tuyến đê biển. Tuy nhiên kể từ năm 2015 đến nay, chương trình hỗ trợ nâng cấp đê điều đã bị ngưng lại, công tác quản lý, nâng cấp đê điều của Quảng Bình gặp nhiều khó khăn.
Việc trích kinh phí để tu bổ thường xuyên các công trình thủy lợi, đặc biệt là đê điều còn rất hạn hẹp, chỉ có trông chờ vào nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và trên tỉnh. Nhưng nguồn kinh phí của tỉnh cũng không dồi dào nên kinh phí tu bổ chưa đáp ứng được nhu cầu”.
Trước mắt, người dân xã Bắc Trạch đang lo lắng khi hàng trăm héc ta đất trồng lúa 2 vụ bị nhiễm mặn, trong khi mùa gieo cấy lúa đã cận kề. Cuộc sống của những người làm nông nghiệp ở đây ngoài nỗi lo của mùa vụ, còn thấp thỏm theo con nước thủy triều lên vỗ vào thân đê mỗi khi mưa bão về.
Theo infonet