Quán Lúa là một góc nhỏ đặc biệt, bày biện những báu vật chủ quán sưu tầm hơn 30 năm – đồng tiền nhà Lê, tờ báo cũ, chiếc xe thời vua Bảo Đại – như giữ lại hồn xưa giữa lòng phố thị. Anh Danh ngồi bên chiếc bàn gỗ nhỏ, cạnh những món đồ phủ bụi thời gian, tay cầm ly cà phê đen, mỉm cười hiền. “Tôi thích nơi này,” anh nói, giọng tươi vui, không hề kiểu cách. Nghe anh, tôi thấy một sự gần gũi lạ lùng, như thể anh không phải nhà thiết kế từng đặt chân đến những sân khấu xa hoa, mà chỉ là người người hàng xóm giản dị, sẵn sàng ngồi xuống chuyện trò.
![]() |
![]() |
Anh kể về “Lúa” – bộ sưu tập anh nâng niu nhất. “Tôi làm nó từ ký ức quê nhà,” anh bảo, mắt sáng lên như cậu bé nhớ ngày xưa. “Lụa mềm mại, thêu lúa chín vàng, điểm thêm nón lá cách điệu. Không cầu kỳ, nhưng với tôi, đó là cả tuổi thơ.” Tôi nhìn anh, thấy một người chân chất đến lạ. Anh không phô trương, chỉ thủ thỉ những điều anh từng sống, từng thấy. “Tôi vẫn thêm thiết kế mới vào đó,” anh nói. Chỉ cần nhìn quanh mình – một cánh đồng, một cơn gió, một tiếng chim ca là thành chất liệu.
Hồi mới bắt đầu, anh chẳng biết gì về áo dài. Anh mày mò đọc báo chí, lướt mạng xã hội để tìm hiểu. "Trước đó, tôi tự làm sơ mi, đồ đầm, quần tây, vừa dạy học vừa khâu vá.” Tôi hình dung anh trong những ngày ấy – một thầy giáo Đồng Nai giản dị, đêm về cặm cụi dưới ánh đèn, tay cầm kim chỉ. Rồi một đơn hàng áo dài đến. “Tôi làm theo bản năng, không ngờ được khen,” mắt anh lấp lánh. “Từ đó, tôi có động lực.” Anh bảo thời đó phong trào dạy may rộ lên, anh cũng tham gia để học kỹ thuật cơ bản. “Học xong, tôi nghỉ dạy,” anh nói. “Khó lắm, nhưng tôi muốn thử.” Sự kiên trì lặng lẽ ấy làm tôi cảm động, một ước mơ thật to đã bắt đầu từ những điều thật nhỏ bé.
![]() |
![]() |
Lâu sau, anh gặp lại một học sinh cũ. “Em ấy phải nghỉ học,” anh kể, giọng trầm xuống như thoáng buồn. “Mảnh đời của cậu nhóc ấy thôi thúc tôi thiết kế nên "Cánh diều tuổi thơ’ – một chiếc áo dài với hình cánh diều mắc trên dây điện, như giấc mơ bị níu lại, miếng lụa trắng cũng cố tình làm cũ đi".
Thiết kế ấy được gửi dự thi ở Nhật Bản năm 2001 qua một viện mẫu. “Ban giám khảo xúc động, tôi thì được giải khuyến khích,” anh nhấp một ngụm cà phê: “Hàng ngàn người từ 14 nước dự thi, tôi không nghĩ mình được giải". Giọng anh không một chút tự mãn, làm tôi càng quý mến con người hiền hậu này.
![]() |
Giải Khuyến khích của nhà thiết kế Lê Thanh Danh vinh dự nhận hồi năm 2001 |
***
Đơn hàng áo dài đầu tiên và giải thưởng năm 2001 đã mở ra một chặng đường mới. “Tôi không nghĩ mình đi xa được vậy,” anh bảo, ánh mắt như nhìn lại những bước chân mình.
Các thiết kế của mình hướng đến phân khúc bình dân, hướng đến chính những người xung quanh mình. “Tôi không làm gì cao cấp quá,” anh nói: “Nhiều người giờ lên Pinterest lấy hoa văn, thêu xuống đẹp, sang lắm, nhưng đôi khi giống cung đình Trung Quốc. Nó không có câu chuyện, không có cái riêng.” Với anh, áo dài phải mang ký ức. “Tôi từng đốt đèn để may, kể lại hết những ngày ở quê – rơm rạ, bù nhìn, cánh đồng lúa, cỏ dại, chim cá, bông lúa trĩu, bát cơm trắng – vào từng đường kim,” anh chia sẻ. “Tôi không chỉ làm áo dài, tôi muốn kể chuyện, muốn mang cả làng quê theo mình.”
![]() |
![]() |
Thiết kế của Lê Thanh Danh tại buổi hòa nhạc Anh Trai "Say Hi" tháng 3/2025 |
Ngày 22/2/2018, anh mang áo dài đến Nhà Trắng trong một sự kiện đón Tết âm lịch. “Tôi hồi hộp lắm, không biết người ta có thích không,” anh kể. “Nhưng họ vỗ tay, tôi thấy nhẹ lòng.” Ngày 2/5/2023, áo dài của anh xuất hiện trong lễ hội tôn vinh di sản châu Á tại NASA. “NASA lạ lắm,” anh cười hồn hậu. “Tôi không nghĩ áo dài lại đứng được ở chỗ khoa học như vậy.” Anh dự định sẽ quay lại NASA, đưa áo dài đến Bảo tàng Da màu Mỹ ở Washington D.C, bởi "thấy áo dài khoác lên người bạn quốc tế, tôi thấy lạ mà vui.”
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Tháng 7/2024, anh làm buổi diễn ở Berlin với hoa hậu doanh nhân và quý bà. “Họ không chuyên nghiệp, nhưng nhiệt tình lắm,” anh cười. “Có người bảo muốn mặc áo dài để giới thiệu quê mình.”
Anh quen thuộc với sân khấu ở Ba Lan, Đức, Nhật, London, thậm chí Fashion Week của người Mỹ gốc Phi. “Không ai nghĩ áo dài hợp chỗ đó, nhưng tôi cứ thử,” anh nói, nụ cười hiền lành ánh lên.
“Quan trọng nhất là thật thà trong cảm xúc,” anh nói. “Tôi không giỏi nói, nhưng muốn áo dài của mình nói thay.” Tôi cảm nhận sự chân chất trong từng lời anh – không khoa trương, chỉ lặng lẽ dệt chuyện quê qua người thợ gặt, qua rơm, lúa, chú chim non.
“Ai mặc áo dài của tôi, tôi muốn họ thấy quê nhà trong đó,” anh nheo mắt cười.
![]() |
![]() |