Đầu năm 2021, chính quyền thị xã Sapa tỉnh Lào Cai quyết định “làm căng” để chấn chỉnh, hạn chế bớt tình trạng từ thiện tự phát, phát tiền vô tội vạ của những du khách tới đây du lịch.
Cách thức mà Sapa làm khá mới mẻ, họ tổ chức các xe tuyên truyền lưu động, nội dung tuyên truyền rất “thống thiết” tại địa điểm công cộng.
Các cán bộ trên chiếc xe của Đội Kiểm tra trật tự đô thị Sapa cầm loa đọc những lời kêu gọi như sau: "Trên địa bàn thị xã Sa Pa trong ngày đông giá buốt có những trẻ thơ đang bị ép đi ăn xin và bán hàng. Đây là hành động trục lợi trên thân thể trẻ em, đang vi phạm pháp luật về quyền trẻ em.
Tổ công tác chúng tôi kính mong quý khách khi đi tham quan và du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa hãy vui lòng phản đối việc làm trên bằng hành động thực tế, không mủi lòng thương hại và cho tiền trẻ nhỏ, không mua hàng của các cháu.”
Ông Vương Trinh Quốc, chủ tịch UBND thị xã Sapa nói với báo chí, chính quyền phải bắc loa tuyên truyền như vậy cũng là việc bất đắc dĩ bởi không ai muốn làm ảnh hưởng tới du khách bằng tiếng loa như vậy.
Nhưng nếu không kết hợp các giải pháp, làm quyết liệt thì việc cho tiền trẻ em sẽ không thể chấm dứt. Du khách càng mủi lòng cho tiền thì trẻ ăn xin lại càng nhiều thêm. Bố mẹ các bé thấy để con em mình nghỉ học, xuống thị xã xin tiền dễ quá nên đã cho bọn trẻ xuống xin đây lang thang vạ vật hết năm này sang năm khác.
"Các cháu có quyền được học hành. Chúng tôi hy vọng du khách ủng hộ, đồng lòng không mua hàng, không cho tiền các cháu để cùng chính quyền chấm dứt tình trạng này", ông Quốc nói.
Câu chuyện “đắng lòng” ở Sapa chỉ phô bày một góc khuất nhỏ trong lĩnh vực từ thiện, lĩnh vực vốn đã tồn tại rất nhiều những bất cập ở Việt Nam trong những năm qua.
Có không ít địa phương cảm thấy mệt mỏi, mất thời gian khi liên tiếp phải đón tiếp các đoàn từ thiện ở khắp nơi kéo đến. Họ đến và trao quà, tặng tiền theo kiểu tùy hứng. Biết rõ việc trao quà, trao tiền của một số đoàn từ thiện là bất công nhưng nếu chính quyền cơ sở muốn phân chia lại cho hợp lý hơn, họ sẽ gặp rắc rối rất lớn.
Hàng chục chiếc smartphone sẽ giơ lên để livestream trực tiếp, hàng ngàn người sẽ lao vào chửi bới chính quyền “thu lại tiền từ thiện” mà không cần biết đúng sai.
Còn nhớ, ở trận lũ lụt lịch sử tại các tỉnh miền trung, do tự phát, không thông qua chính quyền nên hàng trăm đoàn từ thiện đã đến, mang theo bánh chưng, mì tôm nhiều vô kể. Có nhiều hộ dân ven quốc lộ 1A đã “phải” nhận vô số những chiếc bánh chưng, hàng vài chục thùng mì tôm… Có cả những đoàn từ thiện phải đổ bỏ bánh chưng vì không thể mang tới những nơi cần, còn những nơi họ đến được thì đã thừa mứa, người dân vùng lụt không thể nhận thêm.
Vừa qua, chuyện danh hài Hoài Linh bị tố “ngâm” 14 tỷ tiền từ thiện 6 tháng nóng ran trên các mặt báo, mạng xã hội. Nhiều người thảng thốt, bớt ngờ, ngạc nhiên, bức xúc vì lũ lụt đã qua từ lâu, sắp đến mùa mưa lũ mới mà khoản tiền tỷ vẫn nằm yên trong tài khoản ngân hàng của nghệ sĩ này.
Hoài Linh đã lên tiếng phân trần, giải thích về nghi vấn “thụt quỹ” này.
Tạm thời chưa bàn đến chuyện có gian lận hay không nhưng nhìn sâu xa hơn thì có thể thấy, có nhiều kẽ hở của pháp luật trong lĩnh vực từ thiện đang còn tồn tại.
Hiện luật pháp không cấm cá cá nhân đứng ra kêu gọi, quyên góp từ thiện nhưng cũng không quy định rõ, những cá nhân như vậy phải tuân theo “luật chơi” chung nào.
Ví dụ, khi một nghệ sĩ kêu gọi được hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, người này sẽ phải thực hiện chế độ báo cáo tài chính, thu chi ra sao; thời gian phải giải ngân nguồn tiền tối đa bao nhiêu ngày; tổ chức nào sẽ đứng ra giám sát, thúc đẩy để nguồn tiền đến được đúng nơi cần đến, đúng đối tượng cần trao…
Chính vì không có những quy định này, nên một cá nhân có thể tự ý ban phát một cách khá tùy tiện, thậm chí có người lên mạng mắng mỏ, phê bình cả hệ thống chính quyền địa phương, dọa thu lại tiền từ thiện vì đã làm chưa đúng mình.
Trở lại với câu chuyện của Hoài Linh, nhiều người cho rằng, đây sẽ là dịp tốt để các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng nhìn rõ hơn những mặt trái rất lớn đang còn tồn tại trong lĩnh vực từ thiện.
Cần phải “thiết lập” lại trật tự, không thể để tình trạng người người làm từ thiện, nhà nhà làm từ thiện, trong số những người đi từ thiện thì có không ít trường hợp đi để thỏa mãn ý thích cá nhân, đánh bóng thương hiệu bản thân, sẵn sàng bỏ qua chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực này.
Nếu không sớm quy hoạch lại từ thiện, không sớm có chế tài chặt chẽ, thì rất có thể sẽ còn thêm nhiều những câu chuyện giống với trường hợp của Hoài Linh xảy ra trong tương lai.